Làng Eyam (Anh Quốc): Tự cách ly ngăn chặn dịch hạch bùng phát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong trận dịch hạch lịch sử năm 1665-1666 tại London (Anh Quốc), tại ngôi làng nhỏ Eyam, có gia đình mà tất cả 9 thành viên đều tử vong. Ở đó, một khu mộ gia đình - The Riley Graves, là nơi mà người phụ nữ Elizabeth Hancock đã phải tự tay chôn cất chồng mình và 6 người con bị chết bởi trận dịch.

Cách 150 dặm về phía Nam của London, trận dịch hạch kinh hoàng tại ngôi làng xinh đẹp bé nhỏ Eyam ở Derbyshire, quận Peak (Anh Quốc) đã được ấn định vào khoảnh khắc một nhà buôn từ London gửi những mẫu vải có chứa bọ chét mang dịch bệnh đến cho người thợ may của ngôi làng.

Ngôi làng nhỏ bé này có lẽ đã bị lãng quên trong dòng chảy lịch sử của nước Anh. Trước những năm 1660, tên của nó thậm chí còn không được nhắc đến bên cạnh rất nhiều những ngôi làng nằm trên con đường giao thương từ London tới các vùng miền khác. Vậy nhưng từ năm 1665, cái tên "làng Eyam" đã trở thành một trong những địa danh - ngôi làng quan trọng nhất của lịch sử nước này bởi những gì mà người dân nơi đây đã làm để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Các trận dịch hạch gây nên nỗi khiếp sợ ở châu Âu vào thời Trung Cổ, cũng được gọi tên là "Cái Chết Đen". Trong những năm 1346-1353, các trận dịch này đã lấy đi sinh mạng của 100 triệu người ở châu lục này (gần bằng 1/4 dân số của thế giới lúc bấy giờ). Trận dịch hạch lớn cuối cùng xảy ra ở London năm 1965-1966, mặc dù có quy mô nhỏ hơn các trận dịch vào thế kỷ 14 nhưng đã khiến hơn 100.000 người dân London tử vong. Bệnh dịch được gây ra bởi vi khuẩn Yersinia pestis lây truyền từ bọ chét.

Câu chuyện bắt đầu vào cuối tháng 8/1665. Một nhà buôn ở London đã gửi những mẫu vải đến cho người thợ may Alexander Hadfield của làng Eyam. George Viccars - thư ký của người thợ may là người nhận hàng và trở thành nạn nhân đầu tiên của bệnh dịch.

Thấy những tấm vải bị ẩm, Viccars đã cố gắng làm khô chúng bằng cách trải ra phía trước lò sưởi. Người đàn ông không may mắn này đã không nhận ra rằng bọ chét không chỉ sinh sống ở đó mà còn mang virus gây bệnh dịch.

Chỉ sau một vài ngày bị ốm, tới ngày 7/9/1665, George Viccars tử vong. Rất nhanh sau cái chết của ông, hai người con trai của ông là EdwardJonathan Cooper, cùng những người hàng xóm bên cạnh cũng tử vong với các triệu chứng tương tự.

Sự lây nhiễm đã nhanh chóng lan ra khắp làng Eyam trong mùa thu năm 1965, có dấu hiệu giảm đi trong mùa đông và trở lại dữ dội hơn vào mùa xuân và mùa hè năm 1666. Khi lên tới đỉnh điểm vào tháng 8/1666, làng Eyam đã mất 78 người chỉ trong một tháng bởi bệnh dịch.

Những ngôi mộ xung quanh nhà thờ Eyam.
Những ngôi mộ xung quanh nhà thờ Eyam. (Ảnh: It's No Game/Flickr/CC BY 2.0)

Một quyết định quan trọng được ghi vào lịch sử Anh quốc

Sự lo sợ bao trùm ngôi làng Eyam. Ý định đầu tiên của những người dân nơi đây là chạy thoát khỏi làng tới thành phố để tự bảo vệ chính mình. Tuy nhiên, họ đã không lựa chọn như vậy. Khoảng 700 người dân làng Eyam khi đó đã có một quyết định làm nên một sự kiện anh hùng, bi thương trong lịch sử nước Anh.

Những người dân làng đã nghe theo lời khuyên của hai mục sư: William MompessonThomas Stanley. Thay vì chạy trốn đại dịch, họ đã quyết định ở lại ngôi làng của mình nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm tới các ngôi làng xung quanh. Mặc dù có một số người quyết định rời làng nhưng đa phần người dân làng đã tình nguyện ở lại, không rời đi, tự cách ly với các làng và thị trấn lân cận.

Các cổng làng được đóng lại cùng những biểu tượng/ký hiệu để cảnh báo người ngoài không bước vào làng. Họ cũng dựng nên những tảng đá bao quanh khu vực của làng và nhắc nhau rằng không được vượt qua hàng rào ranh giới đó. Với không gian nội bất xuất, ngoại bất nhập này, ngôi làng nhỏ đã tự cắt toàn bộ mọi giao thương, đi lại của người dân với các khu vực xung quanh. Dân làng Eyam, thậm chí cả những người còn đang trong tình trạng khoẻ mạnh, đã nguyện không đi khỏi làng cho đến khi dịch bệnh kết thúc.

