Do thất nghiệp, hơn 100 người Trung Quốc vượt biên trái phép vào Việt Nam tìm việc bị bắt giữ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lực lượng biên phòng Việt Nam gần đây đã bắt giữ hơn 100 lao động nhập cư Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ Quảng Tây - một khu tự trị ở miền nam Trung Quốc, giáp với Việt Nam.

Thất nghiệp là một vấn nạn lớn đối với Trung Quốc do một số lượng lớn các công ty và đầu tư nước ngoài đã rời khỏi nước này. Ngày càng nhiều người lao động Trung Quốc tìm kiếm việc làm ở các nước láng giềng, nhưng nhiều người trong số họ đã vượt biên trái phép.

Ngày 25/10, lực lượng chức năng biên phòng Việt Nam đã bắt giữ 2 nhóm lao động Trung Quốc từ Quảng Tây nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Theo các hãng truyền thông Việt Nam, Cục Biên phòng Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ 76 công dân Trung Quốc, và cơ quan Biên phòng tỉnh Hà Giang đã bắt giữ 25 công dân Trung Quốc.

Đài Á Châu Tự do (RFA) đưa tin vào ngày 28/10, trong quá trình thẩm vấn, những người bị bắt giữ tiết lộ rằng họ từng làm việc ở Quảng Đông nhưng nay đã mất việc làm. Kể từ đầu năm 2019, nhiều công ty nước ngoài đã rời khỏi tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam. Khi các công nhân biết rằng công ty của họ đã chuyển đến Việt Nam, họ đã lên kế hoạch đến Đà Nẵng của Việt Nam, để tìm việc làm.

RFA đã phỏng vấn Guo Haiguang - Giám đốc một nhóm doanh nghiệp Đài Loan tại tỉnh Bình Dương, Việt Nam. Ông Guo Haiguang cho biết, từ năm 2019, nhiều người Trung Quốc đại lục đã đưa người lao động vào Việt Nam để tìm việc làm.

Ông nói: “Những năm gần đây, có nhiều người từ phía Bắc di chuyển vào đây, nhập lậu qua biên giới theo đường tiểu ngạch. Họ vượt biên chủ yếu từ Quảng Tây, và một số là từ Vân Nam”.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Guo cũng nói với RFA rằng, các công ty nước ngoài thường không thuê người nhập cư bất hợp pháp, nhưng các nhà máy nhỏ do người Trung Quốc làm chủ ở Việt Nam có thể thuê họ.

“Những công ty khác không dám, chỉ có công ty của Trung Quốc đại lục là mạnh dạn hơn, nhưng họ không phải là công ty lớn, chỉ là công ty nhỏ”, ông nói.

Có thông tin rằng, các công ty Trung Quốc ở Việt Nam đang tuyển dụng lao động Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp để tiết kiệm chi phí lao động.

RFA trích dẫn lời của một người dùng mạng xã hội Trung Quốc “Things in Vietnam” trên Tencent Weibo, thông tin về một vụ công nhân nhập cư bất hợp pháp Trung Quốc khác và đã bị bắt. Theo bài đăng, Công an tỉnh Lạng Sơn và đội cảnh sát giao thông địa phương đã phối hợp bắt giữ 20 lao động từ Quảng Tây nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và 3 tài xế người Việt hỗ trợ cho nhóm người Trung Quốc này. Hai trong số các tài xế có kết quả xét nghiệm dương tính với chất ma túy.

Ngày 20/10, trên mạng xã hội Twitter xuất hiện các video cho thấy tại cửa khẩu Hữu Nghị ở biên giới Việt-Trung, hơn 900 kỹ thuật viên Trung Quốc đã xuất cảnh sang Việt Nam để làm việc.

Cách đây vài ngày, có cư dân mạng tiết lộ rằng chính quyền Trung Quốc đang xây dựng bức tường biên giới dài hàng trăm km và cao hơn 2 mét ở biên giới Trung - Việt, được cho là để ngăn chặn người dân nước này chạy trốn sang Việt Nam.

Trong một bài báo gần đây, nhà kinh tế học nổi tiếng He Qinglian đã viết rằng, trong nhiều thập kỷ, cho đến năm 2019, người lao động Việt Nam đã lén lút sang Trung Quốc tìm việc làm; nhưng kể từ khi nền kinh tế Trung Quốc suy thoái nhanh chóng trong năm nay, tình hình đã đảo ngược.

Bà nói rằng, việc đảo ngược nhập cư bất hợp pháp giữa Trung Quốc và Việt Nam cho thấy sự thịnh vượng kinh tế của Trung Quốc đã suy yếu, môi trường đầu tư xấu đi và Trung Quốc không còn là “công xưởng của thế giới” khi ngày càng nhiều công ty rời khỏi đất nước này. Đây là một phần hậu quả của sự thay đổi toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất hiện đang diễn ra.

Trong một cuộc phỏng vấn, một doanh nhân đến từ Quảng Tây tên là Chen, nói với RFA rằng: “Sự phát triển kinh tế của Việt Nam giống như Thâm Quyến hồi đó… nên xu hướng chuyển dịch lao động sang Việt Nam về cơ bản là không thể tránh khỏi”.

Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Do thất nghiệp, hơn 100 người Trung Quốc vượt biên trái phép vào Việt Nam tìm việc bị bắt giữ