Đoàn chuyên gia WHO đang bị xem xét về các ràng buộc của một số thành viên với chính quyền Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà phê bình quốc tế đang đặt câu hỏi về tính khách quan của cuộc thăm dò nguồn gốc virus corona Vũ Hán do đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện gần đây ở Vũ Hán.

Đoàn chuyên gia của WHO gồm 17 người Trung Quốc và 17 người nước ngoài đến từ 10 quốc gia. Vào cuối tháng Một, họ bắt đầu cuộc điều tra tại thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, nơi virus corona khởi phát và lây lan thành đại dịch. Ngày 9/2, đoàn chuyên gia WHO trình bày những phát hiện sơ bộ của mình tại một cuộc họp báo trực tuyến.

Tuy nhiên, thành phần nhóm chuyên gia WHO tới Trung Quốc đã khiến phải xem xét kỹ lưỡng. Đặc biệt, một số chuyên gia có quan hệ với chính quyền Trung Quốc có các vấn đề xung đột lợi ích.

Leung Man-to, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Cheng Kung của Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng, tính độc lập của các phát hiện đã bị tổn thương bởi thực tế là để được WHO lựa chọn, trước tiên các chuyên gia nước ngoài phải được Bắc Kinh chấp thuận.

Vào tháng 10/2020, Mike Ryan, giám đốc điều hành của Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO, cho biết trong một cuộc họp rằng “một danh sách các ứng cử viên đã được đệ trình lên chính quyền Trung Quốc để họ xem xét và thực hiện các bước triển khai đội ngũ tiếp theo”.

Khi xem xét về các chuyên gia được Bắc Kinh chấp thuận, ông Leung nói rằng các phát hiện của họ khó có khả năng thoát khỏi luồng tin tức của ĐCSTQ về nguồn gốc virus.

“Nói một cách đơn giản, chúng tôi có thể suy luận một cách hợp lý rằng các kết luận của cuộc điều tra đã được viết ra từ lâu và [Bắc Kinh] chỉ cần có những người [chuyên gia nước ngoài] hỗ trợ họ”, ông Leung nói.

Ông nói thêm rằng, việc các chuyên gia Trung Quốc là một phần của nhóm nghiên cứu càng khiến tính độc lập của các phát hiện thêm tổn hại.

Theo cố vấn Jamie Metzl của WHO, các chuyên gia có 4 tuần ở Trung Quốc, trong đó có 2 tuần kiểm dịch. Chính quyền Trung Quốc cũng từ chối cung cấp dữ liệu gốc của các trường hợp COVID-19 ban đầu cho cơ quan y tế, một thành viên của WHO cho biết.

WHO vẫn chưa công bố báo cáo cuối cùng về những phát hiện của họ ở Vũ Hán. Tuy nhiên, ông Peter Ben Embarek, người dẫn đầu đoàn chuyên gia WHO, cho biết vào ngày 9/2 rằng, khả năng virus bị rò rỉ từ Viện Virology Vũ Hán là “cực kỳ khó xảy ra”. Vài ngày sau, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus dường như quay lại tuyên bố này, nói rằng “tất cả các giả thuyết vẫn còn bỏ ngỏ và cần được nghiên cứu thêm”.

Liên đới với ĐCSTQ

Ít nhất có hai trong số các chuyên gia nước ngoài trong nhóm là Peter Daszak và Marion Koopmans có quan hệ với chính quyền Trung Quốc. Koopmans là nhà virus học người Hà Lan, và Daszak là người mang hai quốc tịch Mỹ-Anh, người đứng đầu EcoHealth Alliance, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York và hoạt động để ngăn chặn đại dịch.

Vào tháng 9/2018, ông Daszak nói rằng EcoHealth là người nhận tiền của ĐCSTQ, trong khi tham gia một hội nghị do đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN, chi nhánh quốc tế của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, tài trợ.

