ĐCS Trung Quốc - Người bạn thân thiết của mọi thể chế khủng bố và độc tài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của Tờ Thời báo Hoàn Cầu - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã phụ hoạ theo chính quyền Bắc Kinh khi "khoe khoang" rằng Taliban và Trung Quốc là bạn. Phản ứng của dân cư mạng Trung Quốc dậy sóng trước tuyên bố này. Nhưng quả thật, ông Hồ Tích Tiến có thể 'lỡ lời' nhưng không hề 'quá lời'. Không chỉ Taliban, Trung Quốc có mối quan hệ lâu đời, thâm sâu và nhiều lợi ích về mua bán vũ khí, tài nguyên và tạo hỗn loạn để kiếm lời từ các tổ chức khủng bố, chế độ độc tài khắp toàn cầu.

Có vẻ như ĐCSTQ đang chuẩn bị cho việc can thiệp vào Afghanistan, đất nước đang bị chiến tranh tàn phá này thông qua sáng kiến ​​"Một vành đai, Một con đường" (BRI), nhằm lấp đầy khoảng trống mà quân đội Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương để lại sau khi rút quân khỏi đây. Lo ngại khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sẽ là món quà vô giá cho Taliban, đồng thời các nền kinh tế đang có quan hệ với Afghanistan cũng lo ngại sự hỗn loạn ở quốc gia này nếu Taliban tràn vào. Nhưng ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu đã lập tức khoe khoang rằng Taliban và Trung Quốc là bạn thân. Sự thật đúng là vậy. Chẳng phải tục ngữ Trung Quốc có câu "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" đó sao?

Các tổ chức hồi giáo cực đoan của Trung Đông đều coi Trung Quốc là bạn. Có vẻ các tổ chức này không lấy làm bất bình trước hàng triệu đạo hữu hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị Trung Quốc đàn áp, diệt chủng bằng mổ cướp tạng.

Thực ra, việc quan hệ với những nhà nước có thể chế độc tài, nhà nước tài trợ cho khủng bố hoặc thậm chí là với các nhóm khủng bố khét tiếng bị cả thế giới lên án để gây ảnh hưởng nhằm đạt được mục tiêu chính trị và kinh tế là thủ đoạn quen dùng của ĐCSTQ trong lịch sử tồn tại của nó. Chúng ta hãy xem một số quan hệ của thể chế này với những chế độ khét tiếng trên thế giới.

Taliban - Nhóm khủng bố khét tiếng

Tổ chức khủng bố này đã phạm vô số tội ác chiến tranh. Nó thảm sát dân thường, xóa bỏ di tích lịch sử, giết những người theo Thiên Chúa giáo, đối xử tàn bạo với phụ nữ và vô số những tội ác chiến tranh khác.

Quân khủng bố Taliban (STR/AFP via Getty Images)

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Taliban có thực hiện các cuộc thảm sát dân thường một cách có hệ thống. Ước tính có khoảng 15 cuộc thảm sát từ năm 1996 đến năm 2001. Taliban chịu trách nhiệm cho 76% cái chết của thường dân ở Afghanistan vào năm 2009 và 80% vào năm 2011.

Vào tháng 8/1998, tổ chức khủng bố này tấn công vào Mazar - i Sharif. Trong số 1.500 quân tự vệ địa điểm này, chỉ có 100 người sống sót sau cuộc tấn công. Sau khi chiếm được địa điểm này, Taliban đã gây ra thảm sát tại đây. Chúng bắn người trên phố, phụ nữ bị hãm hiếp và làm hàng nghìn người bị chết ngạt trong container. Cuộc thảm sát này ước có khoảng 5.000 đến 6.000 người đã bị giết.

Taliban cũng được biết đến với việc đối xử tàn tệ với phụ nữ. Họ cấm phụ nữ được học hành kiến học sinh nữ phải bỏ học. Phụ nữ ngoại tình bị ném đá đến chết. Phụ nữ đi với đàn ông không phải họ hàng bị phạt đánh đến 100 roi ở nơi công cộng và vô số các hình thức tàn nhẫn khác.

