Làm thế nào Trung Quốc khiến các công ty Mỹ phải ‘cúi đầu’ và trở thành những ‘nhà truyền giáo tình nguyện’?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đã cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “đòn bẩy vô song” để đàn áp nhân quyền trong nước, đồng thời lại có thể mở rộng ảnh hưởng quốc tế, khiến các tập đoàn tự kiểm duyệt để bảo vệ mình khỏi sự “hằn học” và đòn trừng phạt của chính quyền này.

Các công ty nước ngoài ‘tự kiểm duyệt’ theo quan điểm ĐCSTQ

Đầu tiên, tổng giám đốc Houston Rockets là Daryl Morey đã tweet và sau đó vào cuối tuần trước, ông đã xóa một bài đăng ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Khi các nhà tài trợ Trung Quốc “ngừng lại”, Hiệp hội Bóng rổ Trung Quốc đình chỉ hợp tác với đội bóng này và “gã khổng lồ” Internet Tencent ngừng phát trực tuyến các trò chơi của Rockets, ông Morey và chủ sở hữu của đội bày tỏ "sự tiếc nuối", trong khi hàng loạt người hâm mộ và chính trị gia đã từ chối giải đấu vì NBA đã tự hạ thấp mình.

Vài ngày sau, Ủy viên Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Adam Silver đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ quyền tự do ngôn luận, và vụ bê bối bắt đầu lắng xuống.

Nhưng hành động hèn nhát, đạo đức giả lớn nhất tuần qua không đến từ NBA. Vào đỉnh điểm của cuộc tranh cãi, một giám đốc tin tức cấp cao của ESPN đã yêu cầu việc đưa tin “tránh mọi cuộc thảo luận chính trị về Trung Quốc và Hong Kong”, theo một bản ghi nhớ bị rò rỉ - một chỉ thị gây sốc cho "câu chuyện thể thao chính trị lớn nhất" năm 2019.

ESPN thậm chí còn phát sóng một bản đồ, trong đó bao gồm Đài Loan là một phần của Trung Quốc và “một đường chấm” để thể hiện các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Julian Ku, một chuyên gia về luật pháp Trung Quốc đã viết: “Tôi thực sự chưa bao giờ nhìn thấy tấm bản đồ đó bên ngoài Trung Quốc. Đó là minh họa rõ ràng nhất về một vấn đề lớn trong quan hệ Mỹ - Trung”.

Các chỉ trích về ĐCSTQ thường tập trung vào việc họ đối xử bất công với các công ty Mỹ trong việc “đòi” chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nhà nước đối với các doanh nghiệp trong nước và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Nhưng Bắc Kinh không chỉ muốn các công ty nước ngoài thúc đẩy lợi ích kinh tế của mình, chính quyền này cũng muốn các công ty thúc đẩy cả chính trị của họ.

Bằng những cách tinh vi và phức tạp, Bắc Kinh thuyết phục, lừa dối và khuyến khích các công ty Mỹ quảng bá các giá trị của ĐCSTQ, che giấu quan điểm của chính quyền này và tự kiểm duyệt về Trung Quốc trong văn hóa doanh nghiệp của họ. Và nếu điều này thành công, như trường hợp với ESPN, công ty này sẽ tăng cường tuyên truyền của ĐCSTQ.

Trấn áp thông tin ‘tiêu cực’ và thúc đẩy thông tin ‘tích cực’

Một cách các công ty Mỹ bảo vệ quan điểm của ĐCSTQ là trấn áp thông tin “tiêu cực”; Morey đã làm điều này khi ông xóa tweet của mình. Cũng vậy, Activision Blizzard, một công ty giải trí của Mỹ đã khiến một game thủ video chuyên nghiệp phải mất 10.000 USD tiền thưởng vì đã hét lên “Giải phóng Hong Kong, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta” trong một cuộc phỏng vấn sau trận đấu.

Thượng nghị sĩ Hawley nói trong một tuyên bố: “Mark Tatum (Phó ủy viên giải đấu NBA) không cam kết bảo vệ nhân viên hoặc các cầu thủ lên tiếng chỉ trích ĐCSTQ công khai" (Ảnh: getty images)
Thượng nghị sĩ Hawley nói trong một tuyên bố: “Mark Tatum (Phó ủy viên giải đấu NBA) không cam kết bảo vệ nhân viên hoặc các cầu thủ lên tiếng chỉ trích ĐCSTQ công khai" (Ảnh: getty images)

Bắc Kinh không muốn làm suy yếu các công ty này hoặc đẩy họ ra khỏi Trung Quốc. Thay vào đó, ĐCSTQ muốn khiến họ tuân theo các quy tắc của mình, cả ở Trung Quốc và toàn cầu. Vào năm ngoái, một nhà ngoại giao Singapore nói với một tờ báo rằng: “Trung Quốc không chỉ muốn bạn tuân theo mong muốn của họ, mà còn muốn bạn "làm những gì họ muốn mà không cần được chỉ bảo".

