Hoa Kỳ cần phản ứng quyết liệt hơn trước cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta hãy hy vọng rằng sẽ ngày càng nhiều người Mỹ ủng hộ các học viên Pháp Luân Công đòi lại quyền tự do tín ngưỡng và kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại tàn khốc như một cuộc diệt chủng nhắm vào Pháp Luận công của chính quyền Trung Quốc.

Từ ngày 16/7 đến ngày 20/7, hàng nghìn người ủng hộ Pháp Luân Công mặc áo vàng đã xuống đường ở Washington, New York, San Francisco, London và các nơi khác trong sự kiện diễu hành đặc sắc hàng năm để phản đối hành động vi phạm nhân quyền kéo dài hàng thập kỷ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tại sự kiện ở Washington, một chuyên gia của Viện Tự do tôn giáo Hudson đã cáo buộc một cách chính đáng rằng, Trung Quốc đang tiến hành một cuộc diệt chủng chống lại Pháp Luân Công.

Nhiều nguồn tin của chính phủ Hoa Kỳ đã thừa nhận các báo cáo trên toàn cầu và các nghiên cứu về cuộc đàn áp Pháp Luân Công cùng các bằng chứng quan trọng, không thể chối cãi về việc ĐCSTQ bỏ tù hàng loạt, tra tấn và cưỡng bức mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công. Con số nạn nhân bị bức hại có thể lên tới hàng triệu người. Các hành vi của ĐCSTQ đáp ứng định nghĩa của pháp lý và mô tả của các nhà nghiên cứu về tội ác diệt chủng theo Công ước năm 1948 của Liên hợp quốc về ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng.

Pháp Luân Công là một tín ngưỡng bắt nguồn từ các nguyên lý của Phật gia và Đạo gia, được phổ biến ở Trung Quốc bắt đầu từ năm 1992. Bảy năm sau, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi môn tu luyện an hòa này là mối đe dọa lớn nhất của mình.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, đề cao ba nguyên lý Chân, Thiên, Nhẫn. ĐCSTQ coi những nguyên lý này là ảnh hưởng độc hại đến triết lý của Đảng là "Bắn giết sẽ đem lại quyền lực chính trị" (Mao Trạch Đông, 1938).

Phong trào Pháp Luân Công là một mối đe dọa đặc biệt đối với sự gia tăng quyền lực của ĐCSTQ vì các doanh nghiệp, trường đại học và nhà nước Trung Quốc đều có người tu luyện Pháp Luân Công. Bị nhà nước bức hại, học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc buộc phải giữ bí mật, vận hành ít nhất 200.000 “nhà in ngầm” trong chế độ độc tài. Họ đã thể hiện sự phản kháng bất bạo lực lớn nhất trên thế giới, theo một trang mạng Pháp Luân Công.

Các học viên Pháp Luân Công thông qua các ấn phẩm được thành lập bên ngoài Trung Quốc đã báo cáo những thông tin quan trọng về cuộc bức hại. Theo đó, Pháp Luân Công đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của tất cả các nền dân chủ vốn đang tìm cách tiết lộ sự thật về những hành động tàn bạo của ĐCSTQ, về chiến dịch đàn áp Pháp Luân công ở Trung Quốc hơn hai mươi năm qua.

Cuối những năm 1990, có khoảng 70 đến 100 triệu học viên Pháp Luân Công trên toàn cầu, theo các nguồn tin khác nhau, bao gồm cả các phương tiện truyền thông của chính phủ Trung Quốc. Con số này gần gấp đôi số lượng thành viên ĐCSTQ vào thời điểm đó.

Năm 1995, nhà sáng lập Pháp Luân Công, ông Lý Hồng Chí (李洪志) đã lựa chọn định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình nhân tài kiệt xuất.

Khi các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày càng đưa tin sai lệch và bóp méo sự thật về Pháp Luân Công, các học viên ở Trung Quốc bắt đầu phản đối. Đỉnh điểm là vào ngày 25/4/1999, có ít nhất 10.000 học viên Pháp Luân Công tới Trung Nam Hải để thỉnh nguyện ôn hòa trước tòa nhà chính phủ trung ương của ĐCSTQ ở Bắc Kinh.

Đảng cảm thấy bị đe dọa. Nó tuyên bố Pháp Luân Công là “tà giáo” và là mối đe dọa lớn nhất đối với nền an ninh quốc gia, kể từ phong trào dân chủ sinh viên năm 1989 bị đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn. Người đứng đầu ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã cấm Pháp Luân Công vào ngày 20/7/1999 và thành lập “phòng 610” giống Gestapo của Đức Quốc Xã để kiểm soát các tòa án và cảnh sát ở Trung Quốc, nơi được cho là bảo vệ quyền tự do tôn giáo theo Hiến pháp của Trung Quốc.

