Kiềm chế Trung Quốc tại Asean, Hoa Kỳ và Nhật Bản thắt chặt quan hệ với các nước khu vực Mekong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phần đất liền của Đông Nam Á, đặc biệt là tiểu vùng Mekong, đã trở thành một mặt trận mới để Mỹ và Nhật “làm mới lại” bằng các cam kết hợp tác, trong bối cảnh Trung Quốc đang gây áp lực nhằm thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) cùng diễn đàn Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) với các nước trong khu vực.

Bước đi bài bản của Trung Quốc nhằm khống chế khu vực MLC

Hợp tác MLC bao gồm sáu quốc gia ven sông Mekong - Lan Thương, tính từ thượng nguồn là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Trung Quốc từ trước tới nay chỉ tham gia ở mức cấp tỉnh trong cơ chế hợp tác tại sông Mekong. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm thành lập, về cơ bản Bắc Kinh đã hoàn thiện giai đoạn định hình hợp tác cấp chính phủ và đang bắt đầu cho triển khai các dự án do Bắc Kinh cấp vốn.

Việc đưa hợp tác MLC ở mức cấp bộ trưởng lên mức cao hơn là họp thượng đỉnh với sự tham gia của người đứng đầu chính phủ các nước, giống như các cơ chế hợp tác của Asean, Apec… làm nảy sinh quan ngại rằng Bắc Kinh đã và đang thể chế hóa cơ chế hợp tác chính thức với 5 năm nước thuộc (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) Asean; và không loại trừ khả năng bào mòn cơ chế hợp tác của Asean, theo giới quan sát.

"Ý nghĩa quan trọng của MLC không chỉ là về đầu tư bởi quy mô vẫn còn nhỏ. MLC là cơ chế hợp tác tại Đông Nam Á đầu tiên được Trung Quốc gây dựng. Một siêu cường đang lên cần đóng vai trò áp đảo tại các cơ chế hợp tác hiện tại hoặc tự tạo ra cơ chế của mình", Nguyễn Khắc Giang - nhà nghiên cứu chính trị tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) viết trong bài “Trung Quốc đang kết bạn ở Mekong”.

Mỹ kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại ASEAN

Sự hiện diện của Mỹ trong khu vực là một yếu tố quan trọng. Mỹ có nhiều lợi thế, không chỉ về sức mạnh quân sự mà cả về sức mạnh kinh tế và quyền lực mềm. Washington đã tăng cường thỏa thuận an ninh với hầu hết các nước Đông Nam Á.

Theo trang tin của Đại sứ quán Mỹ, khu vực này là trọng tâm trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, và là một phần thiết yếu trong hợp tác của Hoa Kỳ với ASEAN.

Thông qua hợp tác với các đối tác Mekong của mình, Hoa Kỳ mong muốn duy trì và thúc đẩy chủ quyền, tính minh bạch, quản trị tốt, lấy ASEAN là trung tâm, và định hình một trật tự dựa trên các quy tắc. Các mối quan hệ của Hoa Kỳ với khu vực Mekong đã được thắt chặt, cụ thể là:

  • Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 3,5 tỷ USD hỗ trợ cho các nước thuộc khu vực Mekong trong hơn 10 năm qua.
  • Đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ trong khu vực đạt 17 tỷ USD vào năm 2017. Thương mại hai chiều đạt mức 109 tỷ USD vào năm 2018.
  • Xuất khẩu của Hoa Kỳ sang các nước Mekong đã tạo ra hơn 1,4 triệu việc làm trong các ngành công nghiệp như điện tử, sản phẩm nông nghiệp, và máy móc, kể từ năm 1999.
  • Có hơn 33.000 sinh viên trong khu vực đã nhập học tại các trường cao đẳng và đại học của Hoa Kỳ trong riêng năm 2018.
  • Hơn 72.000 thanh niên trong khu vực này là thành viên của Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á do Mỹ khởi xướng.
  • Thái Lan là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với mối quan hệ kéo dài đã hai thế kỷ.
  • Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đang ngày càng trở nên quan trọng hơn về mặt chiến lược.

Khu vực Mekong ứng phó tốt hơn với các thách thức từ Trung Quốc

Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) trong một thập niên vừa qua đã giúp các nước khu vực Mekong ứng phó tốt hơn với các thách thức xuyên biên giới (từ Trung Quốc) liên quan đến an ninh nước, thủy điện thông minh, năng lượng và quy hoạch hạ tầng, cũng như giáo dục STEM, mang lại những cải thiện rõ rệt đối với đời sống của người dân trong khu vực Mekong.

  • Giúp cho 340.000 người tiếp cận được với nước uống sạch, 27.000 người được cải thiện vệ sinh;
  • Đào tạo 1.000 giáo viên về giáo trình STEM (để giảng dạy cho khoảng 80.000 học sinh);
  • Phối hợp với Singapore đào tạo cho 1.200 chuyên viên của các quốc gia khu vực Mekong về các vấn đề quản lý liên quan đến tính kết nối và phát triển bền vững, thông qua Chương trình Đào tạo cho Nước thứ ba;
  • Nâng cao trình độ tiếng Anh chuyên ngành cho 3.800 giáo viên và học sinh;
  • Hỗ trợ cho hàng trăm nữ doanh nhân thông qua ba trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp;
  • Diễn tập và trao đổi "Ứng phó Thảm họa Thái Bình Dương" do Lực lượng Công binh Lục quân Hoa Kỳ tổ chức

Cùng với nhóm “Bạn hữu Hạ nguồn Mekong”, Hoa Kỳ cũng đang tăng cường sự phối hợp giữa các nhà tài trợ cùng với Ngân hàng Phát triển Châu Á, Úc, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới nhằm giúp các nước khu vực này ứng phó các thách thức mới, bao gồm sự phụ thuộc vào vay nợ từ Trung Quốc.

