Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về việc đưa Washington DC thành tiểu bang hôm 20/4

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dân biểu Cộng hòa Andy Biggs (Arizona) cho biết: “Đảng Dân chủ rất tham lam khi cố làm nghiêng vĩnh viễn cán cân quyền lực chính trị theo hướng có lợi cho họ, đến mức họ đã đưa ra cho chúng tôi một đề xuất buồn cười về việc thành lập tiểu bang D.C.".

Theo Ủy ban về Quy tắc của Hạ viện Mỹ, viện này sẽ bỏ phiếu về việc có nên đưa Washington, D.C. trở thành một tiểu bang vào thứ Ba, ngày 20/4.

Trước đó, Lãnh đạo phe Đa số Dân chủ tại Hạ viện là ông Steny Hoyer (Maryland) tuyên bố, Hạ viện sẽ cố gắng bỏ phiếu về dự luật trong tuần ngày 19/4, tức là vào tuần tới.

Dự luật này được đưa ra sau khi Ủy ban Giám sát Hạ viện, dưới sự chủ trì của Hạ nghị sĩ Dân chủ Carolyn Maloney (New York), đã bỏ phiếu để thúc đẩy Nghị quyết Hạ viện 51 vào đầu tuần này bằng một cuộc bỏ phiếu 25–19.

Theo dự luật, thủ đô của Hoa Kỳ sẽ được thu nhỏ để chỉ bao gồm các khu vực: National Mall, đài kỷ niệm, Nhà Trắng, Đồi Capitol và các tòa nhà liên bang khác. Phần còn lại của D.C. sẽ trở thành tiểu bang thứ 51 được gọi là "Washington, Douglass Commonwealth".

Một phiên bản tương tự của dự luật đã được thông qua vào tháng 6 năm ngoái nhưng bị đình trệ tại Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm giữ khi đó.

Nếu Hạ viện thông qua dự luật vào tuần tới, dự luật sẽ bị đình trệ tại Thượng viện với tỷ lệ 50–50, cụ thể là vì đảng Cộng hòa - chiếm thiểu số - có thể sử dụng biện pháp yêu cầu 60 phiếu bầu. Thượng nghị sĩ Dân chủ Tom Carper (Delaware) cho biết trong một tuyên bố rằng, dự luật đối ứng tại Thượng viện của ông là S. 51 có 44 nhà ủng hộ thuộc đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin (West Virginia) và Thượng nghị sĩ Dân chủ Kyrsten Sinema (Arizona) đã không ký ủng hộ dự luật này. Cả 2 cũng đã ra dấu cho biết họ phản đối việc loại bỏ biện pháp filibuster.

Sau khi dự luật được thông qua tại Ủy ban Giám sát Hạ viện, Dân chủ Maloney nói: "Việc đưa D.C. thành tiểu bang là về bình đẳng, công bằng và đảm bảo rằng ước mơ của những Tổ phụ của chúng ta được thực hiện, mặc dù hơn 200 năm công lý bị trì hoãn".

Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa tuyên bố đó là một "cuộc giành giật quyền lực" của các thành viên đảng Dân chủ, những người đang cố gắng thay đổi để cán cân vĩnh viễn có lợi cho họ.

Trong một tuyên bố, Dân biểu Cộng hòa Andy Biggs (Arizona) cho biết: “Đảng Dân chủ rất tham lam khi cố làm nghiêng vĩnh viễn cán cân quyền lực chính trị theo hướng có lợi cho họ, đến mức họ đã đưa ra cho chúng tôi một đề xuất buồn cười về việc thành lập tiểu bang D.C.".

Ông nói thêm rằng: “Có một điều, đó là một ý tưởng khủng khiếp khi tạo ra một 'quận thủ đô’ mới nhỏ bé, không lớn hơn một công viên thành phố sẽ được bao quanh bởi một tiểu bang hoàn toàn mới. Điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ của ‘Washington, Douglass Commonwealth’ không muốn đảm bảo an ninh cho khu thủ đô mới? Hoặc để giúp cung cấp điện hoặc hệ thống ống nước của nó? Làm thế nào một lãnh thổ không lớn hơn [diện tích] một vài dãy nhà thành phố có thể tránh bị cưỡng chế phục tùng?".

Những người chỉ trích trước đây về việc biến D.C. thành một tiểu bang mới đã nhận định, việc này sẽ yêu cầu một bản sửa đổi Hiến pháp mới. Điều I, Mục 8 của Hiến pháp trao cho Quốc hội quyền “thực hiện Pháp luật độc quyền trong mọi Trường hợp, đối với Quận đó,” đề cập đến thành phố thủ đô.

Thành phố D.C. được định nghĩa là một thực thể hiến pháp độc lập vĩnh viễn, nằm ngoài bất kỳ một tiểu bang nào.

Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp là một công việc không hề đơn giản. Theo Hội nghị Quốc gia về Cơ quan Lập pháp Tiểu bang, “Quốc hội phải triệu tập một hội nghị để đề xuất các sửa đổi khi áp dụng các cơ quan lập pháp của hai phần ba số tiểu bang (tức là 34 trong số 50 tiểu bang)”.

The Epoch Times đã liên hệ với văn phòng của Chủ tịch Dân chủ Jim McGovern (Massachusetts) tại Ủy ban Hạ viện để nhận xét.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về việc đưa Washington DC thành tiểu bang hôm 20/4