Đã đến lúc WHO cần kết thúc ‘thái độ lịch sự’ với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Virus Corona mới (Covid-19) đang có nguy cơ đe dọa sức khỏe toàn cầu, điều này đã vượt lên trên tầm quan trọng chính trị, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cần thẳng thắn với phía Trung Quốc thay vì “lấy lòng” nhà tài trợ chính của mình.

Vào cuối tháng 1/2020, WHO bắt đầu tổ chức một nhóm chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc để thị sát và hỗ trợ ứng phó trước sự bùng phát của chủng coronavirus mới.

Hôm thứ hai ngày 17/02, cuối cùng thì nhóm chuyên gia cũng đã được phép bắt đầu tiến hành điều tra. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc sẽ không cho phép họ đến thực địa tại tỉnh Hồ Bắc hoặc thành phố Vũ Hán - nơi tâm dịch và có khả năng là nơi khởi phát của Covid-19, cũng là vùng bị cách ly dịch bệnh lớn nhất trong lịch sử.

Theo một kênh tin tức nổi tiếng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hồ Bắc đơn giản là quá bận rộn và “không thể dành thời gian và nguồn lực để tiếp đón đoàn chuyên gia”.

Trong nhiều tuần qua, WHO và Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bị chỉ trích nặng nề vì sự thụ động và phản ứng chậm chạp trước sự lây lan của chủng virus mới gây chết người. Cách tiếp cận này cho thấy WHO đã “tôn trọng” và đáp ứng các yêu cầu chính trị của Trung Quốc một cách quá mức.

Một số lời chỉ trích có thể chưa thực sự công bằng, khi WHO không thể tổ chức một sự ứng phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu nếu quốc gia nơi dịch bệnh bùng phát không chịu hợp tác.

Tuy nhiên, lịch sử gần đây đã cho thấy sự tôn trọng quá mức về chính trị trong tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, chắc chắn sẽ đem lại hiểm họa toàn cầu. WHO có vị thế độc đáo để yêu cầu Trung Quốc. WHO phải làm vậy, và ngay bây giờ.

Kể từ khi thành lập vào năm 1948, WHO là một tổ chức của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm điều phối vấn đề sức khỏe toàn cầu. Nhiệm vụ chính của tổ chức này là phòng ngừa dịch bệnh. Nhưng trong trường hợp dịch bệnh đe dọa an toàn sức khỏe của các quốc gia khác, WHO cần bày tỏ mối quan ngại của quốc tế và nên tuyên bố đây là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Động thái đó đóng vai trò là một tín hiệu SOS, huy động nguồn lực từ khắp nơi trên thế giới để ngăn chặn sự lây truyền. Tuy nhiên, đây có thể là một động thái gây tranh cãi, và thường bị “kìm hãm” bởi các mối quan hệ chính trị.

Nhìn lại đợt bùng phát Ebola ở Tây Phi năm 2014-2016 đã giết chết 11.310 người và có hơn 28.000 người bị lây nhiễm, WHO phải chờ nhiều tháng để tuyên bố tình trạng khẩn cấp, một phần cũng vì sợ gây ảnh hưởng đến các chính phủ châu Phi và gây tổn hại cho nền kinh tế của họ. Vào thời điểm WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp, gần 1.000 người đã chết và tình trạng lây nhiễm virus gần như không thể kiểm soát.

Những năm sau đợt bùng phát dịch Ebola, WHO đã thừa nhận những vấn đề trong cách ứng phó và đã cải cách để không bị chi phối bởi chính trị, cũng như có thể ứng phó hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trước sự bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc, WHO vẫn thể hiện tình trạng thụ động và chậm trễ trong tuyên bố, theo dõi và hỗ trợ tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Trên thực tế, có một số lý do cho điều này, trong đó bao gồm việc chính phủ Trung Quốc không thích bị nhìn nhận là cần sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế. Họ không muốn lặp lại sự gián đoạn chính trị và kinh tế liên quan đến vấn đề bùng phát dịch như trong dịch SARS giai đoạn 2002-2003, cũng như có xu hướng giữ bí mật trong mọi vấn đề.

