EU trừng phạt Tổng tư lệnh quân đội Myanmar và 10 người khác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình hình căng thẳng trong nước do chính phủ quân sự Myanmar đảo chính ngày càng gia tăng. Việc quân đội an ninh đàn áp những người biểu tình đòi dân chủ đã đạt đến mức "không thể chịu được”. Vào ngày 22/3, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 11 người có liên quan.

Các đối tượng bị EU trừng phạt bao gồm Tướng Min Aung Hlaing - Tổng tư lệnh quân đội Myanmar cùng các quan chức quân sự và hành chính cấp cao khác. Đây là phản ứng quan trọng nhất của 27 nước kể từ sau khi chính phủ quân đội Myanmar đảo chính.

Sau khi chính phủ dân bầu của bà Aung San Suu Kyi bị lật đổ vào ngày 1/2, ông Min Aung Hlaing luôn đảm nhiệm chức vụ quyền tổng thống. Sức ép đàn áp của quân đội vẫn không suy giảm ngay cả khi có đông đảo những người biểu tình xuống đường phản đối hàng ngày.

Theo số liệu của Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP), cho đến nay ít nhất đã có 250 người thiệt mạng trong quá trình quân đội Myanmar đàn áp các cuộc biểu tình.

Vào ngày 22/3, tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar tiếp tục xảy ra các cuộc bạo loạn, khiến 3 người bị giết, trong đó có một cậu bé 15 tuổi. Theo Myanmar Now đưa tin, vào ngày 21/3, thành phố này đã có 6 người thiệt mạng và nhiều người người khác bị thương.

“Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với 11 người đã tham gia vào cuộc đảo chính và đàn áp những người biểu tình”, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết.

Các Ngoại trưởng EU đã áp đặt lệnh cấm đi lại và lệnh đóng băng tài sản đối với những người bị trừng phạt. Trước đó, EU đã áp dụng lệnh cấm vận vũ khí đối với Myanmar, đồng thời nhắm vào một số sĩ quan quân đội cấp cao kể từ năm 2018. Lệnh trừng phạt mới sẽ là phản ứng quan trọng nhất của EU kể từ khi quân đội Myanmar đảo chính đến nay.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã chỉ ra hôm 22/3 rằng: "Chúng tôi không có ý định trừng phạt người dân Myanmar, mà trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn”.

Ông Maas nói với các phóng viên trước cuộc họp Ngoại trưởng EU tổ chức tại Brussels rằng: “Cuộc đàn áp đã đạt đến mức ‘không thể chịu được’ ”. Đó chính là lý do tại sao chúng tôi phải áp đặt các lệnh trừng phạt”.

Dự kiến EU sẽ sớm áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn đối với các công ty do quân đội Myanmar điều hành.

Các nhà ngoại giao EU nói với Reuters rằng, một số tập đoàn doanh nghiệp của quân đội như Myanmar Economic Holdings Limited (MEHL) và Myanmar Economic Corporation (MEC) rất có thể sẽ trở thành mục tiêu bị trừng phạt, họ sẽ bị cấm kinh doanh với các nhà đầu tư và ngân hàng EU.

Đoàn điều tra thực tế của Liên Hợp Quốc đã kiến nghị tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với hai công ty này và các công ty con của nó vào năm 2019, đồng thời tuyên bố rằng, những công ty này cung cấp một nguồn thu nhập bổ sung cho quân đội Myanmar và có thể đã tài trợ kinh phí cho việc vi phạm nhân quyền.

Tháng trước, Hoa Kỳ đã quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar và các lợi ích thương mại của nước này.

Sau cuộc đảo chính, vào tháng trước, Vương quốc Anh đã áp đặt lệnh cấm đi lại và lệnh đóng băng tài sản đối với 3 tướng Myanmar.

Chính phủ quân sự Myanmar tuyên bố rằng, chính đảng của bà Aung San Suu Kyi đã có hành vi gian lận để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 8/11/2020, nhưng Ủy ban Bầu cử đã bác bỏ cáo buộc này.

Bà Aung San Suu Kyi (75 tuổi) từng đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình. Sau cuộc đảo chính, bà và các thành viên khác của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy) đều bị bắt giữ. Bà Aung San Suu Kyi phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc, bao gồm hối lộ. Luật sư của bà nói rằng, những cáo buộc này hoàn toàn là bịa đặt.

Mai Hạ

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

EU trừng phạt Tổng tư lệnh quân đội Myanmar và 10 người khác