Cố vấn WHO cắt ngang cuộc gọi khi phóng viên đặt câu hỏi về Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một quan chức hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có động thái cắt ngang cuộc phỏng vấn khi một phóng viên đã hỏi ông về Đài Loan 2 lần.

Quốc đảo này chỉ cách Trung Quốc 80 dặm, nhưng đã nhanh chóng ngăn chặn sự bùng phát dịch virus ĐCSTQ và không có thêm nhiều trường hợp nhiễm bệnh mới. Đài Loan đưa ra cáo buộc WHO đã phớt lờ các câu hỏi của họ ở thời điểm khởi đầu của dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) - dịch bệnh mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tìm cách che giấu với thế giới trong nhiều tuần.

The Epoch Times gọi loại virus Corona Vũ Hán - nguyên nhân gây bệnh COVID-19 - là “virus ĐCSTQ" vì sự che đậy và quản lý sai lầm của ĐCSTQ khiến loại virus này lây lan khắp Trung Quốc và trở thành đại dịch lan truyền đi khắp thế giới.

Đài phát thanh truyền hình Hồng Kông RTHK đã phỏng vấn cố vấn viên của WHO, ông Bruce Aylward, vốn là một nhà dịch tễ học người Canada. Ông Aylward là người đã lãnh đạo nhóm hợp tác của WHO-Trung Quốc với nhiệm vụ tìm hiểu sự lây lan của virus Corona Vũ Hán ở Trung Quốc. Trong kết quả của báo cáo này, cũng như trong các cuộc họp giao ban hàng ngày hay các cuộc phỏng vấn với các cơ quan báo chí về đại dịch viêm phổi Vũ Hán, ông Aylward và các quan chức khác của WHO luôn hết lời ca ngợi cách xử lý dịch của ĐCSTQ.

Khi nhắc đến những lời khen ngợi mà Đài Loan đã đạt được trong công tác đối phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, một phóng viên của RTHK đã hỏi ông Aylward: “Liệu WHO có xem xét lại tư cách thành viên của Đài Loan?”

Toàn cảnh cuộc gọi giữa cố vấn WHO Bruce Aylward và phóng viên Đài phát thanh truyền hình Hồng Kông RTHK được đăng tải trên Twitter

Lúc này ông Aylward nhìn chằm chằm vào màn hình và không nói gì.

"Hello?", phóng viên hỏi.

Ông Aylward liền nhanh chóng đáp lời: “Tôi xin lỗi, tôi không nghe thấy câu hỏi của bạn, Yvonne”. Khi phóng viên nói cô ấy sẽ lặp lại câu hỏi, ông ấy đã trả lời: “Không, không sao. Chúng ta hãy chuyển sang câu tiếp theo”.

Taoyuan health department staffers pack 300 sets of care packages, to be delivered to people who have been ordered to be under self-quarantine, in Taoyuan
Nhân viên phòng y tế Đào Viên đóng gói 300 gói hỗ trợ, sẽ được giao cho những người phải tự cách ly tại Đào Viên, Đài Loan, ngày 25/3/2020. (Ann Wang / Reuters)

WHO ngăn cản Đài Loan trở thành thành viên dưới áp lực từ ĐCSTQ

Phóng viên sau đó bắt đầu hỏi một câu hỏi khác về Đài Loan, khiến ông Aylward ngắt ngang cuộc gọi video.

Phóng viên gọi lại và hỏi ông Aylward chia sẻ về việc Đài Loan đã ngăn chặn virus Corona Vũ Hán như thế nào.

“Chúng ta đã nói về Trung Quốc”, ông ấy đã trả lời. “Khi xem xét qua tất cả các khu vực của Trung Quốc, bạn sẽ thấy họ thực sự đã làm rất tốt”.

Ông Aylward sau đó chào tạm biệt phóng viên và kết thúc cuộc phỏng vấn.

Người phát ngôn của WHO, ông Christian Lindmeier nói trong một tuyên bố rằng ông Aylward “đã không trả lời một câu hỏi về cách thức Đài Loan đối phó với sự bùng phát của COVID-19”.

Ông Lindmeier đã viết trong một email gửi tới The Epoch Times rằng: “Câu hỏi về việc để Đài Loan gia nhập WHO phụ thuộc vào các quốc gia thành viên của WHO, chứ không phải nhân viên của WHO. Tuy nhiên, WHO đang hợp tác chặt chẽ với tất cả các cơ quan y tế hiện đang phải đối mặt với đại dịch virus Corona Vũ Hán, bao gồm các chuyên gia y tế Đài Loan”.

“Số ca nhiễm tại Đài Loan thấp hơn so với tổng dân số tại đây. Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao bất kỳ sự thay đổi nào. WHO đang học hỏi từ tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả các cơ quan y tế Đài Loan, để chia sẻ biện pháp tốt nhất trên toàn cầu”.

Phương pháp ứng phó dịch bệnh của Đài Loan bao gồm việc xét nghiệm ca bệnh với số lượng lớn. Gần 30.000 bệnh nhân đã được thử nghiệm và hầu hết các xét nghiệm cho kết quả âm tính. Quốc đảo này có 306 bệnh nhân nhiễm viêm phổi Vũ Hán tính đến ngày 31/3. Trong đó, 39 người đã được rời khu vực cách ly và có 2 ca tử vong được ghi nhận. Số còn lại hiện vẫn đang trong giai đoạn cách ly.

Đài Loan cũng cho biết họ đã cố gắng cảnh báo WHO về COVID-19 vào năm ngoái, vốn chỉ được coi là một loại bệnh viêm phổi bí ẩn vào thời điểm đó. Gần đây, chính phủ Hoa Kỳ đã tăng hỗ trợ cho quốc đảo này.

