Gián điệp của Trung Quốc ở Hoa Kỳ đang ở mức ‘vượt quá quy mô’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhà phân tích cảnh báo, các hoạt động gián điệp của chế độ Trung Quốc trên khắp thế giới đã tăng tốc trong thập kỷ qua và hiện đang ở mức “vượt quá quy mô”.

Bình luận của ông được đưa ra vào thời điểm các công tố viên liên bang Hoa Kỳ công bố một vụ án mới liên quan đến Trung Quốc gần như mỗi tuần.

Rất nhiều vụ việc đã được công bố trong 2 tháng qua. Một cảnh sát thành phố New York bị bắt và bị buộc tội làm gián điệp trong cộng đồng người Tây Tạng tại thành phố này cho Lãnh sự quán Trung Quốc. Năm công dân Trung Quốc bị buộc tội hack hơn 100 công ty và tổ chức trên toàn thế giới. Một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại UCLA (Đại học California Los Angeles) bị buộc tội phá hủy bằng chứng (ổ cứng) để cản trở cuộc điều tra xem liệu anh ta có chuyển phần mềm nhạy cảm cho Trung Quốc hay không. Một nhà nghiên cứu của NASA đã bị bắt và bị buộc tội che giấu tài trợ từ Trung Quốc. Một cựu sĩ quan CIA bị bắt vì cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc trong một thập kỷ.

Cựu quan chức tình báo cấp cao Nicholas Eftimiades của Hoa Kỳ đã trình bày chi tiết những phát hiện của mình trong một cuốn sách năm 1994, “Hoạt động tình báo Trung Quốc” (Chinese Intelligence Operations). Trong khoảng 3 thập kỷ qua, ông đã nghiên cứu và phân tích các hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.

Trả lời The Epoch Times, ông Eftimiades nói: “Khi tôi viết cuốn sách đầu tiên, nó đã được chú ý và nó dần nổi bật. Và nó hầu như bị Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác phớt lờ".

Cảnh sát New York Baimadajie Angwang bị bắt giữ vì là gián điệp cho chính quyền Trung Quốc. (Ảnh: Facebook)
Cảnh sát New York Baimadajie Angwang bị bắt giữ vì là gián điệp cho chính quyền Trung Quốc. (Ảnh: Facebook)

Ông nhận định: “Nhưng bây giờ, [vấn đề tình báo Trung Quốc] đó đã vượt quá quy mô". Cựu quan chức tình báo nhấn mạnh rằng, cơ sở dữ liệu mà ông duy trì về các trường hợp gián điệp của Trung Quốc được báo cáo trên toàn thế giới hiện đã có hơn 600 trường hợp — hầu hết đều được ghi lại trong 10 năm qua. Các vụ việc bao gồm đánh cắp bí mật thương mại, xuất khẩu bất hợp pháp các công nghệ quan trọng đối với an ninh quốc gia, tấn công mạng và gián điệp truyền thống. Nhà phân tích này gần đây đã xuất bản một chuyên khảo, cuốn đầu tiên trong một bộ gồm 3 tập. Ông xem nó như một bản cập nhật cho cuốn sách của mình.

Ông Eftimiades nói, hầu như không có cách nào để biết được quy mô thực sự của chương trình gián điệp toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đồng thời ông cũng nhắc nhở rằng, quy mô thực sự có thể "dễ dàng" dao động từ hàng chục nghìn cho đến hàng trăm nghìn trường hợp.

Không giống như gián điệp truyền thống, chế độ Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận “toàn xã hội” để có được tài sản trí tuệ (IP) nước ngoài, vì nó “tiếp thêm năng lượng cho toàn xã hội để hỗ trợ các mục tiêu phát triển quốc gia, kinh tế và quân sự” của Trung Quốc, ông Eftimiades nhận xét. Từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đến các doanh nghiệp tư nhân và các nhà nghiên cứu của Trung Quốc, tất cả đều tham gia vào hoạt động thu thập các loại tài nguyên kể trên.

Quý Siêu Quần (trái) - một gián điệp thế hệ mới của ĐCSTQ dưới mác "du học sinh".
Quý Siêu Quần (trái) - một gián điệp thế hệ mới của ĐCSTQ dưới mác "du học sinh".

Phần lớn hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ tập trung vào các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin, năng lượng và vật liệu mới — các lĩnh vực được đề cập trong chính sách công nghiệp “Made in China 2025” của ĐCSTQ. Bản kế hoạch này đưa ra 10 lĩnh vực cần phát triển mạnh mẽ để biến Trung Quốc thành cường quốc sản xuất công nghệ cao vào năm 2025.

Thức tỉnh về hoạt động gián điệp của Trung Quốc ở Hoa Kỳ

Ông Eftimiades đã lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa từ Trung Quốc từ những năm 1990. Ông cho biết, vào thời điểm đó, "không ai quan tâm" đến vấn đề này, ngoại trừ một vài thành viên Quốc hội Hoa Kỳ. Ông khẳng định, mối lo ngại này không hề xuất hiện trong các cơ quan hành chính Hoa Kỳ, lúc đó vốn chỉ tập trung vào Nga. Sau vụ tấn công ngày 11/9/2001 thì hầu hết các chính quyền tiếp theo đều chỉ tập trung vào khủng bố, cho đến khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.

“Vì vậy, trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã… không có các phản ứng đối với các hành động kinh tế cực kỳ hung hăng của Trung Quốc”, cựu quan chức tình báo nhấn mạnh.