Trung Quốc đã thúc đẩy các quốc gia khu vực này xây dựng ồ ạt các đập thủy điện; các kế hoạch mở rộng và nạo vét lòng sông; các cuộc tuần tra trên sông ngoài biên giới; và áp lực trong việc quản trị dòng sông… đã làm suy yếu các thể chế hiện có, khiến các quốc gia này có nguy cơ ngập trong “bẫy nợ” và chịu sự khống chế của chính quyền Trung Quốc.

Tăng cường sự tham gia của Hoa Kỳ

Với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một mặt, Hoa Kỳ tạo ra sân chơi mới, cạnh tranh tự do và cởi mở, không lệ thuộc vào BRI của Trung Quốc, thúc đẩy các quốc gia trong khu vực tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh. Chiến lược này còn tạo cơ hội phát triển hạ tầng, năng lượng và kinh tế cho các nước.

Chính phủ Hoa Kỳ cùng với Nghị viện, dự kiến cung cấp những nguồn lực bổ sung trị giá xấp xỉ 45 triệu USD nhằm tăng cường sự tham gia của Hoa Kỳ trong khu vực Mekong (Ảnh: LILLIAN SUWANRUMPHA/AFP qua Getty Images)
Chính phủ Hoa Kỳ cùng với Nghị viện, dự kiến cung cấp những nguồn lực bổ sung trị giá xấp xỉ 45 triệu USD nhằm tăng cường sự tham gia của Hoa Kỳ trong khu vực Mekong (Ảnh: LILLIAN SUWANRUMPHA/AFP qua Getty Images)

Chính phủ Hoa Kỳ cùng với Nghị viện, dự kiến cung cấp những nguồn lực bổ sung trị giá xấp xỉ 45 triệu USD nhằm tăng cường sự tham gia của Hoa Kỳ trong khu vực Mekong vốn quan trọng về mặt chiến lược này, bao gồm:

  • Đối tác Năng lượng Mekong giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ: 29,5 triệu USD nhằm thúc đẩy và phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững khu vực Mekong.
  • Khoản viện trợ bổ sung trị giá 14 triệu USD cho việc chống tội phạm xuyên quốc gia và buôn lậu ma túy, buôn bán người và động vật hoang dã.
  • Phối hợp với các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Úc, Pháp và Nhật Bản nhằm tiến hành đánh giá an toàn đập cho 55 đập tại Lào.
  • Hỗ trợ cho các dự án điện khí tại Việt Nam, cũng như các dự án điện gió và điện mặt trời.
  • Hợp tác với Hàn Quốc nhằm áp dụng công nghệ vệ tinh để đánh giá chính xác hơn các xu hướng lũ lụt và hạn hán.
  • Hỗ trợ Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Praya-Mekong (ACMECS).

Nhật Bản cùng phối hợp Hoa Kỳ để nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực

Nhật Bản đóng vai trò thiết yếu ở tiểu vùng Mekong từ cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thông qua hỗ trợ phát triển nước ngoài và các tổ chức khu vực như ASEAN và Ngân hàng phát triển châu Á.

  • Chính sách của Nhật Bản đối với khu vực Mekong đã có thay đổi tích cực. Tại hội nghị Bộ trưởng Mekong - Nhật Bản lần thứ 13, chính phủ Nhật Bản cam kết:
  • Tài trợ 56 triệu USD thiết bị y tế và hỗ trợ đào tạo kỹ thuật cho cán bộ y tế các nước Mekong;
  • Cung cấp ít nhất 50 triệu USD nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh;
  • Cung cấp khoản vay Hỗ trợ ứng phó khẩn cấp với khủng hoảng virus Corona Vũ Hán;
  • Triển khai sáng kiến KUSANONE Mekong SDGs với tổng kinh phí là 1 tỷ Yên Nhật "viện trợ không hoàn lại".

Vai trò lâu dài của Nhật Bản trong phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư và hỗ trợ phát triển trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác sâu hơn giữa Tokyo với tiểu vùng này.

Hoa Kỳ và Nhật Bản kiềm chế Trung Quốc ở tiểu vùng sông Mekong

Hoa Kỳ và Nhật Bản xác định mục tiêu chung và cam kết thúc đẩy các mối quan hệ đối tác công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và ổn định nợ.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ và Nhật Bản khẳng định vai trò quan trọng của Đối tác Năng lượng Nhật Bản-Hoa Kỳ-Mekong (JUMPP) trong việc hướng tới thỏa thuận cho Chương trình Nghị sự năm 2030 về các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Với dân số hơn 600 triệu người và GDP danh nghĩa là 2,31 nghìn tỷ USD, ASEAN đang nhanh chóng trở thành một lực lượng kinh tế lớn ở châu Á và là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

Khi nền kinh tế của nước láng giềng là “gã khổng lồ bắt nạt” Trung Quốc đang giảm tốc, song song với việc Mỹ chuyển trọng tâm sang phía Đông, khu vực này ngày càng trở thành điểm đến để đầu tư.

Thủy Tiên



BÀI CHỌN LỌC

Kiềm chế Trung Quốc tại Asean, Hoa Kỳ và Nhật Bản thắt chặt quan hệ với các nước khu vực Mekong