Cú sốc cho Barack Obama hay chiến thuật “nhập nhèm”: Người Cuba biểu tình đòi Tự do hay ‘bất mãn’ COVID-19?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một thực tế: Bất chấp bị đe dọa, đánh đập và có thể mất mạng, hàng nghìn người Cuba đã xuống đường hô vang "Tự do" để bày tỏ mong muốn chấm dứt chế độ độc tài kéo dài suốt 62 năm qua ở hòn đảo Caribbean này.

Thực tế cũng cho thấy rằng, truyền thông dòng chính cũng đang “cố tình” bẻ lái các cuộc biểu tình sang một câu chuyện hoàn toàn khác: Người dân Cuba biểu tình phản ứng chính quyền xử lý yếu kém trong đại dịch Covid-19.

Cũng có một thực tế nghiệt ngã khác trong quá khứ: Barack Obama được ca ngợi vì bắt tay với “bạo chúa” Cuba, trong khi Donald Trump lại bị lên án vì dám đòi dân chủ cho người dân Cuba và quyết trừng phạt chính quyền độc tài.

Vì sao lại có sự tréo ngoe như vậy?

Khi khổ đau bị dồn nén...

Hàng nghìn người Cuba ở ít nhất 16 thành phố đã xuống đường diễu hành vào ngày 11/7 yêu cầu chấm dứt chế độ độc tài kéo dài suốt 62 năm qua và đã phải đối mặt với sự đàn áp của cảnh sát.

Các cuộc biểu tình dường như bắt đầu ở thị trấn San Antonio de los Baños, miền tây Cuba, và lan ra ít nhất 16 thành phố lớn bao gồm cả Havana và Santiago de Cuba, hai đầu cực của quốc đảo.

Sự kiểm duyệt thông tin của chính quyền Cuba khiến hầu hết các nhà quan sát trên thế giới không thể ước tính chính xác có bao nhiêu người Cuba xuống đường tuần hành vào ngày 11/7.

Cảnh sát Cuba cũng không công bố bất kỳ con số người bị bắt giữ hoặc thống kê thương tích. Nhưng các phương tiện truyền thông độc lập ước tính rằng, hàng trăm người đã bị bắt, bị đưa vào đồn cảnh sát, trong đó có một số nhà báo đưa tin về các cuộc biểu tình.

Quốc kỳ Mỹ đã xuất hiện trong dòng người tuần hành khi họ đi qua các đường phố của Havana và hô lớn: “Tự do!”.

Dưới chế độ độc tài Fidel Castro, Cuba đã đặt ra ngoài vòng pháp luật hầu hết các hoạt động tôn giáo, và thường xuyên bắt bớ những những người có đức tin. Trong những năm 1960, Chủ tịch Fidel Castro đã đưa những người theo đạo Thiên chúa đến các trại lao động cùng các nhà văn, các nhà phê bình, và những “người không cùng quan điểm”. (1)

Một tài khoản Twitter đã báo cáo về việc cảnh sát, an ninh mật vụ đã đánh đập và bắt giữ ít nhất một linh mục Công giáo, Cha Castor José Álvarez Devesa khi ông được cho là bị “mất tích” ở Camagüey, một trong những trung tâm biểu tình lớn nhất trong ngày cuối tuần vừa qua. (2)

Camagüey là thành phố lớn thứ 3 thuộc miền trung nước này đã trải qua một số cuộc đàn áp bạo lực nhất của chính quyền Cuba. Video ghi lại cảnh sát công khai đánh đập người biểu tình, và các công dân đã chống trả lại bằng cách ném đá sau khi cảnh sát nổ súng vào những thường dân ôn hòa không vũ trang. (3)

Một đoạn video cho thấy người dân Cuba phẫn nộ lật ngược một chiếc xe cảnh sát.

Các báo cáo khác cũng cho thấy cảnh sát xả súng vào những người biểu tình ở Havana - một trong những trung tâm đô thị đông dân cư nhất của Cuba. Việc nổ súng vào đám đông dân chúng tại Quảng trường Cách mạng (Plaza de la Revolución) có thể dẫn đến thương tích đáng kể, nhưng chính quyền Cuba chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về thiệt hại người mà cảnh sát gây ra vào thời điểm video lan truyền trên MXH. (4)

Chủ tịch Díaz-Canel đã xuất hiện trên truyền hình hôm Chủ nhật để cảnh báo: “Chúng tôi đang triệu tập tất cả những người cách mạng xuống đường để chống lại những hành động khiêu khích này đang diễn ra và kiên quyết đối đầu với chúng”.

