Dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra hiệu ứng di tản, các nước sơ tán người dân, hủy bỏ chuyến bay tới Trung Quốcv

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước hàng loạt chứng cứ bị phơi bày, giới quan sát nghi ngờ việc Đảng Cộng sản Trung Quốc che giấu về số ca nhiễm dịch và tử vong vì dịch bệnh. Chính phủ các quốc gia trên khắp thế giới đã có hành động để sơ tán người dân nước mình khỏi Trung Quốc.

Bệnh viêm phổi do coronavirus gây ra tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã lan rộng đến hơn 15 quốc gia và số liệu chẩn đoán các ca tử vong tiếp tục gia tăng. Hơn 10 quận và thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc với Vũ Hán là trung tâm đã bị đóng cửa, khiến hàng triệu người bị mắc kẹt bên trong. Các quốc gia trên thế giới gần đây đã triển khai hành động sơ tán công dân nước mình khỏi Trung Quốc. Ít nhất 2 hãng hàng không quốc tế đã tuyên bố tạm dừng các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục và một số hãng hàng không có kế hoạch giảm các chuyến bay đến Trung Quốc.

Sự bùng phát của coronavirus ở Vũ Hán tiếp tục leo thang. Mặc dù, trong chuyến thăm Bắc Kinh, Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên phản ứng thái quá với tình hình dịch bệnh của Trung Quốc, và tuyên bố rằng ông không đồng ý với việc các nước sơ tán công dân nước mình khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên trước hàng loạt chứng cứ bị phơi bày, giới quan sát nghi ngờ việc Đảng Cộng sản Trung Quốc che giấu về số ca nhiễm dịch và tử vong vì dịch bệnh. Chính phủ các quốc gia trên khắp thế giới cũng đã có hành động để sơ tán người dân nước mình khỏi Trung Quốc.

Theo hãng tin AFP, vào ngày 29/1, chính phủ Nhật Bản phái một chuyên cơ đưa khoảng 200 công dân Nhật Bản rời khỏi Vũ Hán trở về Tokyo, và có khoảng 650 người Nhật Bản tại Vũ Hán bày tỏ mong muốn được di tản.

Cùng ngày, chính phủ Hoa Kỳ cũng đã đưa một chuyên cơ tới chuyên chở 240 công dân và nhà ngoại giao Hoa Kỳ rời Vũ Hán. Chuyến bay đã đáp tới Hoa Kỳ vào tối hôm đó. Sau đó, các nhân viên trên máy bay sẽ được kiểm tra sàng lọc hai lần. Phía Hoa Kỳ đã chuẩn bị tốt các biện pháp điều trị hoặc cách ly đối với những người có thể bị nhiễm virus.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Úc cho biết đang lên kế hoạch đưa tất cả công dân (bao gồm cả công dân sở hữu 2 quốc tịch) trở lại Úc. Hiện tại, họ đã nhận được khoảng 400 cuộc gọi từ các công dân Úc bị mắc kẹt ở Trung Quốc đại lục muốn đăng ký được sơ tán.

Chính quyền New Delhi của Ấn Độ đã bố trí một chiếc Boeing 747 chờ sẵn ở Mumbai, chuẩn bị tiếp nhận hơn 250 công dân Ấn Độ. Hiện Ấn Độ đang xin phép Bắc Kinh cho phép tiến hành việc sơ tán .

Chính phủ Indonesia cho biết có hơn 230 người Indonesia đang ở Trung Quốc, trong đó có khoảng 100 người ở Vũ Hán, nhưng chính quyền chưa quyết định phương án sơ tán.

Chính phủ Philippines cho biết khoảng 150 người Philippines đang bị mắc kẹt ở Vũ Hán và 150 người khác tại các khu vực khác của Hồ Bắc. Bộ Ngoại giao nước này đang thảo luận về kế hoạch có thể sẽ tiến hành sơ tán công dân nước mình, nhưng chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.

Chính phủ Sri Lanka cho biết hiện có khoảng 860 sinh viên Sri Lanka ở Trung Quốc, 32 người đang ở Vũ Hán và chính phủ đang sắp xếp để đưa tất cả những người dân này trở về nước.

Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ cho máy bay đến Vũ Hán trong tuần này, để đưa hàng trăm công dân Hàn Quốc trở về nước theo các đợt vào ngày 30/1 và 31/1.

Chính phủ Thái Lan thông báo hiện có 64 công dân Thái Lan tại Trung Quốc, bao gồm 49 sinh viên và 15 người lao động hoặc khách du lịch. Chính phủ Thái Lan đã bố trí máy bay và bác sĩ sẵn sàng và đang chờ chính quyền Trung Quốc cho phép sơ tán.

