Công ty Mỹ đang ồ ạt chuyển khỏi Trung Quốc, Việt Nam hưởng lợi lớn

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Liên tục xếp hạng trong số các đối thủ cạnh tranh trong khu vực của Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều lợi ích nhất từ ​​việc các doanh nghiệp phương Tây tiếp tục di chuyển ồ ạt khỏi Trung Quốc", theo báo cáo khảo sát của công ty đánh giá chuỗi cung ứng Qima.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch virus Corona Vũ Hán đã buộc các công ty giảm sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc như một nhà cung cấp duy nhất.

Theo khảo sát của Qima - một công ty đánh giá chuỗi cung ứng có trụ sở tại Hong Kong, các công ty của Hoa Kỳ đã bắt đầu tìm hiểu các lựa chọn về nguồn cung ứng gần quốc gia của họ hơn, trong đó khu vực Mỹ Latinh và Nam Mỹ đang được quan tâm đáng kể trong những tháng gần đây.

Cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng Bảy với hơn 200 doanh nghiệp trên khắp thế giới cho thấy, những doanh nghiệp này đang chuyển ngày càng nhiều nguồn cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc. 93% doanh nghiệp Mỹ được hỏi cho biết, họ có kế hoạch đa dạng hóa hơn nữa chuỗi cung ứng của mình. Ngược lại, ở EU, chưa đến một nửa số công ty được hỏi có chiến lược tương tự.

Theo một báo cáo của Qima, Trung Quốc vẫn là một quốc gia được chú ý nhiều trên toàn cầu trong lĩnh vực nguồn cung ứng, tuy nhiên, sự thống trị của nước này đã giảm nhiều so với những năm trước.

Ví dụ: 75% số doanh nghiệp được hỏi trên toàn cầu nêu tên Trung Quốc khi liệt kê 3 khu vực địa lý để tìm nguồn cung ứng hàng đầu trong năm nay, so với tỷ lệ áp đảo 96% vào năm ngoái.

Nhiều công ty đặc biệt là những công ty trong ngành dệt may đã ưu tiên đa dạng hóa nhà cung cấp trong một thời gian. Trong đó, Việt Nam tiếp tục là một điểm đến thay thế cho Trung Quốc.

“Liên tục xếp hạng trong số các đối thủ cạnh tranh trong khu vực của Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều lợi ích nhất từ ​​việc các doanh nghiệp phương Tây tiếp tục di chuyển ồ ạt khỏi Trung Quốc, với 40% số người được hỏi ở EU và nhiều doanh nghiệp Mỹ nói Việt Nam nằm trong số các khu vực cung ứng hàng đầu của họ”, báo cáo nêu rõ.

Trong số các quốc gia châu Á khác, Đài Loan đang nổi lên là “một nhà lãnh đạo” vì quốc đảo này được hầu hết các công ty Mỹ ưu tiên coi là một thị trường để tìm nguồn cung ứng của họ.

Đại dịch cũng đã thúc đẩy nhu cầu tái lập các chuỗi cung ứng tại Hoa Kỳ hoặc ở gần Hoa Kỳ như khu vực Mỹ Latinh và Nam Mỹ.

Báo cáo của Qima cho biết: “Đối với các công ty có trụ sở tại Mỹ, [xu hướng lựa chọn] các quốc gia gần Hoa Kỳ là điểm đến nguồn cung ứng tiếp tục tăng trưởng ổn định, với mức độ phổ biến của khu vực Mỹ Latinh và Nam Mỹ gần như tăng gấp đôi so với năm ngoái”.

Cuộc khảo sát cho thấy, 39% các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết có kế hoạch tìm kiếm thêm nguồn hàng từ Hoa Kỳ và Bắc Mỹ; còn 13% tìm kiếm từ Nam Mỹ và Mỹ Latinh.

Báo cáo cho biết: “Trong khi đó, các doanh nghiệp EU đang ngày càng chuyển hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ vì khoảng cách gần”.

Trong nhiều thập kỷ, hầu hết các tập đoàn đa quốc gia lớn của Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở vật chất và nguồn nhân lực ở Trung Quốc để tiếp cận thị trường Trung Quốc, dù họ đã phải từ bỏ tài sản trí tuệ của mình như một cái giá để gia nhập.

Tuy nhiên, đại dịch và làn sóng chống Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dấy lên trong những tháng qua, đã buộc nhiều hội đồng quản trị của các doanh nghiệp phải thay đổi đáng kể chiến lược tìm nguồn cung ứng của họ.

Tính bền vững của chuỗi cung ứng cũng trở thành một chủ đề chính trị nóng, khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng Mười Một đang đến gần.

Tổng thống Donald Trump cam kết chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc và mang lại 1 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình. Gần đây, ông đã đề xuất cung cấp các khoản tín dụng thuế và cho phép "chiết khấu 100% cho các ngành sản xuất mặt hàng thiết yếu như dược phẩm và robot", để khuyến khích các công ty chuyển chuỗi dây chuyền sản xuất về Hoa Kỳ.

Ông Trump cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp vào ngày 6/8 để đảm bảo rằng các loại thuốc y tế thiết yếu, vật tư và thiết bị y tế sẽ được sản xuất tại Hoa Kỳ.

Ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden cũng cam kết “khôi phục các chuỗi cung ứng quan trọng”. Ông Biden hứa sẽ “củng cố sức mạnh công nghiệp và công nghệ của Mỹ và đảm bảo tương lai được ‘sản xuất trên toàn nước Mỹ’ bởi tất cả các công nhân Mỹ”.

Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành nguồn cung quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo Liên hợp quốc, Trung Quốc chiếm gần 20% thương mại toàn cầu về sản xuất các sản phẩm trung gian, tăng từ mức 4% vào năm 2002.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Công ty Mỹ đang ồ ạt chuyển khỏi Trung Quốc, Việt Nam hưởng lợi lớn