HSBC bị chỉ trích từ mọi phía vì ủng hộ luật an ninh quốc gia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các giám đốc điều hành của các công ty đa quốc gia đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến về tình hình của HSBC. Ai mà biết được khi nào công ty của họ sẽ rơi vào tình cảnh tương tự như HSBC.

Các giám đốc điều hành của các công ty đa quốc gia đang theo dõi chặt chẽ những thay đổi về tình hình của HSBC. Ai mà biết được khi nào công ty của họ sẽ rơi vào tình cảnh tương tự của HSBC.

Không tính Standard Chartered, thì HSBC (Hong Kong Shanghai Bank Corporation - Tập đoàn Ngân hàng Thượng Hải Hong Kong) có trụ sở tại London là đại diện và là một trong những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất trong ngành công nghiệp tài chính Hong Kong. Không thể tránh khỏi phải tham gia vào chính trị, HSBC gần đây đã buộc phải ủng hộ luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt đối với Hong Kong.

Sự ủng hộ của HSBC đã bị chỉ trích dữ dội từ mọi phía. Chính phủ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh chỉ trích ngân hàng này vì đã hỗ trợ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vi phạm quyền tự trị của Hong Kong. Còn ĐCSTQ thì chỉ trích ngân hàng này vì sự hỗ trợ miễn cưỡng và chậm trễ cũng như hợp tác với Hoa Kỳ.

Đây là một tình huống thực sự không có lợi cho một tập đoàn muốn có thị phần lớn trong thị trường Trung Quốc đại lục.

Con đường không thể tránh khỏi

Trong nhiều năm, HSBC đã tuân theo chiến thuật truyền thống của các công ty lớn, đó là nói về chính trị ít nhất có thể. Một cách không công khai, các giám đốc điều hành đảm bảo lợi ích song hành cùng giới chức chính phủ.

Nhưng chiến thuật đó không thể được tuân theo trong bối cảnh hiện tại. Các ngân hàng do Đại lục kiểm soát hoạt động tại Hong Kong đã yêu cầu nhân viên của họ ký tên thỉnh nguyện ủng hộ luật an ninh của Trung Quốc.

Hôm thứ Ba (9/6) Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói quyết định của HSBC là sự "khúm núm toàn diện". Các chính trị gia Anh, đặc biệt là nghị sĩ Tory, cũng đã chỉ trích động thái của HSBC.

Cũng cần lưu ý rằng HSBC chỉ là một trong những quân cờ trong cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington cũng như Bắc Kinh và London. ĐCSTQ tất nhiên sẽ dùng HSBC ở Trung Quốc đại lục làm quân cờ trong đàm phán để giành lấy việc xây dựng 5G ở Anh cho Huawei. Công bằng mà nói, HSBC không có cơ hội trong cuộc chiến này.

Tuy nhiên, tình huống vô vọng này là do ngân hàng tự chuốc lấy...

Cách đây nhiều năm, HSBC đã quyết định "đánh cược tất cả" vào Hong Kong và Trung Quốc để tăng doanh thu. Khoảng 15 năm trước, doanh thu của HSBC là từ nhiều khu vực, trong đó doanh thu từ châu Âu là lớn nhất, tiếp theo là Bắc Mỹ và châu Á, theo nghiên cứu của Financial Times.

HSBC cũng có nhượng quyền thương mại ở Nam Mỹ. Có thể nói, thời gian đó, HSBC là một ngân hàng toàn cầu thực sự. Tính đến năm ngoái, doanh thu ở khu vực châu Á, phần lớn là từ Trung Quốc, chiếm hơn 50% doanh thu của ngân hàng, tiếp theo là châu Âu. Sự hiện diện của HSBC ở Bắc và Nam Mỹ đã giảm mạnh.

"Không an toàn"

Nhưng việc phụ thuộc của HSBC vào ĐCSTQ có lẽ chưa được đền đáp.

Bắc Kinh coi HSBC là kẻ thù vì đã hợp tác với chính phủ Hoa Kỳ trong vụ kiện Mạnh Vãn Châu. Cuộc điều tra nội bộ của ngân hàng về vụ CFO của Huawei bị phát hiện có các thỏa thuận với Iran, cuối cùng đã dẫn đến vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu.

Các công tố viên Hoa Kỳ cáo buộc rằng Mạnh Vãn Châu đã lừa HSBC và các ngân hàng khác bằng cách nguỵ tạo mối quan hệ của Huawei với một số công ty được thành lập để kinh doanh ở Iran. Hành động này được coi là vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Hiện tại, ĐCSTQ cáo buộc rằng HSBC có thể đã đặt bẫy để Mạnh Vãn Châu bị bắt, theo một thông cáo trên Global Times (Thời báo Hoàn cầu), một cơ quan ngôn luận bằng tiếng Anh của ĐCSTQ. Trong thông cáo này, nếu những lời buộc tội đó là đúng, thì HSBC đang "không an toàn" và có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt theo luật pháp Trung Quốc.

Những gì diễn ra không quan trọng đối với các công tố viên Trung Quốc đại lục. Nhưng các nhà lãnh đạo của các công ty, tập đoàn phải hiểu rằng ĐCSTQ sẽ tìm cách trừng phạt bất kỳ tập đoàn hay cá nhân nào mà họ muốn, ngay cả những người đã đóng góp rất nhiều cho Bắc Kinh.

Điều này cho thấy rõ sự thất thường của chính phủ Trung Quốc và sự thiếu công bằng trong tư pháp của Trung Quốc sẽ mang đến những rủi ro lớn cho các công ty đa quốc gia đang kinh doanh tại Trung Quốc.

Câu chuyện của HSBC chính là một cảnh báo cho các công ty, tập đoàn đa quốc gia.

Nguyễn Minh

Theo The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

HSBC bị chỉ trích từ mọi phía vì ủng hộ luật an ninh quốc gia