Một hòn đá được treo trên cánh cổng làng như một lời cảnh báo người ngoài đừng bước vào làng.
Một hòn đá được treo trên cánh cổng làng như một lời cảnh báo người ngoài đừng bước vào làng. (Ảnh: Rustyruth1959/Flickr/CC BY-NC-ND 2.0)

Dân làng đã nhận đồ ăn và sự giúp đỡ của những người dân từ ngôi làng lân cận. Bức tường đá là nơi cho phép họ nhận các phần thịt, ngũ cốc và các vật phẩm khác từ người dân xung quanh. Đổi lại, họ sẽ để các đồng xu trong các lỗ được khoét trên đá được đổ đầy giấm. Họ tin rằng giấm có thể diệt vi trùng ở đồng tiền, đồng thời giúp hạn chế sự tiếp xúc trao đổi đồ bằng tay.

Người dân làng Eyam để những đồng xu trong các lỗ khoét trên đá chứa đầy giấm để tẩy sạch vi trùng.
Người dân làng Eyam để những đồng xu trong các lỗ khoét trên đá chứa đầy giấm để tẩy sạch vi trùng. (Ảnh: The Roaming Picture Taker/Flickr/CC BY 2.0)

Tự chôn cất và xây mộ cho những người thân của mình

Bên cạnh việc tự cách ly, người dân làng Eyam cũng từng bước thu hẹp sự lây lan của bệnh dịch. Các gia đình được yêu cầu tự chôn cất người thân của mình mất trong trận dịch. Những người còn sống đã thực sự phải trải qua những tháng ngày bi kịch khi phải tự chôn cất lần lượt những người thân trong gia đình. Đôi khi, những thi thể được kéo ra lề đường bằng cách buộc những sợi dây thừng xung quanh chân của người vừa mất nhằm giảm việc tiếp xúc trực tiếp.

Tháng 11/1966, trận dịch đã ngừng lại. Trong 14 tháng kể từ trường hợp đầu tiên tử vong vào tháng 9/1965, đến tháng 11/1966, người dân làng Eyam đã làm được ước nguyện của họ: ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, trận dịch đã lấy đi sinh mạng của 257 người trong tổng số 700 người dân của làng. Có gia đình mà tất cả 9 thành viên đều tử vong và việc chôn cất những người thân xảy ra hàng ngày. Tại khu mộ nhỏ The Riley Graves trong làng, người phụ nữ Elizabeth Hancock đã phải tự tay chôn cất chồng mình và 6 người con bị chết bởi trận dịch.

Khu mộ của gia đình Elizabeth Hancock - nơi chồng bà và 6 người con yên nghỉ.
Khu mộ của gia đình Elizabeth Hancock - nơi chồng bà và 6 người con yên nghỉ. (Ảnh: Rustyruth1959/Flickr/CC BY-NC-ND 2.0)

Làng Eyam được nhắc tới như một tình huống nghiên cứu về dịch tễ học của thế giới

Đại dịch ở London nói chung vào thời điểm đó đã ảnh hưởng đến nhiều nơi ở Anh Quốc. Trong hoàn cảnh đó, không có một ngôi làng hay thị trấn nào hành động như ngôi làng Eyam. Quyết định độc nhất và mang tính quyết định này đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch. Những gì đã xảy ra tại làng Eyam được giới y khoa nhắc đến như một tình huống nghiên cứu (case study) về dịch tễ học và cách ứng phó khi bệnh dịch lan truyền.

Các bác sĩ nhận ra rằng việc sử dụng một khu vực cách ly bắt buộc có thể hạn chế hoặc ngăn chặn sự lây lan của bệnh truyền nhiễm. Trong tình huống dịch bệnh bùng phát, biện pháp cách ly, cô lập khu vực có dịch là cần thiết cho cộng đồng.

Không chỉ vậy, việc người dân Eyam thả những đồng tiền trong những lỗ đá chứa giấm nhằm rửa sạch chúng khi nhận nhu yếu phẩm từ bên ngoài cũng là một bài học được nhắc đến ngày nay về việc khử trùng các thiết bị và quần áo bảo hộ y tế.

Hơn 350 năm đã trôi qua, ngôi làng Eyam lại trở lại yên bình, nhưng lựa chọn và những mất mát của họ khiến chúng ta luôn nhớ về sự quả cảm và thiện niệm của con người trong hoàn cảnh bệnh dịch tăm tối.

Dòng chữ cuối cùng trên tấm biển này ghi: "Mary đã sống sót một mình nhưng đã mất 13 người thân".
Dòng chữ cuối cùng trên tấm biển này ghi: "Mary đã sống sót một mình nhưng đã mất 13 người thân". (Ảnh: Janice Staines/Flickr/CC BY-NC 2.0)

Ngày nay, bạn có thể đến tham quan làng Eyam với những chứng tích của lịch sử. Bạn sẽ bắt gặp những tấm biển màu xanh lá cây có ghi tên của những người đàn ông, phụ nữ và trẻ nhỏ - những người dân từng sống ở ngôi làng này và đã mất bởi trận dịch. Những tảng đá năm xưa là nơi trao đổi vật phẩm cứu trợ vẫn còn tồn tại đến ngày nay và du khách có thể đặt một vài đồng xu vào những chiếc lỗ khoét trên đá để tưởng niệm những người dân Eyam anh hùng.

Quang Huy (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Làng Eyam (Anh Quốc): Tự cách ly ngăn chặn dịch hạch bùng phát