Đương nhiên chính quyền độc tài Cuba không bao giờ khoanh tay ngồi nhìn mà sẽ hành động. Ngoài việc lùa lực lượng an ninh xuống đường, chế độ này đã cắt mạng Internet cũng như các dịch vụ điện thoại bị ngắt kết nối. Nói thẳng ra, đây là “vở cũ” quen thuộc của ĐCSTQ: “Kiểm duyệt và đe dọa bằng mọi giá”.

Công nghệ kiểm soát của Trung Quốc lại xuất hiện tại... Cuba

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đã cảnh báo trong một tuyên bố trên Twitter rằng, chế độ Cuba sẽ “sớm chặn dịch vụ Internet và điện thoại di động để ngăn các video được truyền ra thế giới”.

Ông tweet: “Tôi cảnh báo điều này sớm hơn trong ngày hôm nay. Nó đang diễn ra và sẽ tiếp tục. Họ sử dụng một hệ thống do Trung Quốc sản xuất, bán và cài đặt để kiểm soát và chặn quyền truy cập vào Internet tại Cuba”.

Theo AP, những người biểu tình Cuba đã tới các điểm tập hợp thông qua các nền tảng như Twitter và Facebook.

Cơ quan giám sát kiểm duyệt Internet toàn cầu (OONI) đã báo cáo vào ngày 12/7 rằng, Cuba đã bắt đầu chặn các ứng dụng nhắn tin WhatsApp, Telegram và Signal trong thời điểm xảy ra các cuộc biểu tình.

Năm 2017, OONI cho biết tập đoàn Huawei “đang hỗ trợ cơ sở hạ tầng Internet của Cuba”. Tại Cuba, truy cập Internet vốn bị hạn chế và rất đắt đỏ. Năm 2017, chính quyền Cuba đã dần mở rộng các dịch vụ Internet gia đình. Tháng 12/2018, người dân Cuba được cấp quyền truy cập Internet thông qua Công ty Viễn thông nhà nước ETECSA.

OONI cho biết họ đã tìm thấy mã của Trung Quốc được sử dụng cho các cổng truy cập Wifi ở Cuba. Những cổng đăng nhập của ETECSA đều có chứa mã nguồn “được viết bằng tiếng Trung Quốc”. Điều này cho thấy “có khả năng ETECSA đã thuê các nhà phát triển Trung Quốc thực hiện cổng thông tin này”. (5)

Tháng 12/2020, Viện Chiến tranh và Hòa bình cũng cho biết các nhà cung cấp công nghệ chính cho ETECSA là ba công ty Trung Quốc: Huawei, TP-Link và ZTE.

ĐCSTQ vốn nổi tiếng “sắm” một MXH nội bộ cho riêng mình và cô lập người dân ra khỏi cộng đồng Internet thế giới. Chế độ độc tài này từ lâu đã duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với việc sử dụng Internet và công nghệ di động của người dân, theo dõi và kiểm soát cuộc trò chuyện trên MXH để thao túng dư luận và chặn bất kỳ thông tin nào được coi là nhạy cảm với ĐCSTQ…. Và giờ đây nó hỗ trợ cho chính quyền độc tài Cuba.

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt Mạng xã hội phải câm lặng
ĐCSTQ từ lâu đã kiểm soát chặt chẽ đối với Internet, theo dõi MXH để thao túng dư luận và chặn bất kỳ thông tin nào được coi là nhạy cảm với nó… (Tổng hợp)

HIện giờ người dân Cuba như đang đứng giữa ngã ba đường, một bên là chế độ độc tài được sự trợ giúp của ĐCSTQ, và bên ngoài thế giới dường như đang “cố tình” hiểu sai “ý nguyện” của họ thông qua truyền thông dòng chính.

Chiến thuật: Im lặng, “xoa nhẹ”, “đổ lỗi” cho đại dịch Covid-19?

Cuộc biểu tình tại Cuba được nhiều nhà quan sát trên thế giới ví như sự kiện “Thiên An Môn 1989” thứ hai, bởi sự can đảm chưa từng có của người dân Cuba khi phải đối mặt với cảnh sát, an ninh mật vụ của chính quyền và cả những tên côn đồ được thuê trà trộn trong đoàn người tuần hành.