Tổ chức khủng bố này không chỉ gây tội ác diệt chủng đối với con người mà còn gây ra diệt chủng văn hóa bằng việc hủy hoại các di tích lịch sử văn hóa nhân loại.

Tượng Phật cổ tại Bamiyan trước và sau khi bị Taliban phá hủy. Hình bên trái năm 1963 và hình bên phải chụp năm 2008. (Wikipedia/CC BY-SA 3.0)

Năm 1992, Taliban tấn công Bảo tàng Quốc gia Afghanistan khiến 70% cổ vật trong tổng số 100.000 cổ vật ở bảo tàng này bị đánh cắp.

Năm 1998, tổ chức này phá hủy Thư viện quốc gia Puli Khumri vốn lưu giữ 55,000 sách và văn bản cổ vốn được coi là báu vật quốc gia của Afghanistan.

Năm 2001, nhóm khủng bố này đã cho phá nổ hai tượng bức Phật khổng lồ là di sản Unesco. Hai tượng Phật này được khắc vào trong núi đá từ thế kỷ thứ 6 ở thung lũng Bamiyan, thuộc vùng núi Hazarajat, trung tâm Afghanistan.

Một nhóm khủng bố đầy tội ác như thế lại được một chính thể có tiếng nói quan trọng ở Liên hợp quốc, Trung Quốc, coi trọng và thừa nhận. Chia sẻ của phát ngôn viên tổ chức khủng bố khét tiếng này dường như khẳng định Trung Quốc và Taliban đã ngầm đi lại, hỗ trợ nhau trong trong nhiều thập kỷ.

Phát ngôn viên của Taliban Suhail Shaheen nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sángChúng tôi đã đến Trung Quốc nhiều lần và chúng tôi có quan hệ tốt với họ. Trung Quốc là một quốc gia thân thiện và chúng tôi hoan nghênh việc tái thiết và phát triển Afghanistan. Tất nhiên, nếu (Trung Quốc) có các khoản đầu tư, chúng tôi sẽ đảm bảo an toàn cho họ

Với tuyên bố này, Taliban còn nhấn mạnh rằng họ coi các đạo hữu Duy Ngô Nhĩ là "khủng bố" theo quan điểm của Bắc Kinh, sẽ không để nhóm 'khủng bố Duy Ngô Nhĩ" này vào Afghanistan. Điều này có nghĩa, những người Duy Ngô Nhĩ nếu trốn được khỏi trại cải tạo lao động khét tiếng của Bắc Kinh thì nhất định đừng có đến Afghanistan nơi Trung Quốc đã là bạn thân của tổ chức khủng bố Taliban.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cũng dẫn lời của Andrew Small, một thành viên cao cấp của Chương trình Châu Á, tài trợ bởi Quỹ Marshall (Đức), cho biết mối quan hệ của Trung Quốc với Taliban là "lâu đời", từ thời khủng bố Taliban còn nắm quyền ở kiểm soát Afghanistan. Ông Small nói “Lần đầu tiên tôi viết về [mối quan hệ giữa Trung Quốc và tổ chức khủng bố Taliban] đã là nhiều năm trước khi tôi biết về các cuộc họp bí mật diễn ra ở Pakistan, [các cuộc họp giữa Trung Quốc và Taliban diễn ra] ngay cả khi Mỹ đã đưa quân vào Afghanistan và trước khi các cuộc tiếp xúc của Taliban với các quốc gia khác được bình thường hóa".

Từ năm 2007, theo báo cáo của Washington Times, các loại vũ khí tinh vi, tên lửa, cũng như các mặt hàng vũ khí khác được thiết kế hoặc sản xuất bởi Trung Quốc được Taliban sử dụng một cách phổ biến. Báo cáo này chứng thực cho nghiên cứu của ông Small về mối quan hệ lâu đời, chia sẻ lợi ích, tài trợ, mua bán vũ khí giữa Trung Quốc và tổ chức khủng bố khét tiếng nhất thế giới này.

