Italia sẽ xem xét lại 'Sáng kiến Vành đai và Con đường' với chế độ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết tại hội nghị thượng đỉnh G-7 rằng Ý đang đánh giá lại các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nước này một cách “thận trọng”. Đây là động thái dịch chuyển khỏi các chính sách thân Bắc Kinh của chính phủ trước.

Trong hội nghị thượng đỉnh này, ông Draghi bày tỏ quan ngại về chế độ ĐCSTQ.

"Đó là một chế độ chuyên quyền không tuân thủ các quy tắc đa phương và không có cùng tầm nhìn về thế giới mà các nền dân chủ có", ông nói trong một cuộc họp báo trong hội nghị thượng đỉnh G-7 vào ngày 13/06.

Tuy ông Draghi thừa nhận tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, nhưng ông nhấn mạnh sự khác biệt giữa chế độ Trung Quốc và phương Tây.

“Chúng ta cũng cần thẳng thắn về những điều mà mình không chia sẻ và không chấp nhận. Tổng thống Mỹ nói rằng im lặng là đồng lõa”, ông nói.

Khi được hỏi về sự tham gia của Italia vào Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) gây tranh cãi của Bắc Kinh, ông Draghi ám chỉ rằng sáng kiến ​​đầu tư của Trung Quốc sẽ được các quan chức nước này đánh giá lại.

“Về thỏa thuận cụ thể đó, chúng tôi sẽ đánh giá kỹ lưỡng”, ông nói.

BRI là một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ đô la nhằm mục đích tăng cường ảnh hưởng của chế độ ĐCSTQ thông qua các liên kết thương mại toàn cầu và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng vốn gây áp lực buộc các nước tham gia phải vay nợ lớn.

Italia ủng hộ sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng toàn cầu mới của G-7, được gọi là sáng kiến Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn, nó còn có tên là B3W. Sáng kiến này được lập ra để cạnh tranh với sáng kiến BRI có ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ tại các nước đang phát triển. Sáng kiến trị giá hơn 40 nghìn tỷ đô la này sẽ đầu tư vào cảng, đường sá và các cơ sở hạ tầng khác ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên toàn thế giới.

Ý là quốc gia G-7 đầu tiên tham gia BRI với chữ ký trực tiếp của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, động thái vốn chống lại khuyến nghị của Hoa Kỳ và các thành viên G-7 khác. Cựu Thủ tướng Giuseppe Conte đã ký một bản ghi nhớ BRI trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập vào tháng 3 năm 2019.

Chính phủ Draghi đang thực hiện các biện pháp cẩn trọng để đối phó với Trung Quốc. Vào tháng 3 năm 2021, vị thủ tướng này đã ký sắc lệnh ngăn công ty viễn thông Ý Fastweb ký hợp đồng với Huawei và ZTE vốn có quan hệ với quân đội Trung Quốc.

Nhà Trắng cho biết vào ngày 12/6 rằng trong cuộc họp vào cuối hội nghị thượng đỉnh G-7, ông Draghi đã đồng ý hợp tác với ông Biden "về các thách thức toàn cầu" và hai nước "chia sẻ các ưu tiên chính sách đối ngoại, bao gồm Trung Quốc, Nga và Libya".

Trong thông cáo hôm 13/6, các thành viên của G-7 gồm Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức, Ý, Pháp và Nhật Bản - đã kêu gọi chế độ Trung Quốc “tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản” ở Tân Cương và Hồng Kông. Nhóm còn kêu gọi chính quyền Trung Quốc hợp tác trong việc điều tra về nguồn gốc của COVID-19, đồng thời cam kết sẽ ngăn chặn “các chính sách và hành vi phi thị trường” của Bắc Kinh.

Nhiều quốc gia EU đang xem xét lại mối quan hệ của mình với Trung Quốc. Gần đây Nghị viện châu Âu đã đóng băng một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh sau bảy năm đàm phán giữa hai bên.

Minh Dũng

Theo Epoch Times Tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Italia sẽ xem xét lại 'Sáng kiến Vành đai và Con đường' với chế độ Trung Quốc