Cuộc bức hại Pháp Luân Công sau đó được thực hiện bởi các quan chức ĐCSTQ như Trần Toàn Quốc (陈全国), và sử dụng các kỹ thuật “cải tạo” mà sau này là một phần của cuộc diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ. Cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc cũng là một nỗ lực “tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm dân tộc, dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo,” bao gồm bằng cách giết hại, và gây ra các tổn hại khác về thể xác và tinh thần, và do đó, là một tội ác diệt chủng, theo định nghĩa của Liên hợp quốc.

Một nghiên cứu đã ước tính tổng số ca ghép gan và thận ở Trung Quốc từ năm 2000 đến năm 2014 là 1,5 triệu. Nguồn nội tạng cho hoạt động cấy ghép này chủ yếu là từ học viên Pháp Luân Công. Tòa án Trung Quốc năm 2020, được tổ chức tại London, trích dẫn số liệu thống kê cho thấy có khoảng 60.000 đến 90.000 ca cấy ghép nội tạng hàng năm, trong khi chỉ có khoảng 5.000 người hiến tặng tình nguyện được ghi nhận. Điều này cho thấy, khoảng 55.000 đến 85.000 ca cấy ghép còn lại không giải thích được nguồn gốc của nội tạng cấy ghép.

Luật sư nhân quyền Geoffrey Nice QC đứng trước bức ảnh ghép của ông tại nhà riêng ở Adisham, Anh, vào ngày 2/9/2020 (Nguồn ảnh: Frank Augstein / AP / The Epoch Times)

Tòa án Trung Quốc cũng phát hiện thêm rằng, “Cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã xảy ra ở nhiều nơi ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, lặp lại nhiều lần trong khoảng thời gian ít nhất 20 năm và được tiếp tục cho đến ngày nay. … Trong thực hành mổ cướp nội tạng kéo dài ở Trung Quốc, học viên Pháp Luân Công đã được sử dụng làm nguồn cung cấp nội tạng, có lẽ là nguồn chính”.

Theo một báo cáo của Freedom House năm 2015, “Hàng trăm nghìn học viên [Pháp Luân Công] đã bị kết án lao động khổ sai và tù giam, khiến họ trở thành đội ngũ tù nhân lương tâm lớn nhất trong nước” và có thể nói là trên thế giới. Các nguồn tin của Pháp Luân Công nói rằng, trong hai mươi năm qua ở Trung Quốc, vài triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ.

Năm 2017, Freedom House đã xác minh độc lập rằng, từ năm 2013 đến năm 2016, có 933 bản án lên đến 12 năm tù giam đối với Pháp Luân Công. Các học viên bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn và bức hại chỉ vì niềm tin tôn giáo của họ. Tổ chức này cho biết, “Bằng chứng hiện có cho thấy việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ những Pháp Luân Công bị giam giữ để bán cho thị trường cấy ghép được thực hiện trên quy mô lớn và có thể vẫn còn đang tiếp tục”.

Một phần quan trọng của chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công là việc sử dụng các phương tiện truyền thông nhà nước để miêu tả các học viên như những kẻ mất nhân tính, nhằm biện minh cho việc tra tấn và tận diệt họ.

Nhìn chung, các hành vi tra tấn cho thấy một thái độ và cách tiếp cận nhất quán tổng thể của nhà nước Trung Quốc đối với Pháp Luân Công, về bản chất là có hệ thống và được thiết kế để trừng phạt, tẩy chay, làm nhục, giáng hạ nhân phẩm, phỉ báng và ép buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ và ngừng tu luyện. Bắc Kinh và giới cầm quyền đã tích cực kích động cuộc bức hại như vậy với mục đích duy nhất là xóa sổ thực hành và niềm tin vào Pháp Luân Công.

-Tòa án Trung Quốc-

Không nên đánh giá thấp tác động lan rộng và tàn phá của việc phỉ báng và gắn nhãn "tà giáo" trên các phương tiện truyền thông nhà nước đối với Pháp Luân Công trong một xã hội không có tự do ngôn luận. Tuy nhiên, theo tổ chức phi lợi nhuận Freedom House, hàng triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã kiên định trong nhiều năm bị bức hại. Các cuộc diễu hành trong tháng Bảy đã đánh dấu mốc hai mươi hai năm ngày ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công.

Càng ngày, người Mỹ càng thức tỉnh về tội ác diệt chủng đối với Pháp Luân Công. Các chính trị gia đang hành động dưới hình thức lưỡng đảng.

Nhân dịp hai mươi hai năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công, có mười bảy Thượng nghị sĩ và Dân biểu Hoa Kỳ đã bày tỏ sự ủng hộ pháp môn này, trong đó tám người thuộc Đảng Dân chủ và chín người thuộc Đảng Cộng hòa. Ngày 20/7, Hai Thượng nghị sĩ là Robert Menendez và Marco Rubio đã có tuyên bố riêng của họ để thể hiện sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công và quyền tự do tôn giáo nói chung.

