Hiệu ứng cánh bướm: Afghanistan có thể mang đến những thay đổi lớn nào cho thế giới?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ rút quân và Taliban nhanh chóng giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan khiến hàng trăm nghìn người phải bỏ chạy, cuộc giải cứu cũng trở nên hỗn loạn. Trong khi cộng đồng quốc tế đang theo sát diễn biến ở quốc gia này thì các chuyên gia địa chính trị cũng đang phân tích và dự đoán xu hướng tình hình quốc tế trong tương lai. Afghanistan, với địa vị quốc tế khiêm tốn, nhưng lại có thể gây ra hiệu ứng cánh bướm và khiến thế giới phát sinh những biến đổi lớn.

Nhà bình luận ngoại giao và an ninh quốc tế Hiroyuki Akita của tờ Nikkei Nhật Bản nói rằng, Trung Quốc và Nga sẽ rất vui với việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan, bởi vì bất kỳ đòn nào giáng nào vào uy tín và vai trò lãnh đạo quốc tế của Hoa Kỳ đều là thắng lợi đối với đối thủ của Mỹ.

Tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn ngược lại.

Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận. Vào ngày 16/8, ông Cảnh Sảng (Geng Shuang), Phó đại diện của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, phát biểu tại Hội đồng Bảo an rằng: “Sự hỗn loạn hiện nay ở Afghanistan liên quan trực tiếp đến việc rút quân vội vàng của quân đội nước ngoài”.

Tại cuộc họp báo ngày 29/7, ông Ngô Khiêm (Wu Qian), phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói rằng nước Mỹ là “kẻ thoái thác trách nhiệm” nổi tiếng thế giới. Ông nói: "Hoa Kỳ nên nghiêm túc gánh vác trách nhiệm của mình để đảm bảo một cuộc chuyển giao ổn định ở Afghanistan, tránh để xảy ra hỗn loạn và chiến tranh do rút quân".

Mặc dù Nga luôn rêu rao thất bại của Mỹ ở Afghanistan, nhưng nhiều nguồn tin ngoại giao cho biết các nhà hoạch định chính sách của Nga đã bị xáo trộn bởi việc rút quân nhanh nhóng và toàn diện của Mỹ.

Điều này không có nghĩa là Trung Quốc và Nga muốn thấy quân đội Mỹ ở lại Afghanistan.

Tại sao Trung Quốc và Nga không vui?

Nhưng Trung Quốc và Nga ghét viễn cảnh Taliban lần nữa nắm toàn quyền Afghanistan sau khi Hoa Kỳ rời đi. Họ lo lắng rằng sự hồi sinh của luật Sharia hà khắc cùng cách thống trị reo rắc nỗi sợ hãi của Taliban trong những năm 1990 sẽ dẫn đến sự tái xuất hiện của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lo ngại rằng các phần tử Hồi giáo cực đoan sẽ tràn vào Tân Cương, nơi giáp biên giới với Afghanistan và có đông dân theo đạo Hồi. Theo nhiều báo cáo, người dân ở Tân Cương luôn bị ĐCSTQ đàn áp tàn bạo.

Biên giới giữa Trung Quốc và Afghanistan chỉ dài 70 km. Nhưng Trung Quốc có đường biên giới dài với Tajikistan, đất nước tiếp giáp Afghanistan. Trong nhiều năm trở lại đây, Bắc Kinh luôn phải cảnh giác với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), một tổ chức Hồi giáo cấp tiến được thành lập bên ngoài Trung Quốc. Họ bị Bắc Kinh coi là tổ chức khủng bố và công khai sẽ thủ tiêu.

Nhưng điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc sợ nhất hiện nay là Đảng Hồi giáo Turkestan (TIP), một tổ chức Hồi giáo cực đoan của tộc người Duy Ngô Nhĩ được thành lập ở miền Tây Trung Quốc. Ông Andrew Small, nhà nghiên cứu cấp cao tại Dự án Châu Á của Quỹ Marshall Đức (German Marshall Fund), một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết trong podcast rằng, hầu hết các thành viên của TIP đến từ Tân Cương. Có người nói rằng TIP và ETIM giống nhau, nhưng không biết nhiều về hai tổ chức này. TIP có hàng nghìn chiến binh và đã tham gia vào cuộc nội chiến Syria từ giữa những năm 2010. Tổ chức này hiện đang rời khỏi Syria và hiện có báo cáo rằng họ đã tạo dựng được chỗ đứng trong các khu vực do Taliban kiểm soát ở Afghanistan.

