Giữ vững phòng tuyến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Mỹ tiết lộ kế hoạch chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Trump đã giải mật chiến lược của mình để đảm bảo tiếp tục ngăn chặn sự bành trước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó tập trung vào việc thúc đẩy sự trỗi dậy của Ấn Độ như một đối trọng với Bắc Kinh và tăng cường khả năng tự vệ Đài Loan trước một cuộc tấn công từ ĐCSTQ.

ĐCSTQ trói buộc quyền tự do và chủ quyền của các quốc gia vào 'vận mệnh chung' của mình

Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien hôm thứ Ba (ngày 12/1) đã thông báo về việc xuất bản một tài liệu có tiêu đề "Khung Chiến lược của Hoa Kỳ cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" - được Tổng thống Donald Trump phê duyệt vào tháng 2/2018.

Tài liệu cung cấp “hướng dẫn chiến lược tổng thể” cho các hành động của Hoa Kỳ trong ba năm qua và được công bố để thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc “giữ cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở lâu dài trong tương lai”, ông O Brien nói trong một tuyên bố.

Ông O'Brien cho biết: “Bắc Kinh đang ngày càng gây sức ép - buộc các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải phục tùng quyền tự do và chủ quyền của họ vào một 'vận mệnh chung' mà ĐCSTQ đã vạch ra. Cách tiếp cận của Hoa Kỳ là khác. Chúng tôi cố gắng đảm bảo rằng các đồng minh và đối tác của chúng tôi - tất cả những người chia sẻ các giá trị và nguyện vọng về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở - có thể giữ gìn và bảo vệ chủ quyền của họ”.

Tài liệu đưa ra tầm nhìn chiến lược về khu vực này, trong đó:

  • Triều Tiên sẽ không còn là mối đe dọa;
  • Ấn Độ chiếm ưu thế ở Nam Á;
  • Đài Loan được tăng cường năng lực tự vệ;
  • Mỹ hợp tác với các đối tác trên thế giới để chống lại các hoạt động của Trung Quốc nhằm phá hoại chủ quyền thông qua hoạt động cưỡng bức.

Ông O'Brien cho rằng ĐCSTQ có thể sẽ thực hiện các bước “ngày càng quyết đoán” để thúc đẩy thống nhất với Đài Loan; và cảnh báo rằng sự thống trị của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo sẽ “đặt ra những thách thức sâu sắc cho các xã hội tự do".

Phía Trung Quốc đã phản ứng lại, cho biết báo cáo này đã "tạo sự giật gân về lý thuyết" liên quan đến “mối đe dọa từ ĐCSTQ"; và cho thấy rằng Mỹ đã "đi ngược lại cam kết của chính mình về vấn đề Đài Loan".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu trong cuộc họp hôm thứ Tư (ngày 13/1): “Nội dung chỉ chứng minh động cơ thâm độc của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc và phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực. Chúng tôi cần đảm bảo rằng châu Á-Thái Bình Dương là sân khấu để Trung Quốc và Mỹ tăng cường hợp tác cùng có lợi. Nó không nên trở thành một đấu trường nơi diễn ra một trò chơi có tổng bằng không”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp Hội nghị G20 tại Osaka ngày 29/6/2019. (Ảnh: BRENDAN SMIALOWSKI/AFP via Getty Images)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp Hội nghị G20 tại Osaka ngày 29/6/2019. (Ảnh: BRENDAN SMIALOWSKI/AFP via Getty Images)

Chỉ còn 1 tuần cho nhiệm kỳ tổng thống, chính quyền Trump vẫn ‘đánh Trung’

Báo cáo được đưa ra vào thời điểm chỉ một tuần trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức, cho thấy hành động quyết liệt của chính quyền Trump nhằm chống lại Trung Quốc ở châu Á - điều mà phần lớn nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng.

Rory Medcalf, một giáo sư và là người đứng đầu trường Cao đẳng An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc, nói rằng tài liệu cho thấy chính sách của Mỹ ở châu Á được thúc đẩy bởi những nỗ lực nhằm “tăng cường đồng minh và chống lại Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng chiến lược có thể gặp rất nhiều khó khăn trong các vấn đề như giải pháp hạt nhân của Triều Tiên, duy trì "vị thế đứng đầu" trong khu vực và tìm kiếm sự đồng thuận quốc tế chống lại các hành vi kinh tế có hại của Trung Quốc.

Medcalf viết trong một bài đăng cho nhóm nghiên cứu của Viện Chính sách Chiến lược Úc: “Chiến lược đã được giải mật sẽ có giá trị lâu dài như là bước khởi đầu của kế hoạch chi tiết - để xử lý sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Nếu Mỹ thực sự nghiêm túc về cuộc cạnh tranh dài hạn đó, họ sẽ không thể lựa chọn giữa việc xây dựng ‘ngôi nhà’ của mình trong nước và phát triển quyền lực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Họ sẽ cần phải làm cả hai cùng một lúc”.

