Hiến pháp Hoa Kỳ: Liệu có thể dùng Tu chính án thứ 25 để phế truất ông Biden?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ thứ 46 vào ngày 20/1/2021, đã có nhiều đồn đoán về một kế hoạch áp dụng Tu chính án thứ 25 để phế truất ông và đưa bà Kamala Harris lên thay thế. Tuy nhiên, liệu việc này có thật sự khả thi? Giáo sư luật Natelson của Mỹ đã đưa ra đánh giá thông qua những phân tích về Tu chính án thứ 25, dựa trên 25 năm kinh nghiệm làm việc với luật Hiến pháp Hoa Kỳ của ông.

Năm 1965, Quốc hội Mỹ đã đề xuất Tu chính án thứ 25 cho Hiến pháp của Hoa Kỳ, và các cơ quan lập pháp nhà nước đã hoàn thành việc phê chuẩn vào năm 1967. Do có nhiều nghi ngờ về tình trạng nhận thức và sức khỏe tinh thần của Tổng thống Dân chủ Mỹ Joe Biden, Tu chính án này đã trở thành tâm điểm chú ý khi nó có thể là một phương tiện tiềm năng để chuyển giao quyền lực của ông cho phó tổng thống đương nhiệm.

Theo Hiến pháp Mỹ, Tu chính án thứ 25 có 4 điều khoản. Khoản 1 ấn định, khi chức vụ tổng thống Mỹ bị bỏ trống, phó tổng thống sẽ trở thành tổng thống chứ không chỉ đơn thuần là “quyền tổng thống”. Khoản 2 nêu cách chọn người thay thế khi chức vụ phó tổng thống bị bỏ trống. Thủ tục này đã được sử dụng 2 lần, dẫn đến việc bổ nhiệm 2 người Gerald Ford và Nelson Rockefeller trở thành phó tổng thống Mỹ vào năm 1973 và năm 1974.

Khoản 3 của Tu chính án thứ 25 mô tả cách thức để một vị tổng thống Mỹ tự tuyên bố bản thân “không thể hoàn thành các quyền hạn và nhiệm vụ của mình”, cách ông chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống và cách thức để ông nắm giữ cương vị trở lại, khi tình huống gây cản trở đã qua đi. Tổng thống Ronald Reagan cùng với Phó Tổng thống George W. Bush đã sử dụng thủ thuật này trước khi ông Reagan thực hiện ca phẫu thuật của mình.

Toà nhà Quốc hội ở Washington (Nguồn ảnh: Getty Images)

Liên quan nhiều nhất đến trường hợp của ông Biden là phần cuối cùng trong Tu chính án thứ 25 — Khoản 4. Nó quy định cách để tước quyền của một tổng thống đã mất năng lực mà không có sự đồng ý của ông ấy.

Không có tiền lệ trực tiếp nào giúp chúng ta hiểu rõ Khoản 4, bởi vì nó chưa bao giờ được áp dụng. Do đó, khi giải thích cách thức hoạt động của nó, tôi (tức tác giả bài viết) sẽ rút ra những nguyên tắc chung từ các lĩnh vực khác của luật pháp Mỹ, bao gồm cả luật hiến pháp Hoa Kỳ.

Bắt đầu quy trình tước quyền lực

Phần đầu tiên của Khoản 4 xác định những cá nhân sẽ bắt đầu quá trình tước bỏ quyền lực:

“Bất cứ khi nào Phó Tổng thống và đa số các quan chức chính của các bộ phận hành pháp hay cơ quan tương đương nào khác mà Quốc hội đã quy định bằng luật…”.

Quốc hội chưa bao giờ xác định các dạng “cơ quan tương đương nào khác”. Điều đó khiến phó tổng thống phải làm việc với đa số các thành viên nội các của tổng thống. Để hài hước một chút, tôi sẽ gọi nhóm này là Cabal (tức nhóm Thế lực ngầm).

Đây là một nhóm độc nhất. Nó không thuộc bất kỳ phân nhánh nào của chính phủ. Hiến pháp trao quyền trực tiếp cho nhóm này. Nhưng đó là một trong nhiều cá nhân và cơ quan bên ngoài các nhánh thông thường thuộc chính phủ Mỹ vốn vẫn do Hiến pháp Hoa Kỳ giao các nhiệm vụ cụ thể. Tòa án gọi những nhiệm vụ này là “chức năng liên bang”. Các chức năng khác của liên bang được thực hiện bởi các cơ quan lập pháp tiểu bang và thống đốc bang, các công ước sửa đổi, và Cử tri đoàn.

