Đài Loan muốn chia sẻ với thế giới về virus Corona Vũ Hán, Bắc Kinh tìm mọi cách cản trở

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp khoảng cách địa lý rất gần với Trung Quốc - nơi khởi phát thảm họa đại dịch viêm phổi Vũ Hán toàn cầu, Đài Loan đã có những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch này.

Với các chính sách nhanh chóng kiểm soát đường biên giới, thực hiện giãn cách xã hội, theo dõi sát sự lây nhiễm của virus và thực hiện xét nghiệm toàn dân, Đài Loan đã giành được nhiều lời khen ngợi từ quốc tế.

Tuy nhiên, vào ngày 12/5 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ không thể mời Đài Loan tham dự hội nghị thượng đỉnh về sức khỏe quốc tế sắp tới sau khi Trung Quốc nói rằng việc tham gia sẽ "vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc", theo National Review. Hội nghị Y tế Thế giới hàng năm của WHO đã khai mạc vào thứ Hai (18/5).

Đối với quyết định này, Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu khẳng định sự vắng mặt của quốc đảo này có khả năng gây ra nhiều thiệt hại trong cuộc chiến chống lại virus Corona Vũ Hán toàn cầu, Euronews cho biết.

Trong buổi phỏng vấn trực tiếp, Ngoại trưởng Wu nói: “Chúng tôi muốn chia sẻ chuyên môn của mình với phần còn lại của thế giới - thật không công bằng đối với cộng đồng quốc tế khi Đài Loan đã bị loại trừ”.

Ông Wu cũng nhấn mạnh việc Đài Loan đã có kinh nghiệm trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh SARS vào năm 2003 và đã sớm phát hiện các trường hợp nhiễm viêm phổi Vũ Hán đầu tiên.

Trong 8 năm liên tiếp từ 2009 đến 2016, Tổng thư ký của WHO vẫn luôn gửi thư mời quốc đảo này tham dự Hội nghị thường niên với tư cách là quan sát viên. Tuy nhiên, vào năm 2017, Trung Quốc đã ngăn cấm Đài Loan tham gia vào WHA cũng như các cuộc họp của tổ chức này.

Chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần cố gắng ngăn cản các nỗ lực của Đài Loan để được công nhận như một quốc gia chính thức. Lý do là vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố Đài Loan là một phần của lãnh thổ Trung Quốc đại lục. Tranh chấp này bắt nguồn từ việc thành lập chính phủ Trung Hoa Dân Quốc trên quốc đảo này vào năm 1945. ĐCSTQ đã gây áp lực tới các chính phủ và các tổ chức quốc tế để họ ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” của mình.

Cũng trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Wu gửi lời cảm ơn tới Mỹ vì đã “tiên phong” trong việc ủng hộ Đài Loan gia nhập vào WHO, đồng thời cũng nhắc tới các quốc gia khác cũng đã lên tiếng ủng hộ Đài Loan, bao gồm Anh Quốc, Pháp, Đức, Úc, và Nhật Bản.

Việc Đài Loan tiếp tục bị loại khỏi WHO đã phản ánh thực tế về cán cân quyền lực tại Liên Hợp Quốc.

Ông Wu cho biết: “Chúng tôi cần phải cập nhật thông tin từ WHO để chiến đấu chống lại các loại bệnh dịch truyền nhiễm. Và cho đến nay chúng tôi chưa hề được cập nhật bất kỳ thông tin thường xuyên nào từ phía WHO [...] Đây là một vấn đề đối với Đài Loan và hoàn toàn không công bằng đối với người dân Đài Loan”.

Du Miên



BÀI CHỌN LỌC

Đài Loan muốn chia sẻ với thế giới về virus Corona Vũ Hán, Bắc Kinh tìm mọi cách cản trở