CEO của BioNTech: Năm 2022 có thể cần đến một loại vaccine COVID-19 khác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người đứng đầu công ty BioNTech khẳng định, năm 2022 có thể cần đến loại vaccine mới để chống lại “thế hệ tiếp theo” của các biến thể COVID-19.

BioNTech là công ty hợp tác cùng với hãng dược Pfizer để phát triển ra một trong những loại vaccine COVID-19 phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.

Trao đổi với Financial Times, Giám đốc điều hành (CEO) BioNTech là ông Ugur Sahin nói rằng, các chủng biến thể mới của virus Corona Vũ Hán gây ra đại dịch COVID-19 có khả năng kháng lại tác dụng của vaccine. Hôm 4/10, ông cho biết: “Chúng ta không có lý do gì để cho rằng hệ thống miễn dịch sẽ dễ xử lý dạng virus thế hệ kế tiếp hơn so với thế hệ hiện có. Trong năm nay, hoàn toàn không cần đến [một loại vaccine khác]. Nhưng đến giữa năm sau, nó có thể sẽ là một tình huống khác”.

Không đề cập đến dữ liệu cho thấy rằng “hệ miễn dịch tự nhiên” có thể bảo vệ tốt hơn và lâu dài hơn chống lại COVID-19, CEO Sahin nhận định, các loại vaccine ngừa virus Corona Vũ Hán tiếp theo sẽ phải được “điều chỉnh” cho phù hợp với những thay đổi sắp tới đối với loại virus này. Ông Sahin nói: “Loại virus này sẽ ở lại, và virus sẽ thích nghi hơn nữa. Chúng ta không có lý do gì để cho rằng hệ thống miễn dịch sẽ dễ xử lý dạng virus thế hệ kế tiếp hơn so với thế hệ hiện có. Đây là một quá trình tiến hóa liên tục, và sự tiến hóa đó chỉ mới bắt đầu”.

Các giám đốc điều hành các công ty dược phẩm khác, bao gồm cả Giám đốc điều hành Pfizer là ông Albert Bourla, cũng dự đoán các biến thể mới có khả năng chống lại các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có. Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News gần đây, ông Bourla nói: “Kịch bản có khả năng xảy ra nhất đối với tôi là, vì virus lây lan trên toàn thế giới, nên nó sẽ tiếp tục chứng kiến ​​những biến thể mới sắp ra mắt. Ngoài ra, chúng ta sẽ có những loại vaccine có thời hạn sử dụng ít nhất một năm, và tôi nghĩ rằng tình huống có thể xảy ra nhất là cần tiêm chủng hàng năm, nhưng chúng ta không thực sự biết. Chúng ta cần chờ xem dữ liệu”.

Trong suốt nửa cuối năm 2021, các quan chức y tế thế giới, người đứng đầu các tập đoàn và các phương tiện truyền thông đã thường xuyên cảnh báo về biến thể COVID-19 Delta. Họ thường trích dẫn chủng này như một lý do để thực hiện nhiều lệnh cấm vận hơn, đặt ra yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine cho người đi làm, đề ra hộ chiếu vaccine, và các biện pháp khác.

Tại Israel - một trong những quốc gia được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới - các quan chức Israel cho biết, người dân nước này sẽ phải tiêm mũi vaccine COVID-19 nhắc lại, hoặc liều thứ 3, sau 6 tháng để được coi là đã được tiêm chủng đầy đủ. Điều đó có nghĩa là, những cá nhân chưa được tiêm mũi 3 sẽ bị từ chối nhập cảnh hoặc phục vụ tại một số cơ sở kinh doanh như nhà hàng, phòng tập thể dục hoặc địa điểm thể thao, vì chính phủ Israel yêu cầu mọi người xuất trình giấy tờ chứng minh việc tiêm chủng, được gọi là “thẻ xanh”.

Israel là quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào mũi tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới đặt ra quy định bắt buộc tiêm mũi vaccine thứ 3 trong hộ chiếu tiêm chủng kỹ thuật số.

Các bình luận được đưa ra sau khi một nghiên cứu BioRxiv gần đây cho kết quả rằng, nhiều người tiêm vaccine Pfizer-BioNTech có dấu hiệu cho thấy kháng thể ngừa COVID-19 và các dạng biến thể của họ đã suy yếu đáng kể, bao gồm các chủng Delta, Beta và Mu. Nghiên cứu này được công bố trước khi thông qua hội đồng đánh giá đồng cấp.

Trao đổi với hãng tin Reuters, các nhà nghiên cứu Bali Pulendran của Đại học Stanford và Mehul Suthar của Đại học Emory nói rằng, nghiên cứu này cho thấy “việc tiêm vaccine Pfizer-BioNtech tạo ra một lượng lớn kháng thể trung hòa so với chủng vaccine ban đầu, nhưng những mức độ này giảm gần 10 lần sau 7 tháng”.

Các quan chức của Pfizer và BioNTech đã không trả lời ngay đề nghị bình luận bổ sung của The Epoch Times.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

CEO của BioNTech: Năm 2022 có thể cần đến một loại vaccine COVID-19 khác