Học giả Trung Quốc: Thỏa thuận khí hậu là cơ hội để Bắc Kinh mở rộng sức mạnh toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một học giả nổi tiếng của Trung Quốc cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi vấn đề biến đổi khí hậu là cơ hội để mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. 

Giáo sư Địch Đông Thăng, Phó hiệu trưởng Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân Dân Bắc Kinh, đã viết trong trên blog của ông ngày 27/4, rằng chương trình giảm khí thải toàn cầu không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn có “ý nghĩa chính trị” đối với Bắc Kinh.

“Điều này có thể giúp chúng ta điều chỉnh và kiểm soát môi trường xã hội, chính trị và kinh tế,” ông Địch nói.

Giáo sư cho rằng, chính quyền Trung Quốc hiện tại cần đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết biến đổi khí hậu toàn cầu. Do sự rạn nứt ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và các cường quốc phương Tây về một loạt các vấn đề, thì "vấn đề khí hậu về cơ bản là chủ đề tích cực duy nhất mà Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu có thể đàm phán hòa bình”.

Năm ngoái, vị giáo sư này đã bị tai tiếng khi thay mặt Bắc Kinh chỉ trích tờ Wall Street chi phối lâu dài nền chính trị Mỹ. Theo tiểu sử đăng trên mạng, ông Địch đã làm việc với nhiều cơ quan khác nhau của ĐCSTQ, bao gồm Bộ ngoại giao, cơ quan Kế hoạch nhà nước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.

Vấn đề khí hậu là một trong số ít các vấn đề mà Hoa Kỳ và chính quyền TQ có thể cùng nhau giải quyết, ngay cả khi mối quan hệ của họ trong những lĩnh vực khác đã bị rạn nứt trong những năm gần đây.

Kể từ thời chính quyền Trump, Hoa Kỳ đã dần củng cố lập trường cứng rắn chống lại ĐCSTQ trên một số lĩnh vực, từ ngược đãi nhân quyền nghiêm trọng cho đến trộm cắp tràn lan tài sản trí tuệ nước ngoài. Mặc dù cam kết tiếp tục phương pháp tiếp cận cứng rắn này của chính quyền tiền nhiệm, nhưng chính quyền ông Biden cũng cho biết, họ sẵn sàng hợp tác vì những lợi ích chung như biến đổi khí hậu.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, lần đầu tiên xuất hiện với Tổng thống Joe Biden trong hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu vào tháng trước, cho biết nước này sẽ “hạn chế nghiêm ngặt” việc gia tăng tiêu thụ than trong 5 năm tới và giảm dần trong 5 năm tiếp theo.

Hiện nay, Trung Quốc là nước sử dụng than lớn nhất thế giới. Vào năm 2020, đã đưa hơn 38,4 gigawatt (GW) công suất nhiệt điện than mới vào hoạt động, gấp hơn ba lần công suất được xây dựng ở những nơi khác. Dự kiến ​​sẽ có thêm 247 GW điện than - gần gấp sáu lần toàn bộ công suất nhiệt điện than của Đức.

Một báo cáo gần đây cho thấy, nước này cũng là quốc gia thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, chiếm hơn 27% tổng lượng khí thải toàn cầu. Vào năm 2019, lượng khí thải của Trung Quốc vượt quá mức của Hoa Kỳ và các nước phát triển khác cộng lại. Năm 2020, theo số liệu chính thức, khoảng 61% tổng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc là từ than.

Tại hội nghị thượng đỉnh, ông Tập Cận bình lặp lại cam kết từ năm ngoái là đạt mức thải ròng bằng 0 vào năm 2060 và đạt mức thải cao nhất vào năm 2030. Tuy nhiên, với lịch sử lâu dài không thực hiện cam kết của Bắc Kinh, các nhà lập pháp và chuyên gia nghi ngờ về việc họ sẽ thực hiện tốt các điều khoản của Thỏa thuận khí hậu Paris.

Một công nhân Trung Quốc đi giữa hàng mô-đun năng lượng mặt trời của dự án điện quang điện trên lưới 100 MW mới được lắp đặt ở Đôn Hoàng thuộc tỉnh Cam Túc phía tây bắc Trung Quốc vào ngày 21/7/2010. (Feng Li / Getty Images)

Hưởng lợi

Mặc dù bản thân ông Địch hoài nghi thuyết “hiện tượng nóng lên toàn cầu là do con người tạo ra”, gọi đó là “lý thuyết sai lầm”, nhưng ông vẫn tin rằng Bắc Kinh nên nắm bắt cơ hội mà chương trình khí hậu đưa ra để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ xanh.

