'Không được bán nước Iran, Trung Quốc cút đi': Người Iran phản đối thỏa thuận 25 năm giữa Iran-Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, người dân Iran ở trong nước và quốc tế đã xuống đường để phản đối thỏa thuận hợp tác 25 năm mới được ký kết giữa Iran và Trung Quốc. Ngày 3/4, bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở Vancouver, Canada, những người biểu tình đã cầm những tấm biển ghi “Không được bán nước Iran, Trung Quốc cút đi” và “Không được động đến Iran”.

Ngày 27/3, Ngoại trưởng Iran và Trung Quốc đã ký Thỏa thuận Đối tác Toàn diện Chiến lược kéo dài 25 năm bao gồm các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh giữa hai nước và Trung Quốc sẽ đầu tư 400 tỷ USD vào Iran, theo Đài Truyền hình Toàn cầu CGTV của nhà nước Trung Quốc đưa tin.

Mặc dù các điều khoản và chi tiết của thỏa thuận chưa được công khai, nhưng một bản dự thảo bị rò rỉ được công bố vào tháng 7/2020 cho thấy, Trung Quốc sẽ đầu tư vào hệ thống mạng 5G, năng lượng hạt nhân, cảng và đường sắt của Iran. Đổi lại, Trung Quốc sẽ mua dầu và khí đốt của Iran với giá ưu đãi ổn định trong 25 năm.

Tại cuộc biểu tình ở Vancouver vào ngày 3/4, nhà tổ chức Kei Esmaeilpour, một người nhập cư từ Iran đến Canada năm 2002, cho biết thỏa thuận này không hợp pháp.

Ông Esmaeilpour nói với The Epoch Times: “Dựa trên Hiến pháp của Iran, mọi thỏa thuận hợp đồng hoặc công ước lớn phải được trình bày trước Quốc hội Iran để được phê duyệt trước khi ký kết”. “Thỏa thuận này đã bỏ qua toàn bộ quy định này”

Ông tuyên bố rằng Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã qua mặt chính phủ, và không có thành viên quốc hội nào biết bất cứ điều gì về thỏa thuận.

Iran International đưa tin rằng nhiều người dân Iran, bao gồm một số chính trị gia, đã phản đối sự bí mật xung quanh thỏa thuận và đặt câu hỏi tại sao thỏa thuận không được thảo luận trong Quốc hội trước khi ký kết.

Nhà hoạt động Bahman Roudgar nói với The Epoch Times rằng, nguyên nhân là vì "chính phủ Iran giống như đầy tớ của chính phủ Trung Quốc”.

Ông Roudgar, giám đốc một công ty dịch vụ pháp lý ở Toronto cho biết: “Chính phủ Iran, hiện nay rất yếu, họ sẵn sàng nhượng bộ chỉ để duy trì quyền lực”.

Khi chính phủ Trung Quốc nói: "Không tiết lộ chi tiết của thỏa thuận này", thì tất cả những gì chính phủ Iran làm là ngoan ngoãn nói: "Vâng, thưa ngài".

Vào tháng 2/2020, trong một cuộc họp báo, Đại sứ Trung Quốc tại Iran Chang Hua cho biết, Trung Quốc là quốc gia duy nhất tiếp tục mua dầu từ Iran, bất chấp các lệnh trừng phạt của chính quyền Trump đối với Iran và những quốc gia vi phạm.

Vào ngày 25/3, hai ngày trước khi ký kết thỏa thuận với Trung Quốc, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thông báo về việc chuẩn bị khánh thành đường ống dẫn dầu thô Goureh-Jask, kéo dài từ tỉnh Bushehr ở Tây Nam đến cảng Jask ở Đông Nam Iran. Việc xây dựng hệ thống đường ống dài 1.000 km là để xuất khẩu dầu của Iran từ Vịnh Ba Tư đến Biển Oman, bắt đầu vào cuối tháng 6/2020.

Đường ống này phù hợp với khuôn khổ của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh, một chiến lược đầu tư lớn sẽ mở rộng phạm vi kinh tế và chính trị của Bắc Kinh trên khắp châu Á, châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ. Nó cũng sẽ cho phép chính quyền Trung Quốc phát triển Cảng Jask, một cảng lớn gần cửa eo biển Hormuz, đầu mối xuất khẩu dầu của thế giới. BRI đã bị Hoa Kỳ và các nước khác chỉ trích là một chính sách ngoại giao “bẫy nợ”, khiến các nước đang phát triển phải chịu gánh nặng của những khoản nợ không bền vững.

Thỏa thuận này cũng mang lại cho Trung Quốc một chỗ đứng vững chắc ở Vịnh Ba Tư, làm suy yếu các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Iran, đồng thời cho phép Bắc Kinh có được ảnh hưởng chính trị lớn hơn đối với Iran.

“Nếu Trung Quốc có quyền kiểm soát miền Nam của Iran và Vịnh Ba Tư, chúng tôi tin tưởng rằng họ sẽ sử dụng những khu vực đó như… một pháo đài quân sự, để họ có thể đồn trú binh lính của họ ở miền Nam Iran, xung quanh Vịnh Ba Tư”, ông Roudgar nói.

“Nếu ngày mai họ muốn có bất kỳ hành động xâm lược nào, bất kỳ cuộc tấn công nào, hoặc nếu có chiến tranh trong tương lai, Vịnh Ba Tư sẽ trở thành một căn cứ quân sự cho binh lính Trung Quốc và tàu ngầm, tất cả mọi thứ. Đây là một hình ảnh rất ghê tởm, đáng sợ mà chúng tôi không muốn xảy ra trong khu vực của mình”.

Theo ông Roudgar, một lý do khác khiến người Iran nghĩ rằng chính phủ đã “bán đất nước” cho Trung Quốc liên quan đến việc chính phủ Iran cho Trung Quốc “thuê” các hòn đảo của mình.

Ông nói: “Họ cho thuê các đảo ở Vịnh Ba Tư và cả các hải cảng. Những cảng này thực sự quan trọng và họ đang cho Trung Quốc thuê dài hạn”.

Ông Esmaeilpour cho biết, các quốc gia như Zimbabwe, Campuchia và Sri Lanka đã ký hợp đồng với Trung Quốc để Trung Quốc đầu tư nhưng kết cục cuối cùng không là gì ngoài việc họ bị mắc nợ nhiều hơn”, ông nói.

Một bản kiến ​​nghị bằng tiếng Ba Tư “Ngừng bán nước Iran cho Trung Quốc” đăng trên change.org đã nhận được 103.000 chữ ký tính đến ngày 8/4, đang tiến đến mục tiêu 150.000 chữ ký.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

'Không được bán nước Iran, Trung Quốc cút đi': Người Iran phản đối thỏa thuận 25 năm giữa Iran-Trung Quốc