Chính phủ Thái Lan ban lệnh khẩn cấp đối với cuộc biểu tình của sinh viên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tối ngày 14/10, nhóm sinh viên chống chính phủ Thái Lan đã kêu gọi hàng nghìn người đến Văn phòng thủ tướng để biểu tình, nhằm yêu cầu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ chức.

Hôm 14/10, hàng nghìn người biểu tình ở Thái Lan đã tuần hành từ Tượng đài Dân chủ đến Văn phòng Thủ tướng nhằm gây áp lực buộc ông Prayut phải từ chức. (Ảnh Twitter)
Hôm 14/10, hàng nghìn người biểu tình ở Thái Lan đã tuần hành từ Tượng đài Dân chủ đến Văn phòng Thủ tướng nhằm gây áp lực buộc ông Prayut phải từ chức. (Ảnh Twitter)

Đây là cuộc biểu tình quy mô lớn thứ 5 trên đường phố Bangkok kể từ tháng Bảy. Do không chấp nhận phản ứng của chính phủ và sự chậm trễ trong việc sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội, nhiều phong trào dân chủ của Thái Lan như nhóm ‘Tự do dân chủ (Free People)’, ‘Mặt trận liên hợp biểu tình và luật pháp (United Front of Thammasat and Demonstration)’, đã kêu gọi người dân đến trước Tượng đài Dân chủ, yêu cầu Thủ tướng Prayut từ chức, sửa đổi hiến pháp và tiến hành cải cách.

Chiều 14/10, những người biểu tình đã diễu hành đến văn phòng chính phủ. Tuy nhiên, đến tận gần tối họ mới đến nơi do phải nhiều lần đối đầu với cảnh sát trong quá trình di chuyển. Những sinh viên tham gia kháng nghị đã dựng sân khấu và hạ trại ngủ qua đêm trước văn phòng chính phủ, chuẩn bị cho cuộc kháng nghị lâu dài. Các thủ lĩnh sinh viên cũng thay nhau đọc diễn văn suốt đêm.

Đến khoảng 1 giờ sáng ngày 15/10, luật sư nhân quyền Arnon Nampha, một trong những thủ lĩnh của phong trào sinh viên bất ngờ tuyên bố kết thúc kháng nghị và yêu cầu nhóm biểu tình di chuyển từ Văn phòng Thủ tướng đến Ngã tư Ratchaprasong ở khu vực trung tâm thành phố Bangkok, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ bắt đầu tập trung vào lúc 16 giờ chiều cùng ngày.

Giao lộ Ratchaprasong là một trong những khu vực chính nơi phe áo đỏ chống chính phủ xảy ra xung đột với cảnh sát Thái Lan năm 2010. Khi đó, phe áo đỏ kêu gọi chính phủ nước này giải tán Hạ viện và tiến hành bầu cử lại. Theo các nguồn tin báo chí, khi đó đã có hơn 90 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình từ tháng 4 đến tháng 5.

Sau thông báo của Luật sư Arnon Nampha, để dập tắt cuộc biểu tình, Thủ tướng Prayut đã ngay lập tức ban hành sắc lệnh, thông báo Bangkok sẽ bước vào "tình trạng khẩn cấp" từ 4 giờ sáng ngày 15/10. Ba thủ lĩnh nổi tiếng của phong trào sinh viên là Arnon, Panupong Jadnok và Parit Chiwarak cũng lần lượt bị cảnh sát bắt ngay sau đó.

Theo sắc lệnh ‘Tình trạng khẩn cấp’ do Thủ tướng Prayut ban bố, chính phủ nước này được phép cấm tụ tập trên 5 người và cho phép nhà chức trách ngăn người dân vào "bất kỳ khu vực nào họ chỉ định". Tuy nhiên, một thanh niên tự do trong nhóm biểu tình đã đưa ra thông báo trên Facebook rằng buổi diễu hành đến Ratchaprasong vẫn sẽ được diễn ra như dự kiến.

Tuyên bố của nhóm biểu tình cũng chỉ ra rằng, hành động của chính phủ rõ ràng là không công bằng, bởi vì tụ tập là điều được cho phép ở xã hội dân chủ và cũng là một quyền cơ bản của con người. Hơn nữa, chính phủ ban bố "tình trạng khẩn cấp" không phải vì lợi ích của người dân, mà là để ngăn chặn phong trào dân chủ, nhằm duy trì quyền lực trong tay.

Ngọc Trân

Theo Sound Of Hope

 



BÀI CHỌN LỌC

Chính phủ Thái Lan ban lệnh khẩn cấp đối với cuộc biểu tình của sinh viên