Làm như vậy, chính quyền hiện tại sẽ đạt được lợi ích kinh tế bằng cách thúc đẩy xuất khẩu công nghệ sạch trên toàn thế giới, đồng thời cũng thu được lợi ích chính trị bằng cách trở thành quốc gia đặt ra "tiêu chuẩn xanh cho các vấn đề phát triển toàn cầu", ông nói.

Giáo sư cho biết, Vương quốc Anh đã dẫn đầu cuộc cách mạng năng lượng đầu tiên trên thế giới thông qua việc sử dụng than đá. Sau đó, Hoa Kỳ đã đi tiên phong trong cuộc cách mạng năng lượng thứ hai nhờ dầu khí. Giờ đây, theo ông Địch, Trung Quốc có thể là nước đi đầu trong cuộc cách mạng năng lượng lần thứ ba dựa trên năng lượng sạch và “hướng sự phát triển của nhân loại theo đường hướng mới”.

“Trong vòng 10 năm ngắn ngủi, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đánh bại các đối tác châu Âu về năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Trong hai lĩnh vực này, năng lực sản xuất của Trung Quốc chiếm hơn 60% tổng năng lực của thế giới", ông nói thêm.

Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc là nhà sản xuất tua-bin gió và tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự vươn lên dẫn đầu trong các ngành năng lượng sạch được thúc đẩy bởi một loạt các hành vi thương mại không công bằng đã giúp các công ty Trung Quốc thống trị các đối thủ nước ngoài trên thị trường quốc tế.

Ví dụ, theo một báo cáo năm 2020 của Tổ chức Công nghệ Thông tin & Thông tin có trụ sở tại Washington (ITIF), đối với điện mặt trời, trợ cấp của chính phủ đã đóng vai trò quan trọng trợ giúp các công ty Trung Quốc thống trị thị trường toàn cầu trong những năm 2010. Các công ty Trung Quốc bán phá giá các tấm pin mặt trời trên toàn thế giới, gây tổn thất cho ngành công nghiệp pin năng lượng mặt trời ở Hoa Kỳ và các nước khác. Mặc dù đã áp thuế chống bán phá giá đối với các tấm pin năng lượng mặt trời do chính phủ Trung Quốc trợ cấp vào năm 2012, Hoa Kỳ vẫn không thể cứu vãn phần lớn ngành công nghiệp trong nước

Trung Quốc là nước “đi đầu trong việc đánh cắp các công nghệ sạch của nước ngoài, gây áp lực buộc các công ty này phải chuyển giao công nghệ, đồng thời trợ cấp ồ ạt cho các công ty công nghệ sạch kém sáng tạo hơn ở trong nước”, ông Robert Atkinson, chủ tịch ITIF cho biết tại một cuộc thảo luận vào ngày 19/4/2021.

Ông Địch cũng đề xuất rằng, chính quyền Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách để khuyến khích các công ty Trung Quốc chuyển đổi sang năng lượng sạch vì hầu hết các doanh nghiệp ở nước này là những tác nhân gây ô nhiễm hàng loạt và lãng phí năng lượng. Như vậy sẽ khiến lượng khí thải giảm đáng kể, nâng cao uy tín của chính phủ trên trường quốc tế.

Người dân chịu thiệt thòi

Tuy nhiên, theo ông Địch, việc truy cầu chuyển đổi năng lượng sạch của Trung Quốc sẽ khiến người dân nghèo trên toàn đất nước gặp nhiều khó khăn.

Một bộ phận lớn người dân Trung Quốc không “được” sưởi ấm vào mùa đông. Toàn bộ miền Nam của Trung Quốc không được trang bị hệ thống lò sưởi trung tâm. Hàng trăm triệu người Trung Quốc không đủ tiền mua thiết bị sưởi ấm tư nhân buộc phải chịu đựng mùa đông trong giá rét.

Nếu chính phủ cố gắng cắt giảm lượng khí thải, ông Địch lo ngại rằng, “giấc mơ” được sưởi ấm vào mùa đông sẽ phải còn rất lâu nữa mới trở thành hiện thực đối với rất nhiều người dân.

Ông Địch hồi tưởng về quê hương mình ở thành phố Khải Đông, tỉnh Giang Tô, thuộc miền Đông Trung Quốc, nơi người dân phải trải qua mùa đông băng giá với nhiệt độ trung bình 0 độ C mà không có lò sưởi. Khải Đông nằm ở cửa sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc chảy qua miền Trung Nam của đất nước. Ông Địch cho biết, hầu hết người dân ở khu vực sông Dương Tử không thể trang bị hệ thống lò sưởi riêng, nhưng chính phủ chưa đủ điều kiện trang bị hệ thống lò sưởi trung tâm ở khu vực này.

Bảo Vân

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Học giả Trung Quốc: Thỏa thuận khí hậu là cơ hội để Bắc Kinh mở rộng sức mạnh toàn cầu