Đài Loan và Ấn Độ có thể đàm phán thương mại - đòn giáng mạnh vào Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ Ấn Độ và Đài Loan đang cân nhắc tiến hành các cuộc đàm phán thương mại chính thức, khi mối quan hệ của cả 2 nền dân chủ với Trung Quốc ngày càng xấu đi.

Trong vài năm qua, Đài Loan đã tìm kiếm các cuộc đàm phán thương mại với Ấn Độ, nhưng chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã từ chối vì điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến với Trung Quốc khi đăng ký hiệp ước tại Tổ chức Thương mại Thế giới, theo một quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ cho biết.

Tuy nhiên, trong vài tháng qua, phe “diều hâu” ở Ấn Độ đang chiếm ưu thế và muốn bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại với Đài Loan, quan chức này cho biết.

Đồng thời, vị quan chức này cũng cho biết, một thỏa thuận thương mại với Đài Loan sẽ giúp Ấn Độ đạt được mục tiêu tìm kiếm các khoản đầu tư lớn hơn vào công nghệ và điện tử. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ khi nào sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có bắt đầu đàm phán hay không.

Đầu tháng Mười, chính phủ của ông Modi đã chấp thuận các công ty, bao gồm: Tập đoàn Công nghệ Foxconn của Đài Loan, Wistron Corp. và Pegatron Corp. để thu hút khoản đầu tư trị giá hơn 143 tỷ USD cho việc sản xuất điện thoại thông minh trong 5 năm.

Hiện phía Đài Loan và Ấn Độ đều chưa đưa ra bình luận nào về triển vọng thỏa thuận đàm phán thương mại giữa 2 nước.

Bất kỳ cuộc đàm phán chính thức nào với Ấn Độ đều sẽ mang lại chiến thắng lớn cho Đài Loan. Do áp lực từ Trung Quốc, Đài Bắc đã phải vật lộn tìm cách tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với hầu hết các nền kinh tế lớn. Giống như hầu hết các quốc gia, Ấn Độ không chính thức công nhận Đài Loan, do đó, 2 chính phủ duy trì các cơ quan đại diện ngoại giao không chính thức dưới hình thức “văn phòng đại diện”.

Vào năm 2018, Ấn Độ và Đài Loan đã ký một thỏa thuận đầu tư song phương cập nhật, trong nỗ lực mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế 2 nước. Giá trị thương mại giữa 2 nền dân chủ đã tăng 18% lên 7,2 tỷ USD vào năm 2019, theo Bộ Thương mại Ấn Độ.

Ngày 20/10, tại cuộc họp báo thường nhật tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - ông Triệu Lập Kiên phát biểu rằng: “Ấn Độ nên tiếp tục cam kết với nguyên tắc 'Một Trung Quốc', tiếp cận các vấn đề liên quan đến Đài Loan một cách thận trọng và đúng đắn. Chỉ có một Trung Quốc trên thế giới và Đài Loan là một phần bất khả xâm phạm của Trung Quốc. Nguyên tắc 'Một Trung Quốc' là sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Ấn Độ”.

Trong những tuần gần đây, sau khi Trung Quốc đưa ra tuyên bố yêu cầu các hãng truyền thông Ấn Độ không đề cập đến Đài Loan như một quốc gia khi đưa tin về lễ kỷ niệm Quốc khánh 10/10 của quốc đảo này, chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn đã nâng tầm vị thế của mình ở Ấn Độ. Người dùng Twitter ở Ấn Độ chỉ trích Trung Quốc và đại sứ của nước này tại New Delhi là ông Sun Weidong, trong khi dành nhiều lời khen ngợi về Đài Loan và thông tin về ngày quốc khánh của Đài Loan.

Cảm tình của công chúng Ấn Độ dành cho Trung Quốc đã giảm sau các cuộc đụng độ biên giới đẫm máu giữa 2 nước xảy ra từ tháng Năm. Chính phủ của ông Modi đã cấm hàng chục ứng dụng của Trung Quốc bao gồm TikTok, đồng thời đàm phán với Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ về việc tạo ra các chuỗi cung ứng thay thế Trung Quốc sau đại dịch virus Corona Vũ Hán. Ấn Độ đã có ​​hơn 7,5 triệu ca nhiễm virus này, trong đó có 115.000 ca tử vong.

Khẳng định của Bắc Kinh về Đài Loan bắt đầu phản tác dụng

Sự không hài lòng với Trung Quốc, và việc Đài Loan xử lý thành công đại dịch, đang biến thành cơ hội quyền lực mềm cho bà Thái. Đài Loan chỉ có chưa đầy 600 người nhiễm virus Corona Vũ Hán trên tổng số 24 triệu dân, trong đó có 7 ca tử vong.

Tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình India Today, Ngoại trưởng Đài Loan - ông Joseph Wu nói: “Chúng ta phải suy nghĩ về cách thức để các nền dân chủ, các quốc gia cùng chí hướng, cùng nhau hợp tác hơn nữa. Chúng tôi có quan hệ tốt đẹp truyền thống với Hoa Kỳ, với Nhật Bản và chúng tôi muốn phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ”.

Tận dụng làn sóng quan tâm đến Đài Loan của người dùng mạng Ấn Độ, vào ngày 11/10, bà Thái Anh Văn lên tiếng cảm ơn những người dùng Twitter Ấn Độ đã gửi lời chúc mừng vào ngày quốc khánh. Hai ngày sau, bà Thái tiếp tục đăng những bức ảnh được chụp khi bà đến thăm lăng mộ Taj Mahal, Ấn Độ.

Vào ngày 15/10, bà Thái đã đăng trên twitter một bức ảnh chụp đồ ăn Ấn Độ kèm theo một cốc trà thái masala chai. Một số người dùng Twitter liên hệ động thái này với Milk Tea Alliance (Liên minh Trà sữa) gồm các nhà hoạt động từ Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan và các nơi khác chống lại Chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc. Cả 3 dòng tweet của bà Thái đều nhận được hơn 40.000 lượt thích và hàng nghìn tin nhắn thân thiện từ người dùng Ấn Độ.

Đảng Cộng sản Trung Quốc - vốn luôn tự tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình, bất chấp việc chưa từng nắm được quyền cai trị quốc đảo này - đã phản ứng mạnh mẽ trước các quyết định của chính quyền bà Thái đối với Ấn Độ.

Ngày 16/10, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi tên là Ji Rong, nói: “Chúng tôi kêu gọi các hãng truyền thông Ấn Độ có liên quan tuân thủ lập trường đúng đắn về lợi ích cốt lõi quan trọng của chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Truyền thông Ấn Độ không nên cung cấp cho lực lượng ‘Đài Loan độc lập’ nền tảng thông tin, để tránh gửi sai thông điệp”.

Sana Hashmi là một nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc và là tác giả của cuốn “Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các tranh chấp lãnh thổ: Bài học và triển vọng”, cho biết, việc Ấn Độ liên kết với Đài Loan về mặt kinh tế là rất tốt.

Bà Sana Hashmi nhận định: “Ngày càng có nhiều nhận thức không chỉ của người Ấn Độ, mà còn của các quốc gia khác về cách thức Trung Quốc kiểm soát các mối quan hệ trong khu vực. Trung Quốc sẽ khó mà nhượng bộ Ấn Độ hay Đài Loan trong việc khiến các quốc gia tuân theo đường lối của Bắc Kinh”.

Nguyễn Minh
Theo Aljazeera



BÀI CHỌN LỌC

Đài Loan và Ấn Độ có thể đàm phán thương mại - đòn giáng mạnh vào Bắc Kinh