Chính quyền ông Biden hủy bài thi quốc tịch Mỹ dưới thời ông Trump

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơ quan nhập cư của Mỹ dưới chính quyền ông Biden cho biết: “Chúng tôi xác định quy trình phát triển bài thi công dân năm 2020, nội dung, thủ tục kiểm tra và lịch trình thực hiện có thể vô tình tạo ra những rào cản tiềm tàng đối với quá trình nhập tịch".

Chính quyền tân Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang hủy bỏ việc sử dụng phiên bản bài kiểm tra quốc tịch Mỹ do chính quyền cựu Tổng thống Trump đưa ra.

Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) sẽ bỏ bài kiểm tra quốc tịch Mỹ phiên bản năm 2020 và sẽ hoàn nguyên về phiên bản được phát triển vào năm 2008. Nhiều nhà phê bình đánh giá bài kiểm tra phiên bản năm 2020 quá khó.

Trong một tuyên bố, cơ quan nhập cư của Mỹ dưới chính quyền ông Biden cho biết: “Chúng tôi xác định quy trình phát triển bài thi công dân năm 2020, với nội dung, thủ tục kiểm tra và lịch trình thực hiện có thể vô tình tạo ra những rào cản tiềm tàng đối với quá trình nhập tịch".

Các quan chức cho biết, hành động này phù hợp với lệnh hành pháp của ông Biden vào ngày 2/2. Sắc lệnh này yêu cầu các quan chức xem lại các quy định cùng chính sách, và tìm xem có bất kỳ điều nào không phù hợp với việc chào đón và đón nhận người di cư hay không.

Lệnh này “chỉ đạo việc xem xét toàn diện quá trình nhập tịch để loại bỏ các rào cản và làm cho quá trình này dễ tiếp cận hơn với tất cả các cá nhân đủ điều kiện”, USCIS cho biết.

Bài kiểm tra nhập tịch từ năm 2008 đã được phát triển trong nhiều năm với đầu vào từ hơn 150 tổ chức, theo cơ quan này. Những người giúp phát triển bài kiểm tra bao gồm các chuyên gia nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2, các nhà giáo dục và sử gia.

Học viên Maria Valenzuela, 75 tuổi, đang xem lại các câu hỏi kiểm tra có thể có với sự giúp đỡ của các bạn học viên trong lớp luyện thi quốc tịch Hoa Kỳ dành cho người nhập cư, ở Perris, California, vào ngày 16/6/2016. (Robyn Beck / AFP qua Getty Images)
Học viên Maria Valenzuela, 75 tuổi, đang xem lại các câu hỏi kiểm tra có thể có với sự giúp đỡ của các bạn học viên trong lớp luyện thi quốc tịch Hoa Kỳ dành cho người nhập cư, ở Perris, California, vào ngày 16/6/2016. (Robyn Beck / AFP qua Getty Images)

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, vào cuối năm ngoái, cơ quan này đã công bố một phiên bản mới của bài kiểm tra dành cho những người muốn trở thành công dân Hoa Kỳ.

Vào thời điểm đó, bản tuyên bố cho biết: “USCIS đã sửa đổi bài kiểm tra công dân như một phần của bản cập nhật 2 năm một lần, để đảm bảo rằng nó vẫn là một công cụ đánh giá toàn diện kiến ​​thức của ứng viên về lịch sử, chính phủ và các giá trị công dân của Hoa Kỳ".

Các quan chức cho biết, phiên bản cập nhật bao gồm nhiều câu hỏi hơn về lịch sử và dân sự Hoa Kỳ, được phát triển với các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho người trưởng thành.

Số điểm bắt buộc để vượt qua bài kiểm tra không thay đổi, vẫn là 60/100. Nhưng số lượng câu hỏi đã nhiều lên: bài kiểm tra phiên bản 2008 đặt ra 10 câu hỏi cho ứng viên, còn phiên bản 2020 có 20 câu hỏi. Các ứng viên thực hiện thủ tục kiểm tra nhập quốc tịch thông qua phiên bản 2020 cũng được yêu cầu nghiên cứu 128 câu hỏi, thay vì 100 câu như lúc trước.

Những công dân tương lai đã nộp đơn xin nhập tịch vào hoặc sau ngày 1/12/2020 và trước ngày 1/3/2021, có thể chọn sử dụng phiên bản 2008 hay phiên bản 2020.

Sau ngày 1/3, tất cả các ứng viên thực hiện bài kiểm tra với phiên bản cũ.

Dù có một số người ủng hộ việc áp dụng phiên bản bài kiểm tra cũ, nhưng cũng có những người khác chỉ trích việc này.

Trong email gửi tới The Epoch Times, thư ký báo chí Matthew Tragesser của Liên đoàn Cải cách Nhập cư Mỹ cho biết: “Chính quyền ông Trump đã tìm cách cập nhật bài kiểm tra công dân để phản ánh các tiêu chuẩn cao hơn về quyền công dân. Chính quyền ông Biden dự định bỏ qua những đề xuất này và không đưa ra lời giải thích đầy đủ cho việc đảo chiều. Không rõ việc hoàn nguyên phiên bản 2008 có tác dụng gì để thúc đẩy việc đánh giá tiêu chuẩn nhập cư ở đất nước này”.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền ông Biden hủy bài thi quốc tịch Mỹ dưới thời ông Trump