Hỗ trợ chế độ Khmer Đỏ - Diệt chủng ở Đông Nam Á

Chế độ Khmer Đỏ được biết đến với hành động diệt chủng vì đã giết chết khoảng 2 triệu người Campuchia, tương đương với khoảng ¼ dân số nước này.... Chế độ này được nhiều học giả nhận xét là một trong những chế độ tàn bạo nhất trong thế kỷ 20. Nếu tính theo tỷ lệ người bị giết so sánh với dân số, có thể nó là chế độ giết người nhiều nhất trong thế kỷ 20. Các biện pháp giết được được thực hiện bằng các dụng cụ thô sơ như cuốc, mai, xẻng, bỏ đói và lao động cưỡng bức.

Đầu lâu của những nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ (TANG CHHIN SOTHY/AFP via Getty Images)

Từ tháng 4 năm 1975 khi Khmer Đỏ giành được chính quyền, Pol Pot đã đưa ra những ý tưởng của Khmer Đỏ như ra lệnh xua đuổi trí thức từ thành thị về nông thôn, đóng cửa trường học, xóa bỏ Phật giáo và tiền tệ nhằm cải cách nông nghiệp. Chế độ này hành quyết những người trí thức, tôn giáo, sắc dân Việt Nam, sắc dân Trung Quốc…

Hơn thế nữa Khmer Đỏ còn thường xuyên tấn công vào vùng biên giới Tây Nam của Việt Nam, thảm sát thường dân Việt Nam. Đây được coi là một trong những nguyên nhân Việt Nam đã tấn công lật đổ chế độ Khmer Đỏ và lập ra chính phủ thân Hà Nội.

ĐCSTQ có quan hệ với ĐCS Campuchia từ những năm 50 khi giúp đào tạo lãnh đạo của Campuchia tại Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã giúp đỡ Pol Pot, giúp chế độ này đào tạo và huấn luyện quân sự cũng như cung cấp tài chính. Ước tính 90% tài trợ của chế độ Khmer Đỏ là đến từ ĐCSTQ. Viện trợ hàng năm khoảng 100 triệu đô la. Thậm chí ngay cả khi chế độ này bị đánh bại thì ĐCSTQ vẫn giúp đỡ tiến hành trợ giúp tài chính cho tàn quân đến gần ngày Khmer Đỏ bị xóa sổ hoàn toàn.

Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình đều ủng hộ nhiệt thành chế độ Khmer Đỏ. Pol Pot là người bị ảnh hưởng rất nhiều từ Mao. Vì vậy, tư tưởng chỉ đạo của Khmer Đỏ chính là Chủ nghĩa Mao. Thậm chí Mao còn khen ngợi Pol Pot: “Chỉ một lần thực hiện mà ông đã đạt được điều mà tất cả chúng tôi đã thất bại”. Còn Đặng thì nhận xét rằng: "Tôi không hiểu vì sao có người muốn loại bỏ Pol Pot? Đúng là ông ta có phạm một số sai lầm trong quá khứ nhưng nay ông ta đang lãnh đạo cuộc chiến chống bọn xâm lược Việt Nam cơ mà".

Với việc viện trợ 90% cho Khmer Đỏ, ĐCSTQ chính là nguồn “sữa” nuôi dưỡng chính của chế độ này. Nếu không có sự hậu thuẫn này, Khmer Đỏ không thể tồn tại và không thể tiến hành nạn diệt chủng lên người dân Campuchia cũng như giết hại người dân Việt Nam tại vùng biên giới Tây Nam. Ông Andrew Mertha, tác giả cuốn sách: Brothers in Arms: China's Aid to the Khmer Rouge, 1975-1979 (Tạm dịch: “Tình Đồng đội: Viện trợ của Trung Quốc cho Khmer Đỏ giai đoạn 1975-1979) đã nhận xét rằng: "Nếu không có sự hỗ trợ của [ĐCS] Trung Quốc, chế độ Khmer Đỏ không thể tồn tại được quá một tuần".

Theo một cách hiểu nào đó, thì những nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ và những đau khổ từ nạn diệt chủng của người dân Campuchia đều có nguyên nhân sâu xa là từ ĐCSTQ.

Chế độ diệt chủng này sau đó đã bị Việt Nam tấn công và lật đổ. Khmer Đỏ chấm dứt sự tồn tại vào năm 1998. ĐCSTQ đã nuôi dưỡng Khmer Đỏ từ những năm đầu cho đến những ngày cuối cùng của nó.

