Đầu tư vào vũ khí AI: Trung Quốc muốn đe dọa ưu thế quân sự của Mỹ - Phần 1

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một Ủy ban liên bang độc lập của Mỹ cảnh báo rằng Trung Quốc đang làm xói mòn ưu thế quân sự và sự răn đe phi hạt nhân của Mỹ bằng việc tích hợp các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) vào các chiến lược, việc vận hành và tiềm lực quân sự của mình. Vì thế Mỹ cần đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ phục vụ cho nhiệm vụ an ninh quốc gia.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thành lập các viện nghiên cứu tương đương với Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng tiên tiến (DARPA), là nơi chịu trách nhiệm phát triển các công nghệ tiên tiến mới dùng cho quân đội thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, và thúc đẩy các ứng dụng quân sự AI.

Ngày 4/11, theo dự thảo báo cáo của Ủy ban An ninh về AI của Mỹ, Trung Quốc đang phát triển các ứng dụng quân sự sử dụng công nghệ AI trong “trí tuệ bầy đàn, hỗ trợ ra quyết định và vận hành thông tin”, đồng thời công nghiệp quốc phòng nước này hiện đang xây dựng hệ thống vũ khí ngày càng độc lập hơn.

ĐCSTQ tuyên bố sẽ đứng đầu thế giới vào năm 2030 về AI, đây là một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm thách thức vị thế kinh tế và quân sự của Mỹ ở châu Á, khi mà Bắc Kinh cũng cố gắng thông minh hóa hệ thống quân đội của mình.

Các thành viên của Ủy ban mô tả Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược nghiêm trọng nhất của Mỹ. Trung Quốc rất nỗ lực tuyển dụng nhân tài trên toàn cầu về AI và thuyết phục các công dân Trung Quốc hiện đang làm việc ở nước ngoài trở về quê hương.

Khi cuộc đua về AI giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục leo thang, các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng Hoa Kỳ vẫn đang nắm giữ lợi thế. Tuy nhiên, các thành viên của Ủy ban cho rằng khả năng giữ vị trí đứng đầu của Mỹ trong lĩnh vực này có thể bị lung lay sớm hơn dự báo. Điều này sẽ khiến các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ bị tụt hậu cùng với các hệ thống lỗi thời hoặc Mỹ buộc phải mua thêm công nghệ tiên tiến từ Trung Quốc và các nước khác.

Ray Walsh, chuyên gia mạng cá nhân ảo hàng đầu hiện đang làm việc tại ProPrivacy.com, nói với The Epoch Times rằng AI được hiểu theo hai phạm trù riêng rẽ: chế độ đưa ra quyết định thử - lỗi những kịch bản đối đầu tiềm tàng để có được những giải pháp chiến thuật và sản xuất ra được những vũ khí sát thương tự động, hay còn được gọi là robot giết người.

Ông nói rằng khả năng tham chiến của máy bay không người lái có vũ trang là một hình thức chiến tranh mới, không cần sự tham gia của binh lính, nhưng lại dấy lên quan ngại rất lớn về khả năng thương vong hàng loạt. Walsh cho biết ĐCSTQ đang khuyến khích quân đội hợp tác chặt chẽ với các công ty tư nhân khởi nghiệp và các trường đại học để thúc đẩy phát triển các công nghệ này.

Xu hướng sử dụng máy bay không người lái trở thành vũ khí giết người hàng loạt
Với sự phát triển của công nghệ AI, máy bay không người lái có xu hướng trở thành vũ khí gây thương vong hàng loạt với khả năng tác chiến hiệu quả và hạn chế tổn thất do không có sự tham gia trực tiếp của con người. (Ảnh: Getty).

Trung Quốc xem đây là một cơ hội để thu hẹp khoảng cách với cỗ máy chiến tranh toàn cầu như Hoa Kỳ. Tận dụng AI, chiến đấu trực tiếp có thể được chuyển thành các quyết định tự động thông qua mô hình mô phỏng với các hiệu lệnh chỉ huy quân sự mới và mang lại chiến thắng.

Trung Quốc ngày càng nỗ lực hơn trong việc khai thác ứng dụng của AI trong dân sự và thương mại, điều này sẽ khiến ngày càng có nhiều các công ty tuân theo mệnh lệnh của Đảng nhằm đạt được mục đích quân sự và quốc gia. ĐCSTQ có đại diện ở hầu hết các công ty lớn ở Trung Quốc.

