Cựu trợ lý Trump: Sự thiếu hiểu biết của Biden về các cuộc tấn công mạng 'làm tôi kinh hãi'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vị cựu trợ lý cho biết: "Nếu ông [Biden thật sự] chưa biết gì về nó, điều đó làm tôi kinh hãi hơn nhiều so với việc liệu ông ta có đáp trả hay không".

Xuất hiện trong chương trình "Wake Up America" của hãng tin Newsmax, cựu phó đại diện của quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia Ric Grenell đồng thời là phó trợ lý của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về lĩnh vực chống khủng bố, ông Kash Patel đã lên tiếng rằng, ông cảm thấy lo sợ với việc ông Biden nói rằng ông ấy cần thêm các báo cáo về cuộc tấn công mạng bằng phần mềm độc hại ransomware xảy ra vào cuối tuần trước - thời điểm diễn ra dịp lễ lớn của Hoa Kỳ - Ngày Độc lập 4/7. Ông Patel nói:

"Hai ngày trước [tức thứ Hai tuần này], ông Biden đã ra lệnh cho cộng đồng tình báo của mình thông báo tóm tắt về vấn đề này, [và] các hoạt động bên trong cộng đồng tình báo. Nếu ông ấy [thật sự] chưa biết gì về nó, điều đó làm tôi kinh hãi hơn nhiều so với việc liệu ông ta có đáp trả hay không".

Các nhà nghiên cứu vào hôm 3/7 cho biết, cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại ransomware vào công ty Công nghệ Thông tin Kaseya có trụ sở tại Miami có khả năng là một cuộc nhắm mục tiêu vào 1.000 doanh nghiệp khác. Từ sau khi ông Biden lên nhậm chức, các cuộc tấn công bằng ransomware được chính quyền của ông quy trách nhiệm cho các tin tặc có trụ sở tại Nga. Không chỉ vậy, ông Biden cũng đã lên tiếng đe dọa khi nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Nga tại Geneva vào hồi tháng Sáu vừa qua.

Cựu quan chức chính quyền Trump lưu ý rằng, vụ tấn công mạng hồi cuối tuần trước là vụ xâm phạm lớn thứ ba kể từ khi ông Biden lên nhậm chức. Tuy vậy, vào hôm thứ Bảy, ông Biden đã ra lệnh điều tra, nói rằng "suy nghĩ ban đầu” của ông là đó không phải do chính phủ Nga [gây ra]. Ông nói thêm rằng: “Nhưng chúng tôi chưa chắc chắn."

Ông Patel cho biết: "Những gì mà cuộc tấn công gây ra, về cơ bản, nó đóng băng khả năng hoạt động của các công ty [bị tấn công], từ đó đóng băng tài khoản của các khách hàng của họ... nó khiến mọi người không thể hoạt động trên hệ thống kinh tế Mỹ. [Đây] là [cách hiểu] nôm na về các cuộc tấn công”.

Cựu trợ lý về lĩnh vực chống khủng bố của chính quyền cựu Tổng thống Trump tiếp tục: “Trong khi đó, Hoa Kỳ có các cơ sở hạ tầng tình báo tinh vi nhất để [có thể] xác định và phát hiện các loại tấn công ransomware hoặc tấn công mạng".

Ông nhấn mạnh: “Quan trọng hơn, chúng ta có khả năng ngăn chặn họ, nếu đó là ưu tiên của chính quyền, nhưng một lần nữa, có vẻ như đó không phải là ưu tiên của chính quyền [đương nhiệm]. Họ chỉ muốn có các quan điểm chính trị để mà nói và ông ấy muốn trao cho Tổng thống Putin tờ danh sách về những cơ sở [của Hoa Kỳ mà Nga] không nên tấn công. Tôi không nghĩ rằng vấn đề này sẽ [trở nên] thư thả trong tương lai gần".

Ông Patel nhận định, trong khi Hoa Kỳ nên xem xét để thực hiện các hành động một cách bí mật, thì chính quyền ông Biden lại làm điều đó một cách công khai để khôi phục lòng tin của công chúng [rằng họ sẽ có động thái cứng rắn với Nga].

Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, thuế quan đã được thực thi đối với Liên bang Nga. Ông Patel lên tiếng: “Và bây giờ, chúng ta nên bắt đầu ban hành các biện pháp trừng phạt đối với Vladimir Putin và đội ngũ của ông ta, những người đang gây ra các cuộc tấn công mạng này".

Ông Patel bày tỏ, ông không nghĩ rằng Quốc hội Mỹ sẽ thông các dự luật để ngăn các công ty bị nhắm mục tiêu trả tiền chuộc để lấy lại hệ thống máy tính của họ. Ông cũng không nghĩ rằng các cuộc tấn công đã xảy ra mà ông Putin không hề hay biết.

Cựu trợ lý về lĩnh vực chống khủng bố cho biết: “Vladimir Putin là một sĩ quan của Ủy ban An ninh Nhà nước - một cơ quan tình báo nước ngoài và an ninh nội địa của Liên Xô. Điều đó có nghĩa là, ở mọi phương diện ông ấy hoàn toàn là một điệp viên. Và ông ấy vẫn tiếp tục là một điệp viên khi trở thành người đứng đầu Liên bang Nga. Putin đã thay đổi Hiến pháp Nga để ông ấy có thể phục vụ suốt đời [ở vị trí người đứng đầu]. Đó là cách nước Nga đang được điều hành và cho dù ông ấy có chỉ đạo trực tiếp hay gián tiếp, [các cuộc tấn công mạng] là một cách thức của Liên bang Nga nhằm cản trở cơ sở hạ tầng của Mỹ và ông ấy đã tiếp tục làm như vậy, chỉ 10 ngày sau cuộc gặp với tổng thống Mỹ ở Geneva, Thụy Sĩ. Có vẻ như họ đã có một mối quan hệ tuyệt vời, phải không?".

Trong một diễn biến khác, xuất hiện trong chương trình "Spicer & Co." của Newsmax vào hôm thứ Ba (6/7) vừa qua, Dân biểu Kat Cammack, một thành viên Đảng Cộng hòa của Florida bày tỏ rằng, Tổng thống Biden dường như không có can đảm để thách thức người Nga sau vụ tấn công mạng xảy ra hồi tuần trước. Đây là một cuộc tấn công đã ảnh hưởng đến hệ thống Công nghệ Thông tin của hơn 1 triệu công ty trên khắp thế giới. Dân biểu Cammack, một thành viên của Ủy ban An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã lên tiếng như sau:

"Cảnh ông Biden cố gắng nói chuyện cứng rắn (với người Nga) chỉ mang giá trị hài hước. Tôi hoàn toàn co rúm người lại. Nếu người chỉ huy và người đứng đầu không thể tập hợp đủ tinh thần thống nhất để thực sự đứng lên bảo vệ nước Mỹ và nền công nghiệp Mỹ, thì chúng ta không có khả năng răn đe dưới chính quyền này”.

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Cựu trợ lý Trump: Sự thiếu hiểu biết của Biden về các cuộc tấn công mạng 'làm tôi kinh hãi'