Các học viên Pháp Luân Công tham gia một cuộc diễu hành đánh dấu 22 năm ngày bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ tại Washington vào ngày 16/7/2021. (Samira Bouaou / The Epoch Times)

Thượng nghị sĩ Menendez, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nói: “Hai mươi hai năm trước đây, ngày hôm nay, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tiến hành một cuộc đàn áp nhẫn tâm và tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công. Cuộc bức hại vẫn tiếp tục cho đến ngày nay”, ông viết trong một bức thư. “Trong hơn hai thập kỷ kể từ đó, hàng chục nghìn công dân Trung Quốc đã bị đàn áp vì niềm tin tôn giáo của họ, bị bỏ tù, tra tấn, lao động cưỡng bức và là nạn nhân của những cáo buộc đáng tin cậy về mổ cướp nội tạng”.

Thượng nghị sĩ Rubio đã đưa ra một tuyên bố hoàn hảo tương tự: “ĐCSTQ đã giam giữ các học viên Pháp Luân Công, và trong một số trường hợp, nhiều lần, trong các trung tâm 'chuyển hóa giáo dục'. Hành động bức hại Pháp Luân Công đã được lặp lại trong các trại giam giữ người hàng loạt và trong các hành vi của nạn diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Tân Cương. Các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân bị tấn công tình dục và bức hại thể xác, cưỡng bức lao động, và tra tấn để cưỡng ép họ từ bỏ tín ngưỡng của mình. Đáng lo ngại hơn nữa là những cáo buộc đáng tin cậy nạn việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng”.

Một báo cáo ngày 12/5 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo đã ghi nhận các báo cáo về hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công bị bắt giam ở Trung Quốc, trong đó có hơn 6.600 người bị bắt năm 2019 và hơn 600 người bị kết án tới 14 năm tù. Báo cáo ghi nhận việc tra tấn và tước đoạt thực phẩm và chăm sóc y tế đối với các học viên trong tù, đồng thời đề cập đến bằng chứng mổ cướp nội tạng, bao gồm cả các báo cáo của Tòa án Trung Quốc và Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản (VOC).

Bộ Ngoại giao Mỹ trích dẫn các báo cáo của truyền thông rằng “chính quyền đã đột nhập vào nhà của một học viên Pháp Luân Công, đè cô ấy xuống và cưỡng bức lấy mẫu máu của cô ấy, nói với cô ấy rằng đó là 'yêu cầu của nhà nước'. Họ còn nói, luật pháp [Trung Quốc] không áp dụng cho học viên Pháp Luân Công và sẽ xóa sổ pháp môn này".

Khi công bố báo cáo, Ngoại trưởng Antony Blinken đã áp đặt đúng lệnh cấm thị thực đối với ông Yu Hui của Trung Quốc và gia đình ông ta vì quan chức này đã đồng lõa với việc giam giữ tùy tiện các học viên Pháp Luân Công.

Báo cáo năm 2021 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cũng ghi nhận cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc và bằng chứng cưỡng bức mổ cướp nội tạng. “Theo báo cáo, hàng nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị sách nhiễu và bắt giữ trong năm 2020 vì đức tin của họ, và một số người có khả năng đã chết do bị ngược đãi và tra tấn trong khi bị giam giữ”, nó nêu rõ. “Các báo cáo quốc tế đáng tin cậy cũng nói rằng, hoạt động thu hoạch nội tạng, bao gồm cả từ các học viên Pháp Luân Công, dường như vẫn tiếp tục.”

Chúng ta có thể không mong đợi nhiều học giả hoặc tập đoàn lớn sẽ sớm ủng hộ cuộc phản bức hại của Pháp Luân Công, vì nhiều người đang tìm kiếm một số lợi thế kinh doanh từ Trung Quốc, bao gồm cả việc càng ngày càng có nhiều sinh viên Trung Quốc tự túc toàn bộ học phí tại các trường đại học Mỹ. Tuy nhiên, chúng ta hãy hy vọng rằng sẽ ngày càng có nhiều người Mỹ, giới chức Mỹ ủng hộ học viên Pháp Luân Công để họ đòi lại quyền tự do tín ngưỡng và chấm dứt cuộc bức hại tang thương được gọi là cuộc diệt chủng. Cuộc diệt chủng này còn ghê tởm gấp đôi vì những nguyên lý cơ bản của những gì mà môn tu luyện Pháp Luân Công, cụ thể là Chân, Thiện, Nhẫn. Những nguyên lý đạo đức này rất đáng ca ngợi nhưng lại thiếu vắng một cách thảm hại trong sự cai trị của chính quyền Trung Quốc ngày nay.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD VIỆT NAM



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ cần phản ứng quyết liệt hơn trước cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc