Đã đến lúc thế giới cần cấm ‘du lịch ghép tạng’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thị trường chợ đen cấy ghép các bộ phận cơ thể người là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở đây: Nhiều người lên án nạn buôn bán nội tạng, nhưng chỉ có rất ít người thực sự làm gì đó để ngăn chặn vấn nạn này.

Mới đây, Ủy ban Thượng viện Canada vừa thông qua S 204, một dự luật quy định việc ra nước ngoài mua nội tạng để cấy ghép là một trọng tội. Cụ thể, dự luật sẽ trừng phạt tất cả những ai:

  • Lấy một cơ quan để cấy ghép vào cơ thể của họ hoặc vào cơ thể của người khác, trong khi biết rằng người bị lấy nội tạng… đã không đưa ra sự đồng ý rõ ràng;
  • Tạo điều kiện cho việc lấy một cơ quan nội tạng khỏi cơ thể của người khác mà không có sự đồng ý; và/hoặc, mua nội tạng.

Thật là một sự thay đổi mới mẻ so với hiện trạng. Bất chấp việc những người phản đối đã lên án hành vi này trong suốt nhiều năm, “du khách ghép tạng” hầu như không phải lo sợ khi tham gia vào thị trường chợ đen. Những người nghèo khổ cũng vậy. Ở những nơi nghèo đói khủng khiếp như Thổ Nhĩ Kỳ, Peru, Bangladesh và các quốc gia nghèo khác trên thế giới, hoàn cảnh sống tồi tệ của chính họ cùng những lời đường mật của những kẻ môi giới nội tạng đã thuyết phục những con người tuyệt vọng này bán đi một quả thận của mình cho người mua - những người không muốn nằm trong danh sách chờ đợi cho các cuộc phẫu thuật hợp pháp về mặt đạo đức.

Đôi khi các giao dịch máu này mang lại hậu quả chết người - như trong bài báo của phóng viên Michael Smith của Bloomberg hồi năm 2011: “Mẹ của Luis Picado vẫn nhớ như in cái ngày mà con trai bà nghĩ rằng anh đã trúng xổ số ... Một người đàn ông Mỹ đã hứa sẽ cung cấp cho Picado, một chàng trai 23 tuổi đã bỏ học trung học để đi làm công nhân xây dựng, một công việc và một căn hộ ở New York nếu Picado hiến tặng một quả thận của mình ... Ba tuần sau, vào tháng 5/2009, sau khi trải qua ca phẫu thuật cắt một quả thận tại Bệnh viện Quân đội Managua, Picado đã bị chảy máu trong đến chết dù các bác sĩ đã cố gắng cứu mạng anh, theo ghi chép của hồ sơ y tế”.

Những kẻ buôn bán nội tạng hoạt động khắp nơi trên thế giới. Năm 2011, tờ Herald Sun đưa tin, chính phủ Bangladesh đã triệt phá một băng đảng buôn bán thận tại một ngôi làng đặc biệt nghèo khó; có 200 nạn nhân - những người này đã bán một quả thận của mình với giá ít nhất là 1.900 USD.

Trên thực tế, du lịch ghép tạng đã trở thành một vấn đề nhức nhối đến mức Pakistan đã cấm mọi hoạt động mua và hiến tặng nội tạng sống (trừ các thành viên thân thiết trong gia đình). Vì lý do tương tự, Philippines cũng đã ban hành lệnh cấm những người không phải là công dân Philippines thực hiện các cuộc phẫu thuật ghép thận tại nước này.

Tuy nhiên, tất cả những điều này đều không thể so sánh được với cuộc tàn sát ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nơi các tù nhân lương tâm bị giết và thu hoạch nội tạng cho thị trường chợ đen. Nhà vận động nhân quyền David Matas và cựu thành viên Quốc hội Canada David Kilgour đã dành nhiều năm theo đuổi những câu chuyện về nạn giết người lấy tạng ở Trung Quốc, mà nạn nhân chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác.

Hai ông đã đưa ra một báo cáo chi tiết và ớn lạnh vào năm 2006, được cập nhật vào năm 2016, cáo buộc rằng các học viên Pháp Luân Công đã bị giam cầm một cách có hệ thống, bị xét nghiệm và bị sát hại để lấy nội tạng.