Quan hệ với Iran - Trung tâm gây bất ổn Trung Đông

Iran từ lâu là nguồn cơn chính của căng thẳng ở Trung Đông khi chế độ Tehran đứng đằng sau hậu thuẫn tài chính, huấn luyện quân sự, cũng như cung cấp vũ khí cho các tổ chức khủng bố trong khu vực như Hamas ở Palestine gây bất ổn ở Israel. Chế độ này cũng ủng hộ nhóm khủng bố Hezbollah ở Li băng. Tại Yemen, Iran cung cấp vũ khí cũng như huấn luyện quân sự cho nhóm khủng bố Houthi, vốn đã có lần tấn công tàu chiến của Hoa Kỳ. Ước tính ngân sách tài trợ cho các nhóm khủng bố hàng năm lên tới hàng trăm triệu đô la.

Tại Iraq, sau khi sụp đổ của Saddam Hussein, Iran đã tăng cường gây ảnh hưởng lên nước này bằng cách cung cấp tài chính cũng như thành lập các nhóm dân quân ở đây. Iran hỗ trợ vũ khí, huấn luyện quân sự cho các nhóm này. Bằng cách này, Tehran đã gây được ảnh hưởng ở các vùng địa phương, thậm chí ở mức độ lớn hơn ở mức toàn quốc tại Iraq. Bằng việc gia tăng ảnh hưởng ở Iraq khiến quân đội Mỹ ở đây gặp trở ngại. Bằng chứng rõ ràng là chỉ huy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, tướng Soleimani đã bị tiêu diệt khi sang Iraq để chỉ đạo các nhóm dân quân tấn công căn cứ quân sự của Mỹ ở đây.

ĐCSTQ và Iran có mối quan hệ từ lâu nhưng nó nổi lên vào cuối những năm 80 đầu năm 90 khi hai quốc gia này xích lại gần nhau để chống lại trừng phạt của phương Tây về vấn đề nhân quyền. Ở Trung Quốc là thảm sát Thiên An Môn và với Iran là chiến tranh với Iraq và sự cô lập của phương Tây từ sau cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Iran cần Trung Quốc trong các vấn đề đối ngoại. Quốc gia này dựa vào vị thế của Trung Quốc là 1 trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để phủ quyết những nghị quyết trừng phạt về ngoại giao cũng như kinh tế lên Iran. Iran coi Trung Quốc là đồng minh chính để chống lại kẻ thù chính của mình, Hoa Kỳ. Trung Quốc thời gian này cũng đang phát triển và cần dầu mỏ. Vào những năm 2000 Iran càng phụ thuộc vào Trung Quốc vì quốc gia này bị phương Tây trừng phạt và cấm vận vì liên quan đến chương trình hạt nhân. Gần đây quan hệ giữa Iran và ĐCSTQ lại được tăng cường bằng thỏa thuận trị giá 400 tỷ đô la trong 25 năm.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif trong cuộc gặp tại nhà khách bang Diaoyutai vào ngày 31 tháng 12 năm 2019 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Noel Celis - Pool / Getty Images)

Khi Mối quan hệ giữa Iran và Nga nhạt và bị cộng đồng quốc tế cô lập, Iran tìm đến sự giúp đỡ của chế độ Bắc Kinh. Bắc Kinh đã giúp Iran phát triển tên lửa tầm ngắn, thậm chí có cả cáo buộc ĐCSTQ giúp Iran vũ khí hóa học. Do yếu về không quân, chiến lược quân sự của Iran là tập trung vào tên lửa và hải quân. Tên lửa là để chống lại Hoa Kỳ còn hải quân để khuấy đảo ở Vịnh Ba Tư với đồng minh của Hoa Kỳ.