“Tổ chức của chúng tôi đã làm việc tại Trung Quốc với sự hợp tác của các nhà khoa học Trung Quốc trong chính phủ Trung Quốc trong hơn 15 năm, được hỗ trợ bởi nguồn tài trợ liên bang từ Hoa Kỳ và tài trợ liên bang từ Trung Quốc”, ông Daszak nói.

EcoHealth cũng “chuyển tiền từ Viện Y tế Quốc gia [Hoa Kỳ]” tới Viện Virology Vũ Hán, theo một bài báo vào tháng Giêng của Tạp chí New York. Viện Virology Vũ Hán, một trong những phòng thí nghiệm nghiên cứu virus hàng đầu của Trung Quốc, đã trở thành tâm điểm của suy đoán rằng nó có thể là nguồn gốc của đại dịch thông qua một vụ rò rỉ tình cờ trong phòng thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng về coronavirus dơi.

Một tờ thông tin do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào cuối tháng Một nói rằng họ “có lý do để tin rằng”, vào mùa thu năm 2019, một số nhà nghiên cứu tại viện đã ngã bệnh với các triệu chứng phù hợp với cả COVID-19 và cúm mùa thông thường. Trước đó, vào tháng 7/2020, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện này cho biết, không có sự lây nhiễm nào giữa các nhân viên phòng thí nghiệm và thực tập sinh.

Tờ báo cũng đưa tin rằng, phòng thí nghiệm đã tham gia vào các thí nghiệm trên động vật bí mật cho quân đội Trung Quốc kể từ năm 2017. Họ cũng đang tiến hành nghiên cứu "tăng chức năng" của virus, liên quan đến việc tạo ra virus nhân tạo với các khả năng mới hoặc khả năng nâng cao .

Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ các ý kiến ​​cho rằng virus đã bị rò rỉ từ viện nghiên cứu. Vào ngày 18/1, trong một cuộc họp giao ban hàng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã cáo buộc tờ thông tin là “chứa đầy thuyết âm mưu và dối trá”.

Ông Daszak đã ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm vào đầu năm ngoái, vào thời điểm phòng thí nghiệm Vũ Hán được xem là nguồn gốc của virus và bị giám sát gắt gao. Vào tháng 2/2020, ông Daszak nằm trong nhóm 27 nhà khoa học sức khỏe cộng đồng đã đưa ra một tuyên bố chung “mạnh mẽ” lên án “các thuyết âm mưu cho rằng COVID-19 không có nguồn gốc tự nhiên”. Nhóm cho biết coronavirus "có nguồn gốc từ động vật hoang dã" sau khi phân tích bộ gen của nó.

Tuyên bố của Lancet được ông Daszak chuẩn bị và người phát ngôn của ông nói với Wall Street Journal vào tháng Giêng rằng nó được chuẩn bị như "một sự ủng hộ" đối với các nhà khoa học Trung Quốc, những người vào thời điểm đó đang bị đe dọa đến tính mạng.

Tháng 9/2020, ông Daszak đã xuất hiện trong một bộ phim tài liệu của CCTV về cuộc chiến chống lại đại dịch của Trung Quốc. Ông ca ngợi những phản ứng sớm của Trung Quốc đối với đợt bùng phát, nói rằng đó là "chưa từng có và cực kỳ hiệu quả".

Trước đại dịch, ông Daszak cũng ca ngợi dự án về chính sách đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI). Theo một bài báo năm 2018 trên trang web của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Trung Quốc, ông Daszak đã ca ngợi nỗ lực của ĐCSTQ trong việc hợp tác với các quốc gia tham gia BRI để chống lại các bệnh truyền nhiễm mới nổi, nói rằng điều đó sẽ “mang lại lợi ích cho thế giới”.

Bắc Kinh triển khai BRI vào năm 2013 trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng toàn cầu và xây dựng mạng lưới thương mại lấy Bắc Kinh làm trung tâm, bằng cách tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng khắp Đông Nam Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ Latinh.

Bà Koopmans cũng có quan hệ với ĐCSTQ. Trang tiểu sử của bà được đăng ở trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Trang tiểu sử cho biết rằng bà được thuê làm cố vấn khoa học của trung tâm năm 2008.

