Cái giá thực sự của thuốc trừ sâu là không thể trả

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong hai thập kỷ qua, Liên minh châu Âu đã cấm nhiều thành phần hoạt chất thuốc trừ sâu vì những ảnh hưởng tiêu cực của chúng đến sức khỏe và môi trường. Với việc các công ty hóa chất hàng đầu toàn cầu hiện đang tìm kiếm thị trường mới để chinh phục, các nước đang phát triển cần phải tự kiểm soát chặt chẽ hơn nữa.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nền nông nghiệp công nghiệp đang mang lại nhiều tác hại cho hành tinh và con người. Đặc biệt, thuốc trừ sâu hóa học có hại đang ngày càng đe dọa đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Cùng với phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu cung cấp nhiên liệu cho hệ thống nông nghiệp công nghiệp - và việc sử dụng chúng đang gia tăng đều đặn ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Tập bản đồ côn trùng mới nhất của Heinrich Böll Foundation cho thấy việc sử dụng thuốc trừ sâu toàn cầu hàng năm đã tăng từ khoảng ba triệu tấn vào đầu thiên niên kỷ lên hơn bốn triệu tấn ngày nay. Doanh số bán thuốc trừ sâu toàn cầu đạt 56,5 tỷ euro (65,4 tỷ USD) trong năm 2018 và có thể tăng cao tới 82 tỷ euro vào năm 2023.

Mặc dù một số cơ quan quản lý quốc gia đang ngày càng lo ngại về những rủi ro sức khỏe phát sinh từ dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm, chính phủ ở khắp mọi nơi lại đang đánh giá thấp ảnh hưởng của những sản phẩm này đối với các sinh vật không phải mục tiêu của nó. Thuốc trừ sâu có thể tồn tại trong môi trường trong nhiều thập kỷ và đe dọa toàn bộ hệ sinh thái. Việc sử dụng quá mức và sử dụng sai mục đích thuốc trừ sâu dẫn đến ô nhiễm tài nguyên đất và nước, làm giảm đa dạng sinh học, phá hủy các quần thể côn trùng có lợi và làm cho thực phẩm của chúng ta kém an toàn.

Quần thể côn trùng giảm dần đã trở thành một chủ đề nóng ở châu Âu kể từ khi một nghiên cứu vào năm 2017 tiết lộ rằng, ở một số vùng của Đức, hơn 75% côn trùng bay đã biến mất trong ba thập kỷ trước. Ngay sau đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney ước tính rằng 41% tất cả các loài côn trùng trên toàn thế giới đang suy giảm, và một phần ba bị đe dọa tuyệt chủng.

Những nghiên cứu này cung cấp cái nhìn đầu tiên về một xu hướng môi trường đáng lo ngại. Dữ liệu khoa học dài hạn về quần thể côn trùng là rất hiếm, và nó hầu như không tồn tại ở các khu vực nơi tốc độ công nghiệp hóa nông nghiệp đang tăng tốc, như châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Chính xác là những vùng này đặc biệt dễ bị tổn thương bởi thuốc trừ sâu nguy hiểm.

Trong hai thập kỷ qua, sau các cuộc biểu tình và chiến dịch công khai, Liên minh châu Âu đã cấm nhiều hoạt chất thuốc trừ sâu có hại. Tuy nhiên, xu hướng sử dụng thuốc trừ sâu ở châu Âu không đồng nhất: Một số nước châu Âu, như Đan Mạch, sử dụng thuốc trừ sâu ít hơn, trong khi những nước khác, như Ba Lan, sử dụng chúng nhiều hơn. Tuy nhiên, nhìn chung, các quy định khó khăn hơn và nhu cầu giảm đã khiến thị trường châu Âu mang lại ít lợi nhuận hơn cho các nhà sản xuất thuốc trừ sâu hàng đầu toàn cầu.

Bốn nhà sản xuất lớn nhất - BASF và Bayer tại Đức, công ty Syngenta có trụ sở tại Thụy Sĩ và Corteva Agriscience, trước đây là bộ phận nông nghiệp của DowDuPont - cùng chiếm hai phần ba thị trường thuốc trừ sâu toàn cầu và đang tìm kiếm nguồn doanh thu mới. Họ đang nhắm mục tiêu vào các nước đang phát triển, nơi các ngành nông nghiệp đang chịu áp lực phải nuôi sống dân số ngày càng tăng trong khi thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Ở đây, các nhà sản xuất chính được hưởng lợi từ một thực tế là các tiêu chuẩn thuốc trừ sâu tương đối nghiêm ngặt được thi hành bởi các chính phủ châu Âu chỉ được sử dụng trong biên giới của họ. Họ đã không chuyển thành các hạn chế trong sản xuất và xuất khẩu thuốc trừ sâu có hại từ EU sang các nước khác. Miễn là các thành phần được phê duyệt ở một quốc gia OECD, các công ty EU có thể sản xuất và xuất khẩu thuốc trừ sâu có chứa chúng - bất kể chúng được khoa học chứng minh là có hại cho sức khỏe con người hay môi trường.