  • Im lặng là “vàng”

Đối với những người theo xã hội chủ nghĩa tự do cấp tiến như dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (AOC), cuộc biểu tình của người dân Cuba nhằm chối bỏ chính quyền độc tài và hệ tư tưởng mà AOC đang “ngưỡng mộ” hẳn không phải là tin tốt lành.

Vì vậy AOC đã im lặng một cách hiếm thấy trên Twitter, cũng như ba thành viên khác của "biệt đội tứ quái" cực tả tại Quốc hội Mỹ là Rashida Tlaib, Ilhan Omar, và Ayanna Pressley. (6)

Nghị sĩ Đảng Dân chủ AOC: Bà Pelosi và ông Schumer nên từ chức
Alexandria Ocasio-Cortez, nghị sĩ đảng Dân chủ của bang New York. ( Ảnh Tom Brenner-Pool / Getty)

Chính trị gia cực tả, ứng viên Tổng thống 2020 là Bernie Sanders, người có khiếu ăn nói cực kỳ khéo léo cũng hoàn toàn im lặng. (7)

Những nhân vật nổi tiếng tại Hollywood cũng lặng thinh, như đạo diễn nổi tiếng Michael Moore - người có hệ tư tưởng “gần gũi” với ĐCSTQ và “chống Trump” quyết liệt.

Cũng không có các cuộc biểu tình trên đường phố và làm nổ tung nước Mỹ của Black Lives Matter, như họ đã từng “tiếc thương” trước cái chết của tội phạm George Floyd.

Nhiều cựu hay đảng viên đảng Dân chủ cũng giữ im lặng, bởi một số đã từng “hành hương” tới Havana gặp cựu chủ tịch Fidel Castro, ca ngợi ông là “người ấm áp”, rồi phê phán nước Mỹ là phân biệt chủng tộc và hy vọng Mỹ lấy Cuba làm “hình mẫu”. (8)

Đảng Dân chủ liên tục “gán ghép” Tổng thống Trump với các nhà độc tài khét tiếng trong lịch sử
Biệt danh độc tài “Adolf Hitler” đã được những người nổi tiếng theo phái tự do cấp tiến tại Hollywood gán cho Tổng thống Trump, thì nay những đảng viên Đảng Dân chủ tầm cỡ đã so sánh ông với Fidel Castro, Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình... (Tổng hợp)

Mỉa mai thay, Fidel Castro và di sản của ông đã biến hòn đảo thơ mộng trước năm 1959 trở thành hòn đảo nghèo nàn và khốn khổ, nơi các trại lao động và nhà tù mọc như nấm sau mưa, và khiến ít nhất ¼ dân số phải liều mạng vượt qua vùng biển đầy cá mập để tới Mỹ.

  • Lỗi là tại... đại dịch Covid-19

Trong khi người dân Cuba tuần hành kêu gọi Tự do thì truyền thông dòng chính Mỹ đưa tin rằng,đói nghèo, thiếu thốn thuốc men đã thúc đẩy các cuộc biểu tình tại Cuba” và đổ lỗi cho lệnh cấm vận của Mỹ.

Tờ New York Times cho biết:Nền kinh tế mong manh của Cuba đã bị xói mòn bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng dịch bệnh đã dẫn đến tình trạng quản lý kinh tế yếu kém và ngành du lịch giảm mạnh, khiến hòn đảo này mất đi một nguồn ngoại hối đáng kể…”. (9)

Trong khi nhiều người biểu tình bị chính quyền Cuba đánh đập, bắt bớ thì Tổng thống Joe Biden cho biết ông đứng về phía người dân Cuba và 'kêu gọi tự do của họ':

“Chúng tôi sát cánh với người dân Cuba và họ kêu gọi tự do và giải thoát khỏi sự kìm kẹp bi thảm của đại dịch cũng như sau nhiều thập kỷ đàn áp và đau khổ về kinh tế mà họ đã phải chịu đựng bởi chế độ độc tài của Cuba”.

“Nhân dân Cuba đang dũng cảm khẳng định các quyền cơ bản và phổ biến. Các quyền đó, bao gồm quyền biểu tình ôn hòa và quyền tự do định đoạt tương lai của mình, phải được tôn trọng”.