  • ĐCS Trung Quốc giúp Iran chương trình hạt nhân

Chế độ Bắc Kinh giúp Iran phát triển chương trình hạt nhân. Trên nguyên tắc, những sự trợ giúp này liên quan đến phần hạt nhân dân sự. Tuy vậy, hầu hết những sự trợ giúp này, như giúp làm giàu uranium, là có cả khía cạnh quân sự. Từ năm 1985 đến năm 1996, Trung Quốc giúp Iran nhiều kỹ thuật hạt nhân quan trọng, cũng như giúp Iran thăm dò và khai thác uranium, giúp Iran đạt được khả năng dùng laser để làm giàu uranium. Đặc biệt, kỹ sư Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo giúp Iran nhân sự về hạt nhân cũng như thành lập Viện Nghiên cứu Hạt nhân Isfahan. Viện nghiên cứu hạt nhân này đóng vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng cho chương trình hạt nhân của quốc gia Trung Đông này.

Do theo đuổi chương trình hạt nhân, Iran đã gây bất ổn cho toàn khu vực khi luôn đe dọa xóa sổ khỏi bản đồ đồng minh của Hoa Kỳ là Israel.

  • ĐCS Trung Quốc coi Iran là nguồn dầu mỏ chính

Trong nhiều năm, các quốc gia phương Tây trừng phạt Iran nên quốc gia này ít thị trường cho nguồn dầu mỏ của mình, do vậy, ĐCSTQ đã tận dụng cơ hội này để có được nguồn cung dầu mỏ của nước này để giúp nền kinh tế phát triển nóng của mình. Đây là động lực chính của ĐCSTQ trong mối quan hệ với chính quyền Tehran. Việc đầu tư vào ngành năng lượng của Iran sẽ giúp Trung Quốc đảm bảo an ninh năng lượng. Ba công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc đã đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran.

  • ĐCS Trung Quốc coi Iran là thế lực để chống Mỹ.

ĐCS Trung Quốc theo đuổi chiến lược hợp tác quân sự chặt chẽ với Tehran. Trong con mắt Trung Quốc, đây là chiến lược có giá trị để kìm hãm sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại vịnh Ba Tư. Hoa Kỳ có lợi ích của mình tại khu vực, đặc biệt là liên quan đến dầu mỏ. Tuy vậy, lợi ích này sẽ bị ảnh hưởng bởi một Iran có khả năng quân sự. Các cố vấn của Trung Quốc còn cho rằng, nếu ĐCSTQ tận dụng cơ hội căng thẳng giữa Hoa Kỳ - Iran để mở rộng ảnh hưởng quốc tế là một lựa chọn khôn ngoan nhất.

Dung túng Triều Tiên - Kẻ gây bất ổn ở Đông Á

ĐCSTQ có mối quan hệ khá chặt chẽ với Triều Tiên từ khi chế độ này thành lập cho đến những năm gần đây. Có những lúc quan hệ hai bên không mặn mà nhưng trên bề mặt ĐCSTQ hỗ trợ Triều Tiên do muốn lợi dụng chế độ Bình Nhưỡng để gây ảnh hưởng vị thế quốc tế của mình.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại nhà ga xe lửa Seoul ở Seoul vào ngày 20 tháng 6 năm 2019. (Ảnh của Jung Yeon-je JUNG YEON-JE / AFP qua Getty Images)

Triều Tiên là nguyên nhân gây bất ổn ở khu vực Đông Á. Nước này đã phát động chiến tranh Triều Tiên vào năm 1950 khi vượt vĩ tuyến 38, đơn phương tấn công Hàn Quốc. Trước sự tấn công mạnh mẽ của Triều Tiên vốn được hậu thuẫn vũ khí từ Liên Xô và Trung Quốc, Hàn Quốc có nguy cơ bị Triều Tiên xóa sổ. Do vậy, Liên Hiệp Quốc, đứng đầu là Mỹ đã đưa quân đến để hỗ trợ Hàn Quốc. Quân đội Liên Hiệp Quốc đã chiến đấu chống lại Triều Tiên và từng bước đẩy lùi quân Triều Tiên.

Khi quân của Liên Hiệp Quốc chiếm được thủ đô Bình Nhưỡng và dần đẩy lùi quân Triều Tiên về gần biên giới Trung Quốc. Lo sợ Mỹ có thế tấn công sang lãnh thổ Trung Quốc nên Mao Trạch Đông đã cho quân đội hỗ trợ Triều Tiên. Với sự can dự trực tiếp của quân đội Trung Quốc, tình thế của cuộc chiến và lãnh thổ của hai bên quay trở về gần với nguyên trạng ban đầu.

