Kế hoạch của ĐCS Trung Quốc để đánh bại Mỹ: Bất chấp thao túng cả bầu cử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một học giả tuyên bố: “Dù bạn có bao nhiêu quyền lực đi chăng nữa thì đó cũng chẳng là gì nếu bạn không dám sử dụng nó. Chủ tịch Tập dám sử dụng nó. [Chính quyền của ông Tập] có quyền lực, dám sử dụng quyền lực đó, và tất cả mọi đòn công kích của họ đều khiến phía bên kia đổ máu”.

Một giáo sư hàng đầu của Trung Quốc - đồng thời là cố vấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - đã vạch ra một kế hoạch toàn diện để chế độ độc tài này vượt qua Hoa Kỳ và trở thành siêu cường số một của thế giới.

Chiến lược đa hướng của vị giáo sư bao gồm một loạt các hành động ác ý nhằm lật đổ Hoa Kỳ trong khi củng cố cho chế độ Trung Quốc. Các hành động này bao gồm việc can thiệp vào các cuộc bầu cử và kiểm soát thị trường của Hoa Kỳ, nuôi dưỡng kẻ thù toàn cầu để thách thức Hoa Kỳ, đánh cắp công nghệ Mỹ, mở rộng lãnh thổ Trung Quốc và gây ảnh hưởng đến các tổ chức quốc tế.

Giáo sư và phó hiệu trưởng Kim Sáng Vinh của Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, đã giải thích về kế hoạch này trong một bài phát biểu vào tháng 7/2016 về “Triết lý chiến lược Trung - Mỹ”. Ông đã công bố bài phát biểu trong hai ngày trọn vẹn tại Southern Club Hotel Business Class ở thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc. Gần đây, báo The Epoch Times đã cho đăng tải lại nội dung của bài phát biểu này.

Ông Kim nói: “Chúng ta muốn trở thành nhà lãnh đạo thế giới”. Đây là lời giải thích của ông về nguyện vọng "trẻ hóa quốc gia" đối với Trung Quốc của nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.

Được cư dân mạng Trung Quốc mệnh danh là “thầy giáo quốc dân”, ông Kim là một học giả nổi tiếng, được biết đến với những hùng biện chống Mỹ kịch liệt . Ông là cố vấn cho một số tổ chức của ĐCSTQ, bao gồm cả hai cơ quan quyền lực là Ban Tổ chức và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, mặc dù không rõ mức độ thân thiết của ông Jin với ông Tập.

Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Chính sách Công Gerald Ford thuộc Đại học Michigan, vào năm 2003 và 2007.

Màn hình tiêu đề của chương trình tuyên truyền có tên “Cách Tập Cận Bình dẫn dắt trận chiến COVID-19 của Trung Quốc”, từ kho lưu trữ CGTN được xem khi nó phát trên màn hình máy tính ở London, vào ngày 4/2/2021. (Leon Neal / Getty Images)
Màn hình tiêu đề của chương trình tuyên truyền có tên “Cách Tập Cận Bình dẫn dắt trận chiến COVID-19 của Trung Quốc”, từ kho lưu trữ CGTN được xem khi nó phát trên màn hình máy tính ở London, vào ngày 4/2/2021. (Leon Neal / Getty Images)

Khiến Hoa Kỳ suy yếu

Chiến lược lật đổ Hoa Kỳ của ĐCSTQ có 2 phần chính: làm suy yếu nước Mỹ thông qua các nguồn bên trong và bên ngoài; cùng với việc củng cố sức mạnh kinh tế, quân sự và ngoại giao của chế độ Trung Quốc.

Sử dụng phép ẩn dụ về một công ty để minh họa sự năng động của Hoa Kỳ - Trung Quốc, ông Kim đã ví Hoa Kỳ như một chủ tịch công ty và Trung Quốc giống như một phó chủ tịch muốn giành được công việc hàng đầu.

Ông nói: “Hoa Kỳ là một người đàn ông trung niên đẹp trai, có năng lực và được sự ủng hộ của hầu hết các nhân viên".

Ông tiếp tục: “[Muốn thay thế], trước tiên chúng ta cần tạo điều kiện để Hoa Kỳ dễ dàng mắc sai lầm hơn. Thứ hai, chúng ta nên làm cho họ bận rộn nhất có thể [khi đối phó với các vấn đề], đến mức họ sẽ cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc. Thứ ba, chúng ta nên gắn bó với Hoa Kỳ, để nước này không thể tấn công chúng ta".