Tiến sĩ Robert J. Bunker, giáo sư nghiên cứu thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược, Trường cao đẳng quân sự của lục quân Mỹ, nói với The Epoch Times rằng nỗ lực phát triển công nghệ AI của Bắc Kinh được cả một chính quyền khổng lồ hậu thuẫn. Ông mô tả công nghệ là chìa khóa trong thế kỷ 21 và rằng chính quyền Trung Quốc đang sử dụng công nghệ để tăng cường sức mạnh quốc gia toàn diện (CNP) như là một phần của cuộc cạnh tranh quyền lực lớn hiện nay.

Qua email, ông Bunker cũng cho rằng sự dẫn đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này đang bị xói mòn nhanh chóng theo thời gian.

Trong khi Mỹ có các nhà khoa học và kỹ sư máy tính giỏi hơn trong lĩnh vực này và nhiều công ty tiên tiến hơn tham gia vào nghiên cứu và phát triển như Google, thì Trung Quốc đã tấn công vào kho dữ liệu khổng lồ và tài nguyên thông tin thu được từ các ứng dụng như WeChat với 1 tỷ người dùng.

“Theo nghĩa đen thì Trung Quốc đang ‘hút sạch’ lượng lớn dữ liệu của Google, là kết quả của việc chú trọng phát triển công nghệ AI”.

Trung Quốc đẩy mạnh công nghệ AI nhằm thu hẹp khoảng cách quân sự với Mỹ thông qua đánh cắp công nghệ và thu hút nhân tài
Trong khi Mỹ có các nhà khoa học và kỹ sư máy tính giỏi hơn trong lĩnh vực này và nhiều công ty tiên tiến hơn tham gia vào nghiên cứu và phát triển như Google, thì Trung Quốc lại đang ‘hút sạch’ lượng lớn dữ liệu của Google... (Ảnh: Getty).

Vũ khí AI là điều đáng lo ngại bởi chúng có khả năng đưa ra quyết định, phân tích và xác định mục tiêu và có thể tiến hành chiến tranh mà không cần con người, Walsh nói. Mối quan ngại này ngày càng dấy lên trong bối cảnh các công ty Mỹ bắt buộc phải chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc và việc Trung Quốc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của nước này.

Theo báo cáo, tại Mỹ, có hai ý kiến ​​trái chiều khi đề cập đến việc sử dụng loại vũ khí này. Nhiều chuyên gia quốc phòng đã thúc giục Mỹ đẩy nhanh việc phát triển các hệ thống vũ khí hỗ trợ AI, viện dẫn bằng các mối đe dọa quốc tế đang gia tăng và khả năng cứu sống người Mỹ và giảm thương vong dân sự của công nghệ này.

Mặt khác, một số chuyên gia công nghệ và các nhà đạo đức học lại kêu gọi Hoa Kỳ trì hoãn hoặc từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng công nghệ này cho mục đích quân sự với nhiều lí do tiềm tàng khác nhau, từ tai nạn thảm khốc đến bất ổn khủng hoảng và việc vũ khí hóa vô nhân đạo của AI.

“Mỹ tuyên bố sẽ phát triển các loại vũ khí AI trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và nước này đã xây dựng bộ quy tắc đạo đức”, Keith Walsh nói. “Tuy nhiên, những kẻ gièm pha lo ngại thực tế là Mỹ bị tụt hậu và mất quyền bá chủ trong một cuộc chạy đua vũ trang mới”.

Chính quyền Tổng thống Trump đang theo dõi sát sao tình hình Trung Quốc, một số quan chức Mỹ gần đây đã công khai cảnh báo về các mối đe dọa từ Bắc Kinh bao gồm sự phát triển của các công ty Trung Quốc như Huawei, việc nước này thâm nhập vào công nghệ 5G và AI cũng như mối quan tâm kỹ lưỡng vào việc giám sát hàng loạt, các hoạt động gián điệp và các vi phạm nhân quyền. Ứng dụng chia sẻ video thuộc sở hữu của Trung Quốc TikTok hiện đang phải đối mặt với việc Mỹ rà soát vấn đề an ninh quốc gia đối với thương vụ mua lại ứng dụng truyền thông xã hội Hoa Kỳ Musical.ly trị giá 1 tỷ đô la Mỹ.

Thùy Minh (biên dịch)

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đầu tư vào vũ khí AI: Trung Quốc muốn đe dọa ưu thế quân sự của Mỹ - Phần 1