Sau khi ký Hiệp định đình chiến chiến tranh Triều Tiên năm 1953, ĐCS Trung Quốc cùng với Liên Xô, đã hỗ trợ kinh tế rộng rãi cho Bình Nhưỡng để hỗ trợ tái thiết và phát triển kinh tế của Triều Tiên.

Do có ảnh hưởng tới chính quyền Bình Nhưỡng, ĐCSTQ được hưởng lợi khi mối quan hệ giữa Triều Tiên với các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản trở nên căng thẳng. ĐCSTQ đứng ra để làm trung gian cho Hoa Kỳ và phương Tây với Triều Tiên. Và vì thế ĐCSTQ coi Triều Tiên là con bài quan trọng để mặc cả với Hoa Kỳ và phương Tây.

Trong những thập kỷ gần đây, Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân khiến các quốc gia láng giềng đồng minh của Hoa Kỳ lo lắng. Chế độ ĐCSTQ lại càng được hưởng lợi trước tham vọng của Triều Tiên.

Dĩ nhiên ĐCSTQ không bao giờ muốn một bán đảo Triều Tiên thống nhất. Vì đơn giản là nếu Hàn Quốc và Triều Tiên thống nhất sẽ khiến ĐCSTQ mất một con bài quan trong trọng với Mỹ và phương Tây. Nó luôn muốn Triều Tiên bất ổn để có thể gây ảnh hưởng của mình lên quốc gia này.

Hậu thuẫn độc tài ở Trung Đông và Châu Phi để vơ vét tài nguyên, bán vũ khí

ĐCSTQ còn quan hệ và dung túng với các thể chế độc tài nhằm vơ vét tài nguyên. ĐCSTQ dùng tiền hối lộ các quan chức tham nhũng để có được những hợp đồng béo bở tại những quốc gia này.

  • Chiếm đoạt Tài nguyên:

Thông qua các dự án viện trợ, tiền của Trung Quốc “đi” khắp nơi, kể cả ở những quốc gia nội chiến châu Phi với những kẻ lãnh đạo khát máu và hung tàn như ở Zimbabwe và Sudan. UA Magazine cho biết, viện trợ quốc tế của Trung Quốc mang tính “ý thức hệ”. Trong giai đoạn xảy ra nạn đói từ năm 1958-1962, hàng chục triệu người Trung Quốc bị chết đói. Thế nhưng, khoản tiền “chi viện cho nước ngoài” lại lên đến 2,36 tỷ nhân dân tệ.

Tờ Quartz African cho biết, các khoản viện trợ của Bắc Kinh sẽ đổi lấy dầu thô từ Angola và Nam Sudan, kẽm và quặng đồng từ Eritrea, coban từ DR Congo, thuốc lá thô từ Zimbabwe, cũng như sắt và titan từ Sierra Leone. Trung Quốc cũng nhận được 95% xuất khẩu dầu thô của Nam Sudan để đổi lấy các khoản viện trợ cho hạ tầng, kể từ năm 2017. Ngoài ra, theo Los Angeles Times, từ năm 2001 đến năm 2013, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào châu Mỹ Latinh và Caribe đã tăng từ 1 tỷ USD lên 86 tỷ USD, để đổi lấy việc các công ty nhà nước Trung Quốc hút dầu từ Ecuador và Venezuela, thu mua đậu nành từ Argentina và Brazil, và đồng từ Chile và Peru. Bắc Kinh cũng dễ dàng “qua mặt” nhà độc tài Robert Mugabe của Zimbabwe bằng 5 tỷ USD “viện trợ ngoại giao” để lấy được 40 tỷ USD trữ lượng kim loại quý platin của Zimbabwe.

Trung Quốc ngày càng chiếm lĩnh nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới và có thể sử dụng các tài nguyên này với chi phí rẻ nhất, do vậy họ có lợi thế cạnh tranh với Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ bán lại thành phẩm của họ vào thị trường các nước này, dần xóa bỏ các ngành tại chỗ, đẩy cao tỷ lệ thất nghiệp và tình trạng đói nghèo tại các quốc gia này.