Xem thêm: Thỏa thuận bí mật giữa liên minh Taliban và ĐCS Trung Quốc

Moscow lo ngại các phần tử Hồi giáo cực đoan có thể tràn vào 5 nước thuộc Liên Xô cũ là Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Turkmenistan ở Trung Á, và sẽ hiện diện ổn định và mạnh mẽ trong khu vực này. Vì vậy, để ngăn chặn những kẻ khủng bố, Nga đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Tajikistan và Uzbekistan ở khu vực biên giới Afghanistan từ ngày 5 đến 10/8. Ngày 8/7, Điện Kremlin và Taliban đã hội đàm tại Moscow.

3 hướng đi trước tình hình ở Afghanistan

Thế giới đang trở nên cảnh giác hơn. Tình hình ở Afghanistan, Trung Á và các khu vực lân cận có tác động lớn đến toàn cầu, vì khu vực này là vùng “then chốt” của lục địa Á - Âu.

Một thế kỷ trước, nhà địa lý chính trị người Anh Halford Mackinder gọi khu vực được đất liền bao quanh từ Châu Á đến Đông Âu là "Hinterland" (Nội địa) hay "Pivot Area" (Khu vực Then chốt). Ông dự đoán rằng quốc gia kiểm soát vùng đất rộng lớn này sẽ thống trị toàn bộ đại lục Âu - Á và thế giới. Trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Trung Á là chiến trường chính nơi các đế quốc Anh và Nga tranh đoạt bá quyền.

Nhà bình luận ngoại giao và an ninh quốc tế Hiroyuki Akita của Nikkei cho rằng, với những sự kiện gần đây trong khu vực này, có ba khả năng sẽ xảy ra là:

Thứ nhất, Trung Quốc và Nga sẽ can dự sâu hơn, vì họ phải đối mặt với nhu cầu tăng cường an ninh của khu vực. Điều này sẽ thúc đẩy sự xuất hiện của một trật tự mới do hai nước này lãnh đạo.

Thứ hai, 5 nước Trung Á sẽ đoàn kết để ổn định khu vực, đồng thời ngăn chặn sự cai trị của Trung Quốc và Nga.

Thứ ba, sự cai trị của Taliban ở Afghanistan sẽ tạo lực đẩy cho các phần tử Hồi giáo cực đoan gây mất ổn định trên toàn bộ khu vực.

Tình huống thứ ba sẽ là tồi tệ nhất.

Nhưng trong trường hợp đầu tiên, sự thống trị của Bắc Kinh và Moscow trong khu vực không phải là một kết quả lý tưởng. Vùng nội địa Á - Âu là ngã tư của thương mại và giao thông giữa Châu Á và Châu Âu, kéo dài từ Bắc Băng Dương đến Ấn Độ Dương. Nếu Trung Quốc và Nga kiểm soát khu vực, họ sẽ không chỉ gây tác động lớn hơn đến lợi ích kinh tế, mà còn đối với cấu trúc chính trị của cả vùng Âu - Á. Trung Quốc và Nga cuối cùng có thể sẽ cạnh tranh để giành vị trí lãnh đạo vùng Nội địa (Hinterland).

Trường hợp thứ hai là tốt nhất cho sự ổn định của khu vực. Ông Frederick Starr, nhà nghiên cứu về lục địa Á - Âu của Ủy ban Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ, cho biết: “Cộng đồng quốc tế phải ngăn chặn Trung Quốc và Nga kiểm soát Trung Á và Afghanistan”. Ông chỉ ra rằng, tháng trước Uzbekistan đã tổ chức một hội nghị quốc tế với sự tham dự của hơn 40 quốc gia, họ thảo luận về vấn đề hòa bình và hội nhập kinh tế của khu vực. Ông nói: "Các nước Trung Á không muốn nằm trong phạm vi ảnh hưởng của các cường quốc và đang tích cực cố gắng tự mình dẫn dắt kinh tế của khu vực trở nên đồng bộ hóa. Các cường quốc nên ủng hộ những nỗ lực này của các nước Trung Á, ủng hộ sự phát triển của khu vực này, nhưng không tạo ra bất kỳ mối đe dọa nào cho các cường quốc bên ngoài".

Khoảng trống quyền lực mà Hoa Kỳ để lại cần được lấp đầy thông qua hợp tác đa quốc gia. Liệu cộng đồng quốc tế có thể hoàn thành xuất sắc sứ mệnh này hay không, nó sẽ đóng một vai trò nhất định đến bố cục tương lai của toàn cầu.

Đông Phương

Theo Vision Times

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Hiệu ứng cánh bướm: Afghanistan có thể mang đến những thay đổi lớn nào cho thế giới?