Tedros Adhanom, director general of the World Health Organization, speaks during a meeting with Chinese Foreign Minister Wang Yi at the Diaoyutai State Guesthouse in Beijing
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO, phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 28/1/2020. (Naohiko Hatta / Pool qua Reuters)

WHO và Trung Quốc

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2017 với sự hậu thuẫn từ phía ĐCSTQ. Ông đã nhiều lần từ chối lên tiếng chỉ trích Trung Quốc và thường xuyên ca ngợi đất nước này với lý do đã “mở ra một cơ hội” cho thế giới để ngăn chặn sự lây lan của virus ĐCSTQ. Ông cũng phản đối các hạn chế đi lại, bao gồm tuyên bố của Tổng thống Donald Trump cấm nhập cảnh đối với người dân Trung Quốc vào ngày 31/1.

Né tránh việc phải đụng chạm tới ĐCSTQ, ông Tedros khiến nhiều người bất mãn và kêu gọi ông từ chức.

Trong một bài xã luận được đăng trên The Hill, hai tác giả Lianchao Han và Bradley Thayer đã viết: “Vì sự dẫn dắt của ông ấy (Tổng giám đốc WHO), thế giới có thể đã bị lỡ mất một cơ hội trọng yếu để ngăn chặn đại dịch hoặc giảm thiểu độc lực của nó”. Ông Lianchao Han là phó chủ tịch Tổ chức ‘Sáng kiến Quyền lực Công dân cho Trung Quốc’, và ông Bradley Thayer là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Texas-San Antonio.

Chỉ có một số ít quan chức WHO đã lên tiếng về việc Trung Quốc che giấu mức độ của đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Ông John Mackenzie, thuộc ủy ban khẩn cấp phụ trách xử lý virus Corona Vũ Hán, đã chỉ trích cách thức ĐCSTQ ứng phó với dịch bệnh hồi tháng trước là “rất đáng trách”.

“Chắc chắn có nhiều ca nhiễm bệnh COVID-19 hơn [số liệu được công bố] mà chúng tôi không được biết. Tôi nghĩ rằng họ đã cố gắng giữ cho các số liệu bình ổn trong một thời gian vì một số cuộc họp lớn ở Vũ Hán, nhưng tôi thấy có một khoảng thời gian hầu như không có số liệu báo cáo nào, hoặc khâu liên lạc quá kém”, ông nói.

Hầu hết các quan chức khác của WHO đều đứng về phía ông Tedros, mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ĐCSTQ đã thao túng số liệu ca nhiễm bệnh và tử vong, che giấu thông tin và tiếp tục đưa ra những tuyên bố trái ngược với bằng chứng thực tế.

Trong những ngày gần đây, chính quyền Bắc Kinh thông báo không có ca lây nhiễm mới nào ở Vũ Hán - nơi virus ĐCSTQ xuất hiện lần đầu tiên. Tuyên bố này đã bị công chúng chỉ trích vì không đáng tin cậy nhưng lại liên tục được lặp lại bởi các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới.

Một bệnh nhân được các nhân viên y tế hỗ trợ mặc quần áo bảo hộ khi anh ta ra khỏi xe cứu thương ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, vào ngày 26/1/2020. (STR / AFP qua Getty Images)
Một bệnh nhân được các nhân viên y tế hỗ trợ mặc quần áo bảo hộ khi anh ta ra khỏi xe cứu thương ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, vào ngày 26/1/2020. (STR / AFP qua Getty Images)

Các tài liệu nội bộ mà The Epoch Times có được đã nhấn mạnh cách ĐCSTQ ‘xáo trộn’ các dữ liệu và kiểm duyệt các cuộc thảo luận về dịch bệnh, những việc này càng thúc đẩy sự lây lan của căn bệnh viêm phổi Vũ Hán. Các tài liệu khác cho thấy các nhà chức trách không báo cáo các ca nhiễm COVID-19 ở Vũ Hán và Sơn Đông và đang yêu cầu các văn phòng chính quyền địa phương tiêu hủy các dữ liệu liên quan đến vụ dịch.

Wu Se-chih, trợ lý giáo sư tại Đại học Công nghệ Hàng hải Đài Bắc, nói với The Epoch Times rằng WHO đã “về phe với Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc đã làm rất tốt [trong việc chống lại virus Corona Vũ Hán]. Nhưng thực tế là đại dịch đã trở nên nghiêm trọng trên toàn thế giới”.

Vào ngày 14/1, WHO đã lặp đi lặp lại tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh về việc “không có bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người đối với virus ĐCSTQ”. Một ngày sau (15/1), ca nhiễm đầu tiên được xác nhận ở Hoa Kỳ là một người đàn ông sống ở bang Washington vừa trở về từ Vũ Hán.. Bảy ngày sau, Tân Hoa Xã đưa tin bài thừa nhận rằng việc lây truyền bệnh giữa người với người có thể xảy ra.

Một nghiên cứu chưa được hội đồng thẩm định xét duyệt, cho thấy nếu chính quyền Bắc Kinh hành động sớm hơn 3 tuần sẽ giảm được 95% trường hợp nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới, hạn chế tối đa sự lây lan của nó.

Vào tuần trước, khi được hỏi liệu mọi người có thể tin tưởng vào dữ liệu của ĐCSTQ hay không, ông Aylward đã nói với một hãng thông tấn: “Câu hỏi lớn là liệu họ có che giấu điều gì không? Không, họ không hề".

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cố vấn WHO cắt ngang cuộc gọi khi phóng viên đặt câu hỏi về Đài Loan