Mặc dù Tencent sở hữu 5% cổ phần của Activision Blizzard, và chủ sở hữu của ESPN là Disney đã “đồng thuận” ĐCSTQ trong nhiều thập kỷ, có vẻ như không có nguồn tin cụ thể nào từ phía Trung Quốc nói với các công ty này cách hành động hoặc sử dụng bản đồ nào. Các công ty này đã nội bộ hóa các yêu cầu của Bắc Kinh.

Cách khác mà các công ty Mỹ thúc đẩy quan điểm của Trung Quốc là khuếch đại thông tin tích cực. Vào tháng 1 năm 2018, công ty Marriott đã gửi cho khách hàng một cuộc khảo sát trực tuyến về việc đánh giá Hong Kong, Đài Loan, Tây Tạng và Macao là các quốc gia độc lập; và một nhân viên của chuỗi khách sạn có trụ sở tại Hoa Kỳ này đã thích (like) một bài đăng trên Twitter về quốc gia Tây Tạng - một “khu tự trị” bị đàn áp đẫm máu của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã quyết định lấy Marriott “làm gương”. Công ty này đang phát triển mạnh ở Trung Quốc, với hơn 300 khách sạn ở đó, và ĐCSTQ yêu cầu Marriott đóng cửa tất cả các trang web và ứng dụng Trung Quốc của mình trong bảy ngày. Marriott sau đó đã “hối hận”, và ngoan ngoãn trở thành một "cơ quan tuyên truyền" của ĐCSTQ; công ty tuyên bố rằng họ không ủng hộ “các nhóm ly khai phá hoại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.

Sau đó, để khuếch đại sự tích cực, Marriott đã công bố "kế hoạch chấn chỉnh tám điểm" để "lấy lại sự tin tưởng". Theo Hong Kong Free Press, một phần của kế hoạch này bao gồm “mở rộng giáo dục nhân viên trên toàn cầu” - tức là giáo dục nhân viên về tuyên truyền của ĐCSTQ.

Một tuyên bố của Versace trong năm nay thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn. Vào tháng 8/2020, sau khi bị phản đối kịch liệt vì chiếc áo phông ám chỉ “Hong Kong độc lập”, thương hiệu quần áo cao cấp này khẳng định rằng “chúng tôi yêu Trung Quốc và kiên quyết tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của họ”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi đây là “sức mạnh diễn thuyết” - khả năng định hình câu chuyện và “kể tốt câu chuyện của Trung Quốc”. Và các công ty nước ngoài và nhân viên của họ là những người ủy thác tuyệt vời để truyền bá vị thế của Trung Quốc. Nói cách khác, trong khi Hoa Kỳ vượt trội về quyền lực mềm, thì Trung Quốc lại thắng ở thứ mà chúng ta có thể gọi là “quyền lực ủy nhiệm”.

Khi ngôi sao của Houston Rockets, James Harden xin lỗi đội của anh ấy và tuyên bố rằng “chúng tôi yêu Trung Quốc và mọi thứ về họ ở đó”, điều đó mang đến cảm giác chân thành. Mặc dù tình cảm của Harden có thể là chân thành, nhưng tuyên bố ​​của anh ta đã thúc đẩy các mục tiêu tuyên truyền của Bắc Kinh.

ĐCSTQ trừng phạt công ty nước ngoài vì vi phạm các quy tắc... chưa được quy định

Đôi khi, ĐCSTQ trừng phạt một công ty nước ngoài vì vi phạm các quy tắc... chưa được quy định, không ai bận tâm để giải thích cách khắc phục "tội lỗi". Ví dụ, hãng quần áo thể thao Anta của Trung Quốc chỉ đơn giản là hủy bỏ các cuộc đàm phán hợp đồng với NBA vì những lời của giải đấu là “sai”. Để khôi phục vị thế tốt của họ, các giám đốc điều hành NBA phải cầu xin, mà chưa cần sự hướng dẫn tối thiểu nào từ ĐCSTQ.

“NBA đã hợp tác với Trung Quốc trong nhiều năm. Trong lòng họ biết rõ ràng phải nói gì và phải làm gì”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng cho biết tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba (ngày 28/9).

Lần khác, Bắc Kinh có những yêu cầu cụ thể. Vào tháng 7/2018, Trung Quốc đã yêu cầu các hãng hàng không toàn cầu (trong tất cả các thông tin liên lạc của họ) ngừng ám chỉ rằng Đài Loan độc lập với đại lục. Chẳng hạn, một chuyến bay của United Airlines hiện khởi hành từ “San Francisco, CA, US” và hạ cánh “đơn giản” là ở “Đài Bắc”, thủ phủ của Đài Loan.