Ở Kenya, ví dụ, một phần ba các thành phần hoạt chất thuốc trừ sâu được đăng ký không được chấp thuận ở châu Âu vì ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe hoặc môi trường. Theo Cơ sở dữ liệu thuộc tính thuốc trừ sâu được duy trì bởi Đại học Hertfordshire như một phần của dự án FOOTPRINT do EU tài trợ, 77% các sản phẩm thuốc trừ sâu ở Kenya được phân loại là gây ung thư, gây đột biến, gây rối loạn nội tiết hoặc gây độc thần kinh hoặc có tác dụng rõ ràng đối với sinh sản. Ngoài ra, 32% thuốc trừ sâu có sẵn trong nước là độc hại với ong và hơn một nửa là độc hại đối với cá.

Châu Âu là nhà xuất khẩu thuốc trừ sâu lớn thứ hai sang Kenya, sau Trung Quốc, và gần 60% các sản phẩm châu Âu được đăng ký tại nước này được sản xuất bởi BASF, Bayer và Syngenta. Một cuộc điều tra của Public Eye cho thấy hơn một phần ba doanh số bán thuốc trừ sâu do BASF, Bayer, Corteva Agriscience, FMC và Syngenta sản xuất có chứa các hóa chất độc hại đối với sức khỏe hoặc môi trường.

Thật không may, quy định về thuốc trừ sâu là yếu ở nhiều nước thuộc miền Nam toàn cầu. Và bởi vì các sản phẩm này ngày càng có sẵn, nông dân địa phương có xu hướng sử dụng chúng mà không xem xét các lựa chọn thay thế an toàn hơn.

Ngay cả khi thuốc trừ sâu có thể được sử dụng một cách an toàn, nông dân, nhà điều hành và thương nhân thường thiếu các kỹ năng đọc viết để tuân theo các hướng dẫn và ghi nhãn, đặc biệt nếu chúng không được in theo phương ngữ địa phương.

Những trở ngại như vậy, cùng với chi phí cao cho các thiết bị bảo vệ cá nhân, có thể khiến cho việc sử dụng các hướng dẫn "sử dụng an toàn” trở nên vô dụng. Ngoài ra, ở nhiều nước đang phát triển, cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm kém có nguy cơ làm tệ hơn an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Thông qua một kiến ​​nghị tại quốc hội Kenya, các tổ chức môi trường và y tế đã yêu cầu kiểm soát thuốc trừ sâu nghiêm ngặt hơn và rút các hoạt chất được chứng minh là có hại. Các thành viên trong ngành này đã dán nhãn cho những nỗ lực của các tổ nhóm này là phản khoa học - và cho rằng thuốc trừ sâu là không thể thiếu để chống lại nạn đói toàn cầu - một luận điệu êm tai nhưng sai lầm. Những lập luận dễ hiểu mà bỏ qua những lo ngại dựa trên bằng chứng về thuốc trừ sâu sẽ đơn giản là cho phép các nhà sản xuất hàng đầu tiếp tục thu lợi nhuận từ ngành kinh doanh này như thường.

Thay vào đó, chúng ta cần một cuộc thảo luận nghiêm túc về các phương pháp thay thế để trồng thực phẩm an toàn trong một hệ thống nông nghiệp bền vững mà đặt ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường. Như các quy định của EU và kiến ​​nghị của Kenya đã chỉ ra, thay đổi có ý nghĩa sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo chính trị phối hợp. Mọi người đều có quyền đối với thực phẩm an toàn và môi trường lành mạnh.

Theo một nghiên cứu sâu của Wenjun Zhang, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu thuốc trừ sâu lớn nhất thế giới. Ô nhiễm thuốc trừ sâu trong không khí, nước và đất, và cái chết do thuốc trừ sâu ở Trung Quốc đã rất nghiêm trọng trong những năm qua.

Tâm Minh

Thế giới


BÀI CHỌN LỌC

Cái giá thực sự của thuốc trừ sâu là không thể trả