Đảng Cộng hòa thúc đẩy giám sát các thành phố liên kết giữa Mỹ và Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà lập pháp Cộng hòa nhận định, cần phải giám sát các thỏa thuận giữa các thành phố kết nghĩa nhiều hơn, vì “Bắc Kinh có lịch sử tiến hành các hoạt động xấu xa của mình bằng cách khai thác các mối quan hệ đối tác văn hóa và kinh tế”.

Một nhóm các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đang tìm cách vén bức màn về hơn 100 thành phố kết nghĩa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Họ cho biết, các quan hệ đối tác là những phương tiện mà chế độ Trung Quốc lợi dụng để mở rộng ảnh hưởng của mình trong các cộng đồng địa phương trên khắp nước Mỹ.

Có 157 thỏa thuận thành phố kết nghĩa với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Hoa Kỳ. Hầu hết trong số này không được công khai và do đó đã không được xem xét kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn (Tennessee) đã đề xuất dự luật mới vào ngày 11/3. Dự luật này sẽ chỉ đạo Tổng thanh tra Hoa Kỳ thực hiện một nghiên cứu về các mối quan hệ đối tác này, để xác định cách thức chế độ Trung Quốc và các chính phủ nước ngoài có thể khai thác những mối quan hệ này để thực hiện "các hoạt động xấu", chẳng hạn như hoạt động gián điệp trong học thuật và công nghiệp. Việc này đặc biệt cần được thực hiện với các chính phủ có lịch sử tham nhũng công đáng kể.

Một tờ thông tin (pdf) do văn phòng Thượng nghị sĩ Blackburn phát hành cho biết: “Sự mờ mịt của mối quan hệ đối tác giữa các thành phố kết nghĩa cản trở sự giám sát thích hợp và có thể kích hoạt hoạt động xấu”.

Trong một tuyên bố, bà Blackburn gọi các thỏa thuận là “một công cụ khác trong chiến dịch của Bắc Kinh nhằm thâm nhập vào văn hóa của [nước Mỹ] để đạt được mục đích kinh tế của họ”. Bà mô tả một sự việc trong đó chế độ Trung Quốc sử dụng quan hệ đối tác thành phố kết nghĩa để buộc chính quyền địa phương giấu tên “tuân thủ các chính sách của Trung Quốc hoặc đối mặt với sự trả đũa kinh tế”.

Sự thúc đẩy này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi chống lại các hoạt động gây ảnh hưởng xấu của ĐCSTQ nhắm vào các học viện, doanh nghiệp và chính phủ từ địa phương đến quốc gia trên khắp Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio (Florida) là nhà đồng đề xuất của dự luật. Ông cho biết, cần phải giám sát các thỏa thuận giữa các thành phố kết nghĩa nhiều hơn, vì “Bắc Kinh có lịch sử tiến hành các hoạt động xấu xa của mình bằng cách khai thác các mối quan hệ đối tác văn hóa và kinh tế”.

Thượng nghị sĩ Rubio nói: “Vì lợi ích an ninh quốc gia và kinh tế của chúng ta, cần hiểu rõ hơn và chống lại ảnh hưởng xấu ngày càng tăng của Trung Quốc ở cấp tiểu bang và địa phương”.

Tại Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Chip Roy (Texas) cũng đề xuất một điều luật tương tự.

Dẫn dắt để mở rộng tầm ảnh hưởng

Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo đã cảnh báo về các chương trình kết nghĩa của Trung Quốc trong một bài phát biểu trước các thống đốc Hoa Kỳ. Ông khẳng định các quan chức ĐCSTQ đang “vun đắp mối quan hệ với các thành viên hội đồng trường quận và các chính trị gia địa phương” thông qua các chương trình này.

Trong nhiều năm, ĐCSTQ cũng đã thực hiện các thỏa thuận với các thành phố kết nghĩa để thúc đẩy việc thành lập các Viện Khổng Tử do Bắc Kinh tài trợ trên toàn thế giới. Được quảng cáo là trung tâm ngôn ngữ và văn hóa, các Viện Khổng Tử đã thu hút sự chỉ trích hà khắc về vai trò của họ trong việc truyền bá các tuyên truyền tiếng Trung và kiềm chế các ngôn luận học thuật trong các trường đại học trên khắp thế giới.

Vào tháng 1/2007, hãng thông tấn Tân Hoa xã của nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng, 123 Viện Khổng Tử đã được thành lập ở 49 quốc gia và khu vực tính đến tháng 7/2005. Đây là một dấu hiệu cho thấy “quyền lực mềm” của Trung Quốc. Bài báo cho biết nhiều trường học Trung Quốc, với sự hỗ trợ của chính phủ, đã thành lập các Viện Khổng Tử và ký kết các thỏa thuận học ngoại ngữ thông qua các chương trình của thành phố kết nghĩa.

Khi công bố kế hoạch phát triển Viện Khổng Tử toàn cầu từ năm 2012 đến năm 2020, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã chỉ ra rằng các chương trình thành phố kết nghĩa nên là một trong những cơ chế mà chính quyền khu vực “tận dụng” để thành lập thêm các trung tâm.

Chế độ cũng tìm cách tận dụng các mối quan hệ giữa các thành phố kết nghĩa của mình, để hỗ trợ đàn áp các nhóm bất đồng chính kiến ​​ở nước ngoài. Một tài liệu nội bộ năm 2017 được The Epoch Times đưa tin trước đây cho biết, các kênh của thành phố kết nghĩa nên được “sử dụng đầy đủ” để “triệt tiêu hiệu quả không gian của Pháp Luân Công cho các hoạt động bên ngoài đất nước”. Pháp Luân Công là một pháp môn tu luyện thân và tâm, đã bị ĐCSTQ đàn áp tàn bạo trong hơn 2 thập kỷ.

Bắc Kinh cũng đã tìm cách đưa một số thông điệp chính trị của ĐCSTQ vào các thỏa thuận thành phố kết nghĩa.

Vào năm 2019, thủ đô Praha của nước Cộng hòa Séc đã từ bỏ thỏa thuận thành phố kết nghĩa với thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, khi nước này từ chối đàm phán lại nội dung liên quan đến “chính sách một Trung Quốc” trong thỏa thuận, theo truyền thông Đài Loan.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đã buộc các chính phủ, tổ chức quốc tế và công ty nước ngoài áp dụng nguyên tắc “một Trung Quốc”, như một cách để hợp thức hóa yêu sách lãnh thổ của mình đối với quốc đảo này. Trên thực tế, Đài Loan là một quốc gia độc lập với các quan chức được bầu chọn theo cách dân chủ, cùng quân đội và đơn vị tiền tệ độc lập.

Sau khi loại bỏ Bắc Kinh, Praha đã ký một thỏa thuận thành phố kết nghĩa với thủ đô Đài Bắc của Đài Loan vào tháng 1/2020.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Đảng Cộng hòa thúc đẩy giám sát các thành phố liên kết giữa Mỹ và Trung Quốc