Hàng ngàn nhà khoa học tại Hoa Kỳ bán kết quả nghiên cứu cho Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông qua chương trình “Kế hoạch Nghìn nhân tài” (TTP), trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã mua lại kết quả nghiên cứu từ hơn 7.000 nhà khoa học và các chuyên gia khác của Hoa Kỳ, theo báo cáo của Tiểu ban Thượng viện công bố ngày 18/11.

TTP chỉ là một trong số khoảng 200 chương trình “Tuyển dụng tài năng” của Trung Quốc. Trong khi nhận thù lao từ Trung Quốc, các nhà khoa học này cũng đồng thời nhận được tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ. Theo báo cáo, người nộp thuế ở Hoa Kỳ đã chi hàng trăm tỷ đô la Mỹ để tài trợ cho nghiên cứu và phát triển mà cuối cùng Trung Quốc hưởng lợi.

Các trợ lý của quốc hội đã thông tin nhanh cho các phóng viên về báo cáo, họ đưa ra các ví dụ về những gì các nhà khoa học liên kết với TTP đã làm. Ví dụ, một nhà nghiên cứu tại Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã tự ý tải xuống hơn 30.000 tài liệu và chuyển chúng cho Trung Quốc.

Một ví dụ khác, tại Viện Sức khỏe quốc gia có một nhà khoa học đã đưa một nghiên cứu đáng lẽ được tiến hành trong phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ về một viện nghiên cứu của Trung Quốc để thực hiện.

Đôi khi, các nhà khoa học đã chuyển sở hữu trí tuệ sang Trung Quốc, nhưng cũng có các trường hợp họ lại thiết lập các phòng thí nghiệm tương tự ở Trung Quốc để đồng thời tái tạo công việc của họ ở Hoa Kỳ.

Theo nhận xét của các trợ lý, chương trình “tuyển dụng nhân tài” thậm chí còn đem lại cho Bắc Kinh nhiều thành công hơn mong đợi. Mục tiêu ban đầu là tuyển dụng 2.000 nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, nhưng trên thực tế, năm 2017, chương trình TTP đã thu hút được hơn 7.000 nhà nghiên cứu.

TTP hoạt động dưới sự quản lý chặt chẽ của Ban tổ chức trung ương ĐCSTQ, nơi kiểm soát sự phân công công việc của hơn 90 triệu quan chức Đảng ở tất cả các cấp chính quyền.

Báo cáo là một bước quan trọng để hiểu được các nghiên cứu bằng nguồn tài trợ từ thuế của Hoa Kỳ đã đóng góp như thế nào cho sự trỗi dậy toàn cầu của Trung Quốc, các Trợ lý Quốc hội cho biết. Bản báo cáo được lập bởi Ủy ban về các vấn đề an ninh nội địa và Tiểu ban thường trực về điều tra của chính phủ do thượng nghị sĩ Rob Portman, Đảng Cộng hòa bang Ohio chủ trì.

Báo cáo tập trung vào cách thức chương trình TTP của Trung Quốc thỏa hiệp với các nhà nghiên cứu tại một số cơ quan của Hoa Kỳ, và đã chỉ ra rằng các cơ quan đó hầu như buông lỏng việc này.

Phần lớn mọi người đều biết đến TTP vì giới chức Trung Quốc đã đăng thông tin chi tiết chọn lọc về TTP trên các trang web chính thức. Nhưng vào năm 2018, khi nhận thấy bắt đầu có sự chú ý một cách nghiêm túc từ phía giới chức Hoa Kỳ, chính phủ Trung Quốc đã xóa các liên kết trực tuyến về TTP trên web, bao gồm cả danh sách các nhà khoa học tham gia.

FBI hành động chậm trễ

Báo cáo đặc biệt chỉ trích FBI, cơ quan đã nhận được thông tin liên quan đến các thành viên của TTP và các kế hoạch tuyển dụng nhân tài khác vào năm 2016. FBI đã mất gần hai năm để phối hợp báo cáo các thông tin đó cho các cơ quan khen thưởng cấp liên bang, các trợ lý cho biết.

Do đó, báo cáo cho biết, Bắc Kinh đã có “cơ hội tuyển dụng các nhà nghiên cứu và nhà khoa học… của Hoa Kỳ, bao gồm 70 người đoạt giải Nobel và các viện sỹ Viện Hàn lâm”.

Các chi tiết bổ sung về phản ứng chậm của FBI đã được biên soạn từ báo cáo, nhưng báo cáo cũng nói rõ rằng cục điều tra “cần có một chương trình phối hợp quốc gia để chống lại mối đe dọa từ các kế hoạch tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc”.

Báo cáo của Tiểu ban cũng rất quan trọng đối với Bộ Năng lượng, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao. Báo cáo nêu rõ rằng các quan chức của Bộ Năng lượng đã xác định hàng trăm thành viên của TTP đang làm việc tại các vị trí khác nhau của bộ.

Theo báo cáo, các quan chức Bộ Ngoại giao đã “không theo dõi các chương trình tuyển dụng nhân tài TTP và hiếm khi từ chối (dưới 5%) đơn xin thị thực của các công dân Trung Quốc có thể có liên quan đến hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ”.

Các quan chức của Bộ Thương mại đã phê duyệt một số lượng đáng kể công dân Trung Quốc làm việc trên các công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ. Tiểu ban đã xem xét hồ sơ cá nhân của 2.000 người và phát hiện có 20 người là thành viên của các chương trình tuyển dụng nhân tài, hơn 150 người liên quan tới các trường đại học có liên đới với quân đội Trung Quốc và hơn 60 người cộng tác với Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc.

FBI và các quan chức cấp liên bang khác sẽ bị thẩm vấn vào ngày 19/11 trong phiên điều trần mở của Tiểu ban.

Thành Nam (biên dịch)

Theo Epoch Times

Tác giả: Mark Tapscott



BÀI CHỌN LỌC

Hàng ngàn nhà khoa học tại Hoa Kỳ bán kết quả nghiên cứu cho Trung Quốc