Các điểm nổi bật chính của báo cáo bao gồm:

Trung Quốc

  • Giả sử Trung Quốc “nhằm mục đích giải thể các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ trong khu vực. Trung Quốc sẽ khai thác các khoảng trống và cơ hội được tạo ra bởi những mối liên kết giảm dần này”.
  • “Trung Quốc tìm cách thống trị các công nghệ tiên tiến, bao gồm trí tuệ nhân tạo và di truyền sinh học, đồng thời khai thác chúng để phục vụ chủ nghĩa độc tài. Sự thống trị của Trung Quốc trong các công nghệ này sẽ đặt ra những thách thức sâu sắc đối với các xã hội tự do”.
  • "Trung Quốc sẽ thực hiện các bước ngày càng quyết đoán để thúc đẩy thống nhất với Đài Loan".
  • Hoa Kỳ cần hành động để “chống lại các hoạt động kinh tế mang tính săn mồi của Trung Quốc, ngăn cản cạnh tranh nước ngoài, làm suy yếu khả năng cạnh tranh kinh tế của Hoa Kỳ và tiếp tay cho khát vọng thống trị nền kinh tế thế kỷ 21 của ĐCSTQ”.
  • “Hoa Kỳ cần xây dựng một sự đồng thuận quốc tế rằng các chính sách công nghiệp và các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc đang gây tổn hại cho hệ thống thương mại toàn cầu”.
  • “Hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và các quốc gia cùng chí hướng để ngăn chặn việc Trung Quốc có được các khả năng quân sự và chiến lược”.
Chiến lược đã được giải mật sẽ có giá trị lâu dài như là bước khởi đầu của kế hoạch chi tiết - để xử lý sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc (Ảnh: Wikipedia)
Chiến lược đã được giải mật sẽ có giá trị lâu dài như là bước khởi đầu của kế hoạch chi tiết - để xử lý sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc (Ảnh: Wikipedia)

Ấn Độ

  • Kết quả mong muốn: “Đối tác ưu tiên của Ấn Độ về các vấn đề an ninh là Hoa Kỳ . Hai bên hợp tác để duy trì an ninh hàng hải và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam và Đông Nam Á cũng như các khu vực khác mà hai bên cùng quan tâm”.
  • “Ấn Độ vẫn chiếm ưu thế ở Nam Á và đóng vai trò hàng đầu trong việc duy trì an ninh Ấn Độ Dương”.
  • “Đẩy nhanh sự trỗi dậy và năng lực của Ấn Độ như một nhà cung cấp mạng lưới an ninh và đối tác quốc phòng lớn; củng cố quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Ấn Độ - được gia cường bởi một quân đội Ấn Độ mạnh mẽ”.
  • “Tăng cường năng lực của các đối tác mới nổi ở Nam Á, bao gồm Maldives, Bangladesh và Sri Lanka, để đóng góp vào một trật tự tự do và cởi mở”.

Đài loan

  • “Xây dựng và thực hiện một chiến lược quốc phòng có khả năng, nhưng không giới hạn: (1) phủ nhận Trung Quốc duy trì vị thế thống trị trên không và trên biển bên trong ‘chuỗi đảo thứ nhất’ trong một cuộc xung đột; (2) bảo vệ các quốc gia thuộc chuỗi đảo thứ nhất, bao gồm Đài Loan; và (3) thống trị tất cả các miền bên ngoài chuỗi đảo đầu tiên”.
  • “Cho phép Đài Loan phát triển một chiến lược và khả năng phòng thủ phi đối xứng hiệu quả sẽ giúp đảm bảo an ninh, không bị ép buộc, khả năng phục hồi và khả năng can dự với Trung Quốc theo các điều kiện của riêng mình”.

Bắc Triều Tiên:

  • Mục tiêu: "Thuyết phục chế độ Kim rằng con đường duy nhất để tồn tại là từ bỏ vũ khí hạt nhân".
  • “Tối đa hóa áp lực lên Bình Nhưỡng bằng cách sử dụng các công cụ kinh tế, ngoại giao, quân sự, thực thi pháp luật, tình báo và thông tin để làm tê liệt các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên, làm tắc nghẽn dòng tiền, làm suy yếu chế độ và đặt ra các điều kiện cho các cuộc đàm phán nhằm đảo ngược chương trình hạt nhân và các chương trình tên lửa, cuối cùng đạt được việc phi hạt nhân hóa ‘có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược’ hoàn toàn trên bán đảo này”.
  • “Thực hiện điều này bằng cách: (1) giúp Hàn Quốc và Nhật Bản có được các năng lực quân sự tiên tiến; (2) thúc đẩy Hàn Quốc và Nhật Bản đến gần nhau hơn”.

Đông Nam Á

  • Mục tiêu: “Thúc đẩy và củng cố vai trò trung tâm của Đông Nam Á và ASEAN trong cấu trúc an ninh của khu vực, đồng thời khuyến khích khu vực này cùng chung tiếng nói về các vấn đề chính”.
  • “Thúc đẩy một mô hình phát triển kinh tế tổng hợp ở Ấn Độ-Thái Bình Dương - cung cấp một sự thay thế đáng tin cậy cho Sáng kiến Vành đai-Con đường; tạo ra một lực lượng đặc nhiệm về cách sử dụng tốt nhất các quan hệ đối tác công tư”.

Đức Duy
Theo Bloomberg



BÀI CHỌN LỌC

Giữ vững phòng tuyến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Mỹ tiết lộ kế hoạch chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc