Hoa Kỳ lên án việc Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Pompeo nói rằng Hoa Kỳ 'sẽ tiếp tục sát cánh với những người yêu tự do ở Hong Kong'.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), sau khi chính quyền này thông qua quyết định áp dụng luật an ninh quốc gia hà khắc với Hong Kong. Lời cảnh báo cho biết, Hoa Kỳ “sẽ không ngồi yên nhìn Trung Quốc nuốt chửng Hong Kong”.

Trong thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 30/6, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói: “Ngày hôm nay đánh dấu một ngày buồn cho Hong Kong và cho những người khao khát tự do trên khắp Trung Quốc”.

Ông Pompeo nhận định: “Hong Kong đã chứng minh cho thế giới thấy những gì một dân tộc Trung Quốc tự do có thể đạt được, [đó là] một trong những nền kinh tế thành công nhất và xã hội sôi động nhất thế giới. Tuy nhiên, chứng hoang tưởng và nỗi sợ hãi của Bắc Kinh đối với khát vọng này từ người dân, đã khiến chính quyền này hủy hoại đi chính nền tảng dẫn đến sự thành công của thành phố này, biến mô hình ‘một quốc gia, hai chế độ’ thành một quốc gia, một chế độ'”.

“Một quốc gia, hai chế độ”, là một mô hình mà ĐCSTQ hứa sẽ tuân thủ, để bảo đảm quyền tự trị của Hong Kong khi thành phố này được Anh chuyển giao chủ quyền lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Luật an ninh quốc gia đã có hiệu lực vào lúc 11 giờ (theo giờ địa phương) vào ngày 30/6, sau buổi bỏ phiếu theo hình thức cùng ngày của cơ quan lập pháp Trung Quốc là Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (NPC).

Luật này cho phép khởi tố đối với các cá nhân có bất kỳ hành vi nào liên quan đến các âm mưu lật đổ, ly khai, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài, với hình phạt tối đa là tù chung thân.

Cảnh sát chống bạo động (trái) hướng bình xịt hơi cay về phía các nhà báo (phải) khi những người biểu tình tập trung trong một cuộc biểu tình chống lại luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong vào ngày 1/7/2020, nhân kỷ niệm 23 năm ngày thành phố bàn giao từ Anh sang Trung Quốc. (Ảnh của DALE DE LA REY / AFP qua Getty Images)
Cảnh sát chống bạo động (trái) hướng bình xịt hơi cay về phía các nhà báo (phải) khi những người biểu tình tập trung trong một cuộc biểu tình chống lại luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong vào ngày 1/7/2020, nhân kỷ niệm 23 năm ngày thành phố bàn giao từ Anh sang Trung Quốc. (Ảnh của DALE DE LA REY / AFP qua Getty Images)

Trong số các điều khoản khác nhau của bộ luật này, ĐCSTQ có thẩm quyền tối cao đối với các trường hợp vi phạm an ninh quốc gia, và sẽ thành lập một văn phòng an ninh để hướng dẫn cũng như giám sát chính quyền Hong Kong trong việc áp dụng bộ luật này tại đặc khu hành chính.

Việc thông qua luật này đã ngay lập tức thu hút sự chỉ trích từ phía ủng hộ dân chủ ở Hong Kong. Nhà lập pháp Tanya Chan coi bộ luật này như một tờ “giấy báo tử” đối với hệ thống “một quốc gia, hai chế độ”.

Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối động thái này của ĐCSTQ, với những lời chỉ trích đến từ hơn 27 quốc gia, cũng như Đài Loan và Liên minh châu Âu EU. Nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng lên tiếng chỉ trích quyết định này. Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ là bà Nancy Pelosi nói rằng việc áp dụng điều luật an ninh quốc gia tại Hong Kong được thông qua đã “báo hiệu cái chết của [mô hình] ‘một quốc gia, hai chế độ’”.

Trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh, hành động ban hành luật an ninh quốc gia của ĐCSTQ “một lần nữa chứng minh rằng, các cam kết của Bắc Kinh - trong trường hợp này là bản Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984 và Luật cơ bản - chỉ là những [lời hứa] sáo rỗng”. Tuyên bố chung Trung - Anh là bản hiệp ước bàn giao Hong Kong vào năm 1997, trong đó có điều khoản yêu cầu ĐCSTQ đảm bảo cho người dân Hong Kong 50 năm tự do.

Ông Pompeo nói, “Hoa Kỳ sẽ không đứng yên trong khi Trung Quốc ‘nuốt chửng’ Hong Kong vào thể chế chuyên quyền của [ĐCSTQ]. Ông cũng cho biết thêm rằng Hoa Kỳ đã thực hiện một số hành động để đáp trả, bao gồm việc áp đặt các hạn chế thị thực đối với các quan chức của ĐCSTQ làm xói mòn nền tự do dân chủ của Hong Kong, thu hồi các ưu đãi thương mại đặc biệt đối với Hong Kong, cũng như áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với đặc khu này tương tự như với các thành phố khác của Trung Quốc đối với các công nghệ quốc phòng và sử dụng kép của Mỹ.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là bà Morgan Ortagus nói trên Twitter rằng các hạn chế về thị thực cũng sẽ nhắm vào các quan chức ĐCSTQ đứng đằng sau động thái này.

Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục sát cánh với những người yêu tự do ở Hong Kong và đáp trả các cuộc tấn công của Bắc Kinh tới quyền tự do ngôn luận, báo chí và hội họp, cũng như điều luật này”.

Ngày 1/7, Trưởng đặc khu Hong Kong là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho biết, việc thông qua luật an ninh quốc gia là “một quyết định thiết yếu và kịp thời để khôi phục sự ổn định ở Hong Kong”.

Đoàn người biểu tình ủng hộ dân chủ đang tuần hành trong một cuộc biểu tình chống lại luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong vào ngày 1/7/2020. (Dale de la Rey / AFP qua Getty Images)
Đoàn người biểu tình ủng hộ dân chủ đang tuần hành trong một cuộc biểu tình chống lại luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong vào ngày 1/7/2020. (Dale de la Rey / AFP qua Getty Images)

Bắt đầu từ tháng 6/2019, hàng triệu người đã xuống đường tham gia các cuộc biểu tình rầm rộ để phản đối dự luật dẫn độ (hiện đã bị loại bỏ hoàn toàn). Các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại Hong Kong vào đầu ngày 1/7, với khoảng một chục thành viên của đảng dân chủ Liên minh Dân chủ Xã hội diễu hành ở Wan Chai. Đoàn biểu tình hô to các khẩu hiệu như “Đấu tranh chống lại Luật pháp An ninh Quốc gia Ma quỷ”, kèm các biểu ngữ với dòng chữ “kết thúc chế độ độc tài độc đảng”.

Trong một thông cáo báo chí, Liên đoàn Dân chủ Xã hội cho biết, luật an ninh quốc gia đã “tước đi quyền tự do của người Hong Kong” và “giẫm đạp lên các quyền dân sự được nêu trong Luật cơ bản”.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ lên án việc Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong