Đông Nam Á sẽ vượt Trung Quốc, trở thành nhà sản xuất laptop hàng đầu thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một tổ chức tư vấn của chính phủ Đài Loan dự đoán rằng Đông Nam Á sẽ sản xuất một nửa số máy tính xách tay cá nhân trên thế giới vào năm 2030, với Việt Nam và Thái Lan được coi là các trung tâm sản xuất chính.

Theo Viện Tư vấn & Trí tuệ Thị trường (MIC), khu vực này sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất máy tính xách tay. Chi phí lao động gia tăng của Trung Quốc và mong muốn giảm thiểu sự phụ thuộc quá mức vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc, được cho là nhân tố thúc đẩy sự chuyển dịch sang Đông Nam Á.

Chuyển dịch chuỗi cung ứng máy tính khỏi Trung Quốc, Đông Nam Á hưởng lợi

Thị trường máy tính xách tay toàn cầu hiện đứng ở mức 160 triệu chiếc vào năm ngoái. Trung Quốc chiếm đến 90% sản lượng, với phần lớn sản xuất của họ được giám sát bởi các công ty Đài Loan, trong khi Đông Nam Á chỉ đảm nhận một phần nhỏ sản lượng.

Thông qua phỏng vấn các nhà sản xuất, MIC nhận thấy thị phần sản xuất máy tính xách tay của Trung Quốc sẽ giảm từ 90% xuống 40% vào năm 2030. Ví dụ, nhà sản xuất theo hợp đồng lớn của Đài Loan là Wistron sẽ sản xuất máy tính xách tay cho các thương hiệu Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Trong số các công ty cùng ngành khác của Đài Loan, Compal Electronics đang xem xét xây dựng năng lực đầu ra tại Việt Nam, trong khi Quanta Computer, nhà sản xuất theo hợp đồng lớn thứ ba thế giới, cũng dự kiến sẽ ​​sản xuất máy tính xách tay tại Thái Lan.

Doanh số máy tính xách tay dự kiến ​​sẽ tăng 6% trong năm nay lên 170 triệu chiếc. Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã thúc đẩy sự gia tăng trong việc kết nối và làm việc từ xa, đồng thời nâng cao nhu cầu sử dụng Chromebook, thiết bị chạy trên hệ điều hành của Google.

Trong một bức ảnh được chụp vào ngày 26 tháng 5 năm 2010, các công nhân Trung Quốc đang lắp ráp các linh kiện điện tử tại nhà máy của tập đoàn công nghệ khổng lồ Đài Loan Foxconn ở Thâm Quyến, thuộc tỉnh Quảng Châu (Ảnh: Getty Images)
Trong một bức ảnh được chụp vào ngày 26 tháng 5 năm 2010, các công nhân Trung Quốc đang lắp ráp các linh kiện điện tử tại nhà máy của tập đoàn công nghệ khổng lồ Đài Loan Foxconn ở Thâm Quyến, thuộc tỉnh Quảng Châu (Ảnh: Getty Images)

Tập đoàn Lenovo của Trung Quốc, HP ở Hoa Kỳ và Máy tính Asustek của Đài Loan đã sản xuất những chiếc Chromebook của riêng họ, được bán với giá vài trăm USD. Hầu hết các mẫu laptop này được sản xuất theo hợp đồng của các công ty Đài Loan.

Việt Nam có cơ hội rất lớn

Vào đầu tháng 8/2020, Nikkei cũng đưa tin Samsung sẽ đóng cửa nhà máy tại Tô Châu, Trung Quốc và dự tính chuyển các công việc lắp ráp máy tính về những nhà máy tại Việt Nam. Người đại diện của Samsung cho biết quyết định đóng nhà máy Trung Quốc là để tối ưu chi phí.

Hon Hai Precision Industry, được biết đến với cái tên Foxconn và là nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có thể bắt đầu sản xuất máy tính xách tay tại Việt Nam.

Mới nhất là Tập đoàn Pegatron của Đài Loan sẽ đầu tư vào Hải Phòng dự án thứ 2, sau dự án đầu tiên được cấp giấy phép từ tháng 3/2020 vừa qua, nâng tổng vốn đầu tư 2 dự án lên đến 500 triệu USD. Pegatron là tập đoàn chuyên cung ứng linh kiện cho các “ông lớn” trong ngành điện tử như Apple, Sony, Microsoft, Lenovo…

Ông Đỗ Khoa Tân - Phó tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, nhận định rằng với sự đầu tư sản xuất của các hãng lớn như Samsung, Intel, LG... Việt Nam đã dần dần hình thành được chuỗi cung ứng phụ trợ đi kèm, tạo cơ hội để thu hút thêm đầu tư mới trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, ông Tân cũng lưu ý rằng để tiếp cận được chuỗi cung ứng trong ngành điện tử, doanh nghiệp cần được chuyển giao công nghệ và đầu tư lớn, trong khi Việt Nam vẫn còn rất ít số đơn vị có khả năng đó.

DB



BÀI CHỌN LỌC

Đông Nam Á sẽ vượt Trung Quốc, trở thành nhà sản xuất laptop hàng đầu thế giới