Hoa Kỳ hoãn công bố báo cáo về Hồng Kông, quan ngại đối với các hành động của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc leo thang các cuộc tấn công vào những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông trước thềm cuộc họp chính trị quan trọng ở Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã quyết định lùi thời gian báo cáo lên Quốc hội về việc đánh giá quyền tự trị của đặc khu hành chính này.

Việc trì hoãn này nhằm mục đích để Hoa Kỳ có thêm thời gian quan sát các động thái của Bắc Kinh trước thềm phiên họp ‘Lưỡng Hội’ sắp tới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bao gồm cả “các quyết định sẽ làm suy yếu quyền tự chủ của người Hồng Kông”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phát biểu trong một cuộc họp báo vào thứ Tư, ngày 6/5.

Cuộc họp thường niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được tổ chức vào ngày 21 và 22/5 nhằm thảo luận về các chính sách trong tương lai. Cuộc họp này đã bị hoãn lại một lần do ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, được Tổng thống Donald Trump ký thông qua năm 2019, yêu cầu hàng năm Hoa Kỳ sẽ có báo cáo đánh giá mức độ tự trị và tình hình đảm bảo nhân quyền của Hồng Kông.

Anh đã bàn giao chủ quyền đối với Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, với việc Bắc Kinh phải cam kết đảm bảo quyền tự trị lãnh thổ và các quyền tự do thiết yếu của Hồng Kông. Tuy nhiên, quan ngại của quốc tế đã gia tăng khi các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra vào tháng 6/2019 để phản đối việc chính quyền Hồng Kông dự kiến áp dụng dự luật dẫn độ, cho phép xét xử tội phạm tại tòa án Trung Quốc Đại Lục.

Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông năm 2019 yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các cơ quan khác tiến hành đánh giá hàng năm để xác định xem những thay đổi về địa vị chính trị của Hồng Kông (mối quan hệ với Trung Quốc đại lục) có biện minh cho việc thay đổi quan hệ thương mại thuận lợi, độc đáo giữa Hoa Kỳ và Hồng Kông hay không, Điều này có thể giúp khu tự trị này duy trì vị thế là một trung tâm tài chính quốc tế quan trọng nhất.

Đạo luật này quy định các biện pháp trừng phạt bao gồm cấm visa và đóng băng tài sản của các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông, những người bị phát hiện vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông.

Đạo luật cũng yêu cầu chính phủ Mỹ áp đặt các biện pháp chế tài với các quan chức Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông chịu trách nhiệm cho việc dẫn độ bất kỳ cá nhân nào tại Hồng Kông sang Đại Lục, cũng như những người chịu trách nhiệm cho việc “giam giữ tùy tiện, tra tấn, hoặc ép cung” hay ‘‘hủy hoại’’ ‘‘các quyền tự do căn bản’’ của người Hồng Kông. Các biện pháp này có thể bao gồm việc cấm những cá nhân này (cùng thân nhân) nhập cảnh Mỹ, thu hồi thị thực đã cấp, đóng băng tài sản của họ ở Mỹ… Đạo luật cũng yêu cầu Mỹ chấp thuận thị thực cho người dân Hồng Kông sang Hoa Kỳ, ngay cả khi họ đã bị bắt vì tham gia các cuộc biểu tình phi bạo động.

Người biểu tình giương cờ Hoa Kỳ trong một cuộc tuần hành ở Hồng Kông vào ngày 01/1/2020. (Sung Pi-lung / The Epoch Times)
Người biểu tình giương cờ Hoa Kỳ trong một cuộc tuần hành ở Hồng Kông vào ngày 01/1/2020. (Sung Pi-lung / The Epoch Times)

Gia tăng đàn áp

Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã phát triển thành lời kêu gọi cho một nền dân chủ lớn hơn cũng như phản đối bạo lực của cảnh sát chống lại người biểu tình. Vào ngày 15/4, sau khi diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ, ông Lạc Huệ Ninh (Luo Huining), quan chức hàng đầu của Bắc Kinh tại Hồng Kông, đã yêu cầu “Điều 23” cần được khẩn trương thông qua. “Điều 23” là Dự thảo điều khoản Lập pháp về an ninh quốc gia gây nhiều tranh cãi và đã bị hoãn ban hành vào năm 2003.

Vài ngày sau đó, đã diễn ra một cuộc đàn áp phong trào dân chủ lớn nhất kể từ sau các cuộc biểu tình từ năm 2019, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 15 nhà hoạt động dân chủ vào ngày 18/4 với tội danh “tổ chức hoặc tham gia các hoạt động tụ họp trái phép”.

Tại một cuộc họp báo ngày 22/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết chính quyền Trung Quốc đang lợi dụng việc thế giới tập trung vào xử lý các vấn đề của đại dịch viêm phổi Vũ Hán để có các hành vi khiêu khích nhằm xói mòn quyền tự trị ở Hồng Kông, gây áp lực quân sự đối với Đài Loan và o ép các nước láng giềng ở Biển Đông.

Ngày 29/4, ông Pompep một lần nữa đã phát biểu về tình hình ở Hồng Kông: “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc đối với Hồng Kông đều trái với các cam kết của Bắc Kinh đồng thời ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ ở đó”.

Nhà cựu lập pháp và nhà hoạt động dân chủ Martin Lee (giữa) nói chuyện với các thành viên của giới truyền thông khi ông rời đồn cảnh sát quận trung tâm ở Hồng Kông vào ngày 18/4/2020, sau khi bị bắt và bị buộc tội tổ chức và tham gia vào một hội đồng bất hợp pháp vào tháng 8 năm ngoái. (Isaac Lawrence / AFP qua Getty Images)
Nhà cựu lập pháp và nhà hoạt động dân chủ Martin Lee (giữa) nói chuyện với các thành viên của giới truyền thông khi ông rời đồn cảnh sát quận trung tâm ở Hồng Kông vào ngày 18/4/2020, sau khi bị bắt và bị buộc tội tổ chức và tham gia vào một hội đồng bất hợp pháp vào tháng 8 năm ngoái. (Isaac Lawrence / AFP qua Getty Images)

Nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục gây sức ép lên người biểu tình. Ngày 6/5, ngay trước thông báo lùi thời gian báo cáo của Hoa Kỳ, Văn phòng đặc trách các vấn đề Hồng Kông của Trung Quốc nói rằng thành phố này sẽ không bao giờ bình lặng trừ khi tất cả “những kẻ biểu tình bạo lực mặc đồ đen” bị loại bỏ.

Họ nói rằng Bắc Kinh “chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc duy trì trật tự và bảo vệ an ninh quốc gia, và “sẽ không ngồi yên”.

Tuyên bố mạnh mẽ này càng làm dấy lên mối quan ngại rằng chính quyền Trung Quốc đang “sử dụng” đại dịch như một cơ hội để thắt chặt sự kìm kẹp đối với Hồng Kông.

Thùy Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ hoãn công bố báo cáo về Hồng Kông, quan ngại đối với các hành động của Bắc Kinh