Cũng giống truyền thông dòng chính, Joe Biden lại gắn câu chuyện khổ đau của người Cuba với đại dịch Covid-19. Trong tuyên bố, Tổng thống Mỹ còn gọi các cuộc biểu tình là một quyền "phổ biến" hơn là một quyền của người Cuba. Bởi lẽ điều thường “chờ đợi” người dân Cuba sau các cuộc biểu tình là các trận Tra tấn và Tù đày.

  • Chiến thuật… xoa dịu

Tuyên bố của Joe Biden cũng không lên án hành động trấn áp người biểu tình, cũng như làm “nhẹ” đi vấn đề khi nói rằng Cuba là một chế độ "độc tài". Thực tế chính quyền Cuba được nhìn nhận là chế độ "độc tài toàn trị".

Bởi 62 năm nắm giữ quyền lực với nắm đấm sắt, chính quyền Cuba có toàn quyền kiểm soát mọi khía cạnh đời sống tinh thần lẫn thể xác người dân của mình.

Trước đó, phản ứng đầu tiên của chính quyền Biden đã đổ lỗi toàn bộ cuộc khủng hoảng tại Cuba cho… đại dich Covid-19, và còn kêu gọi người dân Cuba biểu tình ôn hòa.

Quyền trợ lý Văn phòng Phụ trách Các Quan hệ Tây Bán cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Julie Chung đã tweet như sau:

“Các cuộc biểu tình vì hòa bình đang gia tăng ở Cuba khi người dân Cuba thực hiện quyền hội họp ôn hòa để bày tỏ lo ngại về các ca nhiễm /tử vong và tình trạng thiếu thuốc COVID gia tăng. Chúng tôi khen ngợi những nỗ lực của người dân Cuba trong việc vận động quyên góp để giúp đỡ những người láng giềng gặp khó khăn”.

Điều hiển nhiên chế độ độc tài tại Cuba không bao giờ cho phép người dân “biểu tình”, và bất kỳ ai biểu tình đều trở thành "kẻ thù của nhà nước", chứ đừng nói đến quyền “biểu tình ôn hòa”.

Bà Julie Chung cũng "bày tỏ quan ngại về việc gia tăng các ca nhiễm /​​ca tử vong và tình trạng thiếu thuốc COVID", và cũng thật trùng khớp “quan điểm” của truyền thông dòng chính lo ngại về cách “quản lý kinh tế yếu kém của chính quyền Cuba”.

Vậy phải chăng những cuộc biểu tình quy mô lớn chưa từng thấy của người dân Cuba chỉ là do lo ngại về sự quản lý kinh tế yếu kém hay tình trạng khan hiếm thuốc men, dịch vụ y tế trong đại dịch Covid-19?

Tất nhiên, người dân Cuba đã quá quen với sự khó khăn, thiếu thốn trong suốt nhiều thập kỷ qua, kể từ khi chế độ độc tài Fidel Castro lên nắm quyền vào năm 1959.

Vậy những tiếng hô vang kêu gọi "Tự do" "Chúng tôi không sợ" của hàng nghìn người biểu tình nói lên điều gì?

Những người biểu tình đã và đang nhắm mục tiêu cụ thể vào các cơ quan nhà nước, lật đổ những chiếc xe hơi đắt tiền của các quan chức giàu có, và hô vang trước trụ sở công quyền: "Cuba không thuộc về các người!".

Thậm chí bà Julie Chung dường như còn ca ngợi chương trình đưa bác sĩ ra nước ngoài của chính quyền Cuba khi viết: “Chúng tôi khen ngợi những nỗ lực của người dân Cuba trong việc vận động quyên góp để giúp đỡ những người láng giềng gặp khó khăn”.

Phải chăng bà Julie Chung ám chỉ đến chiến dịch gửi bác sĩ Cuba tới các quốc gia nghèo trên thế giới, mà thực chất là hình thức “xuất khẩu lao động”, bóc lột trắng trợn công dân của chính mình, và trong một số hoàn cảnh còn buộc họ phải làm gián điệp trên ‘đất bạn’?

Núp danh Nhân đạo hay để bóc lột các “nô lệ áo trắng”?