Vị giáo sư cho biết, ĐCSTQ đang nghĩ ra nhiều cách để làm suy yếu Hoa Kỳ, điều mà ông mô tả là một nhiệm vụ “rất khó khăn”. Ông đưa ra 4 chiến thuật thực tế.

Thao túng bầu cử Hoa Kỳ

Ông Kim đề xuất, ĐCSTQ nên can thiệp vào các cuộc bầu cử của Hoa Kỳ để đưa các ứng cử viên thân Bắc Kinh lên nắm quyền. Ông đánh giá, các cuộc đua giành ghế trong Hạ viện là một mục tiêu dễ dàng.

Vị giáo sư nói: “Chính phủ Trung Quốc muốn thu xếp các khoản đầu tư của Trung Quốc vào từng khu vực hành chính [của Mỹ] để kiểm soát hàng nghìn cử tri ở mỗi quận".

Ông nhấn mạnh, với dân số Hoa Kỳ vào khoảng 312 triệu dân trên 435 quận hành chính vào thời điểm đó, sẽ có khoảng 750.000 cư dân sống ở mỗi quận.

Ông giải thích: “Tỷ lệ bỏ phiếu ở Hoa Kỳ là khoảng 30%, có nghĩa là khoảng 200.000 cư dân trong mỗi quận hành chính sẽ bỏ phiếu cho dân biểu trong quận đó. Thông thường, số phiếu chênh lệch giữa hai ứng viên là từ 10.000 phiếu trở xuống. Nếu có trong tay hàng nghìn phiếu bầu, Trung Quốc sẽ là ông chủ của các ứng cử viên”.

Ông Kim cho biết, tham vọng của Trung Quốc là ít nhất kiểm soát được Hạ viện Mỹ.

Đề cập đến ủy ban giám sát cơ quan lập pháp bù nhìn của ĐCSTQ, ông nói: "Kịch bản tốt nhất là Trung Quốc có thể mua Hoa Kỳ và thay đổi Hạ viện Hoa Kỳ thành Ủy ban Thường vụ thứ hai của Đại hội Nhân dân Toàn quốc".

Kiểm soát thị trường Hoa Kỳ

Tăng cường đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ là một cách khác để tạo sự ảnh hưởng trong hệ thống chính trị của nước này, ông Kim nhận định. Ông còn nhấn mạnh, chiến thuật này có thêm lợi ích là làm giàu cho giới doanh nhân Trung Quốc và cho cả ĐCSTQ.

Một tàu container cập cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, vào ngày 17/5/2019. (STR / AFP / Getty Images)
Một tàu container cập cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, vào ngày 17/5/2019. (STR / AFP / Getty Images)

Ông nói: “Cơ hội đầu tư vào Hoa Kỳ là tương đối tốt. Thị trường Hoa Kỳ rộng mở — cởi mở hơn so với thị trường Nhật Bản và châu Âu”. Vị giáo sư nói thêm rằng, điểm mạnh của thị trường Mỹ bao gồm quy mô, tính minh bạch và tính ổn định.

Phó hiệu trưởng Kim cho biết, chính quyền Trung Quốc muốn các doanh nhân Trung Quốc kiểm soát thị trường Hoa Kỳ và phát triển công việc kinh doanh của họ ở nước này.

Để đạt được mục tiêu này, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng đàm phán với Washington về Hiệp ước Đầu tư Song phương Hoa Kỳ - Trung Quốc (BIT). Thỏa thuận đã được đàm phán tích cực trong thập kỷ trước năm 2017, nhưng không nằm trong chương trình nghị sự dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.

Một số công ty Hoa Kỳ muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc, trong khi Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Trung Quốc đã ủng hộ việc ký kết BIT.

Nuôi dưỡng kẻ thù của Hoa Kỳ

Ông Kim cho biết, “nhiệm vụ chiến lược” của ĐCSTQ là đảm bảo Hoa Kỳ có không dưới 4 kẻ thù. Đó là số lượng cần thiết để kéo dài nguồn lực của Hoa Kỳ trong khi khiến chính phủ sa lầy trong các cuộc tranh luận trong nước về mối đe dọa nào cần ưu tiên, ông nhận định.