Trong cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu - Đại thảm sát” của nhà báo Ethan Gutmann có viết: “Các tù nhân Pháp Luân Công, những người đã rời khỏi Trung Quốc, làm chứng rằng họ đã được xét nghiệm máu và kiểm tra nội tạng một cách có hệ thống khi còn ở trong các trại lao động cưỡng bức trên khắp đất nước. Điều này hẳn không phải là để đảm bảo sức khỏe của họ, vì họ thường xuyên bị tra tấn dã man, mà nó cần thiết cho việc cấy ghép nội tạng cũng như việc xây dựng một ngân hàng 'người hiến tặng sống'. Trong một số trường hợp, các thành viên trong gia đình của các học viên Pháp Luân Công có thể nhìn thấy thi thể bị khâu vá chằng chịt của những người thân yêu của họ trước khi bị hỏa táng. Các cơ quan nội tạng đã bị lấy mất".

"Tội ác nội tạng", một bức tranh sơn dầu của Xiqiang Dong mô tả việc thu giữ nội tạng từ một học viên Pháp Luân Đại Pháp còn sống ở Trung Quốc. (Đã có sự đồng ý của Xiqiang Dong)
"Tội ác nội tạng", một bức tranh sơn dầu của Xiqiang Dong mô tả việc thu hoạch nội tạng từ một học viên Pháp Luân Đại Pháp còn sống ở Trung Quốc. (Đã có sự đồng ý của Xiqiang Dong)

Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc này, đồng thời hứa hẹn sẽ đưa ra những cải cách. Nhưng mọi việc vẫn đang âm thầm được tiến hành. Một bài báo năm 2017 được xuất bản trên BMC Medical Ethics nêu rõ: “Hoạt động mua bán nội tạng từ các tù nhân bị tử hình ở Trung Quốc đã kéo dài hàng thập kỷ. Hơn nữa, thực tiễn này có liên quan đến việc lạm dụng quy mô lớn và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.

Điều này gây sốc và không thể dung thứ được. Làm thế nào để ngăn chặn nó? Các chính phủ trên khắp thế giới cần hành động giống như Canada. Và có vẻ điều này đã đang diễn ra.

Các nhà lập pháp Thượng viện Texas đã nhất trí thông qua một nghị quyếtnghiêm cấm sự hợp tác giữa các công ty y tế và dược phẩm của Hoa Kỳ với bất kỳ đối tác Trung Quốc nào có liên quan đến việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng”.

Các đề xuất cụ thể hơn cũng đã được đưa ra, bao gồm:

  • Luật pháp quốc gia cấm công dân nhận nội tạng bất hợp pháp ở bất kỳ quốc gia nào;
  • Từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho những cá nhân có hoạt động mua bán nội tạng bất hợp pháp ở bất kỳ quốc gia nào, dưới bất kỳ hình thức nào.

Một phần của vấn đề là có quá nhiều người trong chúng ta thờ ơ với nỗi đau của những người nghèo khổ cách xa chúng ta nửa vòng trái đất. Một số người trong chúng ta thậm chí còn ăn mừng việc khai thác nội tạng. Hãy lấy ví dụ về cuốn sách “Larry's Kidney” (Quả thận của Larry) năm 2009, do Daniel Asa Rose viết, kể lại việc tác giả mua một quả thận ở Trung Quốc cho người anh họ Larry. Sau một loạt các rủi ro và biến chứng, Larry đã nhận được bộ lọc máu hữu cơ mới của mình. Ôi, niềm vui cho Larry! Nhưng nó chắc chắn không phải là một niềm vui cho người chủ ban đầu của quả thận.

Thế nhưng luật pháp chỉ có thể làm được một phần. Cuối cùng, việc phản đối sự bóc lột đẫm máu này là tùy thuộc vào mỗi chúng ta. Ví dụ, nếu chúng ta biết rằng một người bạn xấu số hoặc một người thân yêu đang cân nhắc tham gia vào thị trường chợ đen nội tạng, hãy hứa sẽ hỗ trợ và yêu thương họ khi họ gặp nạn, nhưng hãy cho họ biết rằng họ sẽ bị xa lánh nếu như họ lựa chọn con đường tắt trái đạo đức.

Quan trọng hơn, nếu giả sử chính bản thân chúng ta phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe như vậy, chúng ta nên cố gắng tìm kiếm lòng can đảm và sự chính trực để chờ đến lượt mình được hiến tặng một cơ quan nội tạng theo cách hợp đạo đức. Rốt cuộc, một số thứ còn tệ hơn cả cái chết. Nếu sự công bình - hay nghiệp báo - thực sự tồn tại trên đời này, thì một hành vi vi phạm nhân quyền khủng khiếp như du lịch ghép tạng nhất định sẽ phải trả giá.

Tác giả: Wesley J. Smith

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Thanh Hương



BÀI CHỌN LỌC

Đã đến lúc thế giới cần cấm ‘du lịch ghép tạng’