Bộ Y tế Pháp cũng thông báo đã sắp xếp một chuyến bay thứ 2 để đón các công dân Pháp trở về nước. Chuyến bay kết nối sẽ bay đến Vũ Hán vào ngày 30/1. Dự kiến ​​sẽ đưa người dân trở lại Pháp vào ngày 31/1 hoặc 1/2. Hiện tại, có khoảng 500 đến 1.000 người Pháp đang chờ di tản.

Liên minh châu Âu cho biết họ sẽ cùng phối hợp để cho phép hơn 100 công dân EU cùng với các công dân Pháp di tản khỏi Trung Quốc.

Chính phủ Đức cho biết hiện chưa có kế hoạch sơ tán nhưng đang xem xét đưa ra lựa chọn sơ tán cho khoảng 90 người Đức vẫn còn ở Vũ Hán.

Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cũng cho hay đang hợp tác với Trung Quốc và Liên minh châu Âu, hy vọng giúp các công dân Tây Ban Nha tránh xa khỏi những khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Phủ Tổng thống Algeria đã yêu cầu tiến hành các biện pháp để đưa 36 công dân Algeria hiện đang ở Vũ Hán trở về nước.

Theo tin từ các kênh truyền thông của Ma-rốc, chính quyền nước này sẽ sơ tán khoảng 100 công dân Ma-rốc ở Vũ Hán, phần lớn trong số họ là sinh viên.

Ngoài ra, chính phủ Đài Loan cũng đã đề xuất đưa một chuyên cơ để sơ tán người Đài Loan ra khỏi Trung Quốc đại lục, nhưng đến nay vẫn chưa được chính quyền Trung Quốc cho phép hạ cánh máy bay.

Cùng lúc với việc chính phủ các nước đang sơ tán công dân, một số hãng hàng không quốc tế đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương ứng để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus sang các quốc gia khác.

Hôm thứ Tư (29/1), British Airways đã công bố theo chỉ thị của chính phủ Anh, hãng sẽ tạm dừng tất cả các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục, đồng thời khuyên các công dân Anh không nên đến Trung Quốc trong thời gian tới.

Cùng ngày, hãng Lion Air của Indonesia cũng tuyên bố để ngăn chặn coronavirus, quyết định đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc từ ngày 1/2 cho đến khi có thông báo mới. Một phát ngôn viên của hãng hàng không Lion Air cho biết hàng chục chuyến bay của Lion Air đến 15 thành phố ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

Trước đó vào ngày 28/1, United Airlines đã thông báo, một số chuyến bay từ thành phố trung tâm của Hoa Kỳ đến Bắc Kinh, Hồng Kông và Thượng Hải sẽ bị đình chỉ từ ngày 1- 8/2. Hãng tuyên bố rằng sẽ tiếp tục theo dõi tình hình phát triển của dịch bệnh và điều chỉnh thời gian biểu khi cần thiết.

Cathay Pacific Airlines, United Airlines và Air Canada đã liên tiếp đưa ra tuyên bố sẽ giảm các dịch vụ hàng không tương ứng.

Theo hãng tin AFP, World Cup trượt tuyết trên núi cùng với nhiều sự kiện thi đấu thể thao khác (đạp xe, bóng đá, tennis), dự kiến ​​diễn ra ở Trung Quốc trong tháng 2 cũng đã bị hủy bỏ.

Ngày 29/1, tờ Financial Times của Anh cho biết, theo người đưa tin tiết lộ Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Rose đã cân nhắc đến thăm Trung Quốc vào tháng tới, nhưng sau khi coronavirus bùng phát ở Vũ Hán các quan chức Mỹ đã hủy bỏ kế hoạch này.

Thông tin cho hay, mục đích chính trong chuyến thăm tới Trung Quốc của Bộ trưởng Ross là trùng với thời điểm của thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" ký kết giữa Tổng thống Mỹ Donal Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ có hiệu lực vào giữa tháng Hai. Chuyến thăm cũng tạo cơ hội cho thành viên nội các của nhóm kinh tế Tổng thống Trump gặp gỡ với thành viên của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, cùng các quan chức và cấp quản lý của Trung Quốc chịu trách nhiệm thực thi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

Tiểu Mai (biên dịch)
- Theo NTD



BÀI CHỌN LỌC

Dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra hiệu ứng di tản, các nước sơ tán người dân, hủy bỏ chuyến bay tới Trung Quốcv