Hiện tại không có hãng hàng không quốc tế lớn nào “dám” coi Đài Loan là một quốc gia, sẽ rất kinh khủng nếu bất kỳ nhân viên, quảng cáo hoặc chi nhánh nào của họ “nói khác đi”. Tự kiểm duyệt sẽ an toàn hơn nhiều so với rủi ro về một vụ bê bối có thể làm mất doanh thu.

Vào một ngày trong tháng 1/2018, Cục quản lý không gian mạng của Trung Quốc đã “ra lệnh” cho nhà bán lẻ quần áo Zara và công ty thiết bị y tế lớn nhất thế giới, Medtronic, đăng lời xin lỗi trước 6 giờ chiều hôm đó vì đã dán nhãn “Đài Loan” là một quốc gia riêng biệt trên trang web của họ. ĐCSTQ cũng yêu cầu các công ty “tiến hành tự kiểm tra toàn diện” để đảm bảo không có vi phạm nào khác trên trang web của họ. Cả hai công ty đều tuân thủ.

Nó không phải là một hiện tượng mới. Vào năm 1997, James Lilley - đại sứ Mỹ tại Trung Quốc (từ năm 1989 đến năm 1991), nói với nhà báo John Judis rằng : “Nếu bạn muốn giao dịch ở Trung Quốc, bạn sẽ phải hát đúng giai điệu của họ”.

ĐCSTQ ra ‘tối hậu thư’ - Các công ty nước ngoài kinh hoàng

Điều này đã thay đổi kể từ khi ông Tập nắm quyền vào năm 2012, và đặc biệt là trong vài năm qua, Bắc Kinh hiện có sự tự tin và sức mạnh thị trường để đe dọa một cách thuyết phục hơn. Các tối hậu thư của chính quyền này khiến các nhà điều hành công ty nước ngoài phải "kinh hoàng".

Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc vượt 13 nghìn tỷ USD vào năm 2018 - tăng hơn 10 lần so với năm 2000. Hơn nữa, việc tự hạ thấp bản thân ở Trung Quốc có thể mang lại những tổn thất về danh tiếng ở Hoa Kỳ, cho nên các tập đoàn ngày càng chủ động “nói” với một “thông điệp thuận với Bắc Kinh”. Nhờ đó họ tránh bị yêu cầu phải xin lỗi và bị coi là hèn nhát. Không một công ty nào muốn có một “cú hích” như NBA hiện đang nhận được từ các chính trị gia, người phụ trách chuyên mục và người hâm mộ Mỹ.

Bắc Kinh không buộc các công ty phải tự kiểm duyệt, chính quyền này chỉ đơn giản là không thể dung thứ cho những bất đồng chính kiến, ​​hoặc vì ĐCSTQ “quá cứng rắn” nên những lời chỉ trích của họ sẽ phá hủy các công ty này. Đúng hơn, ĐCSTQ làm như vậy bởi vì họ có thể.

Đây là một chiến lược quan hệ công chúng hiệu quả, được mài dũa trong nhiều thập kỷ, đã hợp tác với một số công ty nước ngoài để tạo điều kiện cho việc truyền bá các tuyên truyền của ĐCSTQ. Mặc dù có những rủi ro về việc “chơi quá đà” - ví dụ như vụ bê bối kéo dài của NBA có thể khiến người hâm mộ Trung Quốc không chỉ hướng sự tức giận của họ vào giải đấu mà còn với cả Bắc Kinh.

“Mối liên kết giữa các hoạt động của NBA ở Trung Quốc và vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ thậm chí còn chặt chẽ hơn những gì chúng ta biết trước đây. NBA khấu đầu trước ĐCSTQ vì họ đặt lợi nhuận lên trên cả nhân quyền”, Thượng Nghị sĩ Risk Scott cho biết.

Trong tuyên bố của mình, Ủy viên Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Adam Silver nói: "NBA sẽ không kiểm soát những gì người chơi, nhân viên và chủ sở hữu đội nói hoặc sẽ không nói về những vấn đề này". Nhưng chỉ hai ngày sau, một giám đốc điều hành của Houston Rockets đã “chặn” một phóng viên CNN khi được hỏi về vụ bê bối ở Trung Quốc. “Chúng tôi chỉ trả lời các câu hỏi về bóng rổ”, cô nói.

Đó là sức mạnh diễn ngôn... theo phong cách ĐCSTQ.

Tác giả: Isaac Stone Fish là thành viên cấp cao tại Trung tâm Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc của Hiệp hội Châu Á, một thành viên khách mời tại Quỹ Marshall của Đức.

Trần Đức



BÀI CHỌN LỌC

Làm thế nào Trung Quốc khiến các công ty Mỹ phải ‘cúi đầu’ và trở thành những ‘nhà truyền giáo tình nguyện’?