‘Cắt giảm thuế 2.0’ có thể bao gồm giảm thuế suất cho tầng lớp trung lưu. Ai sẽ là người được lợi nhất?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không có gì là ngạc nhiên nếu trong năm tới, một dự thảo được đề xuất về việc cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu sẽ xuất hiện từ Nhà Trắng...

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, cố vấn chính sách kinh tế hàng đầu của ông Trump nói rằng Tổng thống muốn biến ý tưởng giảm thuế cho những người Mỹ có thu nhập trung bình - gói “Cắt giảm thuế 2.0” - thành một vấn đề bầu cử. Tuy nhiên một trong những ý tưởng ban đầu - giảm thuế suất cận biên từ 22% xuống 15% - có thể đã không đạt được kết quả như mong đợi.

Daniel Bunn, giám đốc các dự án toàn cầu của Quỹ thuế (Tax Foundation) - một nhóm nghiên cứu chính sách thuế độc lập, cho biết: “Hành động đó thực sự chẳng có ý nghĩa gì nhiều đối với việc giảm thuế cho tầng lớp trung lưu”.

Ông Bunn nói: “Nếu việc cắt giảm thuế suất không thực sự tích lũy cho họ, thì có thể xem xét tới việc mở rộng điều kiện nhận các khoản hoàn thuế như là một cách thức trực tiếp hơn cho việc cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu”.

Các nhà phê bình cho biết, đợt cắt giảm thuế đầu tiên dưới thời chính quyền Trump - được thực hiện thông qua Đạo luật Việc làm và Cắt giảm thuế năm 2017 - phần lớn mang lại lợi ích cho người giàu trong năm đầu tiên có hiệu lực.

Trung bình, các hộ gia đình Mỹ đã trả ít hơn khoảng 1.300 đô la thuế thu nhập cá nhân trong năm 2018 so với luật trước đây, theo ước tính từ Trung tâm chính sách thuế. Khoảng 65% hộ gia đình trả ít hơn, 6% trả nhiều hơn và 29% còn lại giữ nguyên.

Tuy nhiên, khi chia nhỏ theo thu nhập thì bức tranh sẽ thay đổi đáng kể: Các hộ gia đình có thu nhập ít hơn 25.000 đô la được giảm thuế trung bình khoảng 40 đô la; các hộ có thu nhập từ khoảng 48.000 đến 86.000 đô la được giảm khoảng 800 đô la; còn đối với những hộ có thu nhập 733.000 đô la trở lên (top 1%) sẽ tiết kiệm được khoảng 33.000 đô la tiền thuế.

Vào giữa tháng 11, Larry Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump, đã phát biểu trong chương trình “Closing Bell” của đài CNBC, rằng mọi kế hoạch cho cắt giảm thuế 2.0 “hiện đang trong giai đoạn sơ bộ”.

Kudlow, giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia, cho biết: “Kế hoạch này sẽ không thể hoàn thành chỉ trong một vài tháng, và nó sẽ được ban hành như một tài liệu ủng hộ tăng trưởng chiến lược cho chiến dịch này. Chúng tôi muốn thấy những người có thu nhập trung bình sẽ chỉ phải đóng mức thuế thấp nhất có thể”.

Ông cũng nói: “Không biết liệu chúng ta có thể đánh thuế ở mức 15% đối với tầng lớp trung lưu hay không. Đối với tôi đó là một ý tưởng khá hay”.

Mặc dù không có sự chắc chắn nào về việc liệu mức thuế suất đó có được đưa vào hay không, nhưng nhóm của Bunn đã kiểm tra hiệu quả của việc giảm thuế suất cận biên từ mức 22% như hiện tại xuống còn 15%. (Các tỷ lệ hiện có khác, áp dụng cho các khung thu nhập nhất định, là 10%, 12%, 24%, 32%, 35% và 37%).

Nói tóm lại, trong khi trị giá thuế cắt giảm sẽ là 770 tỷ đô la tính đến năm 2025, lợi ích cho tầng lớp trung lưu sẽ là tối thiểu vì không có nhiều thu nhập của họ bị đánh thuế ở mức 22%. Đối với người độc thân, tỷ lệ đó áp dụng cho thu nhập chịu thuế (sau tất cả các khoản khấu trừ và tín dụng) là từ 39.476 đến 84.200 đô la vào năm 2019. Đối với các cặp vợ chồng, phạm vi là từ 78.951 đến 168.400 đô la.

Thu nhập hộ gia đình trung bình của Mỹ là khoảng 63.200 đô la, theo số liệu của Cục điều tra dân số Mỹ.

“Thu nhập sau thuế của tầng lớp trung lưu có thể cải thiện đôi chút, nhưng chỉ là 0,001%” - ông Bunn cho biết.

Phân tích của Tax Foundation chỉ ra rằng những người giàu có nhất sẽ lại được hưởng lợi nhiều nhất. 90-95% số người đóng thuế sẽ thấy thu nhập sau thuế tăng 2,45%.

Top 1% người giàu sẽ nhận được thêm 0,4% - một lợi ích nhỏ, nhưng vẫn hơn 80% số người lao động.

Lý do là vì bất kể tổng thu nhập của một người là bao nhiêu, thì phần tiền nào rơi vào khung nào cũng đều sẽ bị áp một mức thuế riêng.

Nói cách khác, cho dù một người có thu nhập 20.000 đô la hay là 2 triệu đô la, thì thuế suất liên bang thấp nhất - 10% - sẽ áp dụng cho một phần nhất định của khoản thu nhập đó (từ 0 đến 19.400 đô la cho một cặp vợ chồng, và có thể lên tới 9.700 đô la cho người độc thân). Mức thuế suất tiếp theo (12%) sẽ áp dụng cho một phạm vi thu nhập khác... và mức cao nhất là 37% sẽ áp dụng cho những khoản thu nhập trên 612.351 đô la (đối với các cặp vợ chồng) và 510.301 đô la (đối với người độc thân).

Trong khi đó, một yếu tố khác được đưa vào cuộc thảo luận về Cắt giảm thuế 2.0 là việc mức thuế suất hiện tại và một loạt các thay đổi khác ảnh hưởng đến người nộp thuế cá nhân sẽ mãn hạn vào năm 2025. Ngược lại, giá hợp tác đã giảm vĩnh viễn từ 35% xuống còn 21% trong luật thuế năm 2017.

Ông Bunn cho biết: “Nói chung, chính sách thuế ổn định sẽ hiệu quả hơn từ góc độ chính sách so với việc áp dụng tạm thời hoặc tùy vào tình hình”.

Ông cũng nói thêm rằng sự đánh đổi sẽ là những thách thức về doanh thu được tạo ra cho chính phủ liên bang. Nhóm của ông ước tính rằng nó sẽ tiêu tốn 638 tỷ đô la trong 10 năm tới nếu việc cắt giảm thuế cá nhân hiện tại được thực hiện vĩnh viễn.

Đạo luật Việc làm và Cắt giảm thuế được dự kiến ​​sẽ thêm khoảng 1,5 nghìn tỷ đô la vào thâm hụt quốc gia trong vòng một thập kỷ.

Thanh Hương (biên dịch)

Theo cnbc.com



BÀI CHỌN LỌC

‘Cắt giảm thuế 2.0’ có thể bao gồm giảm thuế suất cho tầng lớp trung lưu. Ai sẽ là người được lợi nhất?