Để bắt đầu quá trình tước quyền lực, nhóm Thế lực ngầm Cabal phải:

“chuyển lên Chủ tịch lâm thời của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản của họ tuyên bố rằng Tổng thống không thể thực thi những quyền lực và trách nhiệm của mình….”

Điều này có nghĩa là nhóm Cabal phải gửi một thông điệp bằng văn bản trực tiếp đến viên chức quan trọng nhất của Hạ viện (tức Chủ tịch Hạ viện) và viên chức quan trọng thứ 2 của Thượng viện, chủ tịch lâm thời. Lý do chủ tịch Thượng viện không nhận được thông báo là vì, phó tổng thống Mỹ (một trong những người gửi) cũng chính là chủ tịch Thượng viện.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rời đi sau khi phát biểu tại cuộc mít tinh Make America Great Again tại Sân bay Quốc tế Ocala ở Ocala, Florida vào ngày 16 tháng 10 năm 2020. (Ảnh: BRENDAN SMIALOWSKI / AFP via Getty Images)

Chúng ta sẽ gọi thông báo này là “lời buộc tội”. Nó phải tuyên bố, tổng thống đương nhiệm "không thể thực thi những quyền lực và trách nhiệm của mình". Điều này có nghĩa là không có khả năng về tinh thần hoặc thể chất. Dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, một số đối thủ của ông Trump đã đề nghị áp dụng Tu chính án thứ 25 chống lại ông, vì họ thấy kinh hoàng trước một số quyết định của ông. Nhưng thực tế nếu áp dụng, sự việc sẽ trở thành một trường hợp lạm dụng quy trình. Tu chính án thứ 25 không được thiết kế để giải quyết các bất đồng chính trị.

Trong trường hợp của ông Biden, những tuyên bố về tình trạng mất năng lực là có cơ sở hơn. Chúng dựa trên tuổi tác, cách nói và hành động của ông ấy, sự thiếu hụt rõ ràng trong khả năng cầm nắm tài liệu, và vẻ ngoài trống rỗng mà đôi khi ông ấy biểu lộ ra. Liệu những điều này có cung cấp đủ bằng chứng hay không là một câu hỏi khác.

Các thủ tục tiếp theo

Khi Chủ tịch Hạ viện và chủ tịch lâm thời của Thượng viện nhận được lời buộc tội, tu chính án thứ 25 nói với chúng ta rằng:

"thì Phó Tổng thống sẽ ngay lập tức nắm quyền lực và trách nhiệm đó với tư cách quyền Tổng thống".

Điều này xảy ra trước khi tổng thống có bất kỳ cơ hội nào để phản hồi, và nếu ông ấy bất tỉnh hoặc không thể giao tiếp, ông ấy sẽ không trả lời.

Mặt khác, nếu ông ấy có ý thức và có thể giao tiếp, ông ấy nên đáp lại rằng: "Tôi ổn!". Đây là văn bản của Tu chính án:

“Sau đó, khi Tổng thống chuyển lên quyền Chủ tịch của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản tuyên bố về năng lực của mình, Tổng thống có thể tiếp tục thực thi quyền lực và nhiệm vụ….”

Tại thời điểm đó, nhóm Thế lực ngầm Cabal có thể buộc phải điều trần trước Quốc hội:

“với điều kiện trong vòng 4 ngày [nhóm Cabal] chuyển đến Chủ tịch lâm thời của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản tuyên bố về việc Tổng thống không đủ năng lực thực thi quyền lực và trách nhiệm của mình. Sau đó Quốc hội sẽ phải họp để giải quyết vấn đề…”.

