Hoa Kỳ đề xuất dự luật các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán phải tiết lộ mối liên hệ với ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hạ nghị sĩ Andy Barr đã đề xuất một dự luật yêu cầu các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ phải tiết lộ nếu họ có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trong thông cáo báo chí ngày 5/8, ông Barr cho biết: “Luật này sẽ cung cấp sự minh bạch chưa từng có cho các nhà đầu tư Mỹ về các khoản đầu tư của ĐCSTQ vào các công ty đại chúng”.

“Các khoản đầu tư từ ĐCSTQ vào các công ty Mỹ thường dẫn đến sự thao túng của ĐCSTQ đối với các công ty và nhà đầu tư Mỹ - dù đó là việc chuyển giao công nghệ cưỡng bức hay đánh cắp trắng trợn tài sản trí tuệ của Mỹ”.

Theo Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc, có 172 công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán lớn của Hoa Kỳ tính đến tháng 9/2019. Phần nhiều trong số này là các công ty nhà nước hoặc có nhận tài trợ từ chính phủ Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc niêm yết không chịu sự thanh tra của Hoa Kỳ. Bắc Kinh không cho phép Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch hoặc các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ kiểm tra hồ sơ của họ, đồng thời tuyên bố rằng các tài liệu hồ sơ của các công ty này là "bí mật quốc gia" không thể chia sẻ với các bên khác.

Dự luật có tên là Đạo luật Minh bạch trong Đầu tư của Chính phủ Trung Quốc năm 2020 (HR7924), sẽ sửa đổi Đạo luật Giao dịch Chứng khoán năm 1934 để yêu cầu các công ty đại chúng phải công khai bất kỳ hỗ trợ tài chính nào họ nhận được từ ĐCSTQ. Các hình thức hỗ trợ có thể là trợ cấp, trợ cấp không hoàn lại, cho vay, bảo lãnh khoản vay, giảm thuế, ưu đãi thuế, hoặc bất kỳ ưu đãi nào liên quan đến chính sách mua sắm của nhà nước, theo thông cáo báo chí.

Một trong những yêu cầu lâu nay của Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra là chính quyền Bắc Kinh chấm dứt các khoản trợ cấp khổng lồ dành cho các công ty Trung Quốc. Đây chính là vấn đề khiến các công ty Hoa Kỳ phải “đau đầu” vì đó là lý do khiến họ khó cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc trên một sân chơi bình đẳng.

Các khoản tài trợ của Bắc Kinh dành cho các công ty Trung Quốc, đặc biệt là những công ty được coi là “do nhà nước tài trợ”, để đạt được các mục tiêu kinh tế, chẳng hạn như thúc đẩy sự phát triển công nghệ hoặc khả năng cạnh tranh công nghiệp của đất nước.

Theo thông cáo báo chí, dự luật này yêu cầu các công ty tiết lộ liệu bất kỳ nhân viên hoặc giám đốc nào của họ từng nắm giữ hoặc từng giữ các chức vụ trước đây là một phần của ĐCSTQ, của chính phủ Trung Quốc hay có “liên hệ tới chi nhánh khác của [chính phủ] Trung Quốc” hay không.

Các giám đốc điều hành hàng đầu tại các công ty lớn của Trung Quốc thường là Đảng viên hoặc có quá khứ gắn bó với ĐCSTQ. Ví dụ, công ty công nghệ Trung Quốc Huawei do ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) thành lập. Ông này là cựu giám đốc nghiên cứu viễn thông của Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc. Hiện nhiều quốc gia trong đó có Hoa Kỳ đã ra lệnh cấm Huawei tham gia vào hệ thống mạng 5G của mình.

Nếu được ban hành, dự luật cũng sẽ yêu cầu các công ty phải công khai tất cả mối liên hệ với các chương trình sáng kiến ​​chiến lược của Trung Quốc, chẳng hạn như “Made in China 2025” hoặc “Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới”.

Trung Quốc đã triển khai kế hoạch công nghiệp “Made in China 2025” vào năm 2015, với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu trong 10 lĩnh vực công nghệ vào năm 2025. Các lĩnh vực này bao gồm công nghệ thông tin tiên tiến, người máy và phương tiện năng lượng mới.

Bắc Kinh đang dần loại bỏ bất kỳ đề cập nào về kế hoạch "Made in China 2025" do vấp phải những giám sát chặt chẽ từ các quan chức Hoa Kỳ. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã tìm cách đạt được sự thống trị về công nghệ theo một kế hoạch mới có tên "China Standards 2035" (Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035), tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật và dữ liệu lớn.

Vào năm 2017, Trung Quốc đã triển khai kế hoạch “Phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới”. Đây là một lộ trình đặt ra các mục tiêu chiến lược vào năm 2020, 2025 và 2030 để đạt được những đột phá lớn trong các lý thuyết về AI như trí tuệ dữ liệu lớn và trí tuệ lai máy - người. Mục tiêu cuối cùng của kế hoạch này là biến Trung Quốc thành một cường quốc sáng tạo trong lĩnh vực AI vào năm 2030.

Dự luật này sẽ chỉ ra “các công ty Trung Quốc huy động vốn tại các thị trường Mỹ nằm trong các sáng kiến ​​chiến lược rộng lớn hơn của ĐCSTQ đang làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ và thúc đẩy một số hoạt động nguy hiểm nhất của ĐCSTQ”, Hạ nghị sĩ Barr khẳng định.

Ông Barr hiện là thành viên của Nhóm chuyên trách đặc biệt về Trung Quốc, do các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đề ra vào đầu tháng 5 để giải quyết cụ thể các mối đe dọa do ĐCSTQ gây ra.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ đề xuất dự luật các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán phải tiết lộ mối liên hệ với ĐCSTQ