Các ứng viên thủ tướng Đức đều chống Trung Quốc, chính trường Đức khiến Bắc Kinh toát mồ hôi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính trường Đức, vốn luôn thân Bắc Kinh, nay đã bắt đầu có sự đảo chiều. Ông Armin Laschet - ứng viên thủ tướng của Đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức và bà Annalena Baerbock - ứng viên Đảng Xanh Đức đều thể hiện lập trường chống Trung Quốc. Các chính trị gia đều đưa ra cảnh báo về ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với nền kinh tế toàn cầu, và kêu gọi một liên minh xuyên Đại Tây Dương với Hoa Kỳ để chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Văn phòng Hợp tác xuyên Đại Tây Dương của Chính phủ Đức, ấn phẩm kỷ niệm “Den neuen Westen schmieden” (tạm dịch: Gây dựng phương Tây mới” sẽ được xuất bản. Theo truyền thông Đức Handelsblatt, ông Laschet đã nhận lời mời viết bài cho ấn phẩm này.

Trong đó, ông đưa ra đề xuất rằng các cơ quan tổ chức của Châu Âu nên hành động, Châu Âu và Mỹ nên đi đầu trong lĩnh vực số hóa và đạt được thỏa thuận về các tiêu chuẩn kỹ thuật mới. Ông cũng nói rằng Bắc Kinh không chỉ là đối tác đàm phán và đối thủ cạnh tranh, mà còn là đối thủ về thể chế. Trước đó, ông cũng từng kêu gọi "liên minh với Mỹ, chống lại Trung Quốc".

Ông Peter Beyer, Điều phối viên của Văn phòng Hợp tác xuyên Đại Tây Dương, nói thêm rằng mọi người đã đánh giá thấp Trung Quốc quá lâu và chúng ta hiện đang phải đối phó với một chế độ độc tài thành công về mặt kinh tế. Ông cũng lo lắng về sáng kiến ​​"Một vành đai, Một con đường" (BRI) của Trung Quốc. Ông Beyer chỉ ra rằng việc duy trì lập trường trung lập đối với các vấn đề Trung Quốc là ngây thơ và nguy hiểm. Vì vậy, các nước phương Tây nên phát huy giá trị chung của mình một cách mạnh mẽ hơn.

Ứng viên thủ tướng số 1 của Đảng Xanh Đức cũng có lập trường chống Bắc Kinh

Bà Annalena Baerbock, ứng viên Đảng Xanh chạy đua vào vị trí Thủ tướng Đức, cũng đã kêu gọi giữ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Bà nói rằng mối quan hệ giữa Châu Âu và Trung Quốc có thể nói là một "cuộc cạnh tranh giữa chế độ dân chủ tự do và chế độ độc tài". Vì vậy, người Châu Âu phải hiểu rằng việc Trung Quốc sử dụng BRI để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và mạng lưới năng lượng trên khắp thế giới, chính là đang bành trướng thế lực một cách trắng trợn.

Ứng viên Baerbock ủng hộ Châu Âu hợp tác với Hoa Kỳ trong khi giải quyết cuộc cạnh tranh chế độ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Bà cho rằng, nên cân bằng giữa "đối thoại và cứng rắn" khi giao thiệp với Trung Quốc.

Vào ngày 26/4, theo kết quả thăm dò được công bố bởi tờ Báo ảnh Chủ nhật (Bild am Sonntag), sự ủng hộ của người dân Đức đối với Đảng Xanh là 28% - đứng đầu trong số các đảng chính trị, nhỉnh hơn 1% so với Đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức mà bà Angela Merkel hiện đang làm Chủ tịch. Bà Merkel đã giữ chức Thủ tướng Đức từ tháng 11/2005, và hơn hai năm trước bà tuyên bố rằng sẽ chỉ làm hết nhiệm kỳ này.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức cảnh báo

Bên cạnh đó, bà Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cảnh báo rằng, không nên quá phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Bà nói, Trung Quốc có tham vọng địa chính trị, và gần như chưa từng nghĩ tới việc mở cửa xã hội, hay coi trọng nhân quyền và dân chủ. Bà chỉ trích việc chính quyền Bắc Kinh không muốn một chuỗi cung ứng công bằng và tuân thủ luật lệ, mà họ muốn kiểm soát thị trường và các hoạt động chính trị của các quốc gia khác, bao gồm cả Châu Âu, tất nhiên trong đó có cả Đức.

Cuối năm ngoái, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thúc đẩy Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc đạt được thỏa thuận đầu tư. Nhưng khi Tổng thống Mỹ Joe Biden mới nhậm chức, ông đã ngay lập tức chọn Châu Âu là điểm đến trong chuyến công du đầu tiên, với hy vọng đoàn kết Châu Âu để chống lại Trung Quốc. Bắc Kinh đã tự làm rối mình và “Hiệp định Đầu tư Trung - Âu” đang tạm thời bị đóng băng. Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay cũng đồng thuận hợp tác chặt chẽ về chính sách đối phó với Trung Quốc. Liên minh chống Trung Quốc trên toàn cầu hiện đang hình thành.

Nhà lập pháp Đức và các quốc gia khác đề xuất tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022

Các nhà lập pháp từ 10 quốc gia và EU đã đề xuất tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 vì cách đối xử tàn bạo của ĐCSTQ đối với công dân Trung Quốc, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và người Hong Kong.

Vào ngày 7/6, Liên minh Nghị viện xuyên quốc gia về Chính sách Trung Quốc (IPAC) đã ban hành một tuyên bố cho biết, trước tình trạng vi phạm nhân quyền phổ biến ở khu vực người Duy Ngô Nhĩ và các nơi khác của Trung Quốc, các nhà lập pháp sẽ đề xuất một loạt hành động trong quốc hội nước mình để nhắm vào Thế vận hội Mùa đông 2022 của Bắc Kinh.

Trong tuyên bố khởi xướng sáng kiến ​​này, IPAC nhấn mạnh rằng, hành vi tiếp tục vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của ĐCSTQ không phù hợp với các nguyên tắc của Thế vận hội. Vì “Thế vận hội là cơ hội để mọi người từ khắp nơi trên thế giới đoàn kết lại để tôn vinh thể thao, tình hữu nghị và sự đoàn kết. Những hoạt động như vậy phải vượt qua sự bất đồng về quốc gia và chính trị”.

Hoa Kỳ, Đức, Canada, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch, Ý, Cộng hòa Séc, Litva và đại diện các quốc gia thành viên EU khác đều đã tham gia sáng kiến ​​lập pháp này. Họ kêu gọi các nước cùng từ chối lời mời tham dự Thế vận hội Mùa đông của Bắc Kinh.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Các ứng viên thủ tướng Đức đều chống Trung Quốc, chính trường Đức khiến Bắc Kinh toát mồ hôi