  • Buôn bán vũ khí:

Theo các nhà phân tích của CNBC, Trung Quốc đang trở thành một nhà “buôn vũ khí” hàng đầu thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ), với các khách hàng là các đối tác trong BRI. Theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong vòng 12 năm qua, Trung Quốc đã xuất khẩu 16,2 tỷ đơn vị đạn dược, chủ yếu là sang các nước ở châu Á, Trung Đông và châu Phi. Ước tính tổng doanh số ngành công nghiệp vũ khí của Trung Quốc đã đạt 70 - 80 tỷ USD trong năm 2017. Chỉ riêng năm 2018, Trung Quốc đã bán vũ khí cho Bangladesh là 75 triệu đơn vị, Myanmar là 105 triệu đơn vị và 448 triệu đơn vị cho Pakistan.

Có thể nói, nơi nào trên thế giới có bất ổn chính trị, nơi đó Trung Quốc có cơ hội kiếm lời từ việc buôn bán vũ khí. Cụ thể, Iran và Iraq là khách hàng nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Trung Quốc. Theo báo cáo từ rand.org, trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980, Trung Quốc đã bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Iran, và những thương vụ này đã cung cấp cho Bắc Kinh lượng ngoại tệ khổng lồ. Trong thời gian từ năm 1983 đến năm 1986, hai nước Iran và Iraq nhập khẩu 92% vũ khí Trung Quốc. Mặc dù lượng vũ khí nhập khẩu giảm còn 56% sau khi cuộc chiến này kết thúc, lượng vũ khí mà Iran mua từ Trung Quốc lại tăng lên 69% trong chiến tranh Vùng vịnh Ba Tư.

Trung Quốc đã trở nên “nổi danh” với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí trong lĩnh vực máy bay không người lái (UAV) [được sử dụng trong các cuộc xung đột] ở cả Libya và Yemen. Bắc Kinh đã “bỏ qua” các quy định về kiểm soát vũ khí, gồm cả Hiệp ước Thương mại vũ khí được phê duyệt bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2013.

Theo nguồn tin tình báo do các chính trị gia phương Tây tiết lộ rằng, hơn 80 - 90% vũ khí của các chính quyền độc tài, nhóm khủng bố Trung đông được cung cấp bởi Trung Quốc theo các con đường tiểu ngạch. Theo báo cáo từ SIPRI, Trung Đông là một trong những thị trường vũ khí lớn nhất thế giới, trong giai đoạn 2013 - 2017, khu vực này chiếm đến 32% lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu, và mức xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang Trung Đông theo đó đã tăng đến 38%, theo scmp.com

Ông Peter Navarro, cựu cố vấn của Tổng thống Trump, trong cuốn sách “Death by China” (Tạm dịch: Chết dưới tay Trung Quốc), cho rằng: “Dù cho một xã hội văn minh như nước Úc, một quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Congo, một quốc gia đang chuyển đổi như Nam Phi, hoặc trường hợp một loạt các nhà nước độc tài kiểu như Zimbabwe, điều mà các quốc gia này cùng chung số phận là: Trung Quốc đang bóc lột một cách có hệ thống các nguồn tài nguyên của họ. Và một khi các tài nguyên này cạn kiệt, bị xúc mang đi hết hay sử dụng hết, các thuộc địa này sẽ biến thành các những chiếc thùng rỗng ruột, mất năng lực công nghiệp và khả năng tạo ra việc làm”.

Bất kỳ nơi nào có tội ác, dường như nơi đó đều có bàn tay hậu thuẫn hoặc trực tiếp của Bắc Kinh. Có thể nói, ĐCSTQ là nguồn chính gây ra mọi sự bất ổn ở bất cứ đâu mà nó đặt chân đến. Đã đến lúc, thế giới cần thức tỉnh.

Minh Dũng

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.



BÀI CHỌN LỌC

ĐCS Trung Quốc - Người bạn thân thiết của mọi thể chế khủng bố và độc tài