'Chiến thuật vùng xám' của dân quân biển Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới phân tích Đài Loan mới đây cảnh báo về mối đe dọa từ dân quân biển Trung Quốc, một chiến thuật của Bắc Kinh nhằm "giành chiến thắng mà không cần chiến tranh".

Hai nhà phân tích Hoàng Ân Hạo và Hồng Minh Đức thuộc Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh Đài Loan mới có nghiên cứu về “Dân quân biển Trung Quốc và xung đột vùng xám”. Bài nghiên cứu cho rằng việc sử dụng dân quân biển nằm trong “chiến thuật vùng xám” của chính quyền Bắc Kinh để bảo vệ "lợi ích của Trung Quốc" mà không phải phát động chiến tranh, theo Channel News Asia.

Hai ví dụ gần đây của “chiến thuật vùng xám” là vụ nhiều tàu cá Trung Quốc đụng khu trục hạm Shimakaze của Nhật Bản vào ngày 30/3 và vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa hôm 2/4.

Trước đó vào ngày 16/3, hơn 10 tàu cá Trung Quốc cố tình đâm một tàu tuần duyên Đài Loan ở vùng biển gần quần đảo Kim Môn thuộc Đài Loan.

Lực lượng dân quân biển này được cho là hoạt động dưới sự kiểm soát và chỉ huy của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và đóng vai trò quan trọng trong việc “thiết lập sự hiện diện của Trung Quốc ở những khu vực tranh chấp”, theo hai nhà nghiên cứu Derek Grossman và Logan Ma thuộc tổ chức nghiên cứu Rand Corporation (Mỹ).

Hoạt động của dân quân biển Trung Quốc nhằm giành "chiến thắng mà không cần giao chiến" bằng cách sử dụng những đội tàu cá được Lực lượng hải cảnh và tàu chiến Trung Quốc ủng hộ phía sau để áp đảo đối phương.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy có những thời điểm có tới 200-300 tàu cá Trung Quốc xung quanh bãi đá Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các tàu này thậm chí được trang bị pháo 30mm, 76mm, nhưng trong nhiều trường hợp chúng cũng tự biến thành một loại vũ khí bằng hành động đâm, va và chạy cắt ngang các tàu nước ngoài ở khoảng cách gần.

Trong khi đó, học giả Trung Quốc Hu Bo (Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc) gây tranh luận dữ dội khi cho rằng "các nước khác đều sử dụng chiến thuật "vùng xám" này". Tuy nhiên, ông Hu Bo khẳng định Trung Quốc "không tham gia chiến thuật vùng xám" và Trung Quốc "có chủ quyền và làm đường đường chính chính trong khu vực của mình".

Tuy vậy, năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi tới thăm một làng chài ở đảo Hải Nam đã ca ngợi mô hình dân quân biển tại đây, yêu cầu nhân rộng ra toàn quốc.

Để đối phó với tình huống trên, nghiên cứu của Đài Loan cho rằng nước này nên tăng cường tương tác và hợp tác với các lực lượng tuần duyên trong khu vực. Ngoài ra, nghiên cứu còn khuyến nghị Đài Loan nên đóng thêm các khinh hạm (tàu chiến loại nhỏ) có khả năng tác chiến cao để ứng phó với “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc.

Chiến thuật vùng xám là gì?

"Chiến thuật vùng xám" (grey zone) được định nghĩa là hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức chiến tranh, không tạo cớ cho xung đột xảy ra, để các nước khác không có cớ can thiệp quân sự chính thức. Dưới chiến thuật này, các nước có thể dùng lực lượng quân sự núp bóng các lực lượng dân sự hoạt động. Ngoài ra, còn kết hợp với một số chiến thuật khác như chiến tranh tâm lý, pháp lý, tuyên truyền..., nhằm biến một vùng từ không tranh chấp thành tranh chấp.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

'Chiến thuật vùng xám' của dân quân biển Trung Quốc