Hiệp hội sản xuất Mỹ 'khát' những chính sách cứng rắn với Trung Quốc từ ông Biden

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiệp hội này lập luận: “Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các chính sách công nghiệp phân biệt đối xử, cưỡng bức chuyển giao công nghệ và đánh cắp tài sản trí tuệ gây tổn hại cho các nhà sản xuất và công nhân ở Hoa Kỳ.”

Một nhóm thương mại có trụ sở tại Washington đại diện cho lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ đã thúc giục tân Tổng thống Mỹ Joe Biden áp dụng chính sách cứng rắn với Trung Quốc, để đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Trong bức thư gửi tới ông Biden hôm 17/3, Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia của Hoa Kỳ nêu rõ: “Đối với các nhà sản xuất, Trung Quốc từ lâu đã trở thành trung tâm của các khoản trợ cấp công nghiệp không công bằng và tình trạng dư thừa nguồn hỗ trợ do chính phủ cung cấp trong các lĩnh vực như thép và nhôm, làm biến dạng thị trường toàn cầu”.

Hiệp hội lập luận: “Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các chính sách công nghiệp phân biệt đối xử, cưỡng bức chuyển giao công nghệ và đánh cắp tài sản trí tuệ gây tổn hại cho các nhà sản xuất và công nhân ở Hoa Kỳ.”

Trong thập kỷ qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thiết lập các doanh nghiệp nhà nước lớn trong một số ngành công nghiệp như nhôm, thép và tấm pin mặt trời, thông qua các khoản viện trợ khổng lồ từ chính phủ. Đồng thời, Bắc Kinh đã dùng đến hoạt động gián điệp để đánh cắp bí mật thương mại của Hoa Kỳ và các chương trình tuyển dụng việc làm để tạo điều kiện chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc - để thực hiện tham vọng trở thành cường quốc công nghệ trên toàn thế giới.

Trong nỗ lực giải quyết các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt thuế quan đối với một danh sách dài các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm nhôm và thép. Chính sách này đã châm ngòi cho “cuộc chiến thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua.

Hai bên đã ký một thỏa thuận thương mại Giai đoạn I vào tháng 1/2020, trong đó phía Mỹ yêu cầu Trung Quốc mua thêm hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ với tổng trị giá là 200 tỷ USD trong giai đoạn 2020 và 2021, so với mức năm 2017. Tuy nhiên, một báo cáo được công bố vào tháng Giêng cho thấy, Trung Quốc chỉ mới hoàn thành 58% những gì họ đã hứa trong thỏa thuận.

Hiệp hội các nhà sản xuất viết: “Chiến lược mới phải bao gồm tất cả các công cụ sẵn có, bao gồm can dự song phương có mục tiêu, vai trò lãnh đạo quyết đoán của Hoa Kỳ trong các thể chế toàn cầu và sự tham gia phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác”.

Họ khẳng định: “Việc sử dụng các công cụ lập pháp và hành pháp có chiến lược sẽ rất quan trọng để gây áp lực, buộc Trung Quốc thay đổi hành vi kinh tế và tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất và công nhân ở Hoa Kỳ”.

Nhóm này đưa ra một số khuyến nghị, một trong số đó là đề nghị Hoa Kỳ áp dụng "áp lực rõ ràng, nhất quán" đối với ĐCSTQ, để chế độ này thực hiện các cam kết thương mại và kinh tế của mình trong khuôn khổ hiệp định thương mại Giai đoạn I.

"Cách lãnh đạo toàn cầu quyết đoán sẽ đảm bảo rằng, là Hoa Kỳ - chứ không phải Trung Quốc - đang viết ra các quy tắc cho nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch và hệ thống thương mại, để mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất và công nhân ở Mỹ", bức thư nêu rõ.

Hiệp hội này cũng kêu gọi ông Biden tích cực đối thoại với các đối tác thương mại đáng tin cậy ở châu Mỹ và châu Á-Thái Bình Dương, để tăng cường các mối kết giao trong chuỗi cung ứng, đồng thời giải quyết các mối quan ngại về nhân quyền và lao động.

Để đáp lại bức thư của hiệp hội, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mike Rounds (South Dakota) đã viết lên Twitter rằng, bất kỳ cuộc thảo luận nào giữa ông Biden và Bắc Kinh đều nên giải quyết vấn đề về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của ĐCSTQ.

Vào tháng Giêng, một giáo sư Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts đã bị bắt và bị buộc tội vì không tiết lộ công việc của mình với các tổ chức có liên hệ với chế độ Trung Quốc. Trong cùng tháng, một nhà khoa học cấp cao của NASA đã nhận tội nói dối về mối quan hệ của mình với một chương trình chiêu mộ nhân tài do Bắc Kinh hậu thuẫn.

Bức thư này được đưa ra khi Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và nhà ngoại giao chính sách đối ngoại cấp cao Dương Khiết Trì tại Anchorage, Alaska, vào ngày 18/3. Cuộc gặp đánh dấu cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các lãnh đạo cấp cao của hai nước kể từ khi ông Biden nhậm chức.

Vào ngày 12/3, cố vấn Sullivan nói rằng, ông không mong đợi thỏa thuận thương mại Giai đoạn I “sẽ là một chủ đề chính của cuộc trò chuyện” ở Anchorage.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã kêu gọi Ngoại trưởng Blinken và cố vấn Sullivan cần cứng rắn với các quan chức Trung Quốc.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Hiệp hội sản xuất Mỹ 'khát' những chính sách cứng rắn với Trung Quốc từ ông Biden