Tổng thống Joe Biden đưa ra nhận xét về nỗ lực di tản liên tục của quân đội Mỹ ở Afghanistan, cùng với sự tham gia của (trái qua phải): Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan từ Phòng Đông của Nhà Trắng vào ngày 20/8/2021 (Anna Moneymaker / Getty Images)
Tổng thống Joe Biden đưa ra nhận xét về nỗ lực di tản liên tục của quân đội Mỹ ở Afghanistan, cùng với sự tham gia của (trái qua phải): Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan từ Phòng Đông của Nhà Trắng vào ngày 20/8/2021 (Anna Moneymaker / Getty Images)

Khi xét xử vụ án, Quốc hội không tham dự với tư cách là cơ quan lập pháp quốc gia. Giống như nhóm Cabal, nó cần thực hiện một “chức năng liên bang” đặc biệt. Khoản 4 đưa ra một lịch trình chặt chẽ để thực hiện chức năng này. Quốc hội phải:

“triệu tập trong vòng 48 tiếng đồng hồ, nếu không phải trong kỳ họp. Nếu Quốc hội trong vòng 21 ngày sau khi nhận được văn bản tuyên bố nói trên hoặc nếu vào thời điểm đó không phải là kỳ họp thì trong vòng 21 ngày, Quốc hội phải họp…”.

Nói cách khác, tức 3 tuần.

Tiếp theo, Tu chính án cho chúng ta biết rằng Quốc hội có thể:

“để với hai phần ba số phiếu của cả hai Viện quyết định về việc Tổng thống không thể thực thi các quyền và trách nhiệm của mình…”.

Tiền lệ hiến pháp cho chúng ta biết rằng, số phiếu cần thiết để thông qua quyết định là “hai phần ba phiếu bầu”, có nghĩa là “hai phần ba số người có mặt và bỏ phiếu, với [điều kiện là] số người tối thiểu theo quy định phải có mặt”, chứ không phải là hai phần ba của toàn bộ số thành viên tại cơ quan đó. Với Thượng viện Mỹ gồm có 100 thành viên, túc số tối thiểu được quy định là 90 phiếu bầu, thì cần có 60 người bỏ phiếu ủng hộ kết luận về tình trạng không đủ năng lực của tổng thống.

Nếu Quốc hội Mỹ nhận thấy tổng thống đương nhiệm không đủ năng lực, thì:

“Phó Tổng thống sẽ tiếp tục thực thi công việc đó với tư cách là quyền Tổng thống, trong trường hợp ngược lại, Tổng thống sẽ tiếp tục thực thi quyền lực và trách nhiệm của mình”.

Liệu có khả thi khi áp dụng Tu chính án thứ 25 chống lại ông Biden?

Thủ tục này có thể được sử dụng để chống lại ông Biden không? Nếu ông ấy bị bất tỉnh và vẫn duy trì trạng thái đó, hoặc không thể giao tiếp, câu trả lời là "có". Nhưng miễn là ông ấy có ý thức và có thể giao tiếp, tôi nghĩ câu trả lời thiết thực là “không”.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu về tình hình Afghanistan tại Phòng Đông của Nhà Trắng ở Washington vào ngày 26/8/2021. (Drew Angerer / Getty Images)
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu về tình hình Afghanistan tại Phòng Đông của Nhà Trắng ở Washington vào ngày 26/8/2021. (Drew Angerer / Getty Images)

Có hai vấn đề khi sử dụng Tu chính án thứ 25 chống lại một tổng thống có ý thức và có khả năng giao tiếp. Đầu tiên là việc Tu chính án này hầu như có lợi cho ông ấy: nhóm Cabal bao gồm toàn những người do ông ấy đề cử, và ông ấy có thể sa thải tất cả những người này, ngoại trừ phó tổng thống. Nếu vấn đề được đưa ra Quốc hội, ông ấy sẽ thắng nếu thuyết phục được tổng số 1/3 cộng một thành viên tại một viện bất kỳ ủng hộ mình. Ông ấy cũng có khả năng chiến thắng, nếu Quốc hội Mỹ không thể đáp ứng lịch trình chặt chẽ của Tu chính án để đưa ra quyết định.

Khoản 4 của Tu chính án thứ 25 được soạn thảo hời hợt như chính những cải cách “Xã hội vĩ đại” khác

Một vấn đề khác là các phân đoạn của Khoản 4 thật sự rất mơ hồ. Nó tạo ra sự không chắc chắn, khiến người ta chùn bước trước việc sử dụng các thủ tục của nó. Thực tế đáng buồn là, Quốc hội Mỹ với lý tưởng “Xã hội vĩ đại” vào năm 1965 đã cẩu thả trong việc soạn thảo Tu chính án này, cũng giống như khi họ tạo ra các chương trình xã hội có hại khét tiếng khác.

