Nghiên cứu: Lây nhiễm nCoV giảm 95% nếu Trung Quốc can thiệp sớm hơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu Trung Quốc tiến hành ngăn chặn dịch bệnh sớm hơn vài tuần thì thế giới hôm nay sẽ rất khác?

Một nghiên cứu khoa học tiết lộ rằng Trung Quốc có thể đã giảm tỷ lệ nhiễm nCoV tới 95%, nếu chính quyền Bắc Kinh có biện pháp ngăn chặn 3 tuần trước đó.

Nhóm lập bản đồ dân số WorlPop từ Southampton sử dụng các mô phỏng kịch bản khác nhau cho các thành phố Trung Quốc, dựa theo sự di chuyển của con người và nơi khởi phát bệnh.

Can thiệp sớm là quan trọng nhất

Nghiên cứu cho thấy tốc độ can thiệp là yếu tố quan trọng nhất để ngăn chặn lây lan. Nếu một tuần trước đó, Trung Quốc tiến hành xét nghiệm, cách ly và cấm dịch chuyển thì tỷ lệ lây nhiễm có thể đã giảm 66%.

Ngược lại, nghiên cứu cho thấy nếu Bắc Kinh đã trì hoãn tiếp các biện pháp chống dịch sau một, hai hoặc ba tuần, thì số ca nhiễm có thể tăng gấp 3, 7 và 18 lần.

Giáo sư Andrew Tatem nói với báo The Guaridan: "Từ quan điểm khoa học thuần túy, kết hợp các biện pháp can thiệp sớm là cách tốt nhất để làm chậm sự lây lan và giảm quy mô ổ dịch."

Ông nói thêm: "Trong ba loại can thiệp mà chúng tôi đã nghiên cứu, việc phát hiện sớm và cách ly các ca nhiễm bệnh mang lại hiệu quả tốt nhất."

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc cách ly những người nhiễm bệnh và cấm các cuộc tụ họp lớn ​​sẽ có hiệu quả cao hơn so với các hạn chế đi lại.

Thế giới lãng phí 2 tháng

Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien cũng có quan điểm tương tự khi ông cho rằng thế giới đã bị lãng phí 2 tháng vì Trung Quốc che giấu dịch bệnh.

"Có rất nhiều báo cáo từ Trung Quốc cho biết, từ những người dân đến bác sĩ có liên quan đã bị bịt miệng, bị cách ly hoặc những điều gì đó kiểu như vậy, khiến thông tin về virus không được tiết lộ", ông Robert O'Brien nói.

"Nếu Mỹ biết về dịch bệnh và có thể giải mã virus, nhận được sự hợp tác cần thiết từ Trung Quốc, có nhóm chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tới vùng dịch, Mỹ sẽ ngăn chặn được những gì đã xảy ra ở Trung Quốc và hiện nay đang xảy ra trên thế giới", ông O'Brien khẳng định.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đã khắc phục một cách nhanh chóng những gì đã xảy ra ở Trung Quốc và những gì đang xảy ra trên khắp thế giới," ông O'Brien nhấn mạnh.

Lây lan sẽ tiếp tục tăng

Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo rằng số lượng ca nhiễm dịch và tử vong có thể sẽ tăng nhanh trong những tuần tới.

Ông nói với các nhà báo tại một cuộc họp báo ở Geneva: "Trong hai tuần qua, số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần và số lượng các quốc gia bị ảnh hưởng đã tăng gấp 3. Trong những ngày tới, số ca nhiễm, số người chết và số quốc gia bị ảnh hưởng có thể tăng cao hơn nữa."

Dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào đầu tháng 12/2019. Chính quyền Bắc Kinh đã che dấu thông tin khiến dịch bệnh nhanh chóng lan khắp Trung Quốc và thế giới. Đến nay, dịch Covid-19 đã truyền đến hơn 120 quốc gia, khiến hơn 120.000 người nhiễm bệnh và được công bố là “Đại dịch toàn cầu”.

Nguyễn Sơn



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Lây nhiễm nCoV giảm 95% nếu Trung Quốc can thiệp sớm hơn