Họp ngoại giao Mỹ - Trung: Xoa dịu căng thẳng hay tranh cãi gay gắt?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuộc họp mặt cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc, thay vì xoa dịu căng thẳng như mục đích ban đầu của cuộc họp, các quan chức cấp cao của 2 siêu cường thế giới lại liên tục chỉ trích lẫn nhau.

Ngày 18/3 đánh dấu cuộc họp mặt cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo của tân chính quyền Biden của Mỹ - cường quốc dẫn đầu chủ nghĩa tự do của thế giới, với Trung Quốc - quốc gia mạnh nhất của phe chủ nghĩa cộng sản, theo Reuters. Cuộc họp tại Anchorage, Alaska, Mỹ, mở đầu với sự trao đổi gay gắt khi đôi bên chỉ trích các chính sách của đối phương, dù cho mục đích của cuộc gặp là để xoa dịu những căng thẳng trong mối quan hệ giữa 2 siêu cường hàng đầu này.

Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thẳng thắn bày tỏ những động thái của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khiến chính quyền Washington phải lên án. Các vấn đề này bao gồm các cuộc tấn công mạng liên tiếp, hành vi đàn áp tại Hong Kong, Tân Cương, những đe dọa đối với Đài Loan và những áp bức thương mại lên các đồng minh của Mỹ từ phía Bắc Kinh, theo Reuters.

Báo Wall Street Journal đã trích dẫn lời ông Blinken rằng, những hoạt động này "đe dọa đến trật tự dựa trên quy tắc duy trì sự ổn định toàn cầu".

Để đáp trả, nhà ngoại giao cấp cao của ĐCSTQ là ông Dương Khiết Trì lên án các bất cập về nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ, đồng thời kêu gọi cường quốc số 1 thế giới ngừng áp đặt lý tưởng của mình lên phần còn lại của thế giới, báo New York Post đưa tin.

Trong bài phát biểu dài 15 phút, ông Dương tuyên bố: "Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không đại diện cho tiếng nói của cộng đồng quốc tế hay cho thế giới phương Tây".

Ông chỉ trích: "Hoa Kỳ sử dụng lực lượng quân sự và quyền bá chủ tài chính của mình để thực hiện quyền tài phán dài hạn và đàn áp các quốc gia khác. Nước này lạm dụng cái gọi là quan niệm về an ninh quốc gia để cản trở trao đổi thương mại bình thường và kích động một số quốc gia tấn công Trung Quốc".

Trước lời cáo buộc này, ông Blinken thừa nhận nước Mỹ không phải một quốc gia "hoàn hảo", nhưng chí ít Hoa Kỳ luôn cởi mở về các vấn đề trong nước cũng như cách thức để giải quyết chúng, theo Wall Street Journal.

Theo thông lệ, cuộc họp báo trước truyền thông sẽ chỉ kéo dài vài phút và mang tính giới thiệu cho một sự kiện trọng đại. Tuy nhiên, cuộc họp hy hữu này đã kéo dài hơn một giờ đồng hồ, với đại diện song phương liên tục lời qua tiếng lại khi các phóng viên được nhanh chóng đưa ra khỏi phòng.

Trước đó, chính quyền ông Biden đã lên kế hoạch cho cuộc họp kéo dài 2 ngày này, với mục đích tìm kiềm tiếng nói chung trong mối quan hệ với ĐCSTQ, sau giai đoạn căng thẳng và rạn nứt đặc biệt sâu sắc dưới thời Tổng thống Trump.

Trao đổi với một cố vấn vào tuần trước, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói rằng ông “sẽ không bao giờ” tổ chức họp mặt với ĐCSTQ ở Anchorage, Alaska, giống như cuộc họp mà chính quyền ông Biden lên kế hoạch, theo The Epoch Times. Thay vào đó, ông sẽ yêu cầu các quan chức Trung Quốc đến Washington.

Trả lời phỏng vấn trên Newsmax hôm 14/3, cố vấn của cựu Tổng thống là ông Jason Miller nhận định: “Việc ông Joe Biden để cho nhóm của mình họp mặt ở Anchorage chứ không phải ở Washington cho thấy, ông ấy đang cố tỏ ra tôn trọng người Trung Quốc. Ông ấy đã đầu hàng Trung Quốc".

Tiểu bang Alaska là khu vực địa lý nằm giữa lục địa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Du Miên



BÀI CHỌN LỌC

Họp ngoại giao Mỹ - Trung: Xoa dịu căng thẳng hay tranh cãi gay gắt?