Bà cũng ca ngợi những phản ứng của chính quyền Trung Quốc đối với sự bùng phát. Theo một bài báo vào tháng 2/2020 từ tờ Nhân dân Nhật báo (People’s Daily), cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, nhà virus học người Hà Lan này đã ca ngợi Bắc Kinh vì đã nhanh chóng xây dựng một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Ông Daszak và bà Koopmans đều không trả lời yêu cầu bình luận.

Các quan ngại

Một số người trong cộng đồng y tế Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại về những xung đột lợi ích rõ ràng trong nhóm WHO.

“Trong một tuyên bố ngày 10/2, ông Michael Weinstein, chủ tịch của Tổ chức Chăm sóc sức khỏe AIDS phi lợi nhuận ở Los Angeles cho biết, bác sĩ Daszak rõ ràng đã vướng mắc vào việc xung đột lợi ích khiến ông không đủ tư cách tham gia nhóm WHO.

Ông Weinstein nói thêm: “Bây giờ, bất kỳ kết luận nào của cuộc điều tra đều không hoàn toàn chắc chắn nữa.

“Thật đáng tiếc, cách duy nhất để thoát khỏi tình huống này một cách hợp lý là bắt đầu lại: giải tán nhóm của WHO và yêu cầu một cơ quan trung lập, phi chính trị để tái thiết lập cuộc điều tra. Để đảm bảo mức độ độc lập cao nhất, tất cả các thành viên của nhóm mới phải được bảo vệ đầy đủ quyền miễn trừ ngoại giao ”.

Ông Leung nói với The Epoch Times rằng nếu cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tái đắc cử, chính quyền của ông chắc chắn sẽ bác bỏ hoàn toàn các phát hiện của WHO hoặc sẽ chỉ trích cơ quan này mạnh mẽ hơn chính quyền ông Biden.

Vào ngày 9/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết "bồi thẩm đoàn vẫn chưa xác nhận" về việc liệu Bắc Kinh có cung cấp đầy đủ tài liệu minh bạch cho nhóm WHO hay không. Vài ngày sau, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan đã đưa ra một tuyên bố đặt câu hỏi nghi vấn về quá trình điều tra mà theo đó, nhóm nghiên cứu đạt được những kết quả như đã công bố. Ông cũng kêu gọi ĐCSTQ công bố dữ liệu gốc của những ngày bùng phát đầu tiên của dịch bệnh.

Ông Daszak chỉ trích sự hoài nghi của Nhà Trắng về tính minh bạch của Trung Quốc trong cuộc điều tra của WHO, nói trong một tweet ngày 9/2 rằng, Tổng thống Joe Biden “có thái độ cứng rắn với Trung Quốc”. Ông nói thêm, "Xin đừng quá tin tưởng vào thông tin tình báo của Hoa Kỳ. Họ đã ngày càng thất bại dưới thời Trump và thực sự đã sai trên nhiều khía cạnh".

Một số cựu quan chức của ông Trump đã chỉ trích nhóm WHO và những phát hiện của họ.

Ngày 9/2, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo nói với Fox rằng, có "bằng chứng quan trọng" cho thấy virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, bất chấp tuyên bố của WHO. Một ngày sau, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia John Ratcliffe đã chỉ trích những phát hiện của WHO là “không đáng tin cậy”.

Vào ngày 21/2, Matt Pottinger, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia, nói với CBS rằng nhóm của WHO đã “mâu thuẫn sâu sắc”.

Ông Pottinger nói: “Nó bao gồm những người được hưởng lợi từ nguồn tài trợ công cộng để làm việc trong chính phòng thí nghiệm Viện Virus học Vũ Hán, nơi thực sự khởi phát virus.

Ông kết luận: “Cuộc điều tra nguồn gốc của virus này thật sự không thể tin cậy được”.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đoàn chuyên gia WHO đang bị xem xét về các ràng buộc của một số thành viên với chính quyền Trung Quốc