Sự mơ hồ là thế này: Mặc dù chúng ta biết tổng thống sẽ mất quyền hạn của mình khi lời buộc tội được gửi đi, nhưng chúng ta không biết ông ấy có thể nhanh chóng lấy lại chúng tới mức nào. Bạn có thể hiểu nội dung của đoạn này theo 3 cách:

  • Tổng thống sẽ tiếp tục duy trì quyền hạn của mình ngay sau khi ông nói: "Tôi ổn", và giữ lại quyền hạn cho đến khi (và nếu) Quốc hội Mỹ ra phán quyết chống lại ông.
  • Ông ấy tiếp tục nắm giữ quyền hạn ngay khi ông ấy nói: "Tôi ổn", và sau đó gần như ngay lập tức mất chúng khi nhóm Cabal trả lời: "Không, ông không ổn".
  • Ông ấy sẽ không tiếp tục nắm giữ quyền hạn cho đến khi nhóm Cabal không trả lời trong 4 ngày, hoặc ông ấy chiến thắng tại cuộc điều trần của Quốc hội, hoặc Quốc hội Mỹ không đưa ra quyết định kịp thời.

Mỗi cách giải thích nêu trên đều nhận được những lập luận theo cả 2 hướng ủng hộ và phản đối.

Cách giải thích đầu tiên cho phép vị tổng thống được bầu chọn hợp lệ tiếp tục công việc, thay vì cho phép một nhóm Cabal (hầu hết) không thông qua bầu cử tước quyền hành của ông, trước khi họ chứng minh được lập luận của mình. Mặt khác, nó cho phép tổng thống hủy bỏ toàn bộ quy trình bằng cách sa thải các thành viên nội các đã ký vào bản cáo buộc trước khi họ có cơ hội phản ứng — lúc đó họ sẽ không còn là thành viên nội các nữa mà chỉ là công dân tư nhân. (Quốc hội Mỹ lẽ ra có thể giải quyết vấn đề này bằng cách chỉ định một nhóm Cabal không do tổng thống kiểm soát, nhưng họ chưa bao giờ làm như vậy.)

Ưu điểm của cách giải thích thứ hai là nó chỉ phế truất tổng thống nếu nhóm Cabal xem xét lại vấn đề một lần nữa. Điểm bất lợi là nó tước bỏ quyền lực của tổng thống, sau đó trao trả lại, rồi lại dập tắt.

Cách giải thích thứ ba được ủng hộ bởi một tuyên bố từ Tu chính án thứ 25 rằng, nếu Quốc hội Mỹ ra quyết định chống lại tổng thống đương nhiệm, "Phó Tổng thống sẽ tiếp tục thực hiện" quyền hạn với tư cách là quyền tổng thống. Nhưng điều đó dường như mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của Tu chính án rằng, ông ấy sẽ tiếp tục quyền hạn của mình khi ông ấy nói: "Tôi ổn". Và trong các văn bản trao quyền theo luật pháp của Mỹ, một điều khoản xuất hiện trước đó trong một văn bản thường áp chế một điều khoản không nhất quán xuất hiện sau đó.

Tác giả bài viết là ông Robert G. Natelson - từng là giáo sư luật trong 25 năm và là chuyên gia cao cấp về Luật học Hiến pháp tại Viện Độc lập ở Denver, Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách “The Original Constitution: What It Actually Said and Meant” (Hiến pháp gốc: Nội dung và Ý nghĩa thực tế), và của bài báo học thuật gần đây có tựa đề “Federal Functions: Execution of Powers the Constitution Grants to Persons and Entities Outside the Federal Government” (Chức năng liên bang: Thực thi quyền hạn Hiến pháp cấp cho những người và thực thể nằm ngoài Chính phủ liên bang), 23 U. Penn. J. Const. Law 193 (2021) (pdf).

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times và NTD Việt Nam.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Hiến pháp Hoa Kỳ: Liệu có thể dùng Tu chính án thứ 25 để phế truất ông Biden?