Các bác sĩ Cuba được chế độ cử đến các quốc gia nghèo để chăm sóc sức khỏe "miễn phí" cho người dân tại nước bạn. Họ được nhận lương trung bình khoảng 490 đô la/tháng, trong khi các quốc gia tiếp nhận họ trả cho chính quyền Cuba trung bình 3.500 đô la/tháng, và đôi khi còn cao hơn thế. (10)

Tờ New York Times đã từng có bài viết: Cuộc nổi dậy của các bác sĩ Cuba: 'Mệt mỏi khi trở thành nô lệ', và coi đó không khác gì hình thức "chế độ nô lệ” thời hiện đại. Nhưng tại Cuba, nó lại được chính quyền độc tài sử dụng cho mục đích tuyên truyền với hàm ý thật “cao cả”: Viện trợ nhân đạo. (11)

Tờ WSJ cũng cho biết, chính quyền Cuba đã ăn chặn tiền lương của các bác sĩ và buộc họ làm gián điệp:Trong nhiều thập kỷ, Havana đã gửi hàng chục nghìn bác sĩ ra nước ngoài như một dấu hiệu được cho là thể hiện sự thiện chí, nhưng là nhằm ăn cắp thu nhập của họ và buộc một số (bác sĩ) phải làm gián điệp”. (12)

Screen Shot 2021-07-15 at 2.31.41 AM.png
Bài báo đề cập tới chương trình "nô lệ áo trắng" của chính quyền độc tài Cuba. (Hình chụp màn hình)

Không rõ có bao nhiêu bác sĩ bị giao nhiệm vụ làm gián điệp, nhưng thực tế là đội ngũ bác sĩ này đã mang lại nguồn ngoại tệ khổng lồ cho chính quyền toàn trị Cuba, ước tính khoảng 11 tỷ đô la hằng năm. Chính quyền Cuba đã “đút túi” trung bình từ 75% cho tới 90% (lương bác sĩ) tùy thuộc vào sự chi trả ở các quốc gia giàu có hơn.

Tờ WSJ cho biết thêm, nhiều quốc gia đã từ chối "sự giúp đỡ" của Cuba như Bolivia đã trục xuất hơn 700 bác sĩ, Ecuador trục xuất khoảng 400 bác sĩ Cuba. Hiện hơn 60 quốc gia vẫn tham gia vào chương trình bác sĩ của Cuba, với ước tính từ 29.000 đến 50.000 “chuyên gia y tế” trên khắp châu Phi, Trung Đông, Thái Bình Dương và các nơi khác. (13)

Nhiều bác sĩ cho biết họ chỉ nhận được ⅓ mức lương đã hứa, và chính quyền Cuba giữ phần còn lại. Ngoài ra, chính quyền Cuba còn buộc các bác sĩ công tác tại nước ngoài phải “gửi thông điệp ủng hộ cuộc cách mạng” trong nước.

Khi các cuộc biểu tình vừa qua có vẻ “lắng đọng” trước sự trấn áp của chính quyền Cuba, người ta càng nhìn thấy rõ hơn hoàn cảnh khắc nghiệt của người dân Cuba lúc này.

Cú sốc cho “di sản” ngoại giao của Barack Obama

Trớ trêu thay, khi người Cuba biểu tình chối bỏ chính quyền độc tài tại nước họ và giương cao lá cờ Mỹ - biểu tượng cho sự TỰ DO - thì nhiều người ở Mỹ lại đang ủng hộ việc chuyển sang chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc.

Screen Shot 2021-07-15 at 2.41.26 AM.png
Nhiều người biểu tình Cuba đã giơ biểu ngữ Tự do và cờ Mỹ (Ảnh chụp qua màn hình)

Tư tưởng của ĐCSTQ dường như trở nên phổ biến và ngày càng ăn sâu bám rễ ở Mỹ nhờ các cuộc “vận động” văn hóa từ các Viện Khổng Tử, các trường Đại học và các chính trị gia theo khuynh hướng cực tả của đảng Dân chủ.

Buồn thay, những người ủng hộ tư tưởng của ĐCSTQ này phần lớn là thế hệ trẻ Mỹ, đã “bị” dạy dỗ một cách nhất quán trong hệ thống trường học vài thập kỷ qua.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã tweet như sau: “Các cuộc biểu tình ở Cuba không chỉ đơn giản là về 'tình trạng thiếu hụt'. Chủ nghĩa xã hội hứa hẹn đảm bảo thực phẩm, thuốc men & thu nhập nếu bạn từ bỏ tự do của mình. Như mọi khi, hẳn nhiên nó không làm được điều đó, bạn sẽ không lấy lại được tự do của chính mình”.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz, mà gia đình chạy trốn khỏi Cuba, đã đưa ra một tuyên bố có nội dung: “Người dân Cuba đã chiến đấu chống lại sự độc tài trong nhiều thập kỷ, và đã xuống đường đòi tự do. Chế độ này tàn bạo và từ chối quyền tự do cho nhiều thế hệ người Cuba, buộc nhiều người trong đó có gia đình tôi phải chạy trốn hoặc bị sát hại, và trong những ngày tới sẽ mở rộng bạo lực để cố gắng trấn áp những người biểu tình dũng cảm trên đường phố”.