Tàu ngầm hạt nhân Dmitrij Donskoj của Nga đi theo Cầu Vành đai Lớn giữa Jyutland và Fun qua vùng biển Đan Mạch, gần Korsor, vào ngày 21/7/2017, trên đường đến Saint Petersburg để tham gia lễ kỷ niệm 100 năm Hải quân Nga, được tổ chức vào 29/7 - 30/7. (MICHAEL BAGER / AFP qua Getty Images)
Tàu ngầm hạt nhân Dmitrij Donskoj của Nga đi theo Cầu Vành đai Lớn giữa Jyutland và Fun qua vùng biển Đan Mạch, gần Korsor, vào ngày 21/7/2017, trên đường đến Saint Petersburg để tham gia lễ kỷ niệm 100 năm Hải quân Nga, được tổ chức vào 29/7 - 30/7. (MICHAEL BAGER / AFP qua Getty Images)

Ví dụ, trước Thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ có 2 đối thủ là Đức Quốc xã và Liên Xô.

Ông nói: “Người Mỹ đã tranh luận nhiều lần về việc ai là mối đe dọa thực sự. Nếu Hoa Kỳ có 4 kẻ thù, họ sẽ hoàn toàn mất phương hướng".

Phân tích tình hình tính đến năm 2016, ông Kim kết luận rằng Hoa Kỳ chỉ có 3 kẻ thù: “Chủ nghĩa khủng bố chắc chắn là kẻ thù của Hoa Kỳ. Nga có vẻ giống như một kẻ thù khác… Chắc chắn, Hoa Kỳ coi chúng ta [Trung Quốc] như một đối thủ cạnh tranh… Như thế chưa đủ".

Vị giáo sư nói rằng trong vài năm qua, ĐCSTQ đã cố gắng biến Brazil trở thành đối thủ của Hoa Kỳ, nhưng không thành công vì Brazil “không muốn được cải thiện”.

Ông khẳng định, ĐCSTQ đã đầu tư rất nhiều vào Brazil trong nỗ lực thu hút sự ủng hộ về các vấn đề toàn cầu, bao gồm cả lập trường chống lại Hoa Kỳ. Ông Tập đã đến thăm Brazil vào năm 2014 và đồng ý đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở khu vực phía tây của đất nước này, cũng như một tuyến đường sắt nối các cảng ở Brazil và Peru.

Ông cho biết, chính quyền Trung Quốc đã từ bỏ cách tiếp cận này và đang cố gắng tìm kiếm một ứng cử viên mới để phát triển thành một đối thủ của Hoa Kỳ.

Gây ra các vấn đề quốc tế cho Hoa Kỳ

Giáo sư Kim nhận định chế độ Trung Quốc có lợi thế chiến lược, do Hoa Kỳ đóng vai trò là cảnh sát toàn cầu: Bất cứ khi nào có khủng hoảng trên thế giới, Hoa Kỳ có nghĩa vụ can thiệp để duy trì sự ổn định toàn cầu, do đó, sẽ làm tiêu hao nguồn lực của Hoa Kỳ và chuyển dời sự chú ý khỏi Trung Quốc.

Lấy ví dụ, ông trích dẫn các cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq, với mô tả chúng là những nỗ lực “hoàn toàn không có giá trị chiến lược” khiến Hoa Kỳ mất đi “6 nghìn tỷ USD và sinh mạng của 10.000 binh sĩ”.

Kết quả là Hoa Kỳ đã “lãng phí 10 năm” mà không nhận thức được sự phát triển của Trung Quốc và “để Trung Quốc phát triển lớn mạnh”, ông tuyên bố.

Một chiến thuật khả thi khác là bán trái phiếu ngân khố Hoa Kỳ nắm giữ của ĐCSTQ để gây ra một cuộc khủng hoảng nợ, ông đề xuất. Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Trung Quốc hiện nắm giữ gần 1,1 nghìn tỷ USD chứng khoán trong ngân khố Hoa Kỳ.

Cuối cùng, tham gia vào các cuộc đàm phán kéo dài là một chiến lược hiệu quả để Hoa Kỳ sa lầy trong khi cho chính quyền Trung Quốc thêm thời gian để tập trung vào việc tự phát triển, theo giáo sư Kim. Trong các cuộc đàm phán kiểu này, Hoa Kỳ sẽ không thực hiện các hành động trừng phạt đối với ĐCSTQ như các biện pháp cấm vận và thay vào đó, tập trung sức lực vào việc chuẩn bị và thực hiện các cuộc thảo luận.