Alexander Ma - cựu nhân viên tình báo CIA bị bắt vào ngày 14/8/2020 vì làm gián điệp cho Trung Quốc - đang đếm tiền do một đặc vụ FBI đưa trong buổi gặp mặt hồi tháng 8/2020. (The Epoch Times)
Alexander Ma - cựu nhân viên tình báo CIA bị bắt vào ngày 14/8/2020 vì làm gián điệp cho Trung Quốc - đang đếm tiền do một đặc vụ FBI đưa trong buổi gặp mặt hồi tháng 8/2020. (The Epoch Times)

Vì trọng tâm của các chính sách chỉ mới chuyển sang Trung Quốc từ khoảng 4 năm trước, nên các cơ quan thực thi và tình báo của Mỹ đã phải tìm mọi cách để bắt kịp, theo lời ông Eftimiades nói. Hồi tháng Bảy, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết, FBI hiện có hơn 2.000 cuộc điều tra liên quan đến Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, số vụ gián điệp kinh tế có liên quan đến ĐCSTQ đã tăng khoảng 1.300%, theo lời ông Wray.

Ông Eftimiades chỉ ra nhiều trường hợp, các sĩ quan tình báo phương Tây được chế độ Trung Quốc tuyển dụng như một dấu hiệu cho thấy "chúng ta đã phản ứng không tốt" đối với hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.

Ví dụ, cựu nhân viên CIA Jerry Chun Shing Lee - một công dân Hoa Kỳ nhập tịch, sinh ra ở Hong Kong và lớn lên ở Hawaii - đã bị kết án 19 năm tù vào tháng 11/2019. Người này đã nhận tội âm mưu cung cấp thông tin mật cho tình báo Trung Quốc, sau khi rời CIA vào năm 2010. Vào tháng 9/2019, cựu sĩ quan thuộc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ron Rockwell Hansen đã bị kết án 10 năm vì tội làm gián điệp phục vụ cho Trung Quốc.

Tại Pháp, hai cựu sĩ quan của cơ quan tình báo nước ngoài của quốc gia đó (tương đương với CIA) đã bị kết án tù dài hạn vào tháng Bảy, vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Một trong số họ được cho là đã từng là trưởng ga tàu ở Bắc Kinh vào những năm 1990, trước khi bị triệu hồi về Pháp sau khi anh ta có quan hệ tình cảm với thông dịch viên tiếng Trung của đại sứ Pháp lúc bấy giờ.

Cựu quan chức tình báo Eftimiades nói: “Có khả năng là chúng ta vẫn đang bị thâm nhập rất, rất sâu". Tuy nhiên, ông đánh giá Hoa Kỳ đang bắt đầu dần hiểu hơn về mối đe dọa này.

Tuần trước, các thành viên Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện đã công bố một báo cáo, trong đó họ kết luận rằng các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã không thích ứng được với các chiến thuật của chế độ Trung Quốc.

Liên tiếp các vụ gián điệp của ĐCSTQ tại Mỹ bị lật tẩy và bắt giữ trải dài trong suốt năm 2019. Chính phủ Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi và ngăn chặn hành vi gián điệp gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của đất nước này.
Liên tiếp các vụ gián điệp của ĐCSTQ tại Mỹ bị lật tẩy và bắt giữ trải dài trong suốt năm 2019. Chính phủ Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi và ngăn chặn hành vi gián điệp gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của đất nước này. (Ảnh: Shutterstock)

"Các [tiêu chuẩn] đều rất cao. Nếu IC (viết tắt của cụm từ "giới tình báo") không thể xác định chính xác đặc tính và bối cảnh của các ý định từ chính quyền Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo của Mỹ sẽ không hiểu được các yếu tố thúc đẩy việc ra quyết định của Trung Quốc”, báo cáo nêu rõ.

ĐCSTQ không chỉ khai thác các hoạt động của con người mà còn đổi mới để kết hợp giữa các hoạt động gián điệp [kỹ thuật số] với người thực. Ông Eftimiades đánh giá sự kết hợp này "trong nhiều trường hợp, được thực hiện một cách thành thạo".

Ví dụ, theo một báo cáo năm 2019 của Công ty an ninh mạng Crowdstrike của Mỹ, một chi nhánh thuộc Bộ Công An thuộc cơ quan tình báo hàng đầu Trung Quốc bị cáo buộc đã điều phối một mạng lưới gồm tin tặc, chuyên gia nghiên cứu bảo mật và công dân Trung Quốc làm việc tại các công ty nước ngoài để đánh cắp bí mật hàng không, bao gồm cả từ General Electric. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) đã công bố 3 cáo trạng liên quan đến vụ việc, bao gồm một cáo trạng chống lại một cựu kỹ sư của GE vì bị cáo buộc ăn cắp công nghệ tuabin của công ty để thu lợi cho Bắc Kinh.

Tuy nhiên, sự thức tỉnh chậm chạp giữa các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ lại chưa diễn ra đối với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại, cựu quan chức tình báo Eftimiades nói. Ông cho biết, ông “thường xuyên ngạc nhiên” trước phản ứng “thiếu lý lẽ” của các ngành, đặc biệt là các công ty không hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, chẳng hạn như các công ty ở Thung lũng Silicon.

“Các ngành công nghiệp phương Tây nói chung vẫn khá thiếu hiểu biết về những gì đang xảy ra", ông nhận xét.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Gián điệp của Trung Quốc ở Hoa Kỳ đang ở mức ‘vượt quá quy mô’