Các cuộc biểu tình ở Cuba cũng đang đe dọa phá hủy một trong những dấu tích cuối cùng trong di sản ngoại giao của cựu Tổng thống Barack Obama.

Tình trạng bất ổn tại Cuba đã trở thành cú sốc đối với truyền thông dòng chính và các đảng viên Đảng Dân chủ khác, những người đã cổ vũ nỗ lực của chính quyền Obama nhằm bình thường hóa quan hệ của Mỹ với chế độ độc tài Cuba.

Tất nhiên, Big Media sẽ không bao giờ “săm soi” các tuyên bố của chính quyền Joe Biden trước sự kiện “nóng hổi” tại Cuba, cũng như hoàn toàn phớt lờ sự thật rằng, Tổng thống thứ 44 từng có một chuyến thăm thú vị với vợ con tới Cuba vào tháng 3/2016.

Gia đình đệ nhất nước Mỹ đã vui vẻ ngồi xem trận đấu bóng với Chủ tịch Raul Castro để “minh chứng” cho thế giới thấy, cuộc sống tại Cuba “bình thường” và “an toàn” như thế nào, trước khi Barack Obama nỗ lực bình thường hóa quan hệ với nhà nước độc tài trong năm cuối nhiệm kỳ của ông (2016).

Đó là tất cả những gì mà cựu Tổng thống có "cảm tình" với ĐCSTQ đã trải qua một ngày vui vẻ với em trai của nhà độc tài tàn bạo Fidel Castro, Chủ tịch Raul Castro vào tháng 3/2016.
Đó là tất cả những gì mà cựu Tổng thống có "cảm tình" với ĐCSTQ đã trải qua một ngày vui vẻ với em trai của nhà độc tài tàn bạo Fidel Castro, Chủ tịch Raul Castro vào tháng 3/2016.

Một tháng sau ngày Barack Obama đến thăm Cuba, ngày 13/4/2016, Ủy ban Nhân quyền và Hòa giải Quốc gia Cuba (CCDHRN) tiết lộ rằng chính phủ Cuba đã giam giữ 610 người vì lý do chính trị trong tháng 3 - Đó là số lượng tù nhân chính trị bị bắt giữ cao nhất vào thời điểm đó.

Di sản ngoại giao của Barack Obama tựu chung là có công trong việc thúc đẩy thế giới thêm… hỗn loạn, với các quyết định như sau:

  • Rút quân đội Mỹ ra khỏi Iraq, kéo theo sự trỗi dậy của lực lượng khủng bố ISIS.
  • Can thiệp quân sự vào Libya năm 2011, và tác động liên đới tới sát hại đại sứ Mỹ tại Libya;
  • Từ chối can thiệp vào Syria sau khi Tổng thống Bashar al-Assad vượt qua "lằn ranh đỏ" do chính Obama đặt ra.
  • Sự nhu nhược của Obama “tiếp sức” cho sự quyết đoán của Putin dẫn đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, thôn tính đảo Crimea.
  • Nhắm mắt làm ngơ cho ĐCSTQ xây dựng bất hợp pháp các đảo nhân tạo và tranh chấp lãnh hải với các quốc gia láng giềng tại Biển Đông
  • Ký thỏa thuận Hiệp ước Hạt nhân với Iran
  • ….
  • Và trong năm cuối nhiệm kỳ, Obama đã gấp rút nỗ lực bình thường hóa quan hệ với chế độ độc tài Cuba.

Dưới thời Donald Trump: Độc tài Cuba liêu xiêu

Dưới thời Barack Obama, Mỹ chính thức đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố, mở lại đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước và tái thiết lập các tuyến bay thương mại trực tiếp giữa hai nước sau hơn nửa thế kỷ gián đoạn.