Hơn nữa, Trung Quốc không chỉ là nhà tài trợ lớn thứ hai thế giới của WHO, mà còn là nhà tài trợ chính cho các dự án y tế toàn cầu quan trọng khác, ngoài sự bùng phát Covid-19 hiện nay. Ưu thế đó khiến Trung Quốc có thể “đẩy lùi” hầu hết các yêu cầu của WHO.

Trong hoàn cảnh như vậy, có thể hiểu được rằng WHO và Tổng giám đốc Tedros đã phải “dè chừng” khi đưa ra tuyên bố công khai về phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng. Mặc dù chắc chắn rằng WHO đã phải thất vọng khi phía Trung Quốc đã có những nỗ lực quá rõ ràng nhằm che đậy giai đoạn đầu của sự bùng phát dịch bệnh, tổ chức này cũng nhận ra rằng việc thể hiện sự bất bình rất có thể sẽ ngăn cản sự hợp tác.

Tuy nhiên, WHO đã “vượt ra ngoài” phạm vi giữ im lặng, khi cố gắng “bao che” về sự thiện chí của Trung Quốc, bằng cách nhấn mạnh mong muốn cộng đồng toàn cầu không nên đóng cửa biên giới, hoặc không dừng việc đi lại và các giao dịch thương mại với Trung Quốc. Cuối cùng, tổ chức này đã tuyên bố tình hình khẩn cấp toàn cầu, nhưng muộn hơn nhiều so với yêu cầu của các chuyên gia.

Ngoài ra, Trung Quốc đã không ngần ngại “ứng phó” theo cách riêng của mình trong tình huống này. Truyền thông nhà nước đã hết lời ca ngợi ông Tedros và WHO, trong khi chính phủ Trung Quốc đã cho phép cộng đồng y tế toàn cầu truy cập dữ liệu khoa học. Đó là sự khởi đầu, nhưng không đủ.

Trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trước đây, WHO đã tổ chức các nhóm chuyên gia quốc tế đến các nước khởi phát dịch bệnh để thị sát về các đặc điểm lâm sàng và dịch tễ học của căn bệnh mới. Đây là một phần quan trọng của các hoạt động ứng phó trước bất kể tình hình khẩn cấp nào. Tuy nhiên, Trung Quốc không sẵn lòng cho phép nhóm chuyên gia đến vùng trung tâm của dịch bệnh.

Điều này không những đã phủ nhận quyền được hỗ trợ bởi các chuyên gia hàng đầu để xử lý dịch bệnh của công dân Trung Quốc, và của cả thế giới, mà còn làm suy giảm niềm tin vào nguồn thông tin mà Trung Quốc đang cung cấp. Tóm lại, chính quyền Trung Quốc đang che giấu điều gì?

Thật không may, trước đây thế giới đã từng đối mặt với vấn đề này. Năm 2003, trong đại dịch SARS, phải mất nhiều tháng sau khi bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt cũng như gây áp lực nghiêm trọng, Trung Quốc mới chịu mở cửa tỉnh Quảng Đông, nơi khởi phát dịch bệnh, để nhóm các nhà dịch tễ học quốc tế vào làm việc. Vào thời điểm đó, WHO là một trong những tổ chức bị chỉ trích nặng nề nhất.

Mười bảy năm qua rồi, đáng lẽ WHO và ông Tổng giám đốc hiện tại phải rút kinh nghiệm từ bài học này của quá khứ. Chính trị cũng phải đứng đúng vị trí của nó trong y tế toàn cầu. Bởi cuối cùng thì WHO cần phục vụ lợi ích của cộng đồng toàn cầu trước nguy cơ đe dọa an toàn về sức khỏe. Kể từ đầu tháng 12/2019, WHO và lãnh đạo tổ chức này đã có thái độ quá nhu nhược đối với Trung Quốc. Điều này cần được kết thúc ngay bây giờ.

Thu Hà
Theo bloomberg.com



BÀI CHỌN LỌC

Đã đến lúc WHO cần kết thúc ‘thái độ lịch sự’ với Trung Quốc