Chủ tịch đảng Xanh Đức cảnh báo: Trung Quốc không nói về nhân quyền, EU không nói về đầu tư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ trưởng Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Vương Nghị đang có chuyến công du tới 5 nước châu Âu, và Đức là điểm dừng chân cuối cùng. Trước khi ông Vương Nghị đến, Chủ tịch Đảng Xanh Đức đã kêu gọi chính phủ cần có lập trường mạnh mẽ đối với ĐCSTQ rằng: ĐCSTQ không nói về nhân quyền, EU sẽ không nói về đầu tư.

Vào ngày 1/9, ông Vương Nghị sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas tại Berlin .

Trước chuyến thăm của ông Vương Nghị, Đảng Xanh là đảng đối lập lớn nhất ở Đức, đã kêu gọi Bộ trưởng Ngoại giao Maas của Đảng Dân chủ Xã hội bày tỏ quan điểm rõ ràng đối với ĐCSTQ.

Chủ tịch Đảng Xanh Đức - bà Annalena Baerbock đã đưa ra lời kêu gọi lên Hạ viện rằng EU nên đặt ra các điều kiện cho các cuộc đàm phán hiệp định đầu tư với ĐCSTQ.

Bà nói rằng nếu các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ vi phạm nhân quyền, luật pháp quốc tế và từ chối cung cấp an ninh pháp lý cho các công ty châu Âu, thì Ủy ban EU phải chuẩn bị tốt, sẵn sàng từ chối các cuộc đàm phán thỏa thuận để bảo vệ lợi ích của người dân Trung Quốc và các công ty EU.

Bà Baerbock nói rằng về vấn đề nhân quyền, Luật an ninh quốc gia tại Hong Kong hiện đang vi phạm luật quốc tế hiện hành, và các cơ quan an ninh ở đó vẫn đang tiếp diễn hành vi bạo lực. Việc Bắc Kinh không ngừng gia tăng áp lực đối với Đài Loan và đàn áp nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng phải được đưa vào chương trình nghị sự.

Bà tuyên bố rằng EU cần sử dụng sức mạnh kinh tế của chính mình làm đòn bẩy. Có nghĩa là, nếu ĐCSTQ không nói về nhân quyền, thì EU không nói về đầu tư.

Hiện tại, theo sự ủy quyền của các nước thành viên, Ủy ban EU đang đàm phán với ĐCSTQ để ký kết một hiệp định đầu tư song phương có thời hạn 6 năm. Mục đích của thỏa thuận này bao gồm cải thiện các điều kiện tiếp cận cho các công ty châu Âu tại thị trường Trung Quốc và đảm bảo an ninh đầu tư.

Theo hãng thông tấn Deutsche Welle, trong nội bộ EU, những lời chỉ trích về việc ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và việc Bắc Kinh cưỡng ép thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong đang ngày một gia tăng.

Ba thành viên của Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Liên bang đã viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Maas yêu cầu có lập trường mạnh mẽ, cứng rắn đối với Trung Quốc.

Ba thành viên này cảnh báo rằng cuộc họp ngoại trưởng lần này chỉ nên trao đổi quan điểm về quan hệ song phương và quốc tế, không nên để ĐCSTQ lợi dụng làm tuyên truyền trong nước hoặc quốc tế. Về vấn đề Tân Cương và Hong Kong, các hành động của Bắc Kinh đã phá hoại một cách nghiêm trọng các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Vì vậy, bây giờ không cần phải dùng ngữ khí có kiềm chế nữa.

Trong thư nói rằng, ĐCSTQ đã trở nên ngày càng hung hăng hơn trong các vấn đề chính trị nội bộ và ngoại giao. Do đó, họ không còn khả năng trở thành một đối tác đáng tin cậy. Ngay cả khi trước mặt Đức và Châu Âu, ĐCSTQ đã không che giấu, bộc lộ rõ những yêu sách quyền lực của mình. ĐCSTQ đang cố gắng truyền bá chủ nghĩa cực quyền ở châu Âu bằng các thủ đoạn bẻ cong sự thật, tuyên bố dối trá và lợi ích tài chính.

Ba đại biểu quốc hội nhấn mạnh rằng chính phủ liên bang Đức, hiện là chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, cần có trách nhiệm đưa ra thái độ rõ ràng.

Ngoài Đức, chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Ý, Hà Lan, Na Uy và Pháp cũng gặp phải tình trạng lạnh nhạt. Ông Vương Nghị không chỉ phải đối mặt với việc các chính trị gia từ nhiều nước chất vấn về vấn đề như đàn áp nhân quyền, mà còn gặp phải tình huống xấu hổ “chuột băng qua đường, người người kêu đánh”.

Bất cứ nơi nào ông Vương Nghị đến, các cuộc biểu tình của người Hong Kong, người đại lục, nhóm người Duy Ngô Nhĩ và nhóm người Tây Tạng lưu vong ở châu Âu cũng theo sau. Khi ông Vương Nghị đến Hà Lan, đám đông còn hô vang những khẩu hiệu như "Vương Nghị là nô lệ" và "Đả đảo ĐCSTQ".

Tờ La Croix của Pháp đưa tin rằng mục đích chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ là để khôi phục lại hình ảnh bị tổn hại nghiệm trọng của ĐCSTQ kể từ khi đại dịch bùng phát. Nhưng ở châu Âu, nơi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, ai cũng nhớ rằng đại dịch này bắt nguồn từ Trung Quốc. Điều còn cần chờ xem là liệu EU, vốn đã gọi ĐCSTQ là “đối thủ cạnh tranh có tính hệ thống” kể từ năm ngoái, có thể thành công trong việc hình thành một mặt trận thống nhất chống lại ĐCSTQ bành trướng chưa từng có hay không.

Minh Thanh

Theo NTDTV



BÀI CHỌN LỌC

Chủ tịch đảng Xanh Đức cảnh báo: Trung Quốc không nói về nhân quyền, EU không nói về đầu tư