Trong khi đó, thực tế là chế độ Trung Quốc không có ý định đàm phán một cách thiện chí, mà chỉ lợi dụng khoảng hở trong suốt quá trình đàm phán để củng cố quyền lực của mình ở cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc.

Cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ là ông Matthew Pottinger vào tháng Hai năm nay đã cảnh báo về “cạm bẫy đàm phán” của ĐCSTQ. Ông cho biết, nhiều năm liên tiếp diễn ra các cuộc đối thoại chính thức giữa hai bên, chẳng hạn như “Đối thoại Kinh tế Chiến lược”, đã cho phép chế độ độc tài này “rút lui” và tiếp tục các cuộc tấn công kinh tế vào Hoa Kỳ mà không bị trừng phạt.

Gia cường cho chế độ ĐCSTQ

Ông Kim cho biết, chế độ Trung Quốc đã phụ thuộc rất nhiều vào thương mại và đầu tư của Hoa Kỳ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của họ trong 4 thập kỷ qua. Ông nêu bật 4 cách tiếp cận để mở rộng quyền lực kinh tế và chính trị của ĐCSTQ ở trong và ngoài nước.

Máy bay phản lực chở khách cỡ lớn tự phát triển đầu tiên của Trung Quốc, C919, được giới thiệu sau khi rời dây chuyền sản xuất tại Công ty Sản xuất Máy bay Thượng Hải ở Thượng Hải vào ngày 2/11/2015. (VCG / VCG qua Getty Images)
Máy bay phản lực chở khách cỡ lớn tự phát triển đầu tiên của Trung Quốc, C919, được giới thiệu sau khi rời dây chuyền sản xuất tại Công ty Sản xuất Máy bay Thượng Hải ở Thượng Hải vào ngày 2/11/2015. (VCG / VCG qua Getty Images)

1 - ĐCSTQ đánh cắp công nghệ của Hoa Kỳ

Vị giáo sư thừa nhận rằng, ĐCSTQ đã phụ thuộc vào công nghệ bị đánh cắp của Hoa Kỳ để thúc đẩy sự phát triển của chế độ này.

Ông Kim nói: “Ngành công nghiệp của Trung Quốc có sản lượng lớn, nhưng thiếu một số công nghệ nhất định. Trong 30 năm qua, chúng ta đã mua công nghệ, 46% trong số đó là từ Đức. Nhưng Hoa Kỳ có công nghệ tốt nhất, nhưng họ lại không bán cho chúng ta. Người Mỹ nghĩ rằng tin tặc Trung Quốc đánh cắp rất nhiều thứ của họ. Điều này rất có thể đúng”.

Vị giáo sư cho biết, những công nghệ trọng yếu của máy bay chiến đấu J-20 và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 của Trung Quốc đã được lấy cắp từ Hoa Kỳ.

Chế độ Trung Quốc cũng khao khát có được công nghệ vũ trụ của Hoa Kỳ.

Vào tháng 6/2016, tên lửa Trường Chinh 7 của Trung Quốc đã gửi một vệ tinh dọn sạch mảnh vỡ quỹ đạo tên là Aolong-1 lên vũ trụ. Bắc Kinh tuyên bố Aolong-1 chỉ có nhiệm vụ mang các mảnh vỡ không gian trở lại Trái Đất, nhưng ông Kim nhận định vệ tinh này có một sứ mệnh khác.

Ông nói: “Hoa Kỳ khẳng định vệ tinh [Aolong-1] đang thu thập các vệ tinh của Mỹ [từ không gian] và đưa chúng trở lại Trung Quốc. Chúng tôi có thể tháo rời các vệ tinh của [Hoa Kỳ] và lắp ráp lại thành các vệ tinh của Trung Quốc”.

2 - Mở rộng lãnh thổ của ĐCSTQ

Giáo sư Kim tin rằng chế độ Trung Quốc sẽ chiếm được toàn bộ khu vực Biển Đông và Đài Loan trong tương lai gần.

ĐCSTQ tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp phán quyết năm 2016 của một tòa án quốc tế cho rằng yêu sách lãnh thổ của họ là bất hợp pháp. Các quốc gia Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng đã đưa các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực này. Là nơi có ngư trường phong phú và các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị tiềm năng, Biển Đông cũng là một trong những tuyến vận tải biển chính của thế giới.

