Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay có gì đáng chú ý?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 5/5, Hội nghị thượng đỉnh G7 đã đưa ra một thông cáo, nhất trí lên án mối đe dọa, hành vi bắt nạt và hành vi xâm phạm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Nga, công khai ủng hộ Đài Loan tham gia diễn đàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại hội đồng Y tế Thế giới, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình hình trên eo biển Đài Loan.

Khối G7 được thành lập vào năm 1975 và là diễn đàn của 7 Đại cường quốc công nghiệp phát triển trên thế giới, bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada và Italy. Hội nghị ngoại trưởng năm nay được tổ chức tại London, đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của ngoại trưởng 7 nước trong hơn 2 năm. Hội nghị kêu gọi các nước thành viên cần chung tay thực hiện các hành động khẩn cấp để ứng phó với các mối đe dọa toàn cầu khẩn cấp nhất, bao gồm Trung Quốc (ĐCSTQ), Nga và đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

Sau khi cuộc họp của các ngoại trưởng kết thúc, khối G7 đã công bố bản thông cáo G7 dài 12.400 chữ. Thông cáo nói rằng, Nga đang cố gắng phá hoại hệ thống dân chủ và đe dọa Ukraine, còn chính quyền ĐCSTQ thì có hành vi vi phạm nhân quyền và lợi dụng ảnh hưởng kinh tế của họ để bắt nạt các nước khác.

G7 tuyên bố sẽ tăng cường các hành động tập thể, nhằm ngăn chặn "chính sách kinh tế cưỡng bức" của Trung Quốc (ĐCSTQ) và chống lại các thông tin sai lệch ở Nga. Động thái này được coi là một trong những hành động tạo ra một liên minh rộng lớn hơn G7.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói: “Tôi cho rằng, (Trung Quốc) cần nhìn vào gương, và cần phải xem xét đến những ý kiến ​​(đối lập) ngày càng nhiều, cũng như suy nghĩ về việc bản thân phải tuân thủ các quy tắc quốc tế cơ bản này, thay vì phản ứng một cách giận dữ”.

Khi nói về Trung Quốc, các ngoại trưởng của G7 nói rằng: "Đối mặt với chính sách và cách làm kinh tế mang tính độc đoán và ức hiếp, chúng tôi sẽ nhất trí hợp tác, thúc đẩy phục hồi nền kinh tế toàn cầu".

Các thành viên G7 lần đầu tiên sát cánh cùng Mỹ về vấn đề ở eo biển Đài Loan

"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, đồng thời khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề ở eo biển", thông cáo của G7 cho biết. "Chúng tôi nhắc lại rằng, chúng tôi kịch liệt phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm leo thang căng thẳng, gây mất ổn định khu vực và phá vỡ trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các báo cáo về quân sự hóa, ép buộc và đe dọa trong khu vực này”.

Mặc dù không phải tất cả các nước thành viên G7 đều có cùng quan điểm về vấn đề Đài Loan độc lập, nhưng tất cả 7 nước đều bày tỏ ủng hộ Đài Loan tham gia diễn đàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại hội đồng Y tế Thế giới.

Chính quyền ĐCSTQ phản đối Đài Loan gia nhập bất kỳ tổ chức quốc tế nào.

G7 ủng hộ mạnh mẽ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc tiến hành điều tra độc lập đối với Tân Cương

G7 cũng thúc giục Trung Quốc "thực hiện các hành động có trách nhiệm liên quan đến Internet", bao gồm tránh đánh cắp tài sản trí tuệ; chấm dứt các hoạt động "phá hoại" thương mại tự do; và chấm dứt vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng ở Tân Cương.

Các ngoại trưởng của G7 cho biết, họ ủng hộ "mạnh mẽ" việc Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc tiến vào Tân Cương “một cách độc lập và không chịu hạn chế". Cho đến nay, Văn phòng này vẫn bị ĐCSTQ cản trở và không thể tiến hành điều tra ở Tân Cương. Thông cáo còn nhấn mạnh rằng, các nước thành viên cần sử dụng cách làm của riêng mình để giải quyết vấn đề cưỡng bức lao động ở Tân Cương - đây là một cáo buộc chính đối với chính quyền ĐCSTQ ở Tân Cương.

Mặc dù ngôn từ trong thông cáo về phần Trung Quốc có sắc bén, nhưng các ngoại trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh về biến đổi khí hậu và sức khỏe toàn cầu.

G7 bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hành vi không thích đáng của Nga

Về vấn đề Nga, G7 nhất trí bày tỏ ủng hộ đối với Ukraine, nhưng gần như không đưa ra bất kỳ đề xuất cụ thể nào.

Thông cáo của G7 cho biết: "Chúng tôi vô cùng lo ngại trước những hành vi tiêu cực vô trách nhiệm và phá vỡ ổn định của Nga", bao gồm việc Nga tập kết quân đội quy mô lớn tại biên giới Ukraine và sáp nhập bất hợp pháp Crimea, cũng như các hoạt động ác ý nhằm phá hoại hệ thống dân chủ của các nước khác và lan truyền thông tin sai lệch.

Mai Hạ

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay có gì đáng chú ý?