Chính quyền Obama còn khôi phục quan hệ với Cuba trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thương mại, viễn thông…, và thậm chí Barack Obama còn hứa hẹn với Chủ tịch Raul Castro khi ấy rằng, sẽ làm hết sức để thuyết phục Quốc hội Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận với Cuba, bất chấp các vấn đề vi phạm nhân quyền của nước này.

Tất nhiên khi Donald Trump lên nhậm chức Tổng thống vào tháng 1/2017, mọi chính sách “nồng ấm” của Obama gần như bị phá sản.

Không phải Tổng thống Trump, Barack Obama mới là tổng thống “tạo nợ công” hàng đầu của Mỹ (Phần 3)
Mọi chính sách “nồng ấm” của Barack Obama đối với chính quyền độc tài Cuba gần như bị phá sản khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Ảnh của MARK RALSTON/AFP qua Getty Images)

Ngày 12/1/2021, chỉ ít ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Trump, ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố đưa Cuba trở lại danh sách các quốc gia “tài trợ khủng bố”. Đương nhiên quyết định này sẽ mở đường cho hàng loạt các biện pháp cấm vận khác của Mỹ nhắm vào chế độ độc tài này.

Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cáo buộc Cuba chứa chấp những kẻ đào tẩu Mỹ, từ chối dẫn độ 10 kẻ khủng bố du kích Colombia theo chủ nghĩa Marxis của Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN), từng tham gia trong vụ đánh bom Học viện cảnh sát Bogota (2019) khiến 22 người thiệt mạng và hơn 87 người khác bị thương.

Ngoài ra, vai trò “giám hộ” mà chế độ Castro liên đới với chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa Venezuela (cả trước và sau thời Hugo Chávez) đều mang bản chất chủ nghĩa đế quốc, và là một yếu tố quan trọng dẫn tới quyết định đưa Cuba trở lại danh sách này.

Cuba còn có mối quan hệ chặt chẽ với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), vốn nổi tiếng đào tạo và chứa chấp nhiều kẻ khủng bố, đã cung cấp thêm lý do cho sự cần thiết phải xếp chế độ Castro trở lại danh sách “tài trợ khủng bố”.

Việc đưa Cuba trở lại danh sách này không chỉ khiến người dân thế giới nhìn thấu hơn bản chất của chế độ độc tài này, mà sâu sa hơn sẽ chặt đứt các ngả đường tuồn tiền để nuôi bộ máy đàn áp dân.

Việc ngăn chặn các nguồn tài chính đối với chính quyền độc tài Cuba đã trở thành nền tảng chính trong cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Trump.

Thực tế, quân đội Cuba sở hữu tất cả các công ty kinh doanh béo bở tại quốc đảo này, và sở hữu nhiều “công cụ” như Ngân hàng, Viễn thông... để theo dõi, trừng phạt, bắt giữ những người bất đồng chính kiến, những người dân Cuba yêu tự do.

Tất nhiên, càng có nhiều tiền sẽ càng giúp ích cho chính quyền độc tài Cuba thực thi dễ dàng “sứ mệnh” ấy.

Xuân Trường

Tham khảo:

(1).https://www1.udel.edu/LAS/Vol14-2Tahbaz.htm

(2).https://twitter.com/GLALegalDefense/status/1414532008420646918

(3).https://diariodecuba.com/cuba/1626043910_32577.html

(4).https://diariodecuba.com/cuba/1626090097_32587.html

(5).https://www.ntd.com/cuba-accused-of-using-chinese-tech-systems-to-block-internet-access-amid-protests_642194.html

(6).https://twitter.com/PatrickRuffini/status/1414395189746147348

(7).https://twitter.com/MarshaBlackburn/status/1414572267233808384

(8).https://www.politico.com/story/2009/04/cbc-members-praise-castro-021008

(9).https://www.nytimes.com/2021/07/12/world/americas/cuba-protests-usa.html

(10).https://diariodecuba.com/cuba/1600959242_25244.html

(11).https://www.nytimes.com/2017/09/29/world/americas/brazil-cuban-doctors-revolt.html

(12)+(13).https://www.wsj.com/articles/communist-cuba-enslaves-physicians-11577299061

 



BÀI CHỌN LỌC

Cú sốc cho Barack Obama hay chiến thuật “nhập nhèm”: Người Cuba biểu tình đòi Tự do hay ‘bất mãn’ COVID-19?