Bức ảnh ngày 17/4/2019 này cho thấy địa điểm xây dựng trên đất khai hoang như một phần của dự án do Trung Quốc tài trợ cho Thành phố Cảng bên cạnh Colombo. - Khi hoàn thành, Thành phố Cảng sẽ tăng gấp đôi quy mô của Colombo một cách hiệu quả và là một phần của quần thể lấp lánh những hòn đảo mới do Trung Quốc tài trợ cùng với một quần đảo nhân tạo ngoài khơi Malaysia và một đô thị tương lai được quy hoạch liền kề với Manila. (LAKRUWAN WANNIARACHCHI / AFP qua Getty Images)
Bức ảnh ngày 17/4/2019 này cho thấy địa điểm xây dựng trên đất khai hoang như một phần của dự án do Trung Quốc tài trợ cho Thành phố Cảng bên cạnh Colombo. - Khi hoàn thành, Thành phố Cảng sẽ tăng gấp đôi quy mô của Colombo một cách hiệu quả và là một phần của quần thể lấp lánh những hòn đảo mới do Trung Quốc tài trợ cùng với một quần đảo nhân tạo ngoài khơi Malaysia và một đô thị tương lai được quy hoạch liền kề với Manila. (LAKRUWAN WANNIARACHCHI / AFP qua Getty Images)

Bắc Kinh đã tìm cách củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình trên các tuyến đường thủy chiến lược, bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo trong khu vực và xây dựng các tiền đồn quân sự trên đó.

Ông Kim dẫn chứng: “Trong một năm rưỡi [vào năm 2013 và 2014, dưới sự quản lý của ông Tập], Trung Quốc đã tạo ra hơn 3.200 mẫu (khoảng gần 13km vuông) lãnh thổ. Bốn quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác chỉ tạo ra 100 mẫu (khoảng 400m vuông) trong 45 năm".

Ông dự đoán, ĐCSTQ sẽ còn tiếp tục tạo ra nhiều đảo nhân tạo hơn nữa ở Biển Đông.

Vị giáo sư cũng khoe khoang về thành công của chế độ trong việc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012, với sự giúp đỡ của các tàu đánh cá và tàu tuần duyên của Trung Quốc.

Ông Kim nói: “Ngay cả khi Philippines muốn Hoa Kỳ tiếp quản các bãi đá ngầm [ở Biển Đông], Hoa Kỳ cũng không thể bảo vệ chúng. Nếu Hoa Kỳ đóng một tàu sân bay ở đó, Trung Quốc có thể chỉ cần gửi 2.000 tàu đánh cá và bao vây tàu sân bay. Tàu sân bay không dám bắn vào tàu đánh cá”.

Trong mối quan hệ với Đài Loan, ĐCSTQ có nhiều cách hơn để đưa hòn đảo dân chủ vào tầm kiểm soát của mình, ông Kim khẳng định. Chế độ Trung Quốc luôn coi quốc đảo tự trị này là một phần lãnh thổ của mình, và đã thề sẽ đưa Đài Loan về dưới trướng bằng vũ lực nếu cần thiết.

Ví dụ, ĐCSTQ có thể mua chuộc các chính trị gia Đài Loan, cấm thương mại và du lịch từ Trung Quốc, thuyết phục một số quốc gia còn lại công nhận việc ngoại giao với Đài Loan có thể chuyển sang Trung Quốc, ngăn cản Đài Loan tham gia vào các tổ chức và cuộc họp quốc tế, và ám sát một số người Đài Loan để gây lo sợ cho dân chúng của quốc đảo này.

3 - Tạo dựng tầm ảnh hưởng của ĐCSTQ toàn cầu bằng các dự án hàng đầu

Theo ông Kim, chiến lược toàn cầu của ông Tập nhằm củng cố quyền lực toàn cầu của ĐCSTQ có 2 trụ cột chính: Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) và Khu vực Thương mại Tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

Sáng kiến BRI còn được gọi là "một vành đai, một con đường", là một chiến lược đầu tư toàn cầu quy mô lớn do ĐCSTQ bắt đầu vào năm 2013 nhằm tăng cường sức ảnh hưởng trong kinh tế và chính trị của mình trên khắp châu Á, châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ. Dự án liên quan đến việc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên ở các quốc gia trên thế giới. Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã chỉ trích chiến lược BRI này như một ví dụ về ngoại giao “bẫy nợ”, vì nó tạo gánh nặng cho các quốc gia đang phát triển với những khoản nợ không bền vững, trong khi cho phép chế độ này xuất khẩu công nghệ và mô hình quản trị của mình ra nước ngoài.

