EU tìm cách kiểm soát sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng lên thị trường của khối cộng đồng chung châu Âu, ngày 17/6, Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch khống chế sự cạnh tranh không lành mạnh từ các công ty nước ngoài được bảo trợ bởi các đối thủ lớn từ bên ngoài EU.

Với dự án này, bộ phận điều hành của EU dự định sẽ giải quyết những gì mà họ gọi là “hiệu ứng méo mó” của việc thôn tính các doanh nghiệp châu Âu bởi các công ty nước ngoài bằng những khoản viện trợ công từ các chính phủ ngoài EU. Để cạnh tranh với các doanh nghiệp châu Âu hoạt động dưới các quy tắc viện trợ nhà nước nghiêm ngặt, các công ty này có thể lợi dụng sự hỗ trợ không công bằng để đầu tư ồ ạt và giành được các dự án đấu thầu.

Ông Thierry Breton, Ủy viên thị trường chung Châu Âu, phát biểu tại một cuộc họp báo: “Thị trường châu Âu chào đón tất cả mọi người. Tuy nhiên, khi một công ty được hưởng lợi từ thị trường châu Âu, kinh doanh ở thị trường châu Âu, thì công ty đó phải tôn trọng các quy tắc của chúng tôi”.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế do đại dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra, Ủy ban Châu Âu có kế hoạch bảo vệ hàng ngàn doanh nghiệp châu Âu đang bị khủng hoảng nghiêm trọng khỏi sự thôn tính của nước ngoài.

Phó chủ tịch Ủy ban EU Margrethe Vestager, người chịu trách nhiệm về chính sách cạnh tranh đã phát biểu: “Nền kinh tế của Châu Âu là một nền kinh tế mở và liên kết chặt chẽ với phần còn lại của thế giới. Để duy trì thế mạnh này, chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Đây là lý do tại sao chúng ta cần có công cụ phù hợp để đảm bảo rằng các khoản trợ cấp nước ngoài không làm biến dạng thị trường của chúng ta, giống như chúng ta làm với các khoản trợ cấp quốc gia”.

Các đề xuất được đưa ra qua video vào tuần cuối tháng 6/2020, chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc. Mặc dù khi công bố kế hoạch của mình, Ủy ban Châu Âu không nhắm mục tiêu rõ ràng vào Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Năm 2019, EU đã gán nhãn cho Trung Quốc là “đối thủ hệ thống’.

“Chúng tôi rất vui vì Ủy ban Châu Âu cuối cùng đã xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Nhưng thảo luận trên giấy tờ sẽ không đem lại ấn tượng cho Trung Quốc. Những gì chúng ta cần gấp là các đề xuất pháp lý để ngăn chặn sự thôn tính các công ty chiến lược và bí mật thương mại của chúng ta với giá bèo”, nhà lập pháp EU Manfred Weber và Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen phát biểu.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU sau Hoa Kỳ, trong khi EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Tổng giao dịch trung bình mỗi ngày giữa EU và Trung Quốc là hơn 1 tỷ euro [1,1 tỷ USD].

Ông Phil Hogan, ủy viên thương mại nói: “EU là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới, thu hút mức đầu tư cao từ các đối tác thương mại của chúng ta. Tuy nhiên, sự cởi mở của chúng ta đang ngày càng bị thách thức bởi các thương vụ với nước ngoài, bao gồm các khoản trợ cấp làm biến dạng sân chơi bình đẳng cho các công ty EU”.

Ủy ban cho biết kế hoạch của họ đang được để mở để tham vấn ý kiến cộng đồng cho đến cuối tháng 9/2020 trước khi các đề xuất pháp lý có thể được các quốc gia thành viên và Nghị viện EU xem xét.

Các đề xuất thiết lập ba chương trình chống lại tác động của các khoản trợ cấp nước ngoài trong việc mua lại các công ty EU và trong các thủ tục đấu thầu tại thị trường chung châu Âu.

Kế hoạch sẽ thiết lập một công cụ kiểm tra thị trường chung giúp xác định các tình huống thị trường bị biến dạng bởi các khoản tài trợ nước ngoài, cũng như cho phép cơ quan giám sát áp dụng các biện pháp thích hợp.

“Tuy nhiên, cũng có thể xem xét các hoạt động trợ cấp hoặc đầu tư có tác động tích cực, nằm ngoài khuôn khổ của ‘thị trường méo mó’ và không tiếp tục việc điều tra”, Ủy ban cho biết.

Các đề xuất cũng đưa ra dự tính rằng các công ty nhận được hỗ trợ của chính phủ ngoài EU cần thông báo cho chính quyền khi thực hiện việc mua các doanh nghiệp EU, và nếu chưa được Ủy ban xem xét thì các giao dịch này chưa được bảo đảm.

Ủy ban cho biết: “Nếu cơ quan giám sát thấy rằng việc mua lại được thực hiện bởi trợ cấp nước ngoài và làm biến dạng thị trường chung Châu Âu, họ có thể chấp nhận các cam kết của bên thông báo khắc phục hiệu quả của ‘thị trường méo mó’, hoặc Ủy ban có thể cấm thực hiện việc mua lại”.

Đối với các thủ tục đấu thầu, bộ phận điều hành của EU đề xuất một cơ chế trong đó các nhà thầu sẽ phải thông báo cho chủ đầu tư về các khoản đóng góp tài chính từ các quốc gia ngoài EU. Nếu tiền nước ngoài làm cho quá trình đấu thầu trở nên không công bằng, thì nhà thầu sẽ bị loại.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

EU tìm cách kiểm soát sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài