Chính quyền Biden từ chối thảo luận việc tẩy chay Olympics Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà Trắng nhắc lại tuyên bố rằng chính quyền ông Biden sẽ không thảo luận về việc cùng tẩy chay Thế vận hội mùa đông Olympics Bắc Kinh 2022.

Họ nhấn mạnh, Hoa Kỳ vẫn đang lên kế hoạch tham dự sự kiện này.

Xác nhận được đưa ra vào ngày 7/4, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 6/4 cho biết ban đầu rằng họ đang thảo luận với các đồng minh xem có nên xem xét tiềm năng về một cuộc tẩy chay chung hay không. Sau đó, Bộ này đã có động thái rút lui khỏi dự định này.

Chính quyền ông Biden vẫn đồng tình với tuyên bố của chính quyền cựu Tổng thống Trump rằng Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng khi đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác. Trong cuộc họp giao ban hàng ngày, một phóng viên đã hỏi Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tại sao tuyên bố này không đưa đến bất kỳ phản ứng hay hành động nào từ phía Hoa Kỳ. Đồng thời, phóng viên này còn hỏi nước Mỹ muốn thấy điều gì từ Trung Quốc trước khi tham gia đầy đủ vào kỳ Olympics tới đây.

Thư ký Psaki trả lời: “Tôi chỉ muốn nhắc lại thật rõ ràng - quan điểm của chúng tôi không hề thay đổi trong kế hoạch tham gia của chúng tôi".

Bà giải thích: “Tuy nhiên, chúng tôi đang làm việc như khi chúng tôi giải quyết bất kỳ vấn đề nào với sự phối hợp của các đối tác và đồng minh, về một loạt mối quan tâm của chúng tôi đối với hành vi của Trung Quốc và hành động của họ, bao gồm cả việc diệt chủng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, bao gồm cả những hành động mà Trung Quốc đã thực hiện liên quan đến các bước kinh tế và an ninh. Và vì vậy, đó là điều mà chúng tôi sẽ làm trong quan hệ đối tác và phối hợp với các đối tác của chúng tôi trong khu vực".

Nữ thư ký tiếp tục: “Cũng giống như bất kỳ mối quan hệ nào, có những lĩnh vực mà chúng tôi cảm thấy có thể làm việc cùng nhau, những lĩnh vực mà chúng tôi có mối quan tâm lớn — chúng tôi nói lên những điều đó — chúng tôi không kìm hãm những điều đó, như tổng thống đã làm trong cuộc gọi của mình”.

Thư ký báo chí đề cập đến cuộc gọi mà ông Biden đã thực hiện với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng Hai.

Với những lời kêu gọi tẩy chay ngày càng gia tăng đối với hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, hôm 6/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price đã lặp lại những lo ngại về những gì mà Washington gọi là tội ác diệt chủng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực tây bắc Tân Cương, Trung Quốc.

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có đang tham khảo ý kiến ​​các đồng minh về việc có nên xem xét một cuộc tẩy chay chung tiềm năng hay không, ông Price nói trong một cuộc họp báo với giới truyền thông: “Đó là điều mà chúng tôi chắc chắn muốn thảo luận. Chúng tôi hiểu rằng cách tiếp cận phối hợp sẽ không chỉ vì lợi ích của chúng tôi mà còn vì lợi ích của các đồng minh và đối tác của chúng ta”.

Sau đó, ông Price đã làm rõ trong một email rằng ông đang đề cập đến việc Hoa Kỳ có cách tiếp cận phối hợp hơn là thảo luận cụ thể về một cuộc tẩy chay chung.

Sau đó, trong một bài đăng trên Twitter, ông cho biết không có gì mới để thông báo: "Năm 2022 vẫn còn nhiều chặng đường, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để xác định mối quan tâm chung của chúng tôi và thiết lập cách tiếp cận chung của chúng tôi với [Trung Quốc]".

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã phản hồi về ý kiến tẩy chay.

Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 7/4, ông Triệu Lập Kiên tuyên bố: “Xã hội quốc tế sẽ không chấp nhận [nó]".

Các nhóm nhân quyền đã thúc giục Ủy ban Olympics Quốc tế (IOC) dời địa điểm tổ chức kỳ Thế vận hội kế tiếp khỏi Trung Quốc, vì hành vi đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ cùng với những lo ngại về nhân quyền khác.

Một hội đồng độc lập của Liên Hợp Quốc cho biết vào năm 2018 rằng, họ đã nhận được các báo cáo đáng tin cậy rằng ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác đã bị giam giữ trong các trại ở Tân Cương.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền Biden từ chối thảo luận việc tẩy chay Olympics Bắc Kinh