Dự luật mới ngăn Trung Quốc thâu tóm các công ty Mỹ trong bối cảnh đại dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dân biểu Mark Green có kế hoạch đưa ra một dự luật mới, nhằm ngăn chặn Trung Quốc thâu tóm các công ty quan trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Cụ thể, ông đang tìm cách bảo vệ các doanh nghiệp vốn “là nơi cung cấp thiết bị, hệ thống và công nghệ cho quân đội của [Hoa Kỳ]” khỏi việc bị Trung Quốc mua lại.

Trong một tuyên bố ngày 22/4, ông Green cho biết: “Trung Quốc đang tìm cách tận dụng cuộc khủng hoảng virus corona và ‘nuốt chửng’ các công ty ‘vốn có ý nghĩa sống còn’ đối với quốc phòng của chúng ta, trong khi những công ty này đang gặp khó khăn về kinh tế và tìm kiếm vốn. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra được."

Nhà lập pháp này đã không chỉ ra cụ thể loại hình doanh nghiệp nào mà chính quyền Trung Quốc đang để mắt tới, nhưng cho biết Hoa Kỳ “sẽ dễ suy yếu khi bị tấn công và gặp bất lợi so với Trung Quốc” nếu chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ không được bảo đảm.

Ông Green cũng cho biết ông sẽ giới thiệu gói cứu trợ liên quan đến virus Corona Vũ Hán cho chương trình SOS ACT (“Secure Our Systems Against China’s Tactics” - Bảo vệ Hệ thống Hoa Kỳ trước Chiến thuật của Trung Quốc), “để khuyến khích các nhà đầu tư của Mỹ đầu tư vốn vào các công ty ‘rất quan trọng đối với nền an ninh quốc gia’ của chúng ta nhưng lại đang gặp khó khăn về vấn đề nguồn vốn”. “Đạo luật Viện trợ, Cứu trợ và Bảo an Kinh tế vì Virus Corona” (Đạo luật CARES) sẽ dùng đến 10 tỷ đô-la Mỹ dành cho gói cứu trợ SOS ACT này.

Quốc hội hiện đang tạm dừng hoạt động ít nhất cho đến tháng 5/2020. Đây là một phần của các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Corona Vũ Hán ở Hoa Kỳ.

Vào ngày 27/3, Tổng thống Donald Trump đã ký Đạo luật CARES - gói phục hồi kinh tế trị giá 2,2 nghìn tỷ đô-la Mỹ, để cứu trợ kinh tế đối với người dân Mỹ và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Ông Green cho biết dự luật sẽ không yêu cầu nguồn tài trợ mới nhưng sẽ phân bổ lại nguồn vốn hiện có trong gói cứu trợ.

Theo báo cáo vào tháng 3/2020 của công ty tư vấn độc lập Horizon Advisory có trụ sở tại Hoa Kỳ, chính quyền Trung Quốc đang tìm cách lợi dụng đại dịch để thúc đẩy các mục tiêu kinh tế của mình. Báo cáo rút ra kết luận này sau khi đã phân tích các chính sách và thông báo gần đây được công bố bởi các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương và các viện nghiên cứu của Trung Quốc.

Gần đây, các nhà lập pháp Vương quốc Anh cũng bày tỏ lo ngại khi công ty đầu tư nhà nước Trung Quốc China Reform tìm cách bổ nhiệm 4 giám đốc mới vào hội đồng quản trị của Imagination Technologies - một công ty thiết kế chip bán dẫn hàng đầu của Anh.

Công ty Imagination Technologies này đã được mua lại bởi công ty cổ phần tư nhân Canyon Bridge có trụ sở tại Hoa Kỳ vào năm 2017, trong khi bản thân Canyon Bridge vốn được China Reform “chống lưng”.

Nhà lập pháp người Anh David Davis đã nói với Reuters vào ngày 14/4: “Chúng tôi nghĩ rằng bản chất của sự việc là, người Trung Quốc đang cố gắng xuất khẩu cơ sở công nghệ từ [Anh] sang Trung Quốc, và điều đó hoàn toàn không phù hợp”.

Các chính phủ khác trên thế giới cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc chính quyền Trung Quốc mong muốn mua lại các công ty đang phải gánh chịu tổn thất tài chính do thảm họa đại dịch.

Tuần trước, Ấn Độ tuyên bố rằng bất kỳ khoản đầu tư nào từ các quốc gia có chung biên giới đường bộ với nước này, sẽ cần phải có sự chấp thuận của chính phủ, trong nỗ lực kiềm chế các “cơ hội” nhượng quyền và mua lại các doanh nghiệp tại nước này, theo Reuters.

Việc sàng lọc đầu tư mới này dường như tập trung đa phần vào các công ty Trung Quốc. Hai nguồn tin cấp cao của chính phủ Ấn Độ (giấu tên) nói với Reuters rằng các khoản đầu tư đến từ Hong Kong cũng sẽ được sàng lọc.

Trong khi đó, một thành viên của Nghị viện châu Âu, ông Reinhard Hans Bütikofer nói với Nikkei Asian Review vào đầu tháng 4/2020: “Nước Đức đang đề cao cảnh giác đối với Trung Quốc, trước mọi nỗ lực của chính quyền nước này nhằm khai thác cuộc khủng hoảng kinh tế do virus corona gây ra để tiếp quản các công ty” [của Đức].

Ngày 26/3, tờ Sydney Morning Herald đưa tin, Ủy ban đánh giá đầu tư nước ngoài của Úc cũng nêu cao cảnh giác về việc các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty Trung Quốc, có “tham vọng” tiếp quản các doanh nghiệp địa phương đang gặp khó khăn về tài chính.

Trong một cuộc hội thảo với các Bộ trưởng Quốc phòng các nước liên minh vào ngày 15/4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết “những ảnh hưởng địa chính trị của đại dịch có thể rất đáng lưu tâm”.

Mặc dù không nhắc đến quốc gia cụ thể nào, ông Stoltenberg lưu ý rằng: “Một số người có thể tìm cách lợi dụng suy thoái kinh tế như một lối mở để đầu tư vào các ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta, điều này có thể ảnh hưởng đến an ninh dài hạn và khả năng chúng ta có thể đối phó với cuộc khủng hoảng tiếp theo”.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Dự luật mới ngăn Trung Quốc thâu tóm các công ty Mỹ trong bối cảnh đại dịch