Phó hiệu trưởng Kim khẳng định: “Mục đích cuối cùng của BRI là hợp tác với cường quốc công nghiệp Đức. Sau đó, sẽ không còn vị trí cho Hoa Kỳ trên sân chơi công nghiệp của thế giới".

Tương tự, ông Kim cho biết FTAAP - đề xuất thương mại tự do giữa 21 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, cũng sẽ mở ra một đường dẫn để nâng tầm ảnh hưởng của ĐCSTQ trong khu vực này.

Vị giáo sư cũng tin rằng, các quốc gia nhận các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Mới do Trung Quốc hậu thuẫn và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á sau đó sẽ phải nghe lời chế độ ĐCSTQ.

Ông nói: “Chúng ta đang xây dựng vòng kết nối bạn bè trên toàn thế giới. Chúng ta sẽ hùng mạnh hơn Hoa Kỳ với nhiều đồng minh hơn. Sau đó, chúng ta có thể nói với Hoa Kỳ rằng chúng ta là đại diện duy nhất của thế giới".

4 - Tác động của ĐCSTQ đến các tổ chức quốc tế

Ông Kim cũng giải thích kế hoạch của ĐCSTQ nhằm gây tác động lớn hơn đến các cơ quan toàn cầu như Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Interpol, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ủy ban Olympic Quốc tế và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Mục tiêu của chế độ Trung Quốc là để “tất cả các tổ chức quốc tế này chịu sự kiểm soát của Trung Quốc”.

Vị giáo sư nói: “Chúng tôi có thể chỉ định một người nói tiếng Trung [và người đại diện cho Trung Quốc] làm lãnh đạo của họ".

Khuất Đông Túc - ứng cử viên đứng đầu Tổ chức Nông lương của Trung Quốc - phát biểu trước các thành viên và đại biểu của FAO trong cuộc họp toàn thể cho cuộc bầu cử tổng giám đốc, tại Rome vào ngày 22/6/2019. (Vincenzo Pinto / AFP qua Getty Images)
Khuất Đông Túc - ứng cử viên đứng đầu Tổ chức Nông lương của Trung Quốc - phát biểu trước các thành viên và đại biểu của FAO trong cuộc họp toàn thể cho cuộc bầu cử tổng giám đốc, tại Rome vào ngày 22/6/2019. (Vincenzo Pinto / AFP qua Getty Images)

Trong bài phát biểu của mình, ông Kim nhấn mạnh rằng tham vọng của ông Tập không giống với những người tiền nhiệm. Các nhà lãnh đạo trước đây của ĐCSTQ, chẳng hạn như Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đã làm việc chăm chỉ để phát triển quyền lực của chế độ nhưng không dám sử dụng nó, vị giáo sư nhận định.

Ông nói: “Dù bạn có bao nhiêu quyền lực đi chăng nữa thì đó cũng chẳng là gì nếu bạn không dám sử dụng nó. Chủ tịch Tập dám sử dụng nó. [Chính quyền của ông Tập] có quyền lực, dám sử dụng quyền lực đó, và tất cả mọi đòn công kích của họ đều khiến phía bên kia đổ máu”.

Tuy nhiên, tham vọng của ông Tập không thể được tiết lộ với thế giới bên ngoài, vị giáo sư nói.

Khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, ông đã thúc giục đất nước hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa”. Điều đó có nghĩa là trở thành một quốc gia “khá giả” vào năm 2021 và một nước “xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và hiện đại” vào năm 2049.

Ông Kim đánh giá, mục tiêu thực sự của ông Tập là thay thế Hoa Kỳ để trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới vào năm 2049.

“Bộ Ngoại giao [Trung Quốc] liên tục nói [tại các cuộc họp báo] rằng, Trung Quốc yêu hòa bình. Nhưng không có phóng viên nào tại các cuộc họp báo tin vào điều này”, vị giáo sư kết luận.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Kế hoạch của ĐCS Trung Quốc để đánh bại Mỹ: Bất chấp thao túng cả bầu cử