G-7 kêu gọi Bắc Kinh xem xét lại việc áp đặt Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 17/6, tất cả các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Nhóm G-7 đã ra một tuyên bố chung kêu gọi Bắc Kinh xem xét lại quyết định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi đơn phương áp đặt luật an ninh quốc gia (ANQG) tại Hong Kong.

Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc đã trực tiếp bỏ qua cơ quan lập pháp địa phương của Hong Kong để ban hành điều luật hình sự hóa các hoạt động liên quan đến lật đổ, kế nhiệm, khủng bố và can thiệp nước ngoài hồi cuối tháng Năm.

Dự luật này được coi là một đòn giáng mạnh vào quyền tự trị của Hong Kong. Động thái này của ĐCSTQ đã bị lên án ở cả trong và ngoài Hong Kong, thúc đẩy người dân của đặc khu này tiếp tục xuống đường biểu tình. Dự luật ANQG này sẽ được áp dụng tại đặc khu hành chính sau khi Ủy viên Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (NPCSC) soạn thảo các điều khoản chi tiết của đạo luật.

Các Ngoại trưởng thuộc Nhóm G-7 bày tỏ “quan ngại sâu sắc về quyết định của Trung Quốc nhằm áp dụng luật ANQG đối với Hong Kong”, và lưu ý rằng điều này sẽ vi phạm các cam kết quốc tế của Bắc Kinh và vi phạm Luật cơ bản của Hong Kong. Bộ Luật Cơ bản của Hong Kong vốn được hình thành để đảm bảo rằng các Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị tiếp tục có hiệu lực trong đặc khu này.

Trong một tuyên bố chung giữa Đại diện cấp cao của EU và Ngoại trưởng các nước Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh Quốc có nêu rõ: “Dự luật ANQG được đề xuất sẽ có nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng nguyên tắc 'một quốc gia, hai chế độ' và mức độ tự trị cao của đặc khu này”.

Trong Tuyên bố chung Trung-Anh có đặt ra các điều khoản khi Hong Kong được trao trả cho ĐCSTQ, chính quyền này đã đồng ý trao quyền tự trị và tự do cho đặc khu này theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. Đây là những đặc quyền mà người dân ở đại lục không có được.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài giờ trước khi có quyết định sẽ triệu tập Ủy viên Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh, mặc dù không rõ liệu điều luật này có được thảo luận trong cuộc họp hay không.

Đây cũng là thời điểm ông Tam Yiu-chung, một chính trị gia kỳ cựu thân Bắc Kinh và là thành viên tham gia trong NPCSC, đưa ra thông báo. Ông Tam nói rằng dự luật ANQG này có thể cho phép dẫn độ tội phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc đại lục, AFP cho biết.

“Nếu chính quyền trung ương (của ĐCSTQ) cho rằng cần phải làm như vậy, [nếu vấn đề] không thể xử lý tại tòa án Hong Kong, thì đó là một lựa chọn”, ông nói với Đài Truyền hình Hong Kong (RTHK) trong một cuộc phỏng vấn ngày 17/6, khi được hỏi liệu người Hong Kong có thể bị dẫn độ để ra hầu tòa tại đại lục.

Ông Tam cho biết thêm: “Tôi tin rằng một số trường hợp sẽ đụng chạm đến các vấn đề đối ngoại, trong trường hợp dự luật sẽ điều chỉnh các thế lực nước ngoài đã can thiệp vào các vấn đề Hong Kong. Đây rõ ràng là một vấn đề cần được xử lý bởi chính phủ trung ương”.

Người dân đặt hoa tưởng niệm cái chết của một người biểu tình địa phương, gần trung tâm thương mại Pacific Place ở Admiralty, Hong Kong, vào ngày 15/6/2020. (Song Bilung / The Epoch Times)
Người dân đặt hoa tưởng niệm cái chết của một người biểu tình địa phương, gần trung tâm thương mại Pacific Place ở Admiralty, Hong Kong, vào ngày 15/6/2020. (Song Bilung / The Epoch Times)

Thứ Hai (15/6), ông Deng Zhonghua là Phó Giám đốc Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Ma Cao - cơ quan trực thuộc ĐCSTQ chuyên xử lý chính sách của các vùng lãnh thổ, nói rằng chính quyền trung ương Trung Quốc nên có quyền thực thi quyền xét xử và chế tài đối với “các vụ án an ninh quốc gia nghiêm trọng nhất” ở Hong Kong, tuân theo điều luật an ninh quốc gia.

Các Ngoại trưởng của nhóm G-7 cho biết trong tuyên bố của họ rằng dự luật này “sẽ gây nguy hiểm cho hệ thống [pháp lý] vốn giúp Hong Kong phát triển và thành công trong nhiều năm qua”.

Bản tuyên bố chung của nhóm G-7 cho biết: “Chúng tôi cũng vô cùng lo ngại rằng hành động này sẽ hạn chế và đe dọa các quyền và tự do cơ bản của mọi người dân, [vốn] được bảo vệ bởi luật pháp và sự tồn tại của một hệ thống tư pháp độc lập... Chúng tôi khẩn thiết đề nghị chính phủ Trung Quốc xem xét lại quyết định này”.

Để đáp lại, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) nói trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng Bắc Kinh “kiên quyết phản đối” tuyên bố chung của các Ngoại trưởng G-7, và Trung Quốc quyết tâm thúc đẩy việc áp dụng luật ANQG đối với Hong Kong.

Trong một tuyên bố ngày 18/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Dương đã nhấn mạnh với ông Pompeo rằng, Trung Quốc “yêu cầu Hoa Kỳ hãy tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc”.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

G-7 kêu gọi